Cảm nhận trường ca của Lê Quang Trang

843

                                                                                                             Bùi Công Thuấn

 (Vanchuongphuongnam.vn) – Trong hai năm, nhà thơ Lê Quang Trang đã in liền hai trường ca, Biển xanh vẫy gọi (2016) và Trên con đường ấy, Trường Sơn (2018). Điều này cho thấy cảm hứng sáng tạo và sức viết của ông thật dồi dào, dù ông đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm” (Lê Quang Trang sinh năm 1947). Theo nhà báo Phạm Thành Long, nhà thơ Lê Quang Trang viết trường ca Trên con đường ấy, Trường Sơn từ 1984, cho suốt tới 2017 anh mới hoàn thành tác phẩm (1). Quả là một thời gian dài nung nấu suy tư, nuôi dưỡng cảm xúc, chọn lọc chất liệu, cấu trúc tác phẩm để thơ cất thành lời và làm nên những giá trị, giá trị nghệ thuật và tâm huyết của sự sáng tạo.

Nhà thơ Lê Quang Trang

Biển xanh vẫy gọi

“…ta lên đường đi tới

biển xanh đang vẫy gọi

những chân trời mở ra” (tr. 78)

Biển xanh vẫy gọi là trường ca của cảm hứng lãng mạn và những trang thơ lấp lánh sắc màu thẩm mỹ, đặc biệt những trang lục bát Lời sông hát (tr.48), Lời rừng hát (tr.79), Lời biển hát (tr.108). Hiện thực đất nước phát triển đã nâng cánh cho nhà thơ bay lên, khởi đi từ những ngày thiếu đói, lạm phát, và hàng triệu người bỏ tổ quốc ra đi; đến vận hội gia nhập WTO, AFTA, ký TPP, quan hệ với ASEAN và khép lại quá khứ, bình thường hóa với Hoa Kỳ; niềm hân hoan về tương lai tràn ngập trên các trang thơ. Dân tộc rồi này sẽ chiếm lĩnh lấy đỉnh cao nhân loại. Và đàng hoàng cùng loài người đi tới tương lai…

Trường ca còn là tấm lòng dạt dào yêu thương của nhà thơ với quê hương; thắm thiết nghĩa tình với đồng bào đồng chí, nhất là những người đã cống hiến và hy sinh đời mình cho tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biển đảo. Đặt nền tảng tư tưởng trên quá trình thắng lợi của Cách mạng Việt Nam và mở rộng tầm nhìn toàn cầu hóa, Lê Quang Trang thể hiện một niềm tin trọn vẹn thủy chung với Đảng và sự nghiệp Cách mạng. Nhưng trái tim nhà thơ cũng không nguôi đau xót về những mất mát hy sinh không thể bù đắp, trăn trở về những vấn đề nhân sinh, về thời cuộc hôm nay.

Trường ca Biển xanh vẫy gọi được viết theo tầm nhìn lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai. Vì thế, Biển xanh vẫy gọi có bóng dáng sử thi những con người anh hùng của thời đại anh hùng (chương II, IV, VII), những vận động lớn lao của lịch sử. Thể hiện nội dung ấy, nhiều trường đoạn thơ khí lực mạnh mẽ, mạch thơ cuồn cuộn trong những chặng đường oanh liệt của lịch sử.

Tác giả, với tư cách nhà thơ, tư cách công dân, tư cách người lính trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến (tr.135), tự hào về quá khứ, phấn khởi về tương lai (tr.138). Trường ca là tâm nguyện của nhà thơ muốn truyền lửa (tr.25) cho thế hệ trẻ và một niềm tin vững chắc vào tương lai (chương Lời trao gửi. tr.134). Tất cả những vấn đề lịch sử và hiện tình của đất nước đều được nhà thơ nhìn bằng quan điểm của Đảng, tình cảm Cách mạng căn gốc sâu nặng của tình cảm thơ.

