Bùi Đức Ánh suốt đời đợi người tình trong mộng

1192

Lê Xuân

(Đọc “Một đời đợi một người” của Bùi Đức Ánh – NXB Hội Nhà văn – 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn M. Gorky (người Nga) có nói: “Văn học là nhân học” thì định nghĩa này rất đúng với nhà giáo, nhà thơ, nhà văn Bùi Đức Ánh. Ngoài 40 tác phẩm in chung và 6 tập thơ, 5 tập truyện, tản văn, tiểu thuyết đã trình làng, Bùi Đức Ánh  cho ra mắt tiếp tập truyện ngắn “Một đời đợi một người”. Đây là tác phẩm thứ 13 của anh chào Xuân Tân Sửu – 2021.


Nhà thơ Bùi Đức Ánh.

Nhà văn Nam Cao đã nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Đúng vây, Bùi Đức Ánh đã sống và dạy học, ở nhiều trường Quảng Ngãi và Sài Gòn, và bén duyên với văn chương từ lúc 15 tuổi. Tuy học ở Đại học Tài chính Kế toán Sài Gòn  nhưng khi ra công tác anh lại say thơ trước say truyện. Anh tâm sự: “Thơ chỉ lóe lên ở những khoảnh khắc mà tâm hồn vụt sáng với những vui sướng hay đau buồn, khi cảm xúc tuôn trào. Nhưng đôi khi không thể tải hết ý tưởng của đề tài, chủ đề định viết. Vì vậy, tôi thấy văn xuôi làm được điều đó. Nó cho phép ta mở rộng biên độ suy nghĩ và cảm xúc để ta có thể miêu tả, tường thuật và hư cấu sự việc, con người theo tư duy lô gic hay tư duy hình tượng, để thỏa sức ngòi viết theo ý đồ sáng tác…”

Cả tập truyện ngắn như hơi thở, như mảnh đời của chính tác giả được ẩn giấu qua các nhân vật và hình tượng nghệ thuật chủ yếu viết về đề tài tình yêu và giáo dục. Tất cả đều thấm đẫm tình đời, tình người với những niềm vui và nỗi buồn ở nhiều thời điểm và giai đoạn lịch sử. Mỗi truyện ngắn ở đây là một lát cắt của đời sống rất chân thực của con người mà anh đã chiêm nghiệm, nó ánh lên vẻ đẹp nhân văn cao cả. Bởi văn chương của anh “không phải là ánh trăng lừa dối”, không phải là những “kiểu mẫu có sẵn”, mà anh luôn “khơi nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” như nhà văn Nam Cao đã dạy.

Với anh, tình yêu văn chương nói chung và nghề dạy học nói riêng luôn là niềm đam mê. Tình yêu ấy ngấm vào anh từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở quê nhà Quảng Ngãi. Và sau này ra công tác, dù tới đâu anh cũng gặp được những người bạn tốt giúp đỡ khi phải đối mặt với những phiền toái trên dòng đời xuôi ngược.

Truyện “Một đời đợi một người” được lấy đặt tên cho tập sách, in dấu ấn bút pháp của tác giả rõ nét. Cả một đời chỉ đợi một người chăng? Thủy chung và nhân hậu quá. Truyện không có kịch tính gay cấn mà chỉ với lối kể tâm tình, tác giả vẽ nên bức tranh rất giàu chất thơ về ước mơ hy vọng và tình yêu tuổi học trò. Hai nhân vật anh và em cùng học Cấp 3, rồi cùng lên Đại học bên nhau với bao kỷ niệm đẹp. Nhưng cuộc đời đâu có mầu hồng mãi, đâu có xuôi chèo mát mái. Anh phải chia tay em để sang Nhật học tiếp còn em ở lại với bao nhớ thương. Anh không muốn em kéo dài tuổi xuân trong đợi chờ. Tình yêu của họ cứ lớn dần theo năm tháng. Và như có dự cảm trước nó sẽ còn xa lắc xa lơ mới tới hồi kết. Tình yêu ấy chỉ là sự dịu dàng đầy lãng mạn của tuổi trẻ. Nó cũng như “ngàn cánh buồm qua hết, mới nhận ra phải quay đầu, phải đợi đến lúc chia ly, thất tán mới bắt đầu hiểu được sự trân trọng, đợi đến lúc vật còn người mất mới bắt đầu nhớ nhung”. Biết bao nỗi nhớ, buồn vui và những kỷ niệm đẹp khi anh và em lên Đà Lạt. Dòng hồi tưởng đầy mộng mơ như một đoạn thơ văn xuôi: “Mắt anh trong vắt như chứa cả bầu trời, tim anh ấm áp như hoàng hôn mỗi chiều, mà lời sao anh vẫn muốn giữ lại trong lòng. Em vẫn luôn thấy được cái khao khát tương lai trong đôi mắt anh, nó tựa nhỏ nhoi chỉ bằng giọt nắng nhưng lại khó có thể chạm đến ngay bây giờ…”. Tình yêu đầu đời ấy đẹp như bài thơ không lời, như khúc đàn đã ngưng mà “vô thanh thắng hữu thanh”.


Truyện “Một đời đợi một người” của Bùi Đức Ánh.

Truyện “Mai Khôi – tình đầu của tôi” cũng là những xao động đầu đời. Nàng là bông Mai tinh khôi, đẹp như nàng Mona Lisa. Nhưng chàng và nàng cũng sớm chia tay khi anh vào giảng đường Đại học, và một năm sau nàng đi lấy chồng. Chàng nhớ lại: “Mỗi khi tôi nhắm mắt, tôi thả lỏng hồn mình để nghĩ về nàng, cơ thể tôi hình như rất khác, một cảm giác diệu kỳ mà tôi không thể hình dung ra rằng tôi đang có nó, lâng lâng, bay bổng, phiêu hốt, và cả những run sợ, nếu như những suy nghĩ đen tối của tôi đang làm phật ý nàng, thì nàng sẽ mãi mãi không cười với tôi…”.

