“Biên bản thặng dư”- Những vần thơ nhân cách

839

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 1-11, tại Hội trường Liên hiệp Các hội VHNT  TPHCM, nhà thơ Phùng Hiệu ra mắt tập thơ Biên bản thặng dư (NXB Hội Nhà văn) với sự tham dự nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi.

Nhà thơ Phùng Hiệu trong buổi ra mắt tập thơ Biên bản thặng dự

Tham dự buổi ra mắt tác phẩm mới của nhà thơ Phùng Hiệu có nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM; Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM,  nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cùng hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: Phạm Sỹ Sáu, Phan Hoàng và đông đảo đồng nghiệp, các bạn yêu thơ.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VHNT TPHCM đã đến dự và chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Phùng Hiệu

Tập thơ Biên bản thặng dư là tác phẩm thứ 5 sau các tập thơ: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Trong thế giới ngụy trang, Dấu chân biển cả. Biên bản thặng dư được NXB Hội Nhà văn cấp phép với 41 bài thơ viết về những con người lao động, về giai cấp công nhân, về những mảnh đời bất hạnh, những số phận hẩm hiu, những con người bị bóc lột sức lao động thặng dư nhưng được hợp thức hóa bằng những bản hợp đồng tiến độ, bằng cam kết tự nguyện tăng ca, bị ràng buộc vào những văn bản pháp lý kinh tế để làm việc cả ngày lẫn đêm trên công trường, nhà máy, xí nghiệp mà cuộc sống của họ vẫn nghèo nàn, thiếu thốn không thể tự đổi thay được số phận cuộc đời. Chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ, nhà thơ Phùng Hiệu cho biết, tập thơ Biên bản thặng dư được anh sáng tác trong thời gian 5 năm.

Ban Nhà văn nữ – Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa cho nhà thơ Phùng Hiệu

Là người làm lĩnh vực xây dựng, Phùng Hiệu đã đến đi tận công trường, len vào các công ty, xí nghiệp, nhà máy để tận mắt chứng kiến đời sống của những người công nhân lao động khổ sở.

Nhà thơ đã nhìn thấy được “những mảnh đời loang lổ dấu chân đêm” từ những em bé đánh giày trên vỉa hè Thành phố đến những góa phụ quét rác thâu đêm, anh công nhân tăng ca về sáng… Xót xa hơn, anh còn nhìn thấy được cái chết của anh thợ xây trên công trường do tai nạn, hay sinh mạng của chị công nhân bị cướp đi trong khu rừng cao su lạnh vắng.

Nhà văn Trần Nhã Thụy – Uỷ viên BCH – Trưởng Ban Nhà văn trẻ tặng hoa và chúc mừng nhà thơ Phùng Hiệu

Từ những hình ảnh đau đáu đó, nhà thơ Phùng Hiệu đã kết đúc ngôn từ phản ánh  hiện thực xã hội bằng chất liệu thi ca, mạnh mẽ lên án giá trị thặng dư và đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của giai cấp lao động đang bị bào mòn sức lực để làm giàu cho những ông chủ, những tập đoàn kinh tế quy mô.

Biên bản thặng dư tuy mang tính thời sự xã hội cao nhưng không hề khô khan, những câu thơ khơi lên trong người đọc nhiều xúc động. Nhà thơ Khánh Chi nhận xét: “Trong thơ của Phùng Hiệu, nổi trôi những bình minh và trăng sáng ấy trên phận người, lại khiến nó ngân lên một nỗi buồn khó tả. Và thế là những bài thơ từ những ý tưởng tưởng như chỉ có thể là phóng sự, đã thật sự trở thành những bài thơ lay động”.

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đánh giá cao nhà thơ Phùng Hiệu ở trách nhiệm công dân – Ảnh Sơn Hồ

Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nhận định: “Phùng Hiệu là một trong số ít những nhà thơ luôn dấn thân vào đời sống xã hội. Tính xã hội trong thơ Phùng Hiệu rất cao. Qua tất cả các bài thơ mà anh sáng tác, dấu ấn đời sống xã hội trong từng thời kỳ rất rõ. Anh từng có tập thơ Dấu chân biển cả, mang tính thời sự và tính chiến đấu rất cao. Và mới đây là Biên bản thặng dư”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại buổi ra mắt

Phát biểu trong buổi ra mắt,  Phạm Sỹ Sáu Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đưa cao tập thơ của Phùng Hiệu lên và khẳng định: “Đây cũng là giá trị thặng dư mà anh Phùng Hiệu nhận được từ quá trình lao động cật lực cùng người lao động. Dưới góc nhìn của nhà thơ, mọi thứ không chỉ là ca tụng về tình yêu đôi lứa mà ở đó còn có những ánh mắt nhìn thẳng vào dòng chảy chân thực của đời sống hiện tại, tình cảm rất đáng quý và trân trọng của nhà thơ Phùng Hiệu dành cho những người đã tạo ra thặng dư cho cuộc đời này”.

Nhà thơ Phan Hoàng – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM chia sẻ về tập thơ Biên bản thặng dư

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – nhà thơ Phan Hoàng cho rằng: “Đọc tập thơ Biên bản bản thặng dư tôi nhận thấy Phùng Hiệu đã hoàn toàn thay đổi. Anh rẽ sang một hướng đi mới, dám đối diện với hiện thực để lên tiếng bảo vệ, đấu tranh và đứng về phía tầng lớp của giai cấp lao động. Thơ của Phùng Hiệu ngày càng chắc tay và Biên bản thặng dư tạo cho tôi sự kinh ngạc”.

Minh Yến – Tường Vy

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ ra mắt: