Bông hồng thời chiến – Truyện ngắn của Hoài Hương

838

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong số những người khách của ba hay đến nhà chơi, tôi thường chú ý đến cô theo bản năng một đứa con gái còn rất con nít, bảo vệ hạnh phúc của mẹ. Cô đẹp, vẻ đẹp khiến người đối diện như bị ngợp bởi từng nét đều toát lên sự quyến rũ, nhất là đôi mắt nâu to trong veo, giống hai hồ nước có thể  nhấn chìm bất kỳ ai khi chạm vào ánh nhìn. Nhưng đó không phải là điều tôi ngán sợ cô, mà vì ba cho tôi hay, cô từng là một “thiên nga” xuất sắc của Biệt đội Thiên Nga trực thuộc Khối Ðặc Biệt, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, chính phủ Sài Gòn thời trước tháng 4/1975, một lực lượng chuyên dùng chiêu “mỹ nhân kế” để thâm nhập, ly gián, thu thập tin tức tình báo, phá hoại các tổ chức cách mạng và Quân Giải phóng của ta ngày ấy…

Nhà văn Hoài Hương

Khóa đầu tiên huấn luyện đặc biệt các Thiện Nga của trường Tình báo Trung ương dưới sự chỉ huy của cố vấn CIA Mỹ đã được hai tuần thì Bạch Hồng mới vào nhập đội. Nhưng ngay lập tức cô trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của các Thiên Nga trong khóa mà còn cả các huấn luyện viên người Việt thuộc Tổng Nha Cảnh sát và các cố vấn Mỹ thuộc “Văn phòng phụ tá đặc biệt cho đại sứ”- Office of the Special Assistant to the Ambassador, cố vấn quân sự Mỹ MACV- Military Assistance Command Vietnam. Không chỉ có một vẻ đẹp như hút hồn người đối diện, mà cô còn có khả năng tiếng Anh, tiếng Pháp cực kỳ tốt, chưa kể vào nhập học muộn, nhưng cô đã theo kịp ở tất cả các bài huấn luyện trước đó trong thời gian rất ngắn. Đó cũng chưa hẳn là điều Bạch Hồng được chú ý, mà chính là cách cô thu phục được tình cảm của mọi người. Giữa một đám đông các “thiên nga” xinh đẹp và không hiếm người tài giỏi, theo lẽ thường thì đây là nơi tập trung đủ cả ghen- hờn- tị hiềm- xúc xiểm…, thế nhưng không hiểu sao cô lại như một thiên sứ hòa giải, luôn mang đến sự ôn hòa trong mọi cuộc xích mích, để rồi cả mấy chục “thiên nga” của khóa cư xử với nhau như chị em một nhà, gây ấn tượng cho các huấn luyện viên phải chú ý đến “thiên nga” Bạch Hồng như một nhân tố bí ẩn.

Hồ sơ của Bạch Hồng: Không rõ quê quán gốc. Năm 2 tuổi, cha mẹ ruột bị Việt Minh bắn chết, được đưa vào cô nhi viện của chính phủ ở Sài Gòn. 5 tuổi được một Hoàng thân Campuchia xin làm con nuôi mang về Hoàng cung Campuchia, 10 tuổi được phong Công chúa trong Hoàng gia. 15 tuổi du học Pháp. 20 tuổi về Việt Nam, và được tuyển mộ vào Biệt đội Thiên Nga dưới sự bảo lãnh của viên Đại sứ Campuchia có gốc Hoàng thân cùng Đại sứ Pháp tại Sài Gòn. Có đức tin vào Phật giáo. Một nhân thân không tì vết. Trong hồ sơ còn ghi một vài năng khiếu, sở thích của cô như vẽ, chơi đàn piano, đã từng đoạt giải âm nhạc trong trường trung học ở Pháp, đã từng đoạt quán quân về giải toán nhanh,… Một “thiên nga” đắt giá, có rất nhiều tố chất cần có để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt trong mắt những huấn luyện viên CIA của trường.