Biển xanh vẫy gọi nằm trong dòng thơ trữ tình-chính trị của thơ Việt Nam thời chống Mỹ. Tác giả bộc lộ trực tiếp suy nghĩ về vấn đề hiện thực và lịch sử, những vấn đề tư tưởng và chính trị đương thời. Tấm lòng của nhà thơ với quê hương, đất nước và Cách mạng là cốt lõi cho sự thành công của trường ca này. Không có ngọn lửa tình yêu ấy, Lê Quang Trang không thể viết được một trường ca có sức thu hút lòng người và những trang thơ tải được một thời bão táp cách mạng. Biển xanh vẫy gọi là cái nhìn của thời bình hướng về tương lai. Lê Quang Trang dành trường ca Trên con đường ấy, Trường Sơn để ghi lại thời hào hùng của quá khứ.

Trên con đường ấy, Trường Sơn.

     “Đã nhiều đêm về trong giấc mơ tôi

     gặp lại Trường Sơn những năm tháng cũ

     gặp rừng đại ngàn mùa khô lá đổ

     gặp lại chiến tranh một thuở gian lao…”

Đã có nhiều nhà thơ viết về đường Trường Sơn. Trường ca của Lê Quang Trang khai thác một đề tài đã có nhiều thành tựu, sẽ gặp khó cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện, nhất là khi Lê Quang Trang vẫn viết bằng thi pháp của thơ chống Mĩ. Cái Ta trữ tình là cái Ta công dân, cái Ta chung nhân danh đồng đội, nhân danh Đảng và con người Việt Nam thời kháng chiến. Nhưng cái Ta của Lê Quang Trang có những đặc điểm riêng của giọng điệu, của của cá tính sáng tạo.

     Trường ca được viết theo chiều dài lịch sử. Câu chuyện bắt đầu khi Hiệp định Giơ-ne-vơ chia cắt đất nước, rồi tác giả kể lại những trải nghiệm mưa nắng Trường Sơn (chương 3), hồi tưởng về “những cánh chim đầu đàn” như Võ Bẩm, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính, Đồng Sĩ Nguyên…(chương 5). Con đường Trường Sơn được mở rộng thêm chi nhánh chi lưu (chương 6). Kết đọng của trường ca là tình cảm sâu sắc với Cách mạng và kháng chiến, là ân tình nghĩa cả với thế hệ những người đã chiến đấu và hy sinh cho hạnh phúc hôm nay và mai sau (chương 7). Trường ca là thông điệp tâm huyết về đất nước và con người Việt Nam kỳ diệu trong kháng chiến mà tác giả muốn gửi đến các thế hệ tiếp nối.

Chương 1 (Tiềm thức) và chương 2 (Đụng độ) trình bày lại những ý kiến đương thời, lý giải tại sao ta mở con đường Trường Sơn. Nhà thơ vừa tường thuật những diễn biến lịch sử, vừa bàn luận chính trị, tương quan ta và địch, vừa bày tỏ cảm xúc.

“Giới tuyến như lưỡi dao khắc nghiệt/ lách vào tim ta/ cắt vào thịt da/ để lại vết thương nhức buốt”. Song niềm tin có phần ngây thơ trong bối cảnh đan xen nhiều lợi ích phức tạp, và kẻ thù đầy nham hiểm, nhìn tương lai nhiều lúc mịt mù. Chúng gây ra bao tội ác với nhân dân ta “ai yêu nước đều cho là Việt cộng/ người lương thiện như chẳng còn đất sống”…. “thảm sát ở Vĩnh Trinh, Chợ Được, Hương Điền/ ở Bình Thành hay Ngân Sơn – Chí Thạnh/…mổ bụng, moi gan, cắt cổ, chặt đầu/ xâu kẽm gai dìm xuống nước sâu/ bất kể người già, trẻ em, phụ nữ…”. Từ thực tiễn khổ đau và chiến đấu, ta nhận ra sự thật, “con đường duy nhất, có áp bức, cần đấu tranh!” Và “Sau rất nhiều ý kiến nêu ra, cân nhắc, luận bàn/ một nghị quyết mở đường cho bão nổi”: Mở đường Trường Sơn, kết nối hậu phương tiền tuyến để hoàn thành Giải phóng miền Nam.

