Phận người sau dấu Cô Vy

1066

Nguyễn Thị Thanh Túy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời trở gió đột ngột. Mới sáng nay nắng vẫn vàng, mây vẫn trắng, trời vẫn xanh… vậy mà chưa qua nửa chiều, trời đã sập xuống. Gió thổi mạnh, phút chốc những hạt li ti chen nhau bắn vào ô cửa sổ. Tôi vội vàng đứng dậy lùa nhẹ cánh cửa. Một làn gió lạnh xộc vào người. Tôi nghe lòng lành lạnh. Bỗng dưng tôi lại nghĩ đến chị. Mấy ngày qua tôi thường nghĩ đến chị. Không biết giờ này, ở trong đó hai mẹ con chị sống thế nào? Chị đã quen với sự thay đổi hay chưa? Thời gian gần đây, cứ tưởng tượng cái cảnh ngày cũng như đêm hai mẹ con chị lủi thủi trong căn nhà vắng, ngồi thất thần nhìn bức ảnh của anh, tôi không cầm được nước mắt… Nghịch cảnh oái ăm đển mức trong những lúc con người ta cần một cái nắm tay vỗ về, một cái ôm an ủi từ người thân, từ bạn bè cũng không thể. Tôi nghe lòng quặn thắt. Dịch bệnh thật sự quá vô tình.

Chị là chị gái đầu của chồng tôi. Chị theo chồng vào sống ở Sài Gòn cũng ngót nghét gần ba chục năm nay. Cứ hai năm vợ chồng chị lại về thăm quê một chuyến. Chồng chị là một người hiền lành, tử tế và rất biết ăn ở. Anh không có vẻ bề ngoài hào nhoáng, bảnh trai nhưng anh lại nhiệt tình, xởi lởi và rất phóng khoáng. Anh phóng khoáng với tất cả mọi người. Mỗi lần đưa chị về quê, anh quan tâm chu đáo đến mọi thành viên trong nhà. Người cái này người cái nọ, ai cũng có chút quà mà theo chị kể, anh đã gói ghém cẩn thận trước đó cả mấy tuần. Chưa kịp nghỉ ngơi anh lại lăng xăng lên kế hoạch đưa gia đình vợ đi chơi chổ này chổ kia. Mọi thứ anh lo tất, không chịu để một ai xen vào. Nhìn cái cách anh đối đãi với chị, với ba mẹ chồng tôi, với mấy đứa nhỏ trong nhà, tôi thật sự cảm mến và mừng thầm cho chị tốt phước, gặp được người chồng tử tế.

Vậy mà… dịch bệnh quái ác đã cướp anh khỏi vòng tay của chị.

Minh họa

Đến hôm nay, ngồi viết lại những cảm xúc đã qua, tôi vẫn không tin nổi điều đó. Nhớ lần cuối cùng, tôi nghe giọng nói của anh, cũng mới đây thôi. Hôm đó tôi đang ở chợ. Anh bảo, anh gọi ra để thăm hỏi tình hình hai mẹ con tôi; anh còn bảo mọi chuyện trong đó vẫn ổn, dặn dò tôi yên tâm và lo giữ gìn sức khỏe, tránh đi lại nhiều… Sống trong tâm dịch, tử thần rình rập bao quanh nhưng anh vẫn chu đáo gọi về thăm hỏi, động viên và còn khoe với tôi rằng anh đã tiêm được một mũi vắc xin. Tôi cảm động trước cái tình của người anh rể chồng. Không lâu sau đó, tôi nhận tin nhắn của chị: “Anh mắc vi rút rồi em ơi”. Chị gửi hình cho tôi… Tôi bàng hoàng khi thấy anh nằm sõng soài, mệt mỏi bên chiếc bình ô xi. Một người vốn to khỏe là thế, một người vốn mạnh mẽ, nhanh nhẹn là thế, một người vốn đã được phòng vệ bằng một mũi Pfizer (dù chưa đủ liều nhưng cũng đã có phần nào kháng thể) vẫn không chống nổi sự tấn công của con vi rút Vũ Hán. Tôi thật sự thấy sợ. Tôi sợ sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Tôi sợ sự vô tình đến quái ác của con vi rút. Tôi cảm nhận rõ rệt sự lo lắng chạy buốt dọc cơ thể tôi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ là tình hình sẽ tệ hơn. Tôi vẫn tin anh sẽ qua khỏi. Anh tử tế, hiền lành đến thế mà. Lẽ nào ông trời lại không thương?