Khóa huấn luyện kết thúc, các “thiên nga” ngay lập tức nhận nhiệm vụ ở nhiều đơn vị khác nhau ở các tỉnh thành. Bạch Hồng, vượt qua các bài khảo thí xuất sắc, nên được đưa về Ban Hoạt vụ thuộc Biệt đội Thiên nga trung ương, phụ trách việc thu thập tin tức tình báo Quân giải phóng và quân Bắc Việt, triệt phá các cơ sở phong trào cách mạng ở các tỉnh thành, ly gián, chiêu hồi cán bộ cách mạng… Ngày đó, Biệt đội Thiên Nga vừa ra quân đã chứng tỏ sự lợi hại của mình, cài cắm người thành công, liên tiếp lập được các chiến tích trong thu thập tin tức tình báo chiến lược, phá vỡ và vô hiệu hóa nhiều cơ sở cách mạng, gây thiệt hại cho nhiều đơn vị Quân Giải phóng… Biệt đội Thiên Nga trở thành một đội quân “mỹ nhân tâm kế”, tung hoành khắp các tỉnh thành miền Nam, hoạt động đắc lực cho quân đội Sài Gòn.

Nhưng chỉ là thời gian đầu, càng về sau, chiến tích càng thưa dần, nhiều nhóm “thiên nga” được tung đi nhưng thu “chiến lợi phẩm” hầu như rất ít, thậm chí còn bị mắc bẫy gây thiệt hại ngược cho quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong khá nhiều chiến dịch. Chưa kể, có nhiều “thiên nga” được tung đi rồi mất tăm mất tích, không có một phản hồi nào, thảm nhất là một số “thiên nga” đầu đàn, chỉ huy các nhóm “thiên nga” ở một số tỉnh thành bị người của quân Giải phóng ám sát chết. Đau nhất là cơ quan CIA ở Sài Gòn bị thất bại nhiều kế hoạch cài người vào các đơn vị Quân Giải phóng, phần lớn đều bị phát hiện khi chưa kịp thực hiện một điệp vụ nào. Đã có một số tin tức từ tù binh chiêu hồi, trong Biệt đội Thiên Nga có tình báo Việt Cộng, và là nam cải trang nữ. Một nhóm chuyên gia y học của CIA đưa từ Mỹ sang và cuộc kiểm tra, giám định giới tính tất cả các “thiên nga” được tiến hành. Các cuộc kiểm tra đều không được báo trước thời gian, không ai được phép tiết lộ cho nhau biết, đó là quân lệnh.

Bạch Hồng bước vào căn phòng kiểm tra trong tâm trạng bối rối. Một chiếc bàn khá rộng, ở trên đặt nhiều máy móc dây nhợ gì đó,  có ba người đàn ông và một người đàn bà Mỹ ngồi từ trước, không thể biết được tâm trạng họ như thế nào vì cả bốn đều có gương mặt như tượng sáp. Giữa phòng có một chiếc ghế xoay cũng chằng chịt dây nhợ. Bỗng một tiếng nói lạnh và khô cất lên: Take off your clothes!(Cởi hết quần áo ra). Bạch Hồng chợt cảm thấy lạnh toát người, rồi lại như có một ngọn lửa đang thiêu cô, người cô run lên, lúc nóng lúc lạnh, từng giọt mồ hội rịn ra… Thần Phật ơi, kể từ khi có ý thức về giới tính, chưa bao giờ cô tắm chung với ai, vậy mà giờ đây phải khỏa thân trước 8 cặp mắt này? Chưa kể, cô đoán biết, có một camera bí mật nối với màn hình ở phòng viên chỉ huy CIA của Trung tâm, để theo dõi tất cả mọi việc xảy ra trong căn phòng này. Ờ, mà cũng phải thôi. Gái “thiên nga” trong mắt của họ chỉ là công cụ, một loại “vũ khí” đặc biệt bằng thân xác để xử dụng, nên đâu cần phải đối xử như con người với con người. Cảm giác vừa bất nhẫn, vừa nhục nhã như bị chà đạp, lại vừa e thẹn theo bản năng, Bạch Hồng bất giác lùi lại sát tường, nhìn trân trân vào 4 người kia, cô chậm chạp lần cởi từng chiếc khuy áo váy, đến khi chỉ còn phần đồ lót, cô dừng lại ngập ngừng. Một tiếng quát làm cô giật mình:  Takes off all! Hurry up! (Cởi hết ra! Nhanh lên!). Hít một hơi thật sâu, như một khoảnh khắc tê cứng, mất cảm giác, cô trút bỏ hết những gì trên người, và đứng thẳng trong một dáng vẻ khá thách thức, không còn vẻ ngượng ngùng. Cô thấy mấy người đàn ông nhìn hau háu và người đàn bà ngó sang phía bên, bất giác cô phác một nụ cười khinh bỉ lướt qua cả 4 người. Sau khi lệnh cho cô ngồi vào chiếc ghế, cùng tiếp theo là một loạt kiểm tra thông số từ mớ dây nhợ máy móc…, người đàn bà ra dấu chỉ cô bước sang phòng bên có cánh cửa thông với căn phòng này, một căn phòng có nhiều dụng cụ và máy móc chuyên môn như của sản khoa, khâu kiểm tra giới tính xem có giải phẫu chuyển đổi hay không.

