(Vanchuongphuongnam.vn) – Nói khái quát, thơ Phùng Cung đã hình thành trong thực tiễn ghi nhận tinh tế và sâu sắc những phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực: hiện thực nhiều vẻ đẹp làm ông say mê thì nội dung thơ ông thẩm mỹ; hiện thực nhiều thảm cảnh khiến ông xót thương thì nội dung thơ ông hướng thiện. Phải nói ngày là ông coi trọng hướng thiện hơn thẩm mỹ. Ở điểm này, thái độ Phùng Cung giống thái độ Romain Rolland (1866-1944), nhà văn Pháp nổi tiếng (được tặng giải văn học Nobel năm 1915), người đã từng tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đặt lòng từ thiện lên bậc giá trị cao hơn nghệ thuật trăm lần”.
(Tiếp theo)
Nhà thơ Phùng Cung
Nặng lòng ước mơ, Phùng Cung buồn rầu nhìn cái chết của con dế bé bủn và vô tội, biết “gào chân mộ”, biết “tìm lại tiếng mình đêm trước”, bỗng
…
Chiều mưa dội
Nước dềnh sân
Một xác dế bồng bềng.
(Dủi, trang 61)
Ông càng bùi ngùi về cái chết của con chào mào
Dây bẫy cần
Cánh xõa gió bung biêng
…
(Gốc vườn, trang 62)
Lại còn lũ gà con “nhú đôi cánh sữa” gặp rét thấu xương:
Gió bấc về
Gà con lên cơn sốt
Nhong nhóc đứng, đi
Chen nhau tìm chỗ ấm
Cẳng gầy lội gió.
(Chùm gió bấc, trang 96)
Đều là thảm cảnh. Trong chuỗi thảm cảnh của loài vật được ông phản ánh trong Xem Đêm có lẽ số phận con trâu mà bài Ê ẩm hé mở cho thấy, làm ông đau xót hơn cả, đau xót và công phẫn. Kiếp trâu bạc bẽo, bạn hiền của người mà bị đối xử dã man đến cực độ, lúc khỏe kéo cầy là “đầu cơ nghiệp”, khi kiệt lực bị giết để người ta ăn thịt lại còn lột da bưng trống.
Bên cạnh thảm cảnh của con trâu là thảm cảnh của con cua, con vạc; cả hai đều hèn mọn:
(Cua đồng, trang 34)
Phận lấm
Tối ngày đào khoáy
Lưng nắng vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi.
(Vạc, trang 28)
Nắng táp cánh đồng
xơ xác
Bước liêu xiêu
Cái vạc ăn ngày.
Hai bài thơ trên cùng với những bài Gia cảnh; Nắng hàn vi; Cháo – canh; Mùa nước mắt; Gãi đất; Nắng cũ; Ra Tết; Bánh trôi; Bữa đẹp; Nhỏ to; Nắng thừa; Dập gẫy;… và hàng chục bài nữa, làm nổi lên cái hiện thực nghèo khổ của nông dân Việt Nam đến nay vẫn chưa hết. Con cua, con vạc khốn khổ gợi cho người ta nghĩ đến hàng bao nhiêu triệu gia đình nông dân đuối kém đang mong đến lượt mình được “xóa đói giảm nghèo”.
Bình luận tập Xem Đêm, một tờ báo xuất bản ở Đức nhận xét:
“Một đặc điểm của Xem Đêm là không có bài nào động chạm trực tiếp đến các biến cố lịch sử trong đời sống dân tộc mấy chục năm qua”, thay vào đó là “Những mảnh cắt từ một nông thôn Việt Nam nghèo khổ” và “Phùng Cung, ở mặt này của hiện thực, đã đạt tới độ sâu sắc chưa từng thấy trong thơ ca Việt Nam mấy chục năm đổ lại đây”.
Một tháng sau bài báo nói trên, đài phát thanh Úc cũng lên tiếng khen ngợi tập Xem Đêm, so sánh thơ Phùng Cung với thơ Octavio Paz (Mê-hi-cô) và Seamus Heaney (Ai-len) là hai người được tặng giải văn học Nobel, để rút ra nét gần gũi, tương đồng giữa ba cây bút.
Còn trong nước, bào Tiền Phong chủ nhật ra ngày 18-8-1996 viết: “Sự trở về” của Phùng Cung gây ấn tượng cho làng thơ không phải chỉ vì sự đột ngột của nó mà còn vì sự tinh luyện của hồn thơ, của câu, chữ.”
Báo Tuổi trẻ chủ nhật ra quãng từ 6 đến 12 tháng 10-1996 viết: “Thời gian xuýt phủ rêu lên tên ông nhưng lưỡi dao thơ ông kịp cạo rơi màu quên lãng ấy”.
Chẳng có “ban bệ” nào nâng đỡ, thơ Phùng Cung tự lực gặt hái đã tỏ ra là một thành tựu văn học được dư luận rộng rãi chú ý, hoan nghênh. Và tất nhiên, có nhiều người muốn biết thi pháp nào đưa đến thành công ấy. Nhưng Phùng Cung là người làm thơ không theo một lý thuyết vay mượn nào, kể cả những lý thuyết đã có uy thế một thời; ông cũng không tự đặt ra lý thuyết để áp dụng. Giá có ai thân mật hỏi “Thế nào là thơ hay?”, “Phải làm những gì để thơ hay?”, chắc ông sẽ chẳng có một “khoa học làm thơ” trong túi để đưa ra giới thiệu, mà sẽ khiêm tốn trả lời né tránh như là mình chỉ biết vâng theo tình cảm, xúc động, ngẫu hứng và ngôn ngữ quen dùng.
