Chất thơ của sắt thép

507

Đặng Ngọc Hùng


Tác giả Đặng Ngọc Hùng.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vậy là “Bay đêm” (Vol de Nuit) của Antoine de Saint Exupéry đã bước vào “tuổi” chín mươi.

Bay đêm của Antoine de Saint Exupéry mở đầu bằng cái ánh vàng rạng rỡ của buổi chiều nơi đồng nội. Viên phi công Fabien cảm nhận như vậy từ trên máy bay chở thư đang vật vã ở Nam Mỹ. Nơi ấy, trời đầy giông. Nhưng Fabien không lùi bước vì các trạm dừng phía trước đều báo trời trong, không gió. Người đau mỏi rã rời, Fabien sắp được hân hưởng cái cảm giác thường có sau chuyến bay: Anh bước vào cái yên tĩnh ngọt lịm của trái đất.

Nhưng bấy giờ Fabien đang bị nuốt bởi bóng đêm, cách cuộc sống êm đềm dưới kia dịu vợi. Anh chỉ có bóng đèn đỏ trong khoang lái và cảm nhận “sự sống đang tuôn chảy” trong thanh thép đỡ cánh máy bay. Với anh, đó là một “thịt da đang sống”, được tạo ra từ động cơ năm trăm sức ngựa.


Tác phẩm “Bay đêm” (Vol de Nuit) của nhà văn – phi công người Pháp – Antoine de Saint Exupéry.

Đẹp, quá đẹp. Có lẽ chưa bao giờ tôi được đọc những câu văn đẹp như vậy về máy bay và phi công. Fabien vượt qua mười cơn giông trong cô độc nhưng lòng chỉ nghĩ đến và thương cái muôn đời dưới kia: những ngôi nhà, cổng rào, bức tường, tấm khăn trải bàn màu trắng.

Với Fabien, đó là cái đẹp.

Nhưng với đồng nghiệp Pellerin thì khác. Đang bay, anh cảm thấy mỏm núi như nhọn ra, như mũi thuyền ngập sâu vào gió. Rồi một trời bụi bốc lên, cả dãy Andes sôi sục, tuyết vọt lên. Thôi chết, một núi phun tuyết. Những ngọn núi bốc cháy, nghiêng ngả trong vùng lửa màu xám, và người phi công vùng vẫy giữa ngọn lửa khủng khiếp ấy.

Với Pellerin, đó cũng là cái đẹp nhưng là cái đẹp tuyệt đỉnh. Người ta thường gọi nó là cái cao cả. Có người không thích chữ này vì dễ gây nhầm lẫn với một khái niệm đạo đức. Lúc ấy, hai chữ trác việt được đưa ra thay thế. Trác việt, một cái đẹp có chiều kích ngoại cỡ, khiến người ta choáng ngợp, bối rối lúc ban đầu, sau đó dần dần mới cảm nhận và thưởng thức được. Trác việt làm cho cuộc sống đáng sống, không nhỏ bé và không tầm thường. Ở đây, trong trường hợp của Pellerin, dùng hai chữ cao cả vẫn rất ổn, nó vừa là mỹ học, vừa là đạo đức. Mà cái đẹp đạo đức suy đến cùng cũng là một bộ phận của cái đẹp nói chung – cái đẹp xã hội. Giữa thiên nhiên đẹp đến mức rợn người ấy, Pellerin không nghĩ đến cái chết, không nghĩ đến bản thân, anh chỉ nghĩ đến một khuôn mặt.

