Bùi Tự Lực & Thế hệ thứ ba

497

28.9.2017-10:35

>> Thư viện Bùi Tự Lực

 

Thế hệ thứ ba

 

TRUYỆN NGẮN CỦA BÙI TỰ LỰC

 

NVTPHCM- Chiến tranh vừa kết thúc thì gia đình tôi cũng tan nát. Hôm ấy, cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm chiều thì hứng trọn hai quả đại bác 105 li bắn chồng lên nhau. Oái oăm thay, lại chính là loạt đạn đại bác cuối cùng bắn đi từ căn cứ Bồ Bồ, nơi trung đoàn dù của tôi đang đóng quân.

 

Một tuần sau thì quê hương tôi được giải phóng.

 

Vậy là cả gia đình hơn mười miệng ăn không còn ai nữa ngoài tôi, và … cậu em út! Gọi là em út theo thứ tự trước sau, chứ tôi với nó là hai anh em sinh đôi, nên cha mẹ đặt cùng tên là Sửu. Tôi ra trước gọi Sửu “anh”, nó ra gọi Sửu “em”. Càng lớn lên, hai anh em càng giống nhau như hai giọt nước.

 

Nói rằng Sửu “em” còn, nhưng coi cũng như không. Bởi vì, năm ấy hai anh em cùng chạy trốn quân dịch, tôi bị bắt lính đưa vào Trường Sĩ quan Đà Lạt, nó thoát được nhờ đâm một tên quân cảnh lòi bụng; nhưng sau đó trốn biệt tích luôn.

 

Chiến tranh kết thúc. Cửa nhà tan nát. Người thân mất hết. Mang lon Trung uý nguỵ quân Sài Gòn, tôi nhập vào làn sóng di tản, rồi sang định cư tại  Nam Ca-li.

 

Tôi lấy vợ. Vợ tôi là một cô giáo Trung học, người Mỹ chính gốc và sinh được một cặp con trai rất kháu, cũng lại sinh đôi. Có thể nói đó là sự lai tạo hài hoà giữa hai dòng máu Việt – Mỹ. Hai đứa trông cũng khá giống nhau, đều có màu tóc hoe vàng, làn da trắng và màu mắt xanh lơ giống mẹ; còn mũi, miệng và đặc biệt là vầng trán rộng với khuôn mặt vuông chữ điền giống cha như thể được cắt để sang. Rất tiếc là vợ và các con tôi không nói được tiếng Việt, chỉ biết mỗi tiếng gọi thân thương nhất là: “Bố Già ơi!”.

 

Các con càng lớn khôn thì sự thôi thúc trở về thăm quê cha của gia đình tôi càng tăng. Rồi rất bất ngờ, năm ngoái tình cờ tôi bắt liên lạc được với Sửu “em”-cậu em song sinh- thất lạc nhau sau hơn bốn chục năm nay. Thật kì diệu! Lại còn một Bùi Văn Sửu nữa, đứa em chung bào thai đang ở nửa phía bên kia quả địa cầu!

 

Sự thôi thúc ngày trở về càng trở nên cháy bỏng.

 

Qua thư từ, Sửu “em” kể cho tôi nghe: Ngày đó, sau trận vây bắt lính ấy, nghe tin tên quân cảnh bị đâm ấy chết trên đường đi cấp cứu, Sửu “em” chạy vào Sài Gòn rồi dạt sang Ai-lao và mất liên lạc luôn.

 

Những năm sau đó, chú ấy tham gia đoàn Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất Lào, vẫn mang cái tên cha mẹ đặt cho: “Bùi Văn Sửu”. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chú ấy trở về quê gây dựng lại gia đình ngay chính trên mảnh vườn xưa của cha mẹ.

 

Tuy lấy vợ muộn nhưng cuộc sống của gia đình của chú sớm ổn định, “cũng tàm tạm, trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình”. Nhà cửa và vườn tược ở quê chú ấy giao lại cho ông bác sống độc thân ở trông coi, hương khói giúp bàn thờ ông bà, cha mẹ. Còn gia đình chú thím và các cháu chuyển ra thành phố làm nghề thu mua hàng nông sản xuất khẩu. Thời buổi này làm được như thế là khá. Cũng tại lấy vợ muộn nên vợ chồng chú thím tranh thủ sinh liền năm một, gọi là vọc trẻ con luôn thể, được hai cô con gái. Hiện hai cháu đang học cấp ba, “Nói cho bác mừng là các cháu giống cha như tạc”. Khi nói đến các con y rằng bao giờ chú ấy cũng bắt đầu một câu như thế. Như vậy thì các cháu cũng rất giống tôi. Dòng dõi nhà tôi có gien trội rất mạnh, máu ngoại quốc như Hoa Kì cũng không lấn nổi. Thật tốt phước, “Con gái giống cha làm giàu ba họ”.

