Rực rỡ sắc xuân tranh ấn tượng

457

Đan Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thế giới nghệ thuật với lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ mênh mông vô tận, và luôn biến thiên không ngừng. Ngay từ thời cổ đại, nghệ thuật trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, như người hành giả với những bước đi không mỏi luôn vươn tới kiếm tìm cái Đẹp ở chân trời phía trước. Trải qua hơn bốn trăm năm (thế kỷ XV – giữa thế kỷ XIX), chủ nghĩa cổ điển (classicism) được coi là thành trì kiên cố mà những danh tướng tiêu biểu cuối mùa là hai họa sĩ Pháp: Louis David (1748-1825) và Dominique Ingres (1780-1867)(1) dù có lúc bị khuấy động bởi “hai tên phản loạn” tài năng là Théodore Géricault (1791-1824) và Eugène Delacroix (1798-1863)(2).

Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX, hội họa được giải phóng, họa sĩ đua nhau hướng về những khám phá mới, từ đó hình thành rầm rộ thêm các họa phái được gọi chung là hiện đại (modernism). Rất nhiều trường phái xuất hiện ra thêm như trăm hoa đua nở trong khu vườn nghệ thuật. Từ ấn tượng (impressionism), hiện thực (realism), biểu hiện (expressionism),… đến trường phái siêu thực (surrealism), lập thể (cubism), dã thú (fauvism), đa-đa (dadaism), hiện đại (modernism) v.v… Mỗi nhóm tập kết được một số nghệ sĩ cùng khuynh hướng, với chủ trương, đường lối sáng tác đặc thù dần dần được hình thành rõ nét.

Riêng về trường phái ấn tượng (impressionism), mặc dù xuất phát ban đầu từ những họa sĩ kinh điển, về sau cũng từng bước thể hiện rõ được những nét riêng về bút pháp nghệ thuật và tiêu chí sáng tác của nhóm khiến cho ta khó nhầm họ với họa phái khác. Thời kỳ vàng son của phái ấn tượng tuy chỉ kéo dài trong khoảng thời gian mười năm (1870-1880) song họ cũng đã mở ra được một kỷ nguyên mới cho nền hội họa phương Tây, ảnh hưởng sâu đậm đến nghệ thuật thế giới ngay cả trong lĩnh vực văn học cho đến ngày nay.


Họa sĩ Renoir.

Người ta còn nhớ vào khoảng năm 1870, tại thủ đô nghệ thuật Paris của nước Pháp hào hoa văn hiến, một dạo cứ ngày ngày vào đúng thời điểm buổi sáng, có ba chàng họa sĩ khệ nệ mang đồ nghề đến ngồi vẽ đắm đuối hàng giờ bên bờ sông Seine thơ mộng trữ tình. Đó là Claude Monet (1840-1926)(3), Auguste Renoir (1841-1919)(4) và Camille Pissaro (1830-1903)(5), những họa sĩ trước đây vốn đã nổi tiếng ở môi trường nghệ thuật kinh điển. Điều đặc biệt đáng lưu ý ở đây là họ cũng say mê vẽ phong cảnh, nhưng lại chăm chú theo dõi những biến động tinh tế hiện tượng ánh sáng chiếu rọi xuống mặt nước sông. Trong khi đang sáng tác, dường như họ cảm nhận sâu xa được cả sự rung động tinh vi của những tia ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt nước đang phân hóa các màu sắc. Ngần ấy điều đã khiến cho màu sắc thiên nhiên thêm tươi sáng, rực rỡ và cả đến đường nét, hình thể sự vật cũng lung linh, sinh động như chan hòa một sức sống diệu kỳ. Cả bóng tối cũng không còn là một khối màu đen mà dưới năng lực ngự trị của ánh sáng, nó chỉ còn là những màu sắc tươi sáng mặn nồng.


Tác phẩm của họa sĩ Renoir: cha và con trai.

Dù có mầm mống lạ lùng trong tác phẩm của một số họa sĩ hàng đầu như Manet, Pissaro đã bị loại tại cuộc triển lãm quốc gia vào năm 1863, phát pháo ghi dấu ấn đầu tiên của khuynh hướng ấn tượng chính thức nổ ra vào năm 1874: họa sĩ Monet đã trưng bày một bức tranh làm ngạc nhiên giới cầm cọ và khách thưởng ngoạn nghệ thuật. Tác phẩm có nhan đề: “Impression – Soleil levant (Ấn tượng, mặt trời lên – 1872). Phủ lên toàn bộ bức tranh là tấm màn ánh sáng huyền ảo chiếu rọi qua làn ánh sáng mờ mờ màu da cam cộng hưởng với khoảng màu xanh lá cây pha tím, giao thoa với những vệt sáng màu lam.

Đó là cảnh rạng đông, lúc mặt trời mọc trong một bối cảnh không gian có sóng nước, thuyền chài. Đích thực là một phong cảnh mơ màng với màu sắc lung linh mà sáng trong huyền ảo. Công chúng sững sờ, những họa sĩ bảo thủ và các nhà phê bình mỹ thuật hoang mang vì thấy thần thái họa phẩm tương phản với lối thể hiện cổ điển trước đây: bố cục không rõ ràng, cấu trúc hình thức không hòa hợp, đề tài mơ hồ. Họ lại thắc mắc bởi vì vẽ gì thì vẽ chứ ai lại đi vẽ ấn tượng (impression), vì ấn tượng thuộc phạm trù trừu tượng có thấy được đâu mà vẽ. Thêm nữa, trong thực tế, tác giả đích thị đã vẽ cảnh ấy ngoài trời. Thực là một cách làm vô cùng táo bạo, khác lạ với lối vẽ theo nếp cũ thường phải trải qua các giai đoạn: quan sát ghi nhận chi tiết cảnh vật bên ngoài rồi về xưởng, phác họa sơ lược, chỉnh đốn vài lần, sau đó mới bắt đầu cầm cọ lên màu tại… xưởng vẽ.