Vượt qua sự khốn cùng, Pellerin đáp xuống thành phố. Chờ đợi anh là ông giám đốc Rivière, một nhà kỹ trị, người biết được “tính cách thiêng liêng của phiêu lưu”. Rivière là người khai sinh ra cái gọi là “bay đêm” hồi bấy giờ với những con tàu thư (để phân biệt với “bay ngày” là những máy bay quân sự). Ông nghiêm khắc như người máy. Ông không chấp nhận một sai sót nào. Ông không bao giờ lùi bước. Ông là người đã nộp vào đêm tối, giông bão những phi công điều khiển tàu thư vượt đại dương. Thư, hồi đầu thập niên 1920, là tất cả với nhân loại. Do đó ông khen ngợi Pellerin vì anh đã vượt qua trận gió xoáy Thái Bình Dương mà không được báo trước. Rivière luôn kỹ trị không phải để nô dịch con người, ông làm vậy để họ vượt qua chính họ, vì ông biết họ hạnh phúc với việc họ làm. Và ông đẩy họ tới một cuộc đời mạnh mẽ, có đau khổ lẫn niềm vui “nhưng là cuộc đời duy nhất đáng kể”.

Những con tàu thư vẫn lao vào đêm tối bí ẩn, bên dưới là những rặng núi chọc trời và đại dương bao la. Đôi bàn tay của phi công, những người chở chuyên chở tình cảm của nhân loại, hiện lên qua ngòi bút của Saint Exupéry không chút cường điệu: “ghìm chặt cơn bão như ghìm được gáy con thú”.

Nhưng trên bầu trời đêm, người phi công luôn chơi vơi trong cô độc.

Trong căn phòng của tòa nhà cao chót vót ở thành phố Buenos Aires, người phi công đang nằm ngủ. Tác giả viết một câu không thể tinh tế hơn: “(…) cái nghỉ ngơi của anh là cái nghỉ ngơi đáng gờm của những sức dự trữ rồi sẽ được bung ra”. Người vợ yêu dấu cố giữ yên lặng cho chồng nghỉ vì sẽ đến lúc đêm đen sẽ lôi anh ấy ra khỏi nàng. Anh mở mắt, vươn vai, nhìn xuống thành phố. Nhịp văn chậm rãi như nó phải như vậy. Và anh lại ra đi, tám hay mươi hôm, anh cũng không biết nữa. Nàng biết mình không thể giữ anh. Nàng chỉ biết chỉ vào bầu trời đêm và nói: “Anh có trời đẹp, đường anh đi lát đầy sao”.

Người phi công bồng vợ đặt vào giường và đi.

Saint Exupéry cấu tạo Bay đêm theo kiểu kịch bản phân cảnh của điện ảnh. Ở một cảnh khác, giám đốc Rivière đang “thẩm vấn” một phi công vì anh này đã bay ngược lại dù thời tiết tốt. Người phi công nói: “Tôi chẳng còn nom thấy bàn tay mình nữa (…) Núi sừng sững (…), những luồng khí xoáy (…), bị tụt xuống trăm mét. Không nhìn thấy cả máy đo hồi chuyển, cả các máy đo áp lực”. Thật ra ông giám đốc hiểu hết, ông chỉ muốn làm cho những phi công của ông có cái cảm giác “đi vào tận sâu thẳm, tận đen đặc bóng đêm”, “xuống dưới giếng sâu ấy rồi ngoi lên và nói rằng họ chẳng bắt gặp điều gì hết”. Ở đây, hình như xuất hiện của cái có thể gọi là mỹ học của sự kỹ trị chăng?

Một cảnh khác, tàu thư Patagonie gặp giông, nhưng Fabien không chịu bay theo đường vòng để tránh. Anh bị những sợ dây bão tối tăm trói chặt. Nhân viên điện báo cho hay trạm Commodoro yêu cầu không được quay lại vì ở đó cũng có bão. Nhịp điệu câu văn vẫn đủng đỉnh khi trạm này trả lời khoảng hai mươi phút nữa bão sẽ ập vào đây. Trạm Trelew cũng đang ngập trong bão. Buenos Aires cũng có bão mù. Nhà văn – phi công Saint Exupéry viết: “Đối với người phi công, đó là một đêm không bờ bến, vì nó không dẫn tới một bến đậu”. Thường những lúc như vậy, phi công nghĩ đến một bãi cát vàng, một cánh đồng bằng phẳng, một quê chốn thanh bình đang ngủ ngon.