Khi trở về phòng mình, Bạch Hồng thấy kiệt sức. Cô tức tưởi khóc uất nghẹn, cảm thấy thân thể mình bị hắt bùn nhơ nhuốc… Có đáng không? Có cần không? Sẽ còn điều gì đang đợi mình mà không thể biết? Bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong cô… Như qua một cửa sinh tử, cô trở nên mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn, hoa hồng dù nát vẫn tỏa hương, mới chỉ thế này, chưa đáng là gì. Chỉ nghĩ đến bao cảnh làng mạc đổ nát tan hoang, bao nhiêu cái chết bi thảm trong bom rơi, pháo cày, đạn xới…, Bạch Hồng như được tiếp thêm nguồn năng lượng.

Trung ương Cục miền Nam phát lệnh cho các đơn vị đang đóng quân ở khu vực chiến khu D tìm kiếm một cán bộ tham mưu mất tích bí ẩn trên đường xuống chủ lực miền sau khi họp với Bộ Tư lệnh. Điều lo lắng nhất là người cán bộ này có mang theo toàn bộ tài liệu về kế hoạch chiến dịch đánh địch sắp tiến hành. Nhiều tổ chiến sĩ trinh sát được cử đi tìm kiếm. Qua mấy ngày lùng tìm khắp các cánh rừng, đều không thấy, không cả dấu vết bị thú dữ ăn thịt, chỉ gặp một thân thể nữ không quần áo, bị đạn bắn nát, nằm bên cạnh con suối cạn gần bìa rừng, sau này biết là giao liên có nhiệm vụ dẫn đường. Khả năng đã bị biệt kích Mỹ bắt. Tin giao liên đưa vào thành cho tất cả các nhóm điệp báo, các cơ sở cách mạng truy tìm tung tích người cán bộ này như một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Tại văn phòng Biệt đội Thiên nga trung ương, hình như có chuyện vui, mấy “thiên nga” đang tíu tít trò chuyện, chòng ghẹo nhau ồn một góc hành lang, điều hiếm thấy lâu nay. Bạch Hồng vừa đi qua cũng bị níu lại:

–   Ôi, cô em trưa có rảnh không, đi đập phá với mấy chị?

–   Có chuyện chi vậy? Sinh nhật chị nào à?

–   Ui! Sinh nhật thì vui gì, chỉ già thêm. Chuyện này hay lắm.

–   Các chị được thêm bông mai?

–  Ờ! Thì chắc rồi, nhưng để sau tính. Chuyện này mới ly kỳ rùng rợn và vô cùng lâm ly sến súa…

Một “thiên nga” ghé tai Bạch Hồng nói nho nhỏ:

–  Bọn chị vừa rù quến được một Việt Cộng “gộc” chánh hiệu, trở về với chánh nghĩa quốc gia.

Bạch Hồng cũng thì thào:

–  Ngon không?

–  Ngon! Mà con này muốn hỏi ngon khoản nào?

–  Là tất cả í.

–  Bộ muốn thử hén? To cao đẹp trai, không cà tong cà teo, đen thui như cột tràm cháy giống mấy tay lính chiến Việt Cộng bắt được trong các trận trước.

–  Rồi sao?