Khi mở ra con đường giải phóng miền Nam, còn bao nhiêu điều trăn trở.  Chúng ta là một quốc gia nhỏ bé phải đương đầu với siêu cường hùng mạnh, “khác nào voi với kiến”. Cứ theo suy nghĩ bình thường: “kết cục chắc khó ngoài quy luật” (tức là quy luật mạnh được yếu thua). Nhưng cả dân tộc quyết đánh. Bởi vì ta có lịch sử anh hùng, có lý tưởng “không có gí quý hơn độc lập tự do”, có bè bạn xa gần chia sẻ, vì họ hiểu chính nghĩa của Việt Nam. Nhưng con đường tư tưởng không phải dễ dàng thông suốt. Chỉ đến khi toàn thắng (1975) vấn đề tư tưởng mới sáng tỏ (tr. 30).

Mưa nắng Trường Sơn (Chương 3) là chương có chất lượng nghệ thuật nổi trội so với các chương khác. Có lẽ khi viết về những gì chính mình trải nghiệm, nhà thơ có sự thăng hoa của người trong cuộc, và hôm nay, một bước lùi thời gian đủ dài để nhận ra những ý nghĩa sâu sắc và vẻ đẹp của một thời hào hùng. Vì thế thơ rất chân thực, mạch thơ cuồn cuộn nhịp sống của những ngày kháng chiến. Chất liệu hiện thực gây được nhiều xúc cảm, hồn thơ bay bổng lãng mạn. Những ấn tượng về Trường Sơn tồn tại mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ.

Dấu chân tôi đi Nam đặt ở cửa rừng

tại làng Ho tỉnh Quảng Bình…

rừng dưới chân ẩm ướt

đầy trời pháo sáng treo

tiếng máy bay rú rít trên đầu

bãi khách người vào người ra nhộn nhịp…

Rừng đón chúng tôi thân quen và hồ hởi

Vẫn những gương mặt trẻ trung

Mũ tai bèo và quần áo màu xanh

Hòa lẫn trong bạt ngàn cây lá…

Đây là chặng hành quân đầu tiên của người lính trẻ Trường Sơn:

Ngay những trạm đầu tiên

đường hiểm trở như đi vào đất Thục

qua Cổng Trời là dốc Nghìn lẻ một

những làn mây ướt sũng dưới chân người

gió thênh thang không quạt ráo mồ hôi

ba lô nặng xiết những cơn thở dốc

vách đá xám giăng hàng ngang dọc

bốn bề lũy đá bủa vây

dưới thung sâu sông như sợi chỉ gầy

miệng đắng ngắt và đôi chân rời rã

mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ

ai biết rằng mới là chặng đầu tiên”

 Lê Quang Trang đã có những trang thơ hay, giàu cảm xúc, giàu khám phá hiện thực. Nhà thơ có sự quan sát rất tinh tế về mùa mưa (tr. 49), mùa khô khắc nghiệt (tr. 54), những nghiệm suy từ trung đội của tôi (tr.34), về bao cái chết ở Trường Sơn (tr.58); những trang thơ dạt dào tình cảm về mẹ (tr.62) dạt dào tình thương em (tr. 63) và sôi nổi những chuyện tình của cánh lái xe, của giao liên, của những hoa rừng lãng mạn (tr. 64). Có những câu thơ đọc lên lòng ta thấy rưng rưng thương cảm. Người lính giỗ mẹ giữa rừng Trường Sơn “chỉ rau rừng, cá suối sắp mâm cơm/ và tấm lòng thành kính của con”; Trường Sơn bạt ngàn, nơi nào cũng có đồng đội hy sinh: “Những nghĩa địa đơn sơ và u tịch/ rải rác nằm khắp các ngả Trường Sơn”; và hạnh phúc thật đơn sơ, trong sáng: “bắt gặp đóa hoa nở vô tình bên suối/ đường hành quân đủ rung động lòng ta”; mùa khô thiếu nước, khổ ơi là khổ “mồ hôi chua len vào giấc ngủ/ len cả vào những tình tự gái trai/ ngại gặp anh vì thiếu tự tin/ hương thiếu nữ bị mồ hôi ngăn lối”(tr.56). Mùa mưa càng khổ hơn:

Trời đang nắng bỗng mưa ào như trút

dưới tán rừng đêm tối xuống nhanh hơn

nước ở đâu đổ xuống vai em

nón tai bèo làm sao che kín mặt

tấm ni lông làm sao cho khỏi ướt

ba lô đè lưng thiếu nữ mảnh mai

lá mục dầy trộn bùn nhão dưới chân

dễ lạc bước giữa rừng già nguyên thủy…

…không khí hoang vu lạnh như cõi chết

chỉ đồng đội bên nhau rải kín rừng già.

