Thanh hương trà – Truyện ngắn của Vũ Tuấn Hoàng

1055

Vũ Tuấn Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai chúng tôi ngồi trên một mỏm đá nhô ra phía biển. Xa xa, những đốm sáng rải rác của các con thuyền đánh cá đêm trông như ánh phản quang của các vì sao đang rì rầm dịch chuyển trong dải thiên hà vô tận.

Tranh minh họa – Tác giả Lê Phi Hưng

(Dựa theo lời kể của bác sĩ Kh.)

“Chỉ sau một đêm, mình đã trở thành kẻ giết người bị truy nã”

Ý nghĩ này vẫn có gì đó xa lạ với ông và thảm kịch vừa qua hình như chỉ là một cơn ác mộng. Bác sĩ Văn đứng bên cửa sổ phòng khám, điếu thuốc hút dở kẹp giữa hai ngón tay ám khói vàng xỉn. Ánh mắt ông lơ đãng nhìn xuống cầu thang huyền thoại Pochomkin phủ rêu phong của thời gian, của nắng và gió biển Đen. Xa hơn, toàn bộ khu cảng chính phơi mình lồng lộng dưới ánh nắng mặt trời phương nam như bộ ngực trần nở nang của chàng lính thủy hạm đội biển Đen.

Ông vẫn không lý giải nổi tại sao thảm kịch lại xảy ra với chính mình, chính vào ngày hôm đó, trong một thời điểm mà cuộc sống đang ở đỉnh cao của sự thành đạt. Tuy không tin vào mê tín, nhưng bằng linh cảm ông vẫn đinh ninh rằng, có “ai đó”, một thế lực bí ẩn nào đó, mà người trần mắt thịt không nhìn thấy được, đang từ xa điều khiển cuộc sống của mỗi con người, mỗi sinh linh trên hành tinh này. Nhưng liệu vận đen này có liên quan gì tới việc ông dan díu với nữ ý tá Oksana hay không? Chính lúc đó, cô ấy quay sang ôm hôn ông và tiết lộ tin cô đã có thai, rồi kiên quyết cho rằng nó sẽ là con trai. Ông đã lãng đi trong mấy giây vì bất ngờ, nửa vui mừng sung sướng nửa lo lắng hoài nghi.

Thế là tai nạn xảy ra.

Lúc 12 giờ đêm qua, trên con đường từ nhà nghỉ sát bờ biển ở gần Ylychevsk về đến Odessa, bác sĩ Văn cùng người tình đã gây ra tai nạn gần một ngã ba. Chiếc xe Ford màu mận chín của họ, có thể do trời lất phất mưa nên đường trơn, đã lạng sang cả phần đường bên trái và đâm phải một người đàn ông đi xe máy ngược chiều. Chiếc xe mất đà lao xuống vệ đường, nhưng người ngồi trong xe không ai bị thương. Đêm cuối thu, trời đen kịt và khá lạnh. Oksana quá hoảng sợ chẳng biết phản ứng ra sao, cứ ôm chặt lấy Văn, người run bắn lên.

– Anh xuống xem anh ta có bị sao không? Em sợ lắm!

Chiếc đèn con trên trần xe vẫn sáng, nhưng Văn đã đưa tay tắt đi và lên tiếng với giọng rất bình tĩnh trong bóng tối:

– Em cứ ngồi đây, có gì anh sẽ gọi – Vừa nói, Văn vừa mở cửa xe bước ra. Chiếc đèn pha bên trái bị va đập nên tắt ngấm chỉ còn một luồng sáng duy nhất phát ra từ đèn bên phải nhưng cũng đủ nhìn thấy rõ bề mặt ruộng lúa mì vừa thu hoạch còn trơ gốc. Chiếc xe máy bẹp dúm, cong queo. Cách đó không xa, một thân hình người nằm bất động.

– Anh ấy đi câu cá về – Tiếng nói của Oksana vang lên sau lưng Văn. Chắc, cô đã trấn tĩnh lại và chạy đến với chiếc đèn pin trong tay.