–  Thì sao mà chịu được mê trận ngón nghề của mấy chị mày, đẳng cấp gái Paris. Lúc đầu cũng ra vẻ cóc thèm, ra chiều khinh điếm Mỹ dơ dáy… Nhưng sao mà chịu được, dơ đâu không thấy, thấy thơm như múi mít, gái ở rừng sao bằng. Gục ngay sau vài chiêu mơn trớn khởi động. Trời, mà như chết khát chết thèm từ đời nào, cứ hùng hục ngấu nghiến… , nghĩ cũng lạ, trong rừng toàn ăn lá cây, mà sao cứ như trâu vật. Ba chị mày phục vụ mà thiếu điều hụt hơi….

–  Mà sao biết hắn chịu về với chánh nghĩa quốc gia.

–  Thì sếp cho hay. Còn kể, khi cho hắn xem mấy đoạn phim quay cảnh “con heo” với mấy chị, thì hắn gục hoàn toàn. Chỉ huy Việt Cộng “gộc” đó, còn nghe là khi bắt có thu được cả một túi tài liệu cơ mật của Việt Cộng. Vì thế bọn chị mới được thêm bông mai. Ơ…mà con này, nghe rồi bộ muốn thử sao?

–  Thì em chưa bao giờ gặp Việt Cộng “gộc”, mà lại cao to đẹp trai, mà lại ngon lành vậy.

–  Thì nói với sếp, biết đâu thêm mi nữa thì gan ruột gì hắn cũng móc ra cho bằng hết, chẳng còn giấu gì.

–  Í mà thường thấy mấy Việt Cộng mình bắt được, tay nào cũng cứng lắm, không dễ dùng kế của chị em mình mà lung lạc họ, sao Việt Cộng “gộc” này lại mềm thế?

–  À, có nghe kể. Khi ấy hắn đang say sưa trong một pha cụp lạc với một nữ cán binh Việt Cộng, không hề biết bị nhóm biệt kích Mỹ tình cờ ngang qua, định xuống suối lấy nước, phát hiện. Sếp mình là tay tổ tâm lý tốt nghiệp số “dzách” ở Mỹ, biết ngay tay này chỉ có “mỹ nhân kế” là gục, chứ tra khảo, đánh đập thì chưa chắc…  Mà thôi, trưa đi ăn với mấy chị rồi kể tiếp cho nghe nhiều pha hấp dẫn..

Trung ương Cục tại chiến khu D nhận được một bức điện do giao liên từ trong thành chuyển vào. Bức điện thông tin: Có một chỉ huy tên Năm bị bắt, chiêu hồi, trong người có những tài liệu về một chiến dịch lớn của Quân Giải phóng vào mùa khô… Hiện đang ở Cục An ninh Quân đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, và đang có kế hoạch chuyển về Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, số 3 Bạch Đằng. Đề nghị cho ý kiến xử lý.

Mấy ngày sau, trong một báo cáo khác của Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa cho biết cần điều tra cái chết của một cán binh Việt Cộng cao cấp chiêu hồi, đã bị ám sát ngay trên đường di chuyển từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Phủ Đặc ủy.

Sài Gòn những ngày cuối năm 1970 đầu xuân 1971 luôn trong tình trạng không bình yên. Nhiều cuộc đột kích chớp nhoáng và bất ngờ vào các building, khách sạn tập trung lính Mỹ của biệt động quân Giải phóng, gây sự kinh hoàng hoảng loạn với quân đội Mỹ đang chiếm đóng ở miền Nam, và khiến quân đội Sài Gòn càng tỏ ra hung hãn, tổ chức ruồng bố bắt bớ liên tục… Một ngày, Bạch Hồng, được đích thân cố vấn Mỹ bên “Văn phòng phụ tá đặc biệt cho đại sứ” (thực chất là cố vần CIA), giao cho hồ sơ và nhiệm vụ tiếp cận một Việt Cộng bị bắt đã hơn nửa năm, nghi là cán bộ tình báo cao cấp của quân Bắc Việt đưa vào Sài Gòn, bởi sau khi bị bắt đã được phía Bắc Việt bắn tin trao đổi tù binh với một viên Đại tá Mỹ bị bắt cóc. Nhưng suốt nửa năm nay không khai thác được bất kỳ thông tin nào dù đã dùng khá nhiều biện pháp cả cứng lẫn mềm, hiện người đó đang bị giam trong Phủ Đặc Ủy trung ương tình báo. Bạch Hồng có một thoáng suy tư. Đây có phải một cái bẫy để dò tìm nội gián? Hay thật sự có một người như thế? Người đó như thế nào?  Làm sao để có thể tìm hiểu được chính xác người đó là ai? Mình sẽ nói gì với người đó? Cô đọc tập hồ sơ, chỉ vẻn vẹn một trang với mấy dòng tên họ. Ngoài ra không có gì hết. Một hồ sơ trắng.