 

Trong mối quan hệ Việt-Mỹ được bình thường hoá và vị thế Việt Nam hội nhập toàn cầu như hiện nay, khát vọng trở về thăm Việt Nam quê Cha đất Tổ trong gia đình tôi càng thôi thúc mãnh liệt hơn. Hiện vợ và các con tôi đang tích cực theo học tiếng Việt. Riêng hai cậu con đang chờ bảo vệ Luận văn Tiến sĩ y khoa. Tôi rất mừng khi các con đang có ý định tham gia một tổ chức từ thiện sang hoạt động tại Việt Nam.

 

Tôi hy vọng trong một ngày không xa, gia đình mình được đoàn tụ và hoà nhập bình thường cùng huyết thống, chung ngôn ngữ, trong cộng đồng người Việt ngay tại quê hương thân yêu.

 

Tuổi tác xếp cao như núi đồi, anh em tôi sắp bước vào tuổi lục tuần rồi. Nói theo các cụ Nho gia ngày xưa, “Lục thập nhi nhĩ thuận”, nghĩa là sáu mươi tuổi biết theo mệnh trời. Những năm tháng xế bóng về già, mà tôi được kí thác tấm thân hơn nửa phần đời long đong lận đận, bôn ba lăn lóc nơi xứ người với quê hương; con cái tìm về được với tổ tông, nguồn cội thì nhất thiên hạ, ngẫm cười mãn nguyện. Sống ở đâu, sung sương mấy rồi cũng không bằng trên quê hương mình! Tôi cũng thuộc lớp người cũ, ít nhiều thấm cách ngẫm nghĩ Á Đông, máu hồng không thể phai được. Thời trai trẻ loạn lạc nghĩ khác. Bây giờ sắp về già rồi nghĩ khác, “cáo chết quay đầu về núi” là lẽ tự nhiên. Cô vợ người Mỹ và các con tôi cũng cảm nhận được điều ấy. Thế là tôi hạnh phúc nhất đời.

 

Tết Đinh Hợi 2007, tôi là một thành viên của Đoàn Việt kiều được về Việt Nam ăn tết. Có thể nói đó là sự ưu tiên của gia đình tôi bên Mỹ, cho “Bố Già ơi” được về trước thăm quê hương.

 

Năm nay gia đình Sửu “em” ăn tết to hơn, sang hơn mọi năm, cũng phải thôi, có tiếng được đón người nhà là “Việt kiều yêu nước” mà! Thấy gia cảnh của em như thế, tôi mừng lắm. Ngôi nhà ba tầng ngay mặt phố, hai tầng trên để ở, tầng trệt lập văn phòng; tiện nghi sinh hoạt cũng khá; các cháu xinh xắn dễ thương, học hành chăm ngoan.

 

Ba mươi mấy năm rồi tôi mới có được một cái tết vui Xuân đúng nghĩa và thắm đượm tình cảm gia đình Việt Nam như thế. Nhưng khoái nhất vẫn là được nhìn hai cô cháu gái. Chúng nó giống tôi, giống cha, giống các anh nó. Vầng trán rộng thông minh, đôi má căng tròn chín mọng, kết hợp hài hoà với nét cằm cương nghị, làn môi mỏng chúm chím hay cười. Đó là gương mặt tươi sáng, đầy đặn, phúc hậu tôi đã in sâu vào tâm khảm. Đúng là dòng giống nhà tôi, những gương mặt đường nét rỡ ràng có thể đo vẽ được, sao mà xinh tươi, mà hồn nhiên, trong sáng như hai chị em trăng tròn!

 

Một cái Tết sum vầy trôi qua chóng vánh, tôi sắp sửa phải trở sang Mỹ. Đêm trước khi chia xa, tôi giành thời gian chơi với các cháu thật nhiều. Tôi rất mừng khi nhận thấy các cháu cứng cáp trong cách nghĩ, cách nói so với những đứa cùng trang lứa, lại có nhiều điều kiện vượt trội. Thậm chí xài những đồ chơi cao cấp không khác gì con em nước Mỹ: máy vi tính loại cấu hình mạnh kết nối in-tơ-nét, các thiết bị điện tử nghe nhạc, xem phim, điện thoại không dây, phôn di động…; còn có cả những người bạn “chát” tận bên Mỹ nữa, nửa đêm chỉ cần nhấn phím vài cái là đã nghe tiếng nói, nhìn thấy nhau rồi. Nhưng hình như tôi cảm thấy các cháu hơi khôn trước tuổi, chưa hài lòng với những gì mình đang có, vẫn đang thiếu thốn và muốn một thứ gì đó để chơi mà ở Việt Nam chưa tìm được.

