‘Chở gió’ của Nguyễn Văn Phương

1179

Ninh Giang Thu Cúc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tác giả Nguyễn Văn Phương, hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, đã mất ở Quảng Trị vào ngày 02. 06. 2002. Di cảo anh để lại cho gia đình và bầu bạn là một tài sản thơ. Vừa rồi kỉ niệm một năm mất của anh, nhờ sự đóng góp của các bạn thơ xa gần, sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên ngành văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế đêm mồng bảy tháng sáu năm hai ngàn không trăm linh ba, tập thơ có tên Chở gió gồm bốn mươi chín bài với nhiều thể loại được ra mắt bạn đọc.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Văn Phương (Phương xích lô) do họa sĩ Lê văn Huy vẽ

Anh có một vốn sống và nhiều nỗi đau thế thái nhân tình sau bao cuộc rong chơi lăn lóc trên các miền đất nước. Vinh cũng có, nhục cũng giàu cộng thêm những nỗi đau riêng về thân phận, về những bất lực của thực thể áo cơm khiến anh có một phong thái nửa bất cần đời, nửa rụt rè thủ phận với nỗi mặc cảm tự ti, nửa lại muốn nổi loạn giữa đám bạn bè rồi tìm quen bằng những cơn say đổ đất nghiêng trời nhưng đến:

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa

(Nguyễn Du)

Nỗi giận thân, giận đời đã được anh gởi gắm vào thơ và thơ là niềm cứu rỗi của anh, là chiếc phao cứu nạn cho anh trong những lúc anh bị cuốn chòng chành giữa hai miền hư thực.

Từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh đều có dấu chân anh. Anh cảm tạ đời bằng bài thơ Chân dung tự họa khiến ta thắt lòng với hai câu:

Anh em bốn biển cưu mang

Chén cơm manh áo cơ hàn cũng qua

(Chân dung tự họa)

Có một thời anh vừa làm người mẫu cho các lớp hội họa của Đại học Mỹ thuật Huế lại đạp xích lô kiếm sống. Vì thế anh có biệt danh “Phương xích lô” nhưng đây là một gã tài xế xích lô dị biệt và lãng mạn cực kì:

… Vắng khách đôi khi về chở gió

Không tiền không bạc vẫn cười vang

Dừng lại bên cầu nghe nước chảy

Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang

(Giọt nước Hương Giang)

Nghề làm tài xế xích lô cho anh nhiều nhọc nhằn và đôi khi cũng gặp điều lý thú và sự cảm thông. Những điều ấy được anh ghi lại qua bài Thơ gởi người khách Nam Bộ và bài Gởi bác xích lô Hà Nội.

Anh chấp nhận nghề nghiệp mà tình thế buộc anh phải chấp nhận. Đôi khi anh nói thật mà ta nghe cứ tưởng như Phương đang đùa, đùa với cuộc đời cay cực. Trong một chùm thơ Đường luật (4 bài) viết theo thể hành, ta nghe anh tâm sự với một người bạn nghề nghiệp, cả nghiệp làm thơ lẫn nghề đạp xích lô:

Ta xích lô hề! Ngươi xích lô

Từ đây thôi phải đạp xe thồ

Trước chơi hai bánh chừ ba bánh

Trước chở một cô chừ bốn cô

Xích lô hành là lời tâm sự với cuộc đời, với bạn bè đồng nghiệp. Chữ nửa thật, nửa đùa, nửa cay cú, nửa chấp nhận:

May mà nhờ đạp xích lô ấy

Giàu không giàu nhưng chẳng xác xơ

Và anh kết luận:

Dù sao mình cũng còn lương thiện

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô

Có những lúc thật tỉnh táo khoái hoạt, Phương lại thích làm một ẩn sĩ giữa chợ đời chao chát, bắt chước Trang Tử gõ cổ bồn để hát vang bài xích lô, mong rửa cho lòng thanh sạch dưới vầng nhật nguyệt sáng soi…

Lại có khi Phương trầm tĩnh ngẫm nghĩ, lý luận, thắc mắc như một triết gia trong bài Thời gian:

Mới đó mà chừ sắp hết năm

Những người gần gũi hóa xa xăm

Nay tươi mai héo màu hoa thắm

Sáng tụ chiều tan bóng khói lam

Nắng đến nắng đi rồi mấy ngọ

Nước lên nước xuống đã bao rằm

Gió đưa ngọn cải từ đêm ấy

Biết đến khi nào phiên lá răm

(Thời gian)

Một bài thơ Đường luật bát cú chững chạc về niêm luật, về đối ngẫu, từ ngữ thật tự nhiên, ý từ nhất quán từ phá, thừa đến kết. Tôi thật sự thích cặp kết như một lời tự vấn sự đi và ở của bản thân tác giả và của mọi người:

Gió đưa ngọn cải từ đêm ấy

Biết đến khi nào phiên lá răm

Ngọn cải, lá răm là lấy ý ở câu ca dao:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Vận dụng ca dao vào thơ Đường đã là khá, lại mượn ngọn cải lá răm để nói về sự đi, ở, sống, chết của kiếp người thì Phương quá khá:

Biết đến khi nào phiên lá răm

Một câu thơ Đường mới rời rợi với cụm từ phiên lá răm. Câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, ẩn dụ về cái lẽ tử sinh, còn mất, sắc không.