Trung ương Cục miền Nam nhận thông tin khẩn qua một câu nhắn tìm trẻ lạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Đồng thời giao liên trong thành chuyển gấp một bức tranh khoảng 2 inch được vẽ bằng bút chì, hình một người đàn ông… Được biết bức vẽ này “chép” lại theo trí nhớ từ một tấm hình chân dung… Cả Ban chỉ huy Trung ương Cục cùng ồ lên khi nhìn bức vẽ. “Đúng là anh ấy”. “Làm sao cứu anh ấy ra”. “Bọn chúng sẽ hành hạ anh ấy chết mất”. “Có cách gì truyền đạt thông tin cho anh ấy”… Lệnh: “Bằng mọi cách tiếp cận và bí mật nhắn  gửi hãy giữ vũng ý chí tinh thần. Sẽ tìm cách cứu ra”.

Bạch Hồng trang điểm rất nhẹ, cô cố tình chọn cho mình phong cách như một thiếu nữ Hà Nội, tóc chải bồng, áo dài trắng. Cô muốn tạo ấn tượng cho người tù nhân Việt Cộng đặc biệt này, nghe nói từ ngoài Bắc vào. Người đó ngồi như lọt thỏm trong lòng chiếc ghế rộng, bộ đồ bà ba màu xám càng làm cho thân hình nhỏ hơn, nhưng ngược lại với thân hình có phần tiều tụy là ánh mắt như hai đốm lửa, chiếu cái nhìn vào cô không phải là ánh mắt thân thiện nhưng có chút tò mò và cảnh giác. Con “thiên nga” này có vẻ khác biệt với cái lũ “thiên nga” bẩn thỉu tanh tưởi kia, nhưng biết đâu đây là chiêu mới tinh vi hơn…

–   Chào ông!

…..

–   Em tên Bạch Hồng.

…..

–  Em rất mê văn chương…

–  Vậy vào đây làm gì?

–  Ôi! Cảm ơn ông đã nói chuyện với em.

–  Đâu phải chỗ của cô.

–  Dạ! Chiến tranh mà. Đâu có chừa đàn bà con gái.

–  Sao lại chọn cái nghề ô nhục này?

–  Ồ! Ông hơi quá lời rồi. Phục vụ cho lý tưởng mình theo đuổi thì không có gì là ô nhục.

–  Người như mấy cô thì lý tưởng gì ngoài hưởng thụ và trác táng.

– Dạ thưa ông, ai cũng có lý tưởng của mình và nếu đó là lý tưởng vì quốc gia phụng sự thì…

–  Phí lời… Thôi cô đi ra. Tôi mệt rồi…

Bạch Hồng đứng lên, bước lại gần…

–  Cô làm gì thế? Đừng có lại gần tôi giở trò.

–  Em… Em…

Bạch Hồng như vô tình đưa tay lên vuốt tóc, cố tình ngửa  bàn tay trái hướng về phía người tù Việt Cộng, trong lòng bàn tay của cô có vẽ bằng son đỏ một ngôi sao. Và như một tích tắc chỉ có cô nhận thấy, ánh mắt của người tù sáng như một ánh chớp. Họ đã nhận ra thông điệp của nhau.