Luồng ánh sáng loang loáng lướt qua trên bộ quần áo bạt rằn ri, túi đồ nghề và chiếc thùng nhựa đựng cá buộc sau xe đổ tràn ra cả mặt ruộng. Nhiều con vẫn còn sống quẫy đập làm bắn cả nước lên mặt Văn. Luồng sáng dừng lại trên khuôn mặt của người đàn ông không còn trẻ, có hàng ria mép rậm. Văn quỳ xuống bắt mạch cổ tay và thốt lên:

– Còn sống! Em lấy hộp cấp cứu ra đây!

Trong lúc Oksana chạy đi, Văn khám sơ qua cho nạn nhân. Có thể, anh ta bị chấn thương sọ não. Máu rỉ ra từ thái dương bên trái.

– Em tiêm cho anh ta một mũi trợ tim, rồi chúng ta khiêng anh ấy ra xe.

– Tay em run lắm!

Oksana cầm đèn để bác sĩ Văn tiêm vào đùi nạn nhân. Anh ta hơi nhăn mặt khi mũi kim cắm vào cơ bắp. Đến lúc này Văn mới nhận ra là chân phải bị gãy ở phần trên đùi.

– Lạy chúa tôi, chúng ta đã phạm tội ác rồi!

Giọng nói như sắp khóc của Oksana khiến Văn chợt sững lại, bàn tay đang cuốn băng trên đầu nạn nhân run lên, lóng ngóng. Ba chữ “phạm tội ác” như xô nước đá lạnh buốt dội thẳng xuống đầu. Văn choáng váng. Hình ảnh chiếc còng tay, tòa án, thẩm vấn và nhà tù ập tới khiến anh xây xẩm mặt mày. Rồi, còn gia đình vợ con, con đường danh vọng đang mở rộng, danh hiệu bác sĩ công huân mà bệnh viên đã để cử anh… Thật là họa vô đơn chí! Văn cảm thấy mồ hôi vã ra ướt lưng mặc dù trời se lạnh. Anh đứng thẳng người dậy và nhìn ra khắp bốn phía xung quanh. Yên ắng và tĩnh mịch, thậm chí đến tiếng động cơ xe cộ qua lại cũng không.

“Không một bóng người”– ý nghĩ này lén lút lóe lên như một tia chớp mong manh giữa bầu trời đen kịt. Mặc dù đứng đằng sau, nhưng hình như Oksana cũng bắt được ý nghĩ mới phôi thai trong đầu người tình.

“Chúng ta nên khẩn trương rời khỏi đây ngay lập tức – Cô đặt tay lên vai Văn và bóp mạnh

– Không còn sự lựa chọn nào khác đâu!

Văn giật mình như bị bắt quả tang đang mang trong đầu một ý nghĩ tội lỗi tương tự.

– Thế … anh ta chết mất…

– Anh định nuôi anh ta và cả gia đình suốt đời sao? Nếu anh ta chết còn là may… Thôi! không chần chừ nữa, ra xe đi!

Chiếc xe Ford dừng lại trước một quán ăn bên đường đúng lúc trời đổ mưa to. Ánh sáng từ trong cửa sổ hắt ra trông rõ những bong bóng nước trên mui xe, trên sàn đá lát sân. Hai người ngồi xuống chiếc bàn sát cửa sổ chờ người phục vụ mang ra món súp bắp cải và món khoai tây rán. Mấy ly rượu vodka hình như cũng có tác dụng khiến cả hai cảm thấy bình tĩnh trở lại. Bây giờ họ mới cảm thấy ngấm mệt và đói.

– Mưa càng to càng tốt – Oksana nhìn qua cửa sổ với ánh mắt vẫn còn lo lắng bồn chồn, nói lẩm bẩm.