Nói khái quát, thơ Phùng Cung đã hình thành trong thực tiễn ghi nhận tinh tế và sâu sắc những phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực: hiện thực nhiều vẻ đẹp làm ông say mê thì nội dung thơ ông thẩm mỹ; hiện thực nhiều thảm cảnh khiến ông xót thương thì nội dung thơ ông hướng thiện. Phải nói ngày là ông coi trọng hướng thiện hơn thẩm mỹ. Ở điểm này, thái độ Phùng Cung giống thái độ Romain Rolland (1866-1944), nhà văn Pháp nổi tiếng (được tặng giải văn học Nobel năm 1915), người đã từng tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đặt lòng từ thiện lên bậc giá trị cao hơn nghệ thuật trăm lần”.
Chính vì thơ Phùng Cung xuất phát từ sự phản ứng tự nhiên của tâm hồn và nhân cách trước hiện thực, nên trong khi thơ Lê Đạt muốn “vượt vũ môn” để tìm sức sống nơi bóng chữ thì thơ Phùng Cung, cũng như thơ Trần Dần đã được Hội nhà văn tặng giải thưởng năm ngoái – vẫn chân chỉ, trung thành với bóng người. Cái bóng của Phùng Cung là bóng một con người nhân hậu, khoan hòa, có lý tưởng công bằng, bác ái, yêu đời, yêu nước và làm thơ chưa đẫy sức. Chưa đẫy sức vì hoàn cảnh chưa thuận lợi cũng có, vì bản thân thơ chưa trưởng thành cũng có. Nếu tôi được ủy quyền chọn lại những bài thơ trong tập Xem đêm, tôi sẽ loại đi ít nhất một phần tư với lòng tin tưởng tác giả sẽ không dừng lại chỗ ấy.
*
Tôi vừa cố gắng tiếp cận với tiềm năng thơ Phùng Cung mới triển khai đầy hứa hẹn, trước hết với thế giới thơ của tập Xem Đêm có những vẻ đẹp đồng quê thể hiện qua ngôn ngữ dân gian, có những cảnh nghèo khổ nông thôn được nhẫn nại chịu đựng, có một tình thương rộng lớn ân cần, đến với những số phận bất hạnh. Nhưng tôi không tin là sự phân tích của tôi có thể vẽ lại không sai sót chân dung một dạng thơ chưa quen thuộc về cả nội dung và hình thức. Để minh họa thêm rõ, tôi xin dẫn ra đây một số nhỏ trong những bài thơ mà tôi cho là tiêu biểu, cũng là những bài mà tôi thích nhất.
Văn Miếu (trang 84)
Chim hát thánh thi
Vườn cổ thụ
Xum xuê hoa trái Đại Xuân
Nao nao gió thổi gác Khuê Văn
Gỗ, đá rêu phong
Văn Miếu hiện dấu tay
bác phó
Nhúng mồ hôi điểm chỉ
gửi tương lai.
Đêm Nguyên Tiêu (trang 74)
Cổng Phật chuông lay hoa rụng
Mõ dẫn kinh ruổi nhịp
luân hồi
Vương lụy hương bay đứt, nối
Cành sương trăng níu
Giọt Nguyên Tiêu.
Say (trang 18)
Ai chuốc rượu
Cánh buồm say lảo đảo
Quanh quẩn quãng sông chiều
Quên nẻo ra khơi.
Đổ vỡ (trang 70)
Bình minh níu giọt tranh khoảnh khắc
Đổ vỡ trong lặng im
Hoa ngóng gió
Gửi hương tị nạn
Buồng thơm (trang 114)
Đêm vắng
Buồng thơm
Em soi gương trộm
Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng.
Dâu, biển (trang 8)
Chiều xâm xẩm
Vườn dâu đòi xanh biển
Con chim chích buông cành
bay liệng
Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa.
Tìm em (trang 55)
“Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Đông
(Ca dao)
Tìm về gặp em
Em đã đi
Vách, giường thơm lạnh
Mùi khăn áo cũ
Đêm nghiêng gió – chập chờn
mưa gõ lá
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò.
Ê ẩm (trang 27)
Chợt nghe động trống
Trâu bò nhớn nhác
Dùi quật liên hồi
Ê ẩm tấm da khô.
Tôi nêu bài Ê ẩm sau cùng để tiện nói thêm ngay vài cảm nghĩ nóng hổi về một bài thơ đan thanh kiệt tác, hay nhất trong hai trăm bài của tập Xem Đêm.
Con trâu chết đi do sự tàn ác của chủ, để lại nỗi oan khiên ẩn náu trong mặt trống. Đánh trống mà mặt trống thấy đau, tiếng trống vang lên mang theo oán hờn, tác động đến tinh thần những trâu, bò xung quanh, gây sợ hãi, kinh hoàng… Đem trí tưởng tượng nâng tri giác loài vật lên tới ý thức, lên tận cõi tâm linh kỳ diệu, tác giả đã biến bài thơ thành huyền thoại.
Trong văn học Việt Nam trước đây, những bài thơ có đôi cánh tiên bay bổng đến thế (của Hàn Mặc Tử, Huy Cận hay Vũ Hoàng Chương) ta có thể đếm trên đầu ngón tay.
*
Tiềm năng thơ Phùng Cung là vốn quý chẳng những của riêng cá nhân ông mà còn là của chung xã hội. Với ý thức phát triển văn hóa, những cơ quan quản lý xã hội không thể thờ ơ với nó khi nó còn gặp khó khăn trong một hoàn cảnh chưa được bình thường hóa dứt điểm.
Ở tuổi thiếu niên, truyện cổ tích thần thoại đã in vào trí nhớ ngây thơ của chúng ta hình ảnh những tiên nữ trