Chế Lan Viên – Đỉnh cao trí tuệ thi ca

1733

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chế Lan Viên (1920-1989) là một trong những nhà thơ hàng đầu của hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, sớm nổi tiếng ngay từ khi còn rất trẻ (17 tuổi) với tập thơ Điêu tàn. Là một trong Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên ngự riêng ở một góc đặc trưng nghệ thuật trên văn đàn suốt gần sáu thập niên. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ gồm có bút ký, tạp văn (6), tiểu luận phê bình (10), thơ (15)tiêu biểu là các tập thơ : Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa – vẫn là bộ phận văn chương độc đáo, khắc đậm dấu ấn thương hiệu Chế Lan Viên – nhà thơ trí tuệ. Thi sĩ được phong tặng: giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1, 1996).

Nhà thơ Chế Lan Viên

Những trang sử đánh giặc giữ nước vàng son của dân tộc Việt Nam hơn bốn nghìn năm, không chỉ hiện diện có lãnh tụ kiệt xuất, danh tướng thiên tài hay chiến sĩ anh hùng mà còn có những văn nghệ sĩ tài hoa biết sử dụng văn học nghệ thuật như một vũ khí đặc biệt để đóng góp công sức mình cho đại nghĩa. Trong đội ngũ những người thơ yêu nước quên mình, trọn đời phục vụ kháng chiến, nhân dân, bên cạnh những nhà thơ nổi tiếng trữ tình chính trị như Tố Hữu (1920-2002), lãng mạn cách mạng: Quang Dũng (1921-1988), tài tình muôn mặt: Văn Cao (1923-1995), Nguyễn Đình Thi (1924-2003)… Chế Lan Viên là một chân dung thi ca đậm chất trí tuệ trong không gian văn học nước nhà.

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, người tỉnh Quảng Trị. Ngoài bút danh Chế Lan Viên hình thành theo cách hội ý, nhà thơ còn ký: Chàng Văn, Thạch Hãn, Oah tức Hoan, theo phép chiết tự – anagram). Khi lớn lên, đi học tại Qui Nhơn, Bình Định và đỗ xong bằng Thành chung (tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp trước 1975 hay PTCS hiện nay), ông đi dạy tư. Thời gian sống lại Bình Định, nơi còn lưu lại nhiều phế tích của triều đại vua Chăm ngày nào đã tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong một tâm hồn dạt dào tình cảm và say đắm thi ca như ông. Sớm đến với thơ, mới 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông đã xuất bản tập thơ đầu tay “Điêu tàn” kèm theo lời tựa được coi là Tuyên ngôn nghệ thuật của Trường Thơ Loạn. Những vần thơ sầu não và ý thơ bi thương đau khổ chứa chan nỗi niềm hoài cổ trong tập thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên khiến ta không khỏi liên tưởng đến những dòng thơ bâng khuâng mang mang lòng cảm cựu về cung điện Versailles (Paris) – dấu ấn của một vương triều bốn đờivua Louis đã mất, của nhà thơ Pháp Henri de Ré gnier (1864-1936) trong thi phẩm “Thủy đô” (la Cité des Eaux).  Chính bút danh mới xuất hiện mà đã nổi tiếng ngay này cùng những bài thơ giàu tính nghệ thuật chan chứa mối cảm hoài đau đáu về một vương quốc Champa sụp đổ và cũng là biểu tượng của nước nhà còn đang chịu cảnh nô lệ đau thương. Hai năm sau (1939), nhà thơ trẻ ra học tại Hà Nội, nhưng không bao lâu lại vào Sài Gòn làm báo một thời gian rồi quay trở ra Thanh Hóa dạy học.

Năm 1942, Chế Lan Viên tiếp tục cho ra đời tập thơ “Vàng sao” với những bài thơ triết luận mang màu sắc tâm linh huyền bí. Nuôi sẵn mối căm thù thực dân bóc lột, đàn áp chém giết đồng bào, khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông hăng hái tham gia phong trào Việt Minh tại Qui Nhơn, sau đó ra Huế hợp cùng một nhóm văn nghệ sĩ, trí thức như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh cùng tham gia vào Đoàn Xây dựng. Nhà thơ cũng viết bài và biên tập cho các báo: Quyết Thắng, Cứu Quốc, Kháng Chiến. Năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương.