Nhưng cũng từ đó, Monet được coi là một trong các đại diện tiêu biểu của phái ấn tượng (impressionism) này và về sau còn được tăng cường thêm một số họa sĩ khác như: Manet (1832-1883)(6), Guillaumin (1841-1927)(7), Bazille (1841-1870)(8), Degas (1834-1917)(9), Sisley (1839-1899)(10). Tuy vậy, như thể “đồng thanh tương ứng”, trước khoảng thời gian ấy mấy mươi năm, bên nước Anh, người ta cũng biết được có những họa sĩ đồng điệu của nhóm này như: John Constable (1776-1837)(11) và William Turner (1775-1851)(12) cũng đã dám làm khác với các họa sĩ hàn lâm tiền bối rồi.

Căn cứ vào những họa phẩm của trường phái nghệ thuật ấn tượng, người ta rút ra nhận định: họa sĩ ấn tượng diễn tả cảnh vật theo cảm nhận riêng của giác quan và bằng tâm hồn cảm xúc nghệ sĩ của mình dù họ vẫn vẽ đúng theo thực tế. Theo các họa sĩ ấn tượng, những hình thể trong thiên nhiên trời đất, đều được tạo nên bởi sắc màu và ánh sáng. Hình ảnh, chi tiết sự vật như hoa lá cỏ cây, triền sông vách núi, hoặc sông nước mây trời… được diễn tả bằng màu sắc không có biên giới nhất định, như giao thoa nhuần nhuyễn với nhau theo giai điệu rung động của ánh sáng. Trường phái ấn tượng lấy ánh sáng làm yếu tố hạt nhân để diễn tả sự vật. Ánh sáng ở đây không phải hoàn toàn thực tế mà nó là một thứ ánh sángsự sống được nhìn qua lăng kính xúc cảm chủ quan của người họa sĩ ấn tượng đã sử dụng nó như một nguyên lý của bút pháp nghệ thuật.

Phái ấn tượng chú trọng diễn tả những hình ảnh biến động của sự vật dưới tác dụng tinh tế diệu kỳ của ánh sáng. Theo họ, diễn tả những hình ảnh luôn thay đổi là thể hiện cảm xúc hoàn toàn tự do, phóng túng và cố gắng thoát ly khỏi sự kiềm tỏa của lý trí. Làm như thế là chống lại lối nhận xét khách quan của hiện thực và chủ trương nhận xét chủ quan của cá nhân nghệ sĩ. Đề tài mà phái ấn tượng nhắm vào để sáng tác phải có giá trị trường cửu chứ không có giá trị nhất thời cho một thời đại. Hầu như đa phần tranh của họ vẽ cảnh cây cối, nhà cửa bình thường, những dân quê chất phác chứ không phải là những tòa biệt thự sang trọng hoặc những bà hoàng quí tộc, bậc thần thánh anh hùng như tranh của David hoặc Ingres. Họa sĩ ấn tượng chủ trương: sự vật trong tranh chỉ có lý do tồn tại ở chỗ truyền cảm chứ không phải chỉ suông là những ảo ảnh bóng lộn. Trong khi họa sĩ ở thế kỷ XV và thế kỷ XVI quá quan tâm đến không gian thì phái ấn tượng không cần đến chiều sâu của cảnh vật mà chỉ coi trọng ánh sáng và màu sắc.

Từ đó, ngắm một bức tranh ấn tượng chan hòa ánh sáng rực rỡ, sắc màu tươi thắm, ta có cảm tưởng như đọc bài thơ tình hay với thi tứ sâu lắng và âm điệu du dương, giúp ta cảm thấy trong khoảng khắc tâm hồn mình được thư thái, nhẹ nhàng, một cơ hội để quên đi những lo toan căng thẳng vì cuộc sống.

Đ.T

(1) David và Ingres được coi là đại diện cho khuynh hướng Tân cổ điển (néo-classicism).

(2) Théodore Géricault với Chiếc bè của con tàu Méduse (1819) Eugene Delacroix với Con thuyền của Dante (1822) thuộc khuynh hướng lãng mạn (romantism).

(3) Claude Monet với Impression- soleil levant Ấn tượng, mặt trời mọc -1872; Soleil et Neige (Nắng trên tuyết) – 1881…

(4) Auguste Renoir với La balancoire Cô gái đánh đu-1876…

(5) Camille Pissaro với Gelée blanche, ancienne route d’Ennery, Pontoise

 Đông giá trắng nơi lộ cũ Ennery – 1873…

(6) Manet với Portrait de Mallarmé (Nhà thơ Pháp), Chân dung Mallarmé-1876;

Déjeuner sur l’herbe (Bữa ăn trên cỏ) – 1863…

(7) Guillaumin với Paysage, phong cảnh.

(8) Bazille với Réunion de famille, Sum họp gia đình – 1867.

(9) Degas với Danceuses bleues Những vũ công lam – 1890.

(10) Sisley với L’Inondation à Port-Marly Nước lụt ở Port-Marly – 1876.

(11) John Constable với La baie de Weymouth (Vịnh biển Weymouth) – 1816.

(12) William Turner với Tuyết lở xuống thung lũng Aoste – 1836 ?