Văn vội đưa tay lên miệng suỵt vì thấy cô phục vụ xuất hiện ở ngưỡng cửa với khay thức ăn nghi ngút khói. Có lẽ, cái điều không may nhất của cuộc đời Văn đã đến, khi anh với tay ra đóng chặt cánh cửa kính bị gió thổi bật ra. Qua khe cửa hẹp, anh bỗng nhìn thấy đầu xe bị móp của mình ở ngoài sân. Một nỗi kinh hoàng vụt chạy suốt cơ thể như một luồng điện khiến bàn tay anh run rẩy, lóng ngóng mãi không vặn được chốt cửa. Cô phục vụ sau khi để thức ăn lên bàn, vội bước tới giúp mới đóng được cánh cửa lại.

– Chúc ông bà ăn ngon miệng – Cô nhoẻn miệng cười rồi bước về phía quầy bar.

– Anh làm sao thế? Sao mặt anh tái nhợt đi thế kia? Oksana vội ngừng nhai, hỏi

– Không sao cả. Bây giờ thế này, em cứ ngồi đây và bình tĩnh ăn uống như không có chuyện gì xảy ra. Anh phải quay lại chỗ… đó – Nói đến đây, Văn hạ giọng xuống gần như thì thầm, lắp bắp – để tìm… chiếc biển số xe.., chắc bị rớt lúc va đập.

Chiếc dĩa tuột khỏi tay Oksana rơi xuống nền nhà.

***

Mải suy nghĩ, điếu thuốc cháy đến sát tay lúc nào không hay. Văn búng mẩu thuốc qua cửa sổ, đúng lúc từ đầu phố xuất hiện chiếc xe thùng màu xám chở tù nhân có hai xe cảnh sát đi hộ tống. Ông chợt nhớ đến hồ sơ khám sức khỏe của người tù Việt Nam vẫn còn để trên bàn từ hôm qua mà ông chưa kịp xem.

“Mình cũng rất dễ rơi vào vị trí của ông này. Không, nhất định không thể như thế được!” – Văn nói to lên trong phòng khám của mình. Ánh mắt ông lướt qua những khung ảnh to nhỏ trên tường, nào bằng khen, nào huân huy chương của bộ Y tế Ukraine tặng trong suốt ba chục năm công tác tại viện. “ Không thể để mất hết được. Mọi dấu vết sẽ được xóa sạch. Chiếc xe sẽ được bán ngay nay mai”.

Từ cửa sổ, Văn quan sát chiếc xe thùng lọt qua cánh cổng lớn của bệnh viện và tiến vào sân, rồi dừng lại cách cửa vào khu tòa nhà chính của bệnh viện không xa. Đội cảnh sát đặc nhiệm mặc đồng phục rằn ri, ôm súng tiểu liên AK, từ hai chiếc xe áp tải nhảy ào xuống và chạy tản ra đứng ở các vị trí canh gác đã được ấn định từ trước. Biện pháp an ninh bảo vệ được tăng cường tối đa để tránh tù vượt ngục như đã từng xảy ra 2 năm trước đây, cũng trong một lần đưa tù nhân đi khám định kỳ tại bệnh viện đa khoa số 6. Tiếng giày đinh rầm rập chạy trên cầu thang vọng vào cả trong phòng làm việc của bác sĩ. Một cảm giác sợ hãi vô cớ bỗng túm chặt lấy tim ông trong tích tắc như thể những bước chân đó sẽ xộc thẳng vào phòng này.

Bất giác, Văn đưa hai tay lên bịt tai. Ông tự nguyền rủa mình nhát gan, thần hồn nát thần tính. Dưới sân, một người đàn ông to béo, tóc bạch kim, chắc là quản giáo, nhảy từ trên cabin xuống và đi vòng ra phía sau xe. Ông ta vỗ rầm rầm vào cửa và văng ra mấy câu chửi thề. Ngay lập tức, cánh cửa sau xe bật mở và những người tù đầu tiên nhảy xuống đất. Hai tay họ bị còng và đầu đều cắt trọc lốc. Những chiếc áo sọc bằng vải bố màu xám làm thành một hàng dài khiến khung cảnh của bệnh viện trở nên u ám trên cái nền lá phong mùa thu vàng rực, lớp lớp chưa dọn kịp trong sân.