Viên tướng người Việt chỉ huy Phủ Đặc ủy và chỉ huy CIA người Mỹ ở Sài Gòn không giấu được niềm vui khi gặp Bạch Hồng. Cả mấy tháng nay, họ gần như bất lực không cậy ra một câu nào ngoài vài chữ “Không biết”, “Quên rồi” của người tù Việt Cộng bí ẩn và kỳ lạ này. Chính vì cảm giác đây là một tình báo viên có cỡ của đối phương, nên việc người tù chịu mở miệng nói chuyện, dù chỉ vài câu ngắn, cũng có thể cho thấy nhiều khả quan hơn. Và Bạch Hồng được đánh giá cao trong việc “cậy miệng” người tù Việt Cộng này. Cô được tin dùng hơn, được tiếp cận nhiều thông tin mật hơn. Và một trong số thông tin đó là hồ sơ nằm ở Nha điệp báo (ban K) thuộc Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, cho biết trong nội bộ của Quân Giải phóng ở Tây Ninh, từ năm 1969 có một điệp viên CIA,  trong vỏ bọc cực kỳ chắc, và điệp vụ trong hồ sơ mang tên “Nguồn tin Tây Ninh”. Để bảo đảm bí mật cho điệp viên này, chỉ một sĩ quan Cảnh sát đặc biệt và một nhân viên người Việt thuộc văn phòng CIA ở Tây Ninh được phép gặp mặt tại Tây Ninh. Thi thoảng điệp viên này mới gặp nhân viên CIA người Mỹ và cũng chỉ gặp ở địa điểm mật tại Sài Gòn. Những thông tin của “Nguồn tin Tây Ninh” có độ chuẩn xác rất cao, người Mỹ và Quân đội Sài Gòn dựa vào các thông tin đó đã thực hiện nhiều kế hoạch tấn công Quân Giải phóng, thậm chí nhiều lần đánh úp khu vực đóng quân của Trung ương Cục thành công.

Thông tin mau chóng được chuyển đến Trung ương Cục, cơ quan an ninh nội bộ đã kiểm tra các nguồn, và nhanh chóng nhận ra kẻ phản bội. Tuy nhiên, để giữ bí mật cho đầu mối thông tin trong thành, và để vô hiệu hóa điệp viên này, đã có nhiều thông tin “phản gián” được tung ra, nên điệp viên này càng về sau càng không được CIA tin dùng.

Tháng 3 năm 1975, khi Quân Giải phóng mở chiến dịch liên tiếp chiếm được Buôn Mê Thuột,  Playku, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… và thần tốc tiến quân đánh thẳng vào Sài Gòn, một không khí hỗn loạn ở khắp các cơ quan cả hành chính lẫn quân sự của chính quyền Sài Gòn. Lệnh của trên cho tất cả các lưới tình báo của ta trong nội đô phải bằng mọi cách bảo vệ, không để các tài liệu lưu trữ trong các cơ quan cảnh sát, an ninh, tình báo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị tiêu hủy. Bạch Hồng lúc này đang là nhân viên tại Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, cô có hai nhiệm vụ, phải bảo vệ bằng được người tù Việt Cộng đặc biệt không cho CIA Mỹ và an ninh Sài Gòn thủ tiêu, đồng thời tìm cách vô hiệu hóa những ngòi nổ nhằm tiêu hủy kho tài liệu lưu trữ ở đây.

Ngày 30/4/1975 đến như một cơn lốc. Giờ cuối cùng của cuộc chiến, cũng là giờ cuối cùng cô trong vai “thiên nga” Bạch Hồng, một giờ thật dài, dài còn hơn 6 năm qua bao lần sinh tử, nếm trải bao mùi vị cay đắng ê chề… Nhưng chưa phải là chấm dứt sứ mạng của cô, kế hoạch hậu chiến của CIA thách thức cô vào trận mới…/.

Vĩ thanh:

Người tù Việt Cộng đặc biệt đã được các đồng đội của cô cứu thoát ngay trưa ngày 30/4. Khi ra khỏi nơi ấy, ông đã đề nghị được gặp cô. Cuộc gặp gỡ thật cảm động, như hai người đồng chí, như hai cha con, cả hai cùng khóc, nước mắt gột rửa những tủi nhục suốt 6 năm trời trong hang sói của cô, nước mắt hạnh phúc thoát khỏi hang sói sau 2000 ngày địa ngục trần gian của ông.

Và cô cũng nghe được thông tin, điệp viên CIA “Nguồn tin Tây Ninh” đã bị bắt vào ngày 1/5/1975 và bị đưa ra tòa án binh xử tử.