Hiệp định Genève được ký kết sau chiến thắng Điện Biện phủ lừng lẫy năm châu (1954), nhưng vết thương mẹ Việt vẫn chưa trọn lành: “Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi” (Tố Hữu). Trong khi nhân dân miền Nam còn ra trận tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù chung của dân tộc, Chế Lan Viên ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Nơi Miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, một thời gian biến động hơn mười năm còn trăn trở tìm tòi, nguồn thi cảm như chưa bắt kịp sự cộng hưởng ở một đất nước đang thay da đổi thịt, Chế Lan Viên sáng tác chưa nhiều. Phần thì lại bận công tác ở phòng văn nghệ, ban Tuyên huấn Trung ương khi là Ủy viên thường vụ, Ủy viên ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam rồi đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa.

Từ một thân thế trong sáng đến sự nghiệp văn chương lành mạnh, Chế Lan Viên thể hiện một sự nhất quán trong tư tưởng, lập trường chính trị duy có sự thay đổi rõ nét ở cách nhìn sáng tạo trong phong cách nghệ thuật qua thơ, văn và tiểu luận của ông sau năm 1945. Từ lúc cầm bút làm thơ cho đến khi về với thế giới vĩnh hằng, nhà thơ Chế Lan Viên luôn minh chứng trong tác phẩm của mình một tấm lòng đinh ninh theo Bác Hồ, theo Đảng, cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và Tổ quốc, nhân dân. Chịu khó hành trình từ đầu vào thế giới chữ nghĩa văn chương của Chế Lan Viên, ta thích thú bắt gặp được một sự chuyển mùa rõ rệt trong nhân sinh quan mới và tư tưởng tiến bộ ở nhà thơ. Tác giả Điêu tàn từng khóc than trong vần điệu với hình ảnh ghê rợn xương máu, sọ người cùng những cảnh đổ nát hoang tàn thì giờ đây nhà thơ như đi “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. Chế Lan Viên, tương đồng với Nguyễn Đình Thi, đã sáng suốt nhận đường, rồi hăm hở lên đường và sớm trở thành người dẫn đường tiêu biểu cho một nền văn học nghệ thuật mang đậm nét sáng tạo của thời đại để nhiều người cùng hướng về không gian bình minh văn nghệ rực rỡ màu hồng.

Nhà thơ Chế Lan Viên và gia đình

Võ trang sẵn trong người bằng lý tưởng cách mạng, như con chim trời giang cánh rộng tung bay ca hót trong một đất nước đang vươn lên tầm cao thế kỷ, Chế Lan Viên giờ đây có đủ xúc cảm nồng cháy để sáng tác những bài thơ “tụng ca” thời đại mới: Thời đại Việt Nam – Hồ Chí Minh. Chính nhà văn Pháp Roger Pic trong tác phẩm “Le Vietnam de Ho Chi Minh” (nước Việt Nam của Hồ Chí Minh), và nhà báo tiến bộ Hoa Kỳ Bernard Fall trong “Ho Chi Minh on revolution” (Hồ Chí Minh trên đường cách mạng) cũng đã từng ca ngợi lãnh tụ kiệt xuất của đất nước trống đồng. Mạch cảm xúc vô tận mà sáng trong cao đẹp về lãnh tụ như nhiều văn nghệ sĩ cách mạng từng thể hiện trong tác phẩm của mình: Tố Hữu (Việt Bắc, Theo chân Bác, Bác ơi…) Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Viễn Phương (Viếng lăng Bác), Diệp Minh Châu (huyết họa chân dung Bác), Trần Kiết Tường (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người)…

Nhà thơ ca ngợi Hồ Chí Minh, tượng đài tiêu biểu cho dân tộc, cho đất nước “Hồ Chí Minh xuất hiện trên xứ sở trống đồng bốn nghìn năm…/những hùng ca mới thời đại ta ca vang công đức của Người” (Thời sự Hè 72). Tôn vinh lãnh tụ là tự nhận vào mình phẩm chất cao đẹp của Người “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” (Hoa trước lăng Người) để học tập và suốt đời đinh ninh dõi theo chân Người. Trong những vần thơ Chế Lan Viên làm trong giai đoạn này, cái tôi trữ tình rất cá nhân của tác giả đã biến thành cái ta cộng đồng mang thuộc tính của tập thể, của toàn dân “Tiếng khóc lọc hồn ta như lửa chói ngời” (Tiếng khóc đúc Việt Nam thành một khối), hay “Và ta yên tâm đi trên trái đất này/Có Bác bên mình, có Bác đâu đây”. Tính cách tân, sáng tạo đậm chất trí tuệ còn bàng bạc trong những vần thơ ở các bài: “Người đi tìm hình của nước”: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phú đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn;  “Tiếng hát con tàu”: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn; “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”. Những câu thơ đã khiến cho giáo viên Văn học Trung học Phổ thông không thấy dễ dàng khi soạn bài, và đứng lớp giảng dạy trước các em học sinh: “Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ/ Đã thành mặt trời chói lọi bình minh”, “Trong thế giới bạo tàn này, Người là những bóng cây xanh/ Trong thế giới bạo tàn này, Người cũng là vị tướng Hồ Chí Minh”.

