Chân dung vua Quang Trung và… chân dung độc giả

609

10.01.2018-07:40

NVTPHCM – Một tuần trôi qua, kể từ khi một tờ báo đăng tải bài viết “Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?”

 

Vắn tắt, theo bài viết, học giả Nguyễn Duy Chính là người dày công đi tìm kiếm các sử liệu để phác họa lại dung mạo thật của vua Quang Trung trong lịch sử. Do những hạn chế về sử liệu của Việt Nam, nguồn sử liệu Trung Quốc cũng được tham khảo.

 

Để rồi, từ hình chụp một bức tranh đang lưu giữ tại cố cung Bắc Kinh (được nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cung cấp), học giả này đoán định: đây là bức tranh cổ vẽ vua Quang Trung, nhân dịp ông sang “chúc thọ vua Càn Long”. So với các tư liệu khác, đây là chân dung vẽ “rõ nét” nhất về  nhân vật lịch sử này.

Hình vẽ vua Quang Trung từ tư liệu của Trung Quốc. Ảnh: Trần Quang Đức công bố

 

Một tuần ấy cũng là những cuộc tranh luận khá gay gắt, khi không chỉ giới chuyên gia mà cộng đồng mạng cũng hào hứng tham gia vào việc “thẩm định thật giả” cho bức tranh được bài báo đề cập.

 

Cũng cần nhắc lại, học giả Nguyễn Duy Chính là người đã có hàng chục năm nghiên cứu về vua Quang Trung và triều Tây Sơn, kèm theo đó là một số công trình đã công bố. Theo nghiên cứu của mình, ông cho rằng vua Quang Trung chính là người sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long vào năm Canh Tuất 1790 (sử nhà Nguyễn chép, đây là vị vua giả do Quang Trung cử đi).

 

Tuy nhiên, cũng theo quan điểm cá nhân, ông khẳng định rằng đây không phải là việc vua nước Đại Việt sang triều cống hay chầu phục vua nhà Thanh, mà là vua Thanh mời vua Quang Trung sang dự lễ mừng thọ, tức vua Quang Trung là quốc khách của nhà Thanh trong một sự kiện lớn của họ.

 

Đã có những ý kiến không đồng tình với quan điểm này. Và, khi vấn đề về bức tranh vẽ chân dung vua Quang Trung được đưa ra, câu chuyện lại được xới lên.

***

 

Thẳng thắn, vua Quang Trung là vị vua có công trạng lẫy lừng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ông đã đánh đuổi được giặc Thanh và giặc Xiêm ra khỏi bờ cõi nước nhà và là người không khuất phục hay triều cống cho nhà Thanh Trung Quốc. Chính vì điều này mà vị vua áo vải cờ đào này được nhân dân nhiều đời nay tôn sùng.

 

Tuy nhiên lại không co một bức chân dung nào được cho là chính xác về ông đến tận hôm nay. Và mọi người tự hình dung về vị hoàng đế Quang Trung theo cách của mình. Trong hình dung đầy tính thần tượng ấy, vua Quang Trung hiện lên là một người phương phi võ khí toát ra từ dung mạo.

 

Đó có lẽ là lí do vì sao rất nhiều người không chấp nhận được các công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính cho rằng vua Quang Trung có đi sứ sang Trung Quốc cũng như tính xác thực của bức tranh được cho là chân dung vua Quang Trung cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. (Sự thực, theo như những gì được vẽ thì vua Quang Trung có diện mạo cũng không được đẹp lắm).

 

Việc đúng sai vẫn chưa ngã ngũ ở đây nhưng đáng buồn thay, rất nhiều người trên mạng xã hội lại dùng những lời lẽ công kích và quy chụp cho nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính và Trần Quang Đức là những người cố ý bôi nhọ hình ảnh vua Quang Trung cũng như có ý đồ xấu muốn bóp méo sự thật lịch sử. Đó là điều mà người viết không tán thành.

 

Chúng ta có thể không đồng ý với quan điểm được đưa ra, nhưng việc việc đánh phủ đầu đầy cảm tính đối với các công trình và tác giả nghiên cứu khoa học có phải là thái độ ứng xử đúng đắn?

 

Thái độ ấy chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy khá xấu. Bởi việc quy chụp như thế sẽ làm tổn thương tinh thần và lòng tự trọng hai nhà nghiên cứu ở trên. Lịch sử nước ta còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời, và những nhà nghiên cứu lịch sử, những người quan tâm lịch sử luôn muốn góp phàn làm sáng tỏ chúng. Dù điều ấy có thể không có được câu trả lời chân xác cho mọi vấn đề nhưng đó là nỗ lực đáng ghi nhận.

 

Nhìn từ phương diện này có thể thấy, cả nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính lẫn nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đều đáng được trân trọng và ứng xử với tinh thần của học thuật, thay vì những cách quy chụp như vậy.

 

Chúng ta đừng để những người làm công tác nghiên cứu lịch sử một cách khoa học phải e dè và không dám mạnh dạng đi vào nghiên những vẫn đề nhạy cảm nữa. Bởi dù đúng dù sai, đó sẽ là thiệt thòi trước hết cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử như chúng ta.

 

Hãy phản biệt một cách có văn hóa và logic trên tinh thần học thuật, thay vì bị chi phối bởi cảm xúc và suy nghĩ võ đoán của cá nhân như thế.

 

TIỂU MỤC ĐỒNG/TTVH

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…