Rồi chuyển cảnh, giám đốc Rivière đang cháy ruột trong phòng chỉ huy. Các nhân viên thuộc quyền qua lại như con thoi. Rivière liên tục chỉ thị và đọc bao nhiêu bức điện. Không liên lạc được với trạm Bahia Blanca. Quá nhiều cơn giông ở đó. Trạm Trelew cũng bặt tin. Sau đó liên lạc được. Nhưng không ở đâu biết được con tàu thư Patagonie. Người ta trông chờ cứu tinh: bình minh. Và… vợ của phi công Fabien gọi điện. “Hạ cánh muộn”, người ta chỉ có thể trả lời như thế cho vợ Fabien. Nhưng không ai trả lời được câu “Anh ấy đang ở đâu?”.

Và vợ Fabien đòi găp giám đốc. Người ta nối máy. Rivière biết mình đang đối diện không phải vợ của Fabien mà là một ý nghĩa khác của cuộc sống. Rốt cuộc, tất cả những gì ông có thể nói là “Thưa bà” vì người phụ nữ kia đã ngất.

Rivière chìm trong đại dương của vô vàn câu hỏi. Ông nhân danh cái gì mà giằng những người phi công ra khỏi hạnh phúc của họ? Còn cái gì khác nữa? Ông, ông…

Trong lúc ấy, Fabien đang lảo đảo vì luồng khí xoáy nâng anh lên trong cả khối năm tấn. Mất liên lạc hoàn toàn. Mỗi lần anh nhao xuống, động cơ rung mạnh như nổi giận. Nhịp điệu câu văn vẫn chậm rãi đến kỳ lạ. Anh ngoặt về hướng tây. Các ngón tay không thuộc về anh nữa. Ở một chỗ rách của cơn bão, anh nhìn thấy ngôi sao và bay lên. Khó có ai viết được một câu văn như Saint Exupéry, trong ngữ cảnh đó: Fabien bay lên vì “đói ánh sáng”, “máy bay lập tức yên ả đến lạ lùng”.

Bị kẹt ở độ cao ba nghìn tám, người phi công nhìn thấy những tòa tháp mây, những dòng ánh sáng trắng sữa trôi đi khi biết mình sắp “toi mạng”. Và anh cười, rồi thốt lên: “Đẹp quá” khi cảm nhận mình đang ở trong một thế giới không có gì đang còn sống ngoài mình.

Có bạn đọc nào từng đọc được những câu văn đẹp đến vậy chưa về tai họa? Theo tôi, chỉ có Saint Exupéry mới tạo ra được.

Rốt cuộc Fabien liên lạc được với đất liền và biết trong đó đầy bão. Nhưng anh chỉ còn đủ xăng cho nửa giờ bay.

Vợ Fabien lại đến. “Chờ”, người ta trả lời chị. Ai đó mách với giám đốc Rivière rằng Fabien mới cưới vợ được sáu tuần.

Fabien không về nữa. Không một than vãn hay kêu gào, anh đi vào những chòm sao.

Những con tàu thư vượt đại dương vẫn tiếp tục lên đường.

Bay đêm không có một câu khẩu hiệu nào về đạo đức nghề nghiệp. Nhưng không vì thế mà những phi công như Fabien không trở thành bất tử. Tác phẩm chỉ viết về máy bay nhưng không có tiếng rền, rú; viết về bão nhưng người đọc chỉ thấy suy nghĩ trong trẻo của con người trước cái chết. Chỉ có sao trời. Câu văn của Saint Exupéry làm lay động sâu thẳm lòng độc giả. Đó là chất thơ. Nó làm cho cuộc sống của loài người không bị lún vào sự tầm thường.

Đ.N.H