Nhà thơ Chế Lan Viên và tác phẩm Điêu tàn

Ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là ca ngợi Tổ quốc, vì Bác chính là Tổ quốc: “Có gì lạ, Bác chính là Tổ quốc…/ Còn như Người, Người đã hóa hương sen”. Hình tượng siêu hình mà kỳ vĩ về Tổ quốc, bên ý niệm về Đảng quang vinh, được nhà thơ minh họa bằng sắc màu diễm lệ và đường nét hào hùng: “Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng/… Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ ”. Tự hào với mẹ Tổ quốc với vẻ đẹp thời đại, mang sự nghiệp thế kỷ: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” nuôi ước vọng không xa cho một đất nước giàu có, hùng mạnh: “Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm/ Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Hình tượng dồi dào, tứ thơ phong phú, tu từ chọn lọc, những câu thơ mới tám chữ đã cho ta bao cảm nhận sáng tươi về một đất nước phú cường. Do nồng độ trí tuệ đậm đặc nghiêng về tính suy tư sáng tạo ở những bài thơ Chế Lan Viên trong nửa sau thời kỳ sáng tác nên có người cảm thấy là nhà thơ có chiều thiên về lý trí chính luận thời sự hơn là xúc cảm lãng mạn cá nhân thường thấy ở văn nghệ sĩ.

Chưa tính đến tập thơ Điêu tàn và những tập văn xuôi và phê bình tiểu luận của Chế Lan Viên, riêng sự nghiệp thơ (hơn 15 tập) của tác giả gồm những tác phẩm tiêu biểu sau này như: Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967)… cho thấy phong cách nghệ thuật của ông không tương đồng với nhiều nhà thơ hiện đại nổi tiếng cùng thời như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… Ở nhà thơ Chế Lan Viên, điểm nổi bật trước hết ở tác phẩm sau này của ông là thi tứ nặng về trí tuệ, suy tư và phong cách nghệ thuật sáng tạo, cách tân đậm màu sử thi. Đọc thơ Chế Lan Viên, ở một bình diện nào đó, ta có cảm giác tâm hồn thăng hoa, cơ thể rực cháy lên một niềm tự hào về lãnh tụ lỗi lạc, về tổ quốc đẹp tươi, về khí phách dân tộc anh hùng khi được hát những bản hùng ca của các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tuyên hay Hồ Bắc.

Ngày trước, khi nhà thơ Hàn Mặc Tử bộc bạch: “Làm thơ tức là điên”, Chế Lan Viên thêm: “Làm thơ là làm sự phi thường”. Hôm nay, ta có thể nói là Chế Lan Viên là một nhà thơ không giống như bao nhiêu nhà thơ khác theo quan niệm đời thường, mà là một ngòi bút thơ trí tuệ đỉnh cao, mang phong cách nghệ thuật vượt lên khỏi (outstanding) tầm ngang vị trí những thi sĩ nổi tiếng hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Với nỗ lực sáng tạo không ngừng, Chế Lan Viên đã làm mới khuôn mặt thơ hôm nay bằng những bài thơ có vần, cả những bài thơ văn xuôi triết luận, thời sự không vần, mang sắc thái trí tuệ tư duy đặc thù một cõi, khiến người đọc không thể nhầm lẫn tác giả Điêu tàn với bất cứ một nhà thơ nào khác. Nhận định về nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Hội Nhà văn Việt Nam đã khái quát tích cực đầy vẻ cảm thông: “Từ thuở viết Điêu tàn cho đến những tập cuối cùng của Di cảo, Chế Lan Viên đã làm cho người đọc đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Sức sáng tạo của Chế Lan Viên có thể nói là phi thường và dấu ấn thơ ông để lại trong đời sống tinh thần thời đại mà ông sống quả là vô cùng sâu sắc”.

                                                                                                                            01.04.2020                                            

N.T