Văn học thiếu nhi chờ đợi những chất liệu sáng tạo ra sao?

281

Tuy Hòa

Văn học thiếu nhi đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đó là điều được các nhà văn đề cập trong cuộc tọa đàm tổ chức sáng 11/3 tại Vũng Tàu.

Tọa đàm “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay” tổ chức sáng 11/3 tại Vũng Tàu

Văn học thiếu nhi luôn được cộng đồng quan tâm, nhưng lực lượng viết lại tương đối mỏng. Văn học thiếu nhi thừa dư địa độc giả, nhưng lại thiếu chiến lược phát triển. Trong khuôn khổ trại sáng tác văn học thiếu nhi tại Vũng Tàu, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Chất liệu nào cho văn học thiếu nhi hôm nay?” để các tác giả tâm huyết với những trang viết nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ được cùng nhau trao đổi về thực trạng và tương lai của văn học thiếu nhi.

Không biết từ nguyên cớ gì, văn học thiếu nhi bỗng dưng bị xem như một thể loại “chiếu dưới” của văn chương. Bằng chứng là Hội Nhà văn Việt Nam từng xóa sổ Hội đồng Văn học thiếu nhi một thời gian dài, gần đây mới tái lập. Trên các trang báo văn nghệ chuyên nghiệp, phần đất dành cho văn học thiếu nhi cũng rất ít ỏi.

Thế nhưng, văn học thiếu nhi vẫn có dòng chảy riêng, bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn cho bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Nền văn chương hiện đại đã chứng kiến những thành tựu nổi bật của các tác giả viết cho thiếu nhi, từ Định Hải, Phạm Hổ, Thy Ngọc, Hoàng Văn Bổn, Tô Hoài, Võ Quảng, Sơn Tùng, Trần Hoài Dương, Vũ Hùng, Thùy An, Đặng Hấn đến Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Trí Công, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp… Và trẻ hơn nữa có Lê Hữu Nam, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên, Văn Thành Lê…

Thế kỷ 20, chiến tranh và khó khăn, những trang sách văn học được xem như một món ăn tinh thần quý báu của thiếu nhi. Sang thế kỷ 21, công nghệ giải trí bùng nổ, có phải văn học không còn là chọn lựa duy nhất và chọn lựa tốt nhất của thiếu nhi?  Vậy thì, khi trí tuệ nhân tạo đang có nguy cơ xâm lấn trực tiếp vào cuộc sống con người mà minh chứng là sự xuất hiện đầy ngạo nghễ của ChatGPT, thì văn học thiếu nhi phải tiếp cận công chúng nhỏ tuổi theo cách nào?

Mỗi người viết đều tự nguyện gánh lấy trách nhiệm sáng tác cho thiếu nhi. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên hội nhập, chất liệu nào cho văn học thiếu nhi? Dù chọn lựa đề tài khác nhau, viết về phong tục, viết về lòng trắc ẩn, viết về khoa học viễn tưởng… thì nhà văn vẫn phải dựa trên ba chất liệu cơ bản. Thứ nhất là quan sát (phản ánh những câu chuyện thời sự của trẻ em). Thứ hai là trải nghiệm (viết bằng ký ức bản thân về tuổi thơ của mình). Thứ ba là tưởng tượng (xây dựng một thế giới mơ mộng với những câu chuyện ly kỳ). Ba chất liệu ấy chia đều cho cả hai đối tượng: người lớn viết cho trẻ em và trẻ em viết cho trẻ em. Nếu người lớn viết cho trẻ em được xem như một sứ mệnh, thì làm sao khuyến khích trẻ em viết cho trẻ em?

Sau trường hợp thần đồng Trần Đăng Khoa thì lác đác cũng có vài hiện tượng thiếu nhi làm thơ, nhưng không mấy rõ nét và không tạo nên diện mạo tác giả. Tác giả nhí Cao Việt Quỳnh từ năm 9 tuổi khởi viết bộ tiểu thuyết “Người Sao Chổi”, đến năm 13 tuổi thì hoàn thành 3 tập. Tác giả nhí Quỳnh Trần ra mắt tiểu thuyết “Ngài Kẹo” năm 14 tuổi… Tại Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc 2022, đại biểu trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh sinh năm 2007, có tập truyện “Bức tranh huyền bí” sáng tác bằng tiếng Anh.

Những cuốn sách dành cho thiếu nhi càng ngày càng được in ấn công phu hơn, đẹp mắt hơn. Thế nhưng, bên cạnh dòng sách dạy khôn và các loại truyện tranh nhập khẩu, thì trẻ em Việt Nam đang cần đọc những tác phẩm văn học ra sao? Muốn trẻ em yêu thích văn học, chúng ta cần có những hành động tích cực gì?