Các truyện “Cô gái tháng giêng”, “Chuyện tình hoa ti gon”, “Hoa nguyệt quế”, “Mười lăm năm hôn nhân”, “Cuộc tình tháng tư”… tác giả đều khai thác đề tài tình yêu gắn với sân trường và bảng đen, phấn trắng, gắn với những địa danh đầy thơ mộng. Còn truyện “Xóm làng của tôi” lại khai thác đề tài về tình làng nghĩa xóm trong một thành phố lớn “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” (Nhạc sĩ Y Vân). Họ là những chú Ba, chị Năm, thằng Còi, là những người lao động chạy xe ôm, làm mướn nhưng rất giàu tình nghĩa… Họ vui chơi, ca hát, xem đá banh, vui tết. Có gì cũng mời nhau. Người nhà quê ra thành phố làm ăn kiếm sống gặp nhau là quý lắm. Những truyện về đề tài tình yêu, Bùi Đức Ánh luôn xây dựng những nhân vật theo bút pháp lãng mạn-hiện thực. Các yếu tố mộng ảo và hiện thực luôn đan xen, một “thi pháp” mà anh đã vận dụng ở những tập truyện đã xuất bản trước đó. Vì thế, tôi gọi anh là người “suốt đời đợi người tình trong mộng”.

Riêng truyện “Nỗi buồn nhà văn” có thể xem là “tuyên ngôn nghệ thuật” của Bùi Đức Ánh. Nhân vật chính là một cô gíao dạy Văn đam mê văn chương, luôn thấy được nghề dạy văn và viết văn bổ sung cho nhau để giáo dục con người hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Cô quan niệm sự cao quý của nghề Văn: “Làm văn nghệ có tài nhưng phải có tâm để tôn vinh cái đẹp đến cho mọi người… và trước hết là người có văn hóa, có tư tưởng cao hơn… xem việc viết văn, làm thơ như một sứ mệnh cao cả, giải thoát cho con người những hỉ, nộ, ái, ố, giúp con người giác ngộ khi sa cơ lỡ bước, tìm đường ngay thẳng, có đạo lý mà đi”. Và điều đó đã làm cho nhân vật “tôi” rung cảm với mối tình nghệ sĩ. Cô định cuối năm sẽ xin nghỉ việc để để thỏa chí viết văn. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ” như Xuân Diệu đã nói. Và rồi cô bị rối lọan tâm thần, không thể sống với nghề viết…

Dù viết về đề tài nào, Bùi Đức Ánh cũng luôn có cái nhìn lạc quan và tiếng cười trong trẻo trong quá trình xây dựng nhân vật. Vì thế truyện rất đậm tính nhân văn. Có những khi cuộc đời không lối thoát, nhân vật  trong truyện của anh luôn vượt lên bĩ cực để giữ cho mình tấm lòng nhân hậu. Đó cũng là cái nhìn rất vị tha của tác giả đối với con người và cuộc sống, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng giữ được tiếng cười lạc quan. Đó là một triết lý sống đẹp, yêu đời để giúp con người đứng dậy hướng tới tương lai.

Với năng khiếu về văn chương, và qua nhiều trãi nghiệm, những truyện ngắn của Bùi Đức Ánh được giãi bày rất chân thực và được chắp cánh bởi ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu riêng, nên đã ghim lại được trong tâm trí người đọc. Tôi có cảm giác như tác giả không cố ý làm văn chương mà chỉ thủ thỉ độc thoại nội tâm những điều đã ám vào cuộc đời mình, rồi hóa thân vào mỗi nhân vật để chia sớt những vui buồn của cuộc đời họ, nên mỗi truyện không những giàu chất thơ, chất hiện thức mà còn rất giàu tình nghĩa.

Giữa những ồn ào của  phố thị thời hội nhập, đọc những truyện ngắn của Bùi Đức Ánh ta như được sống lại với những con người, những mảnh đời còn nhiều khó khăn, trăn trở, và những niềm vui khi xã hội đã sang trang. Những mặt đối lập giữa dòng đời không bao giờ dứt, nhưng ta tin rằng cái cao cả, cái thiện lương luôn chiến thắng cái xấu, cái ác. Tác giả đã tuân theo quy luật “Cái đẹp là sự giản dị” nhưng có nghệ thuật. Và những truyện ngắn của anh luôn góp phần giáo dục con người vươn tới “cái thật và cái đẹp của những hình tượng nghệ thuật”  như nhà văn Nga  Séc-nư-sep-ky đã nói.

Là một người nhiều năm dạy học và làm báo, viết văn, tôi thấy những truyện của anh rất phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh các cấp, rất phù hợp với thầy cô và nhà trường. Những truyện ngắn đó giúp cho mỗi giáo viên sẽ dạy chữ và dạy người tốt hơn. Bằng lối văn đôn hậu trong giọng kể tâm tình của người con xứ Quảng, Bùi Đức Ánh đã để lại trong tâm trí người đọc những những nhân vật, những cảnh sắc thiên nhiên đầy ấn tượng. Với những thành công ở tập truyện ngắn này, tôi tin rằng anh sẽ tiến xa hơn tren con đường văn chương đầy lao tâm khổ tứ nhưng rất vẻ vang. Xin trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc “đứa con tinh thần” “Một đời đợi một người” của nhà giáo, nhà thơ, nhà văn Bùi Đức Ánh.

L.X