chia tay nhau lưu luyến ở Khe Ve

hơi thở dồn vượt đèo Phu La Nhích

phà Xuân Sơn bom rơi như không ngớt

và bạn tôi ngã xuống tại Lằng Khằng…(tr. 51)

“…đất với đá, thi thể người trộn lẫn

 sau bom rơi không nhận được bạn bè

máu xương hòa cùng đất đá suối khe

biết mất người nhưng người không thể chết.(tr.59)

Từ gian khổ, mất mát đau thương, con người Việt Nam sáng lên vẻ đẹp kỳ vĩ trong những cái rất đỗi bình dị, sáng lên những “ân tình nghĩa cả” và đặc biệt nhà thơ khám phá cái đẹp, khám phá những giá trị nhân văn làm nên bản sắc Việt trong kháng chiến.              

                     Đơn vị tôi chịu trận bom đầu nơi trọng điểm Ta Lê

                     năm lượt B.52 bừa khi qua ngầm chật hẹp

                     chân chưa kịp khỏa trong nước mát

                     tiếng ì ì vọng đến từ xa

                     có tiếng hô: B.52! B.52!

                     rồi tiếng nổ chồng lên tiếng nổ

                     đất đá tứ tung, ngổn ngang cây đổ

                     cả vùng trời mù mịt khói bom

                     dứt tiếng bom, rũ bụi đứng lên

                     dồn đội ngũ lại hành quân tiếp

                     màu máu đỏ loang trên mặt nước

                     bước chân không dừng lại giữa đường…

                    … gian khổ tột cùng

                    mà tràn ngập niềm vui…(tr.36-37)

 

                    Những nụ hôn ủ dưới lớp lá dày

                    không cơ hội được một lần bùng nổ

                    xe anh qua nghe hương anh trong gió

                    không kịp dừng để tay ấm trong tay (tr.65)

Phát hiện thật thú vị về mùi hương của em và của anh: “hương thiếu nữ bị mồ hôi ngăn lối (tr.56) và “xe anh qua nghe hương anh trong gió/ không kịp dừng để tay ấm trong tay” (tr.65). Dù ngoại cảnh gian khổ có che lấp đi, nhưng không thể nào che lấp được cái đẹp, tình yêu thương và những giá trị nhân văn. Đoạn thơ viết về mái tóc em đọng lại bao nhiêu yêu thương:

mùa mưa kế tiếp mùa mưa

  mái tóc em cứ ngày thêm thưa thớt

  mái tóc ấy từng đen dài óng mượt

  hoàng hôn về từng hong ở chân đê

  hương bưởi, hương chanh thoảng gió trưa hè

  khiến trai làng thả hồn vào mơ mộng

  giờ ngồi đếm từng sợi dài tóc rụng

  nghe thời gian trôi trong ẩm mốc rừng già

  Trường Sơn ơi! Trường Sơn yêu mến của ta

  khắc nghiệt làm chi cho em khổ cực

    mưa làm chi để xe anh trượt dốc

  vách đá gầy chặn đứng khúc đường quanh

  bom như mưa vặt trụi cả thân cành

  và chết chóc như lá rừng lả tả”(tr.52)