“Ông ấy kia rồi! Văn như nhoài người ra ngoài cửa sổ và thốt lên khi thấy người tù cuối cùng rời khỏi thùng xe. Lập tức, hai viên cảnh sát trại giam to cao đứng sẵn đó áp sát tới, kéo giật cánh khuỷu người tù Việt nam trạc ngoài năm mươi, vóc dáng nhỏ bé và mái tóc cắt cua khác biệt. Ông ta còn cố ngoái đầu lại nói một câu gì đó với tay quản giáo khiến gã kia phá ra cười. Chắc là một câu pha trò. Văn nghe câu được câu mất vì đúng lúc đó chiếc xe rồ máy lăn bánh ra đỗ ở sát khu nhà kho. Dáng đi hơi khập khiễng của người đồng hương giữa hai viên cảnh sát cao lớn, không hiểu sao, khiến Văn thấy nhói lên trong lòng như một mối giao cảm xót xa, như bắt được một thứ sóng siêu âm cùng tần số giữa hai người đồng chủng, dù không quen biết.

Chồng hồ sơ của các tù nhân cần chụp và khám phổi nằm trên bàn. Văn để cuốn hồ sơ của người đồng hương xuống cuối cùng.

“Cho ông ấy có thêm thời gian được ở một nơi thoải mái hơn, mình sẽ trực tiếp khám – Văn thoáng nghĩ và quay trở lại bàn làm việc – Không biết ông ấy làm nên tội tình gì mà lãnh án chung thân nhỉ?

Bác sĩ Văn nhấc ống điện thoại lên và quay số gọi y tá trực ban.

***

Ánh mắt của người tù nhân hơi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bác sĩ người châu Á ngồi sau bàn. Chắc hẳn, ông ta cũng không đoán được bác sĩ là người nước nào vì người châu Á ở Odessa rất đông. Văn đã cảm nhận được trong ánh mắt đó những tia mừng rỡ. Hai viên cảnh sát lực lưỡng dẫn tù nhân đến tận chiếc ghế đối diện với bàn của bác sĩ. Viên cảnh sát hai má đỏ hồng, rút chìa khóa ra và mở chiếc còng số tám khóa liền tay anh ta với tù nhân. Anh ta đảo mắt nhìn khắp phòng khám rồi ra lệnh chuyển ghế sát tới đường ống dẫn lò sưởi, để còng tay tù nhân vào đó.

– Thi sĩ, ông chịu khó nhé! đây là quy định rồi, tôi không muốn bị mất việc – Nói xong, anh ta quay ra đứng ở bên cạnh cửa sổ còn viên cảnh sát thứ hai đứng án ngữ cửa ra vào.

– Sao lại gọi ông ấy là thi sĩ?

– Trong tù ai mà chả có tên lóng – viên cảnh sát nói – trong các buổi biểu diễn của tù nhân, ông ấy đã đọc thuộc lòng cả một cuốn truyện thơ, rồi dịch ra tiếng Nga cho mọi người hiểu… chuyện về một cô gái điếm có tâm hồn nghệ sĩ…

– Tôi có thể bắt đầu được chưa? Văn lên tiếng hỏi và đứng dậy khỏi ghế. Một tình cảm nao nao khó tả trào dâng lên trong lòng Văn, nhưng ông vẫn cố gắng kìm giữ để không bật ra nói tiếng mẹ đẻ. Có lẽ, tiếng Nga của bác sĩ rất trôi chảy nên phạm nhân đinh ninh đây là người Nga gốc châu Á.

– Bác cởi áo ngoài ra để tôi nghe phổi – Vừa nói Văn vừa bước tới giúp tù nhân cởi chiếc áo sọc màu xám nặng và thô ráp – hít sâu vào nhé! Thế, thở đều hơn, có hay sốt vào buổi chiều không? Có à, ho dai dẳng, đờm có máu à?

Trong lúc bác sĩ dùng ống nghe khám sau lưng, người tù ngước ánh mắt mệt mỏi và u buồn nhìn bao quát toàn bộ căn phòng. Thật bất ngờ, ông bỗng bật khóc, khi nhìn thấy trên giá sách gắn vào bức tường đối diện cuốn Truyện Kiều gáy đã sờn.