Nhà văn Kim Hài từ tác phẩm “Trông về quê mẹ” (xuất bản năm 1970) đến nay vẫn gắn bó với văn học thiếu nhi. Nhiều tác phẩm của nhà văn Kim Hài rất được thiếu nhi yêu thích như “Cò trắng vườn chim”, “Cánh diều mơ ước”, “Ngày khai trường trong mơ”…

Ở tuổi 78, nhà văn Kim Hài cho rằng ngoài chất liệu ngoại tại là sự quan sát thì nhà văn cần một chất liệu nội tại “đó là tay nghề của nhà văn, là những cảm xúc tinh tế để thấu hiểu, đồng cảm với nhân vật, là nguyên tắc tâm niệm rằng viết cho các em không chỉ tả thực cuộc sống của chúng mà phải hướng đến mục đích làm cho trẻ cảm nhận được cuộc sống dù trong hoàn cảnh đi nữa, thời đại nào đi nữa, các giá trị cơ bản của một con người là tình nhân ái, lòng thương xót, sự gắn kết yêu thương giữa người với người vẫn tồn tại, không hề thay đổi”

Nhà văn Kim Hài

Nhà thơ Trần Quốc Toàn có hơn 20 tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó bài thơ “Mẹ và cô” phổ nhạc được nhiều thế hệ trẻ em yêu thích. Bằng kinh nghiệm nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, nhà thơ Trần Quốc Toàn khẳng định chất liệu để sáng tác cho các em nằm ngay trong nhà của mỗi người, nhưng để biến chuyện nhà thành chi tiết, diễn biến thì chất liệu thật không chỉ để ghi chép thành kí sự.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn nhấn mạnh: “Bằng chất liệu ấy người viết có thể làm thành tản văn, tự truyện, truyên, thơ và kịch cho thiếu nhi, với một kĩ thuật, một phép màu văn chương, đó là hư cấu hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Hư cấu là sàng lọc chất liệu, loại bỏ nhàm chán giữ lấy những chi tiết độc đáo. Hư cấu là chủ động thay đổi góc nhìn, đặt nhận vật thật vào một không gian nghệ thuật nhà văn tạo ra. Hư cấu là cách nhà văn “thoát xác”  hóa thân thành nhiều nhân vật A, B, C, D xưng tôi, để  kể nhưng câu chuyện của thời thơ ấu của cá nhân mình. Khai thác nhiều tầng, nhiểu vỉa từng trải của mình. Thay một tự truyện duy nhất, bằng cả trăm tiểu thuyết”.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn khẳng định chất liệu văn học thiếu nhi ở trong nhà mỗi người

Nhà thơ Lê Luynh nhiều năm công tác ở báo Thiếu Niên Tiền Phong và có một số tập truyện đồng thoại gần gũi với thiếu nhi như “Mặt trăng dưới đáy hồ”, “Giọt sương chạy trốn”… Nhà thơ Lê Luynh trình bày quan điểm cá nhân: “Trẻ em hôm nay có khác với trẻ em cách đây mười năm, hai mươi năm không? Chắc chắn là có do sự phát triển khoa học kỹ thuật như vũ bão. Trẻ thành thị khác trẻ nông thôn trẻ vùng sâu vùng xa. Sự khác biệt đó có dẫn đến việc thưởng thức văn học khác nhau không. Theo tôi cơ bản là không. Sống với trẻ, gần gủi trẻ hiểu biết về trẻ thì khi viết cho trẻ mới mong trẻ đón nhận tác phẩm của mình.

Nhà thơ Lê Luynh

Chất liệu hiện thực chính là nắm bắt tâm tư nguyện vọng của trẻ hôm may để từ đó ta lồng ghép hư cấu tạo nên sự thần kỳ hoang đường. Hơi thở cuộc sống của hôm may không thể thiếu đó là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà đứa trẻ tiếp xúc hàng ngay. Chất liệu của văn học là phản ánh chân thật hiện thực cuộc sống. Văn học thiếu nhi cũng không có gì khác chỉ có điều nó có nhiều yếu tố thần kỳ của cổ tích nó mang đậm chất hiện thưc bay bỏng và đặc biệt nó chuyển tải ước mơ của trẻ thơ”.

Ở góc độ khác, nhà văn Mai Bửu Minh, tác giả của những cuốn sách thiếu nhi như “Đứa con hoang”, “Quê ngoại”, “Cô bé mộng mơ”, “Vua nói dốc”… thổ lộ sự băn khoăn: “Tôi đã viết 13 cuốn sách đề tài trẻ em ở lứa tuổi thiếu nhi, chất liệu để viết chủ yếu là vốn sống mà mình đã trải qua, đã gắn bó cả tuổi thơ của mình. Đó là tuổi thơ của hơn bốn chục năm trước, là tôi và bạn bè tôi được sinh ra và lớn lên trong những gia đình nông dân, ở một vùng quê có sông, rạch, kinh, mương với các loại xuồng ghe. Hầu hết những tác phẩm của tôi viết về thiếu nhi ngày xưa khiến các em thiếu nhi ngày nay đọc giống như đọc truyện cổ tích, xưa thiệt là xưa, và xa lạ, phần lớn các em sẽ không thích.

Nhà văn Mai Bửu Minh

Tôi biết, nhưng vốn sống và hiểu biết về trẻ con của mình chỉ có thế và tôi viết như để trả nợ tuổi thơ, trả nợ quê hương. Tôi đã và đang gặp khó khăn khi viết về đề tài thiếu nhi hiện nay, vì một ông già U70 hơi khó làm bạn với các bạn từ 7- 12 tuổi, khi con mình thì quá lớn và mình chưa có cháu ở độ tuổi thiếu nhi để làm bạn và hiểu sâu sắc hơn tâm, sinh lý trẻ em”.

Theo Báo Nông Nghiệp