Hôm sau, chị báo với tôi anh được đưa đến bệnh viện. Ở đó sẽ có các bác sĩ chuyên khoa giúp anh, sẽ có máy móc hỗ trợ cho anh. Tôi càng hi vọng và ngày đêm cầu nguyện cho anh chóng khỏi. Sau đó, cứ ba ngày chị lại nhắn tin mới một lần. Qua tuần sau, hai ngày chị lại báo tin mới. Tin nhắn là những cuộc ghi âm của bác sĩ chuyển về, thông báo tình trạng sức khỏe của anh. Cứ mỗi lần nghe tin nhắn, tôi lại thấy nặng lòng hơn. Thương anh, thương chị tôi không biết an ủi như nào chỉ đành thả tim cùng dòng chữ “Cầu nguyện cho anh. Chị cố gắng lên, rồi anh sẽ về.” Mấy ngày sau đó, tôi sống trong tâm trạng đợi chờ. Đợi chờ tin nhắn từ chị. Đã lâu lắm rồi, tôi không có cảm giác trông chờ tin nhắn từ ai đó như lúc ấy. Một sự trông chờ đến khắc khoải và đầy ắp những mối lo. Nhưng dù có trông chờ đến mấy tôi cũng không dám chủ động nhắn tin. Cả nhà tôi đều thế, hình như không một ai dám chủ động gọi cho chị. Chúng tôi hiểu bây chừ, một tiếng chuông điện thoại reo, một tiếng báo tin nhắn mới cũng làm chị giật mình, biến sắc. Anh ở viện chỉ có có hai mẹ con chị ở nhà, ai cũng hiểu lòng chị bây giờ như đặt trên đống lửa, như đặt trên đống than. Vì vậy, chờ đợi là cách duy nhất của chúng tôi.

Một sáng chủ nhật buồn! Không hiểu sao tôi nghe sốt ruột, tôi không muốn chờ đợi nữa. Cái cảm giác muốn nhắn cho chị, muốn an ủi, động viên chị cứ thúc giục trong tôi. Tôi quyết định mở Zalo tìm đến tên chị: “… Mọi sự tùy phước, tùy duyên. Giả sử điều lành không đến, điều không ai mong đợi, em cũng mong chị mạnh mẽ vượt lên vì tương lai của Bon còn quá dài. Cháu rất cần chị, rất cần…”. Chị xem tin và hẹn tôi sau khi gọi bác sĩ sẽ báo ra ngay. Chỉ khoảng 5 phút sau đó, chuông điện thoại reo. Nghe tiếng chuông, tôi giật mình. Một linh tính không hay cứ xoáy vào tâm can tôi. Tôi bắt máy… Những tiếng khóc nức nở. Những tiếng nấc nghẹn ngào đến lạc giọng. Phải đến mười phút trôi qua, chị mới nói đủ một câu “Anh mất rồi em ơi!”. Tôi lặng người không biết nên nói gì với chị lúc ấy. Cái cảm giác đau đớn ngày nào lại trở về trong tôi. Cái cảm giác đau đớn khi mất đi một nửa đời mình của người vợ trẻ như sống lại rõ ràng, mồn một ngay lúc ấy. Tôi thương cho số phận ngắn ngủi của anh. Tôi xót xa cho chặng đường dài phía trước của chị. Chặng đường của người mẹ lầm lũi một mình nuôi con. Những vất vả, những khó khăn, những mệt nhoài làm sao nói hết được.

Có ai ngờ rằng ngày đưa anh đến bệnh viện những mong anh khỏe lành trở về lại là ngày cuối cùng chị nhìn thấy anh bằng xương, bằng thịt. Dịch bệnh thật sự nguy hiểm và tàn ác. Sự tàn phá, hủy diệt của nó không khác gì những cuộc chiến tàn khốc từng xảy ra trong quá khứ. Nó gây ra hàng nghìn cảnh tang thương. Nó làm cho hàng nghìn người bỏ mạng. Cho hàng nghìn người khốn đốn, lao đao. Chỉ trong vòng bốn đến năm tháng mà biết bao cảnh chia lìa, chết chóc đã xảy ra.

Thế mới thấy cuộc đời này chỉ là quán trọ, mỗi chúng sanh trong cõi ta bà chỉ là một lữ khách. Khi thời gian dạo cõi trần đã hết thì ai cũng phải trở về với đất mẹ. Đó mới là quê hương vĩnh hằng của ta. Là nơi ta không phải tranh đua, mong cầu; là nơi ta không phải nặng lòng vì chuyện sanh tử, chia li. Tôi muốn chị sẽ nghĩ như thế, sẽ nghĩ như tôi đã từng nghĩ, để tâm chị bớt chút ưu phiền mà bước tiếp quãng đường thiếu vắng bóng anh.

Huế, ngày 4 tháng 10 năm 2021

T.T