– Bác sĩ là người Việt! Ông thốt lên và nhỏm người quay lại, dùng một cánh tay còn tự do ôm lấy bác sĩ Văn. Ngay lập tức, viên cảnh sát đứng án ở cửa, chỉ bằng hai sải chân, đã nhảy tới sát bên cạnh và thẳng tay dáng một cú chặt vào vai khiến ông choáng váng, ngã quay xuống ghế, nếu một tay không bị xích vào ống lò sưởi chắc đã lăn xuống sàn nhà.

– Không được động tới bệnh nhân! Bác sĩ Văn không giữ nổi bình tĩnh, gầm lên. – Sao các anh lại có thể hành hung người bệnh trong phòng của tôi, tôi sẽ kiện lên cấp trên…

– Ông ta đã nói gì với bác sĩ? không được nói bất cứ thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Nga. Đấy là nguyên tắc, nếu bác sĩ không muốn có chuyện phiền phức sau này – Viên cảnh sát đứng ở bên cửa sổ nghiêm giọng nói, vẻ mặt lạnh lùng.

Cảm giác uất ức, bất lực trào lên khiến tay bác sĩ cầm chiếc ống nghe cứ run lên.

– Gần hai mươi năm ngồi trong tù, bây giờ tôi mới được nói bằng tiếng mẹ đẻ với người đồng hương, chẳng lẽ các ông cũng cấm? Người tù thốt lên giọng bất bình.

– Thôi đủ rồi, thi sĩ à, nếu ông còn phản ứng, tôi báo cho giám đốc thì khỏi đi khám chữa bệnh, thậm chí còn bị phạt không được đi dạo ngoài trời. Thế nào, có im không?

Văn đã lấy lại được bình tĩnh và hiểu nhanh ra tình thế, vội lên tiếng:

– Bệnh nhân có triệu chứng bị lao phổi, tôi cần phải chụp X-quang. Các anh có thể tháo còng tay cho tù nhân được không? Chụp ở ngay phòng bên thôi?

Viên cảnh sát đứng ở cửa hất đầu cho đồng nghiệp và anh kia bước lại chỗ đường ống lò sưởi:

– Cậu vào kiểm tra phòng bên đi!

Bác sĩ Văn nhanh nhẹn mở cửa phòng chụp và đứng tránh sang một bên để viên cảnh sát khệnh khạng bước qua, ngón tay trỏ xoay xoay chiếc còng sắt số tám. Anh ta dạo một vòng xung quanh, ngó ngó nghiêng nghiêng cho phải phép rồi quay ra:

– Ổn cả, có thể cho vào!

Sau khi hướng dẫn tù nhân đứng vào trong cabin, hai tay chống cạnh sườn, hít sâu và nín thở, bác sĩ yêu cầu viên cảnh sát bước ra ngoài phòng.

– Chỉ một phút thôi– Nói xong bác sĩ đóng sập cánh cửa sau lưng lại.

Căn phòng tối lờ mờ chỉ có một ngọn đèn màu đỏ gắn trên trần. Một giây im lặng trôi qua. Bác sĩ Văn chuyển sang tiếng Việt:

– Bác San, bác áp sát ngực vào hơn nữa, thế… thế, hít thật sâu vào và nín thở… xong rồi! Bác mặc áo vào đi, sao lại bị án nặng thế?

Người tù bước vội đến bên bác sĩ, nắm lấy tay thật chặt và lắc mạnh, giọng thổn thức trong nước mắt:

– Thưa bác sĩ, tôi bị án oan.

Văn ngớ người ra, tưởng nghe nhầm bèn hỏi lại:

– Án oan thế nào?