 

– Ngày mai bác trở sang Mỹ rồi, bác giành cho hai cháu cưng của bác một nguyện vọng. Thích gì cứ nói. Bác chiều hết.

 

Không cần phải suy nghĩ gì, cô chị nói ngay:

 

– Con muốn đi du học bên Mỹ. Ở bên ấy có thẩm mĩ viện hiện đại để sửa lại khuôn mặt của mình cho đẹp hơn. Bọn con thấy ghét cái cằm chành bạnh tạo nên khuôn mặt vuông chè bè mà ba con hay gọi là “lá trúc che ngang khuôn mặt chữ điền.”. Ba bảo hai cái má phúng phính mới nhìn thấy là muốn thơm liền, mấy đứa bạn trai lại trề môi “Mặt nắp bầu ngó lâu muốn chửi!”.

 

Tôi bất ngờ như vừa bị ai đánh “bốp” vào mặt, đành ngồi im chứ chưa phản xạ kịp, chưa kịp nghĩ sẽ phải nói một điều gì với các cháu.

 

Đó là cách nhìn của các cháu tôi! Chúng nó không muốn chấp nhận khuôn mặt của cha ông ư? Mỗi bận soi gương chúng nó cảm thấy hổ thẹn với gương mặt mình?!

 

Cô em đưa nhẹ tay bấm hông cô chị. Hình như nó muốn nhắc rằng, “Chị nói đúng ý em, bác đang nghe đấy, nói nữa đi!”.

 

– Ba mẹ là lớp người cổ điển của thời kì bao cấp, lúc nào cũng hoài cổ, cứ hay ca cho bọn con nghe bài ca trường thiên lí: lúc nhỏ ba mẹ đi học bằng…, ba ăn mặc như…, ba chơi bằng… cứ điệp khúc “bao giờ cho đến ngày xưa” như thế. Bọn con là lớp người hiện đại của kinh tế thị trường. Bác sống ở Mỹ lâu rồi, bác biết đấy! Mấy tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ ấy à? Cứ du học là có tất. Nếu có tiền thì mọi thứ đều có thể mông má, đề-mâng-tê đánh bóng lại được hết, kể cả thay máu, thay da.

 

Tôi choáng váng như vừa bị ai giáng một búa vào đầu. Hình như đó là ý nghĩ của ai, chứ đâu phải của hai cô cháu gái yêu kiều của tôi?

 

Giờ đây trong tay họ có đủ tất cả rồi, người ta muốn nắn lại hình hài, đổi thay huyết thống, sửa lại bộ mặt cha ông.  Chúng nó đang bắt chước ai khoác  lên cái áo gọi là “Trùng tu” hay “nâng cấp” gì đấy, để chà đạp lên lịch sử văn hóa dân tộc, đập phá các di tích đền đài cổ được tổ tiên tạo dựng hàng trăm năm; chúng thị đồng tiền mang về từ ngoai quốc gán cho cái tên mĩ miều “hướng về quê hương”, để ngụy tạo những di tích văn hóa hổ lốn gọi là nơi thờ cúng tổ tiên. Trong khi đó bỏ đất thánh cha ông, nơi  uy linh lần hồi mục nát.

 

Thế hệ thứ ba của dòng giống nhà tôi đấy ư?! Một thế hệ được nuôi lớn lên trên chính giang sơn gấm vóc rồng tiên lại là như thế đấy ư?! Tội nghiệp cho vong linh ông bà, cha mẹ; tôi nghiệp cho anh em tôi, và tội nghiệp cho chính cả các cháu nữa!

 

Tôi ngồi im mím môi bất động như pho tượng. Tưởng tôi đang chăm chú lắng nghe, hai cháu còn nói thêm gì đó nữa, nói rất nhiều, nhưng tôi nghe mà không hiểu.

 

Tôi cảm thấy lòng mình trống không, trơ trọi, hình như có một khối băng đang tan dần.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Vá đồng – Nguyễn Hồng

>> Giải cứu – Vũ Thị Huyền Trang

>> Tân Cảng – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Chàng thi nhân đầu bạc – Nguyễn Quang Thân

>> Dị đoan – Nguyễn Trương Quý

>> Điệu Valse ngày cũ – Vương Hoài Uyên

>> Ngày hôm qua – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Huyền sử – Nguyễn Hồng Lam

>> Đá thiêng – Vân Hạ

>> Gặp nhau giữa sân trường – Nguyễn Thị Bích Nhàn

>> Tìm em – Văn Giá

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…