Lê Quang Trang đã viết một bài ca lãng mạn về đất nước và con người Tây Nguyên hùng vĩ, nghĩa tình (tr.72-73), đã viết bản hùng ca “cơn lũ” (chương 4) giải phóng miền Nam: “Bao năm trôi qua vẫn chưa hết lạ lùng/ trận chiến thắng đã đi vào lịch sử/ những đoàn quân tràn về như thác lũ/ bắt đầu từ gian khổ Trường Sơn”. Khởi đi từ Buôn Ma Thuột, “cơn lũ” tràn xuống Huế -Trị Thiên, vây phủ Đà Nẵng, cuốn phăng “Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết, Phan Rang”, vượt qua “lá chắn thép Xuân Lộc” tiến vào sào huyệt kẻ thù. Tôi có cảm xúc như đang đọc những trang hào hùng nhất của Bình Ngô đại cáo về những chiến công oanh liệt. Nhà thơ vừa tường thuật cặn kẽ chiến trận, vừa bình luận mối tương quan thế và lực, giữa ta và địch, làm bật lên sức mạch chiến tranh nhân dân; vừa để thơ nói hộ những cảm xúc tuyệt vời của người trong cuộc chiến thắng. Và Lê Quang Trang cũng viết những trang bi tráng về những con tàu không số (tr.107) và sự kiện Vũng Rô (tr. 111-112). Sự bi thương bao trùm cả bầu trời, và trong nỗi đau cao như vách núi, sự hào hùng vẫn ngời lên sắc đỏ. Nói như thế để nhận diện màu sắc thẩm mỹ và những cung bậc cảm xúc của trường ca là rất phong phú. Chính điều này làm nên giá trị thẩm mỹ của trường ca. Người đọc không thể tìm thấy giá trị ấy nếu săm soi câu chữ, vần điệu hay tìm tòi sự sáng tạo ở các yếu tố hình thức khác của thơ.

Chương 6: Chi nhánh/ chi lưu, viết về đường biển, đường không và đường tiền, cung cấp cho bạn đọc hôm nay nhiều thông tin mà không ít người còn chưa biết tường tận. Nhưng trên hết, tác giả muốn nói đến tài trí nhân dân, đến sức mạnh của chiến tranh nhân dân và những tấm lòng nhân dân vì Cách mạng và kháng chiến. Đó là thời đại của “những tấm lòng vì lý tưởng lớn lao/ rực sáng mãi trên bầu trời thanh khiết!

Sau sự kiện Vũng Rô ta gặp khó trăm bề, nhưng ta tìm ra phương thức mới: “chiến thuật mới theo thiên hà di chuyển/ rồi đột ngột chuyển làn vào cập bến/ địch bất ngờ nên khó thể tìm ra/…Lại những chuyến lên đường đến với những biển xa/ những chuyến hàng âm thầm ra tiền tuyến” (tr.113). Khi Mỹ buộc phải ngưng ném bom miền Bắc, ta đổi phương thức chuyển hàng gián tiếp, “theo biển tới Quảng Bình rồi đi tiếp Trường Sơn”; “hòa với biển ta công khai hoạt động”, lẫn trong dân, giấy tờ hợp pháp, “cũng lưới cụ như người dân đánh cá/ cũng chủ vựa, nhưng chỉ là chủ giả”… “người lái tàu là người dân yêu nước/ quy tụ về từ nhiều ngả quê hương”(tr.116). Và những chuyến hàng qua cảng Sihanoukville, qua phi trường Pochentong, “dưới những”mã” không thể nào phát hiện”.(tr.118) “hàng trăm hàng ngàn chuyến như thế đến và đi/…có cội nguồn từ nghĩa tình hữu nghị/chung một kẻ thù, chung tình nghĩa anh em”.

“Đường tiền” là con đường kiếm tiền, tiêu tiền. “Đất nước còn nghèo phải chiu chắt từng đồng/ dồn vào chi viện miền Nam/…không một ai tính chuyện tơ hào… /những tấm lòng vì lý tưởng lớn lao/ rực sáng mãi trên bầu trời thanh khiết!”(tr.121). Khi gặp khó ta “lại trở về với trí tuệ nhân dân/ xây cơ sở ngay trong lòng địch/ những thương gia chính là mắt xích/ tiền qua đây chuyển đến, rút ra/ táo bạo hơn giữa đường phố xa hoa/ có ‘đại gia ‘trở thành cơ sở”(tr.122).

Chương 7 (Hạnh phúc) là chương suy gẫm sâu sắc, nghĩa tình về hạnh phúc hôm nay. Những suy gẫm về ân tình nghĩa cả này đã trải khắp trường ca, giờ kết tinh lại thành tâm tình gửi cho ngàn sau. Nhà thơ trở về với góc nhìn của cá nhân trong tương quan với thời đại, với đồng chí, đồng bào, để khẳng định những giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc ấy lớn lao vì là sự đóng góp của những người mẹ, những anh, những chị đã gắn với Trường Sơn; của hai vạn người đã ngã xuống, và biết bao người gửi một phần thân thể, gửi cả tuổi trẻ ở Trường Sơn. Nhiều người giờ đang âm thầm chịu những “nỗi đau không nói được thành lời”. Hạnh phúc đầy nghĩa tình ấy khác rất xa với hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc vị kỷ của con người vô cảm, thực dụng hôm nay.