– Lãnh án giết người mà… không phải do mình gây nên… Bác sĩ có thể không tin, chứ con người đứng trước mặt bác sĩ đây đã từng là một đại úy quân đội nhân dân Việt Nam, đã từng được thưởng huân chương trong trận bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972…

Đúng lúc đó, tiếng đập cửa thình thình vang lên cắt ngang câu chuyện của hai người. Lập tức, cánh cửa bật mở và viên cảnh sát to lớn bước xộc vào, chẳng nói chẳng rằng còng ngay chiếc khóa số tám vào tay phạm nhân và kéo ra ngoài.

Văn đứng lặng đi đằng sau chiếc bàn điều khiển, rồi chậm rãi tắt công tắc máy. Từ phòng ngoài vọng tới tiếng va đập lạch cạch của chiếc còng sắt vào đường ống lò sưởi. Âm thanh đó như cộng hưởng trong tâm trí ông và gây nên một rung động sâu thẳm khó diễn tả, khiến người sởn gai ốc…

***

Đoàn khảo sát thủy văn chúng tôi lên chùa Núi Một, Côn Đảo vào một ngày giáp Tết năm Quí Mão 199… Những bậc thang bằng đá nâng tầm mắt cả đoàn người và làm nổi lên những tiếng trầm trồ vì biển trời miên man, đặc biệt là hình dáng của những đám mây ngũ sắc trong ánh hoàng hôn. Hết sức biến ảo, tạo nên những hình thù kỳ dị. Lúc là một đàn cừu, lúc lại là một rừng san hô lởm chởm.

– Ở trên này mây cũng sạch hơn trong đất liền – Ai đó nhận xét

– Suy nghĩ cũng đỡ tủn mủn và nhỏ nhen hơn – Người thứ hai phụ họa

– Có lẽ, chúng ta gần Trời hơn – Người thứ ba triết lý

Chúng tôi hạ trại ngay trong khuôn viên vườn của chùa. Một ngôi chùa vắng vẻ, hiu quạnh. Chú tiểu nói rằng khách vãn chùa chỉ có các ngư dân của đảo trước mỗi chuyến đi xa lên đây thắp nén nhang cầu may. Tiếng mõ tụng kinh khiến cho đêm trăng trở nên huyền ảo và linh thiêng. Ngôi chùa như tách biệt hẳn với thế giới con người. Tôi ra sau chùa lấy nước. Lúc cầm chiếc gầu từ tay vị sư già, tôi giật mình vì nhận ra khuôn mặt quen quen dưới ánh đèn tù mù từ trong chùa hắt ra.

– Thưa… thầy… thầy là bác sĩ Văn đã từng ở Odessa phải không ạ?

– Mô phật, bác nhầm tôi với ai rồi.

– Xin lỗi, thầy bỏ qua cho!

Tôi cứ phân vân cầm chiếc gầu và nhìn mãi theo cái bóng áo cà sa chậm chạp đi khuất vào sau tịnh thất. Những giọt nước rỏ xuống lòng giếng âm vang trong đêm yên tĩnh. Nghe rõ cả tiếng sột soạt của một loài bò sát nào đó trườn đi giữa đám lá khô.

“Giống như hai anh em sinh đôi. Cũng cái dáng đi như vậy, chỉ có lưng hơi gù trĩu xuống hơn” – Tôi nhủ thầm trong bụng.

Hầu như suốt cả đêm tôi không hề chợp mắt. Không biết mọi đêm khác thế nào, đêm nay tiếng mõ tụng kinh trong chùa kéo dài đến tận bình minh.

Sáng hôm sau, mọi người đi thăm quan nhà tù – Địa ngục trần gian của thực dân Pháp tại Đông Dương. Tôi không tham dự vì muốn xác định lại danh tính con người tình cờ gặp đêm qua. Nếu trí nhớ của tôi không nhầm, cách đây hai chục năm, khi làm phóng viên cho tờ báo tiếng Nga “Cuộc sống hiện đại” tại Kharkov tôi đã đăng lại một vụ án gây xôn xao dư luận Ukraine về cuộc vượt ngục vô tiền khoáng hậu của một tù nhân người Việt tại bệnh viện ở Odessa. Bài báo lấy ra từ hồi ký của một cựu thẩm phán người Do Thái về hưu. Chính kết luận của bài báo làm tôi nhớ mãi: “Cả đời tham gia phá các vụ án hình sự, đặc biệt là các cuộc vượt ngục của tù nhân, đây là lần đầu tiên, tôi gặp phải một thủ đoạn mà chỉ có thể gọi bằng một từ – Thiên tài!”.