Rất nhiều bài anh viết về mảng xã hội, đậm nét nhân bản nhân văn như những bài:

Chúc Tết, Thơ tặng bạn bán thuốc lá, Lối em về, Thơ tặng bạn bán trứng vịt lộn, Thơ tặng cô công nhân vệ sinh môi trường…

Trở lại với mảng thơ về thân phận, ta thấy ở Phương có một đời sống quá khắc nghiệt giữa thế gian này. Bạn bè anh từng hỏi nhau – liệu Phương có là một gã nửa điên nửa tỉnh cộng với tấm thân thể, áo quần như cả đời không biết tắm giặt, nếu đời Phương chưa hề bị:

Nhát dao nào

Chém xuống ta

Vết thương hồn

Rỉ máu…

(Mặn)

Phương đã từng có những tháng ngày hạnh phúc, cũng đã từng say, nhưng không phải say rượu như bây giờ mà là say tình, say âm thanh huyền hoặc từ ngón tay ai lướt nhẹ trên mười sáu sợi tơ đồng của đêm Nguyên tiêu:

Trời khuya một mảnh trăng đầy

Để:

Chúng mình như tỉnh như say

Xích lô anh chở đàn này em ngân

Nhà ai thoang thoảng hương trầm

Quyện hương bông sứ giữa rằm Nguyên tiêu

(Tiếng đàn đêm Nguyên tiêu)

Thật ra, bi kịch tình yêu này suy cho cùng lỗi không từ một phía mà do nhiều yếu tố tác động để gây cảnh xẻ nghé tan đàn. Vì thế trong sâu thẳm của tấm tình bi đát ấy, Phương đã không ngừng dằn vặt xót xa cho mình, cho người.

Tuyệt vọng chồng lên tuyệt vọng, Phương càng ngày càng trở nên quậy phá điên khùng với những: Cuồng ca, Chiêm nghiệm lẽ đời, Đêm mưa uống rượu, Tìm, Độc túy hành, Chân dung tự họa, Hẹn, Thiên thu ca. Ở Thiên thu ca, ta như bắt được lời trối trăn ký thác:

… Mai này nếu gặp ta lần nữa

Một thây ma tái sắc cạn linh hồn

Đã qua rồi một thời bừng ánh lửa

Còn thương ta xin người hãy giùm chôn

(Thiên thu ca)

Sức cùng lực kiệt Phương tự biết:

… Tôi đã lụi tàn

Không còn ngân nổi điệu đàn năm xưa

Chỉ còn chiếc bóng trong thơ

Về bên núi vắng

Nằm chờ hóa thân

(Thưa em)

Và Phương đã “hóa thân” thật sau mấy buổi rong chơi tại miền đất hừng hực gió Lào vào một ngày oi ả nắng. Sự ra đi của Phương chỉ làm bạn hữu xót xa mà không hề quay quắt ngạc nhiên vì rằng đó là hậu quả tất nhiên của sự việc. Cũng may cho Phương nếu vì một bạo bệnh nào đó mà Phương phải nằm lây lất thì sự bi đát của thân phận sẽ nhân lên theo cấp số nào đây?!

Và thật sự may mắn cho Phương bởi do duyên thơ, nên thay vì có lần Phương lo sợ: sống lang thang chẳng cửa nhà, chết không đất táng làm ma phiêu bồng, thì Phương được sự quan tâm ưu ái của những tấm lòng nhân hậu từ những văn nghệ sĩ của Hội VHNT Quảng Trị. Bao bạn bè, anh chị em văn nghệ sĩ xa gần đã chung sức, chung lòng đóng góp để Phương có một đám tang ấm cúng về phần hồn, và đầy đủ nghi thức thực tế như bao người may mắn khác. Ngôi nhà vĩnh cửu của Phương xinh xắn với hình hoa sen từng cánh nở như ôm ấp tấm thân ngũ uẩn đã có một thời sung mãn đến hao gầy… Cảm ơn những bàn tay tỉ mẩn tài hoa với những dòng khắc tuổi tên danh phận trên bia mộ và trên bia đá với bài Thiên thu ca của Phương.

Trong thời buổi tấc đất tấc vàng mà nghĩa trang thành phố Huế đã dành cho Phương một chỗ nằm khang trang rộng rãi, cao ráo thì đúng là một nghĩa cử, một tấm lòng của bao người có trách nhiệm ở vùng đất ấy.

Thỏa mãn rồi Phương nhé, hết những tủi khổ đắng cay lận đận, những ưu phiền xuống phố lên non, tất cả Phương đã trả lại cho đời để:

Thôi thì nương theo cánh hạc

Bay về đậu đỉnh non cao

Quên bao nỗi đời vinh nhục

Vỗ bầu hát khúc tiêu dao

(Vỗ bầu hát khúc tiêu dao)

Cầu nguyện cho linh hồn Phương được bình yên nơi cõi vô cùng không hệ lụy, để mặc tình cạn hồ trường ca khúc tiêu dao.

N.G.T.C

Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 7 năm 2003