   Đi bên em tay ấm trong tay

   thấy hạnh phúc về một thời tuổi trẻ

   thấy tự hào đồng hành cùng thế hệ

   được dấn thân với đồng chí đồng bào

   được góp phần vào chiến thắng hôm nay

   như lẽ phải và lương tâm kêu gọi

   hạnh phúc lớn được đi cùng thời đại

   trên con đường mà ta sinh ra.(tr. 129)

Viết trường ca, Lê Quang Trang sử dụng ba phương thức diễn ngôn: miêu tả hiện thực trải nghiệm, bình luận thế cuộc và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc. Ngòi bút miêu tả của ông đạt được tính chân thực, mộc mạc nhưng tinh tế. Bút lực và cảm xúc thẩm mỹ dồi dào. Ông cũng bộc bạch được những gẫm suy và tình cảm sâu sắc, có sức thuyết phục. Đây là phần kết đọng khi người đọc gấp trang thơ lại. Tuy nhiên, những bình luận chính trị, những luận bàn thế cục của ông chưa thực sự sắc sảo, chưa nhiều đóng góp riêng. Điều này dễ hiểu bởi lúc ấy, Lê Quang Trang là người lính trẻ Trường Sơn, là nhà thơ, không phải nhà chính trị như nhà thơ Tố Hữu.

Đọc trường ca của Lê Quang Trang

Tôi thường sử dụng cách “đọc gần” (close reading) của Phê bình mới (New Criticism) để đọc thơ, nhờ đó có nhiều khám phá thú vị về thơ của các nhà thơ Việt Nam đương đại như thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Đỗ Quyên, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly… Tuy nhiên cách“đọc gần” không giúp ích gì khi đọc trường ca của Lê Quang Trang. Nhiều chương, đoạn của trường ca Lê Quang Trang nếu đọc với tốc độ chậm, người đọc sẽ thấy câu thơ, hình ảnh, thiếu chất kết tinh, văn bản chỉ nặng về nghĩa thông tin. Đó là những câu chữ kể chuyện đời thường trong chiến tranh. Tác giả chú tâm bộc bạch suy nghĩ cảm xúc về những sự việc mình trải nghiệm hay quan sát được, trải lòng luận bàn thế cuộc. Người đọc rất khó tìm thấy những phẩm chất thơ độc đáo trên văn bản trường ca.

Nhưng nếu trường ca được đọc với tốc độ nhanh, bỏ qua câu chữ, thì hồn thơ sẽ hiện ra, mạch thơ tuôn chảy và khí cốt thơ xuất hiện, đủ sức gây ấn tượng về những điều tác giả miêu tả và suy tưởng. Có thể hiểu thế này, Trường ca của Lê Quang Trang miêu tả sự việc diễn ra trong hiện thực với tốc độ khốc liệt của chiến trường mưa bom bão đạn, với sự vận động không ngừng nghỉ của bao nhiêu con người trên rừng dưới biển, đối mặt với kẻ thù trăm phương ngàn kế, mưu ma chước quỷ. Nhịp của thơ là nhịp của cuộc chiến trên tất cả các mặt trận. Và vì thế người đọc phải có tâm thế người trong đại cuộc lịch sử những tháng năm kháng chiến, đặc biệt là tâm thế của người lính chiến trường, sống lý tưởng và gắn bó với nhân dân, dân tộc. Không có tâm thế này, thì không thể hiểu và cảm được thơ Lê Quang Trang.