Qua cửa sổ nhỏ của chiếc lều, tôi quan sát vị sư già đang dùng chổi quét những đám lá rụng trên sân chùa. Những bước chân ngắn, hơi lập cập cho thấy sức khỏe của cụ không được tốt. Rồi, cụ đi lấy thóc cho chim bồ câu ăn. Có lẽ chúng đã quen với cụ từ lâu rồi. Nắm thóc được vung ra, vị sư già như bị bao bọc giữa một cơn bão những cánh chim câu trắng toát. Cụ đi giữa bầy chim, trong đó có cả những con hải âu bạo dạn từ biển bay lên, như một mục đồng già chăn cừu trên thảo nguyên. Những hạt thóc cuối cùng biến mất trên sân gạch, đàn bồ câu đồng loạt cất cánh trở về mấy chiếc chuồng chim xinh xắn quét sơn trắng toát gắn trên cành của một loài cây lạ. Thoạt nhìn, tôi cũng chưa rõ cây gì, với những chùm quả màu đỏ.

Tôi giật mình và quyết định rời khỏi lều để chạy đến gần cây này hơn. Đứng dưới gốc cây, sờ tay lên lớp vỏ thân cây sần sùi, rồi với tay lên ngắt những quả màu đỏ sẫm và đưa lên miệng cắn thử, tôi xúc động run lên: “chính nó rồi, cây thanh hương trà của xứ tuyết bạch dương!” Ai đã mang giống cây này về đây, nếu không phải là chính vị sư già kia, chính bác sĩ Văn, người đã một thời nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở Ukraine?

Buổi chiều hôm đó, khi mặt trời chìm vào làn nước biển, đêm sập xuống sau một ngày đầy nắng gay gắt gần như không hề trải qua hoàng hôn. Đêm vô cùng thanh tịnh, một đêm điển hình của vùng quần đảo Côn Lôn. Hai chúng tôi ngồi trên một mỏm đá nhô ra phía biển. Xa xa, những đốm sáng rải rác của các con thuyền đánh cá đêm trông như ánh phản quang của các vì sao đang rì rầm dịch chuyển trong dải thiên hà vô tận.

– Lúc đó, tôi như một con thú bị săn đuổi, chỉ cần tìm được chỗ náu thân trong một khe đá hay một cái hang nào đó. Tôi chả khác nào một con tàu bị bão tố bẻ gãy cột buồm, xé rách tả tơi cánh buồm và bị sóng đánh dạt lên hòn đảo đầy đau thương và cũng đẹp mê hồn này – Vị sư già kể, tay không rời chuỗi tràng hạt – Tôi đã làm tất cả để chuộc lại tội lỗi của mình…

– Thế ông San sau này thế nào ạ?

– Tôi giúp ông ấy vượt ngục ngay trong ca mổ do tôi phụ trách… và bố trí đưa sang làm tại khách sạn do một bệnh nhân cũ của tôi làm chủ ở Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ. Lâu lắm rồi, tôi cũng chả nhận được tin tức gì của ông ấy… hai mươi năm ngồi tù oan thì còn gì là đời…

– Báo chí hồi đó rùm bem về vụ này… – Tôi tò mò gợi ý

– Mãi hơn một năm sau, họ mới phát hiện ra. Chỉ vì cô y tá đã tố giác rằng, ông San không chết thật trên bàn mổ… – Bàn tay sư ông nắm chặt chuỗi hạt hơn và ánh mắt nhìn xa xăm về phía đoàn thuyền đánh cá xếp thành một dải ánh sáng dài trên mặt biển đen sẫm – Tôi đã quá cả tin phụ nữ!

19/01/2019
(Đại học Tổng hợp quốc gia Kiev-Ukraine)