Trong khuôn khổ Trại thực tế sáng tác của Hội Nhà văn TP.HCM dành cho tác giả viết về văn học thiếu nhi được tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ 9/3 đến 12/3/2023.
Với sự góp mặt của 26 tác giả, trong đó, có những tác giả trẻ vừa tạo được ấn tượng với văn học thiếu nhi trong thời gian gần đây như Võ Thu Hương, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên, Hồ Huy Sơn,… còn có sự góp mặt của một số tác giả đã thành danh như Kim Hài, Trần Quốc Toàn, Mai Bửu Minh, Lê Luynh.
Sáng 11/3 đã diễn ra buổi tọa đàm: “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?” – Buổi tọa đàm đã bàn luận về vấn đề sáng tác, sự tiếp cận như thế nào để văn học thiếu nhi phù hợp với thời điểm hiện tại hơn.
Tham dự buổi hội thảo gồm có: Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà văn Bùi Anh Tấn – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà báo Gia Bảo, Nhà thơ Hoàng Quý (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nhà văn Bùi Đế Yên (Tạp chí VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu), Nhà văn Châu Hoài Thanh (Bà Rịa – Vũng Tàu) và 26 Hội viên tham gia trại lần này.
Mở đầu buổi tọa đàm, Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn (Trưởng Ban Nhà văn Trẻ) đã khẳng định Văn học thiếu nhi xưa nay là một dòng chảy thầm lặng, bền vững. Được các tác giả khai thác qua ba khía cạnh chính: Viết bằng sự quan sát, sự trải nghiệm và trí tưởng tượng.
Vậy thì, chất liệu nào để viết cho văn học thiếu nhi hôm nay? Có phải chúng ta nên suy xét và tìm ra cách tiếp cận phù hợp hơn cho trẻ em thời 4.0?
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Trao đổi trong buổi tạo đàm vấn đề trên, Nhà văn Kim Hài chia sẻ:
“Ai cũng từng là thiếu nhi trước khi trưởng thành, thiếu nhi là một nhân tố bình đẳng trong xã hội người. Người viết cho thiếu nhi là một kiến trúc sư tâm hồn. Chất liệu viết cho mảng đề tài này gồm: chất lượng nội tại và ngoại tại”.
Nhà văn Kim Hài
Với gần 50 năm viết cho thiếu nhi, Nhà văn Trần Quốc Toàn cho rằng ta có hai chất liệu chính là “Chất liệu ngay trong nhà mình, hình ảnh mẫu là con, cháu mình. Và để biến chuyển nhà thành những chất liệu văn học, thì cần phải có hư cấu, có kỹ thuật, có sự chắc tay trong việc xây dựng những chất liệu trong nhà mình thành tác phẩm”.
Nhà văn Trần Quốc Toàn
Vậy điều quyết định ở đây là ta phải biết sàng lọc chất liệu, loại bỏ nhàm chán và giữ lấy chi tiết độc đáo. Chủ động thay đổi góc nhìn, đặt nhân vật vào không gian nghệ thuật mà nhà văn tạo ra, hoặc nhà văn phải “thoát xác” hóa thân thành nhiều nhân vật để khai thác.
Còn Nhà văn Lê Luynh thì cho rằng: “Văn học là sự bắt chước có sáng tạo nghệ thuật. Chất liệu cho văn học thiếu nhi là hiện thực cuộc sống nhà văn đã, đang trải qua, nhưng ta phải biết cách biến hiện thực đó thành tác phẩm văn học”. Ông dẫn chứng câu chuyện “Cây viết và thước kẻ” – một trong những mẩu truyện ngắn của nhà văn được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa cũng là chuyện ông trực tiếp va chạm vào ngoài đời.
Nhà văn Lê Luynh
Ở khía cạnh khác, Nhà văn Mai Bửu Minh tâm huyết: “Để viết và lưu lại cho các thế hệ thiếu nhi sau này biết về tuổi thơ mà cha, ông chúng đã sống. Tôi đã viết 13 cuốn sách đề tài trẻ em ở lứa tuổi thiếu nhi, chất liệu để viết chủ yếu là vốn sống mà mình đã trải qua, đã gắn bó cả tuổi thơ của mình. Nhưng đó lại là tuổi thơ của hơn bốn chục năm trước. Nên hầu hết những tác phẩm của tôi viết về thiếu nhi ngày xưa khiến các em thiếu nhi ngày nay đọc giống như đọc truyện cổ tích, xưa thiệt là xưa, và xa lạ… phần lớn các em sẽ không thích.”
Nhà văn Mai Bửu Minh
Trong buổi tọa đàm, tất cả các nhà văn đã thành danh trong văn học thiếu nhi đều mong mỏi ở lớp trẻ sẽ tiếp tục gắn bó với văn học thiếu nhi nhiều hơn nữa, và phải tìm được cách tiếp cận cho phù hợp hơn với trẻ em 4.0 hiện nay.
Nhà văn Võ Thu Hương – một trong những người theo đuổi dòng văn học thiếu nhi, đã gây được nhiều ấn tượng trong thời gian gần đây chia sẻ:
“Mỗi người viết văn học thiếu nhi đều có một thế mạnh riêng, chúng ta không nên chạy theo các xu hướng quá, khía cạnh nào ta đang khai thác tốt thì hãy cứ theo đuổi. Và chị cũng đồng ý với Nhà văn Hồ Huy Sơn: “Đồng thoại là lối mở, là chìa khóa để cho các bạn muốn bắt đầu vào con đường văn học thiếu nhi”.
Nhà văn Võ Thu Hương
Trong buổi tọa đàm, Nhà văn Gia Bảo (công tác tại báo Khăn Quàng Đỏ) chia sẻ về cách tiếp cận, muốn đưa tác phẩm đến gần bạn đọc thì điều đầu tiên truyện phải mang đúng hơi thở, hoàn cảnh sống của các em, là hình ảnh và chất liệu của cuộc sống đương đại mà các em đang sống, đang thở thì mới được các em chú ý. Nhân dịp hội tụ các cây viết cho văn học thiếu nhi hôm nay, chị cũng hứa hẹn: “Báo Khăn Quàng đỏ xin được làm mảnh đất cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi của các anh chị, các bạn”.
Nhà báo Gia Bảo
Theo Nhà thơ Hoàng Quý (Bà Rịa – Vũng Tàu) thì “Để có tác phẩm lớn thì phải có giấc mơ lớn”. Và Nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định: “Viết cho thiếu nhi Là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người viết chúng ta”.
Nhà thơ Hoàng Quý
Nhà văn Trầm Hương
Sau khi lắng nghe các thắc mắc, vấn đề được các bạn viết nêu ra Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM nhấn mạnh: “Chất liệu ngay chính tâm hồn của người sáng tác. Tác phẩm phải có đời sống lâu dài. Ngôn từ phải trong trẻo để chuyển tải nội dung, vừa là hiện thực nhưng phải vượt qua hiện thực”.
Nhà văn Bích Ngân
Mỗi năm Hội Nhà văn TP.HCM đều tổ chức một trại sáng tác riêng biệt cho Hội viên trẻ, năm 2022 được tổ chức ở Đà Lạt cũng tọa đàm và khơi gợi ra nhiều vấn đề. Năm 2023 này vừa diễn ra ở Vũng Tàu, buổi tọa đàm về văn học thiếu nhi hôm nay đã thành công hơn sự mong đợi, rất nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, cách viết và hướng mở để vào văn học thiếu nhi. Đây là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực và vun đắp thêm cho các cây viết vững bước hơn trên con đường mình đã chọn.
Kỳ Sơn