Tất nhiên trong cả hai trường ca cũng có những đọan cần đọc chậm để cho cái đẹp của hiện thực, cái đẹp của văn chương và cái đẹp của tâm hồn nhà thơ thấm vào người đọc, lúc ấy cảm xúc thẩm mỹ mới thăng hoa:

 “Không dễ dàng tả được cảm xúc của anh

người họa sĩ vùng cao lần đầu đến với bình minh biển

nắng lấp loáng như nghìn nghìn ngọn nến

cát trắng êm mát dịu dưới chân người

ngoài kia, nơi vòng cung gặp nhau giữa nước với trời

quả cầu lửa trồi lên từ đó

những con thuyền mong manh như lá lúa

dập dềnh theo nhịp điệu của niềm vui

trong không gian của Đất-Nước-Trời

anh căng mắt nhìn chân trời vô tận

tưởng tới đó đã là giới hạn

nhắm mắt nhìn lại thấy xa hơn.”(tr.83)

 (Chương IV- Nhắm mắt nhìn xa– trường ca Biễn xanh vẫy gọi)

Trường ca của Lê Quang Trang được viết bằng “thi pháp” thơ thời chống Mỹ, nên công chúng sẽ rất dễ đồng cảm. Họ gặp lại những con người anh hùng của một sự nghiệp vĩ đại, sống lại những sự việc mà đến hôm nay, sau một nửa thế kỷ, dù soi ngắm ở góc độ nào, nhân loại vẫn thấy sự kỳ diệu của một dân tộc nhỏ bé khi tự mình tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc, đối mặt với kẻ thù sừng sỏ nhất của thời đại. Vẫn còn đó những người lính đã sống chết ở Trường Sơn, đã từng nhận chịu hậu quả thảm khốc của chất độc da cam; những cô gái đã gửi lại mùa xuân ở chiến trường…, những người anh hùng ấy sẽ thấy những hy sinh của mình thật xứng đáng với sự nghiệp chung của dân tộc.

Bạn đọc quen với những cách tân nghệ thuật sẽ khó nhận ra cái đẹp của thơ Lê Quang Trang, bởi cái đẹp không hiện lên ở hình thức ngôn ngữ, hay kiểu tư duy như ở thơ Siêu thực, kiểu cấu trúc của thơ Tân hình thức, cũng không có những đặc trưng của thơ Hậu hiện đại. Thơ Lê Quang Trang vẫn chảy trong dòng thơ ca cách mạng và kháng chiến “truyền thống”. Điều này không ảnh hưởng gì đến phẩm chất thơ hay. Nhưng tại sao Lê Quang Trang chọn cách viết thuần khiết mộc mạc, chân chất, và thơ lướt đi nhanh? Có thể nhà thơ hướng về công chúng trẻ hôm nay, thế hệ “lướt” web toàn cầu, thế hệ của tốc độ. Nhưng cũng có thể, cái đẹp của thơ kháng chiến là cái đẹp kết tinh từ chính sự chân mộc giản dị của đời sống và Lê Quang Trang muốn giữ nguyên đặc điểm thẩm mỹ này?

Viết trường ca khó không chỉ ở việc giữ cho được cảm hứng sáng tạo từ dòng thơ đầu đến những chữ cuối cùng của tác phẩm, còn khó ở chỗ, bề bộn bao sự việc, con người, bao điều muốn nói, nhất là khi tác giả có ý định tái hiện con đường lịch sử của một thời. Vấn đề cấu trúc tác phẩm trở thành mối bận tâm hàng đầu của nhà thơ. Bởi một tác phẩm, trước hết phải là một cấu trúc độc đáo. Ở phương diện này, người viết trường ca phải làm việc như một nhà văn kiến tạo tác phẩm. Lê Quang Trang đã cấu trúc tác phẩm của mình như thế nào?

Đầu tiên tác giả khai mở dòng chảy lịch sử. Con đường này được mặc định trong tâm thức người đọc mà không cần tác giả phải miêu tả lại những biến cố lịch sử theo tuyến thời gian. Trên con đường ấy, nhà thơ vừa đi, vừa dừng lại gặp gỡ những con người, chứng kiến những sự việc làm nên lịch sử. Con đường lịch sử là con đường hiện thực khách quan. Trường ca Trên con đường ấy, Trường Sơn, đã khởi đi từ Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) đến ngày toàn thắng (1975). Trên con đường ấy, tác giả tả cận cảnh người lính Trường Sơn, những gian khổ của mưa nắng Trường sơn, dõi theo những con tàu không số, dựng lại “sự kiện Vũng Rô” và tường thuật trực tiếp “cơn lũ” giải phóng miền Nam từ Tây Nguyên đổ về Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và sau cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tuyến đường thứ hai của cấu trúc trường ca Lê Quang Trang là tuyến quan sát, nhận thức. Con đường này khởi đi từ chỗ mình đứng, ở thời điểm hiện tại, rồi lan tỏa ra xung quanh, nhớ về qúa khứ, hướng đến tương lai. Tất nhiên con đường này là con đường chủ quan mang phẩm chất riêng của Lê Quang Trang. Trường ca Biển xanh vẫy gọi” triển khai con đường này. Điểm nhìn “Bắt đầu từ căn nhà bé nhỏ của tôi…/Bắt đầu từ hai cháu nhỏ của tôi,…/ Bắt đầu từ em…”, khởi đi từ “Con hương lộ ngày nào, Con đường xuyên những cánh rừng, Con đường xuyên căn cứ”, mở rộng ra: “Nhìn đất nước thời đại mình đang sống” : “Cũng như cánh rừng xanh/ ta lên đường đi tới/ biển xanh đang vẫy gọi/ những chân trời mở ra”. Từ điểm đứng ở căn nhà bé nhỏ của mình (tr.9), nhà thơ nhìn bao quát về Sài Gòn 300 năm (tr.18), về quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nhìn ra Cần Giờ, nhìn về những năm đất nước có chiến tranh (tr.39), và ngược về xa hơn thời Pháp xâm lược (tr. 86), gần hơn cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo tổ quốc (tr.101) rồi dõi theo con đường Việt Nam hội nhập toàn cầu hóa (tr. 129).

Con đường thứ ba ngược chiều với hai con đường trên. Hiện thực khách quan nhà thơ đã trải nghiệm, đã quan sát được, quay trở về tim, giúp nhà thơ hiểu thêm hiện thực khốc liệt, cảm nhận thấm thía những “ân tình nghĩa cả” và nhịp đập trái tim nhà thơ làm rung cảm mọi điều miêu tả. Trong trường ca, nhà thơ nhiều lần nói đến“ta hiểu” và mong muốn các thế hệ sau cùng đồng cảm với mình

Ta hiểu thêm ánh mắt mẹ nhìn buổi sáng chia xa

  Mẹ không khóc mà lệ tràn ướt má. (tr.129)

Ai sẽ hiểu những nỗi đau nhức buốt

anh chị tôi và bạn bè tôi

gắn với Trường Sơn hàng chục năm trời

gắn với chiến trường tháng năm khốc liệt

từng đối diện nhiều lần cùng cái chết…”(tr.131)

                     (Trên con đường ấy, Trường Sơn)

Một cấu trúc đa tuyến, đa tầng, với nhiều điểm dừng, nhiều chi nhánh, chi lưu như vậy đã giúp Lê Quang Trang vừa phản ánh được hiện thực đất nước trong một thời gian dài và không gian rộng có chất sử thi, vừa khơi gợi và làm sáng tỏ được rất nhiều điều về tư tưởng, tình cảm trong một thế giới nhiểu loạn thông tin hôm nay.

Ở một tuyến khác, tuyến tâm thức, Lê Quang Trang muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những giá trị của cuộc sống thông qua các giá trị của trường ca. Đó là giá trị lịch sử, giá trị đạo lý nghĩa tình và lý tưởng cao đẹp, giá trị của nhân cách và bản lĩnh Việt Nam. Điều ấy thật quý giá và đáng trân trọng giữ gìn.

“Nhớ ngày qua lại mong ước bao nhiêu

thế hệ mới thêm một lần trở lại

cùng chiêm nghiệm về một thời kỳ diệu 

cùng suy tư trên các nẻo rừng già

chuyện hôm nay hòa lẫn chuyện hôm qua

khơi gợi lại những ân tình nghĩa cả (tr.68).

Xin chúc mừng những thành tựu mới của nhà thơ Lê Quang Trang.

Tháng 7.2018

_____________________

(1) Phạm Thành Long: Lê Quang Trang và trường ca“Trên con đường ấy, Trường Sơn

 -http://hoitruongson.vn/tin-tuc/861_51826/le-quang-trang-va-truong-ca-tren-con-duong-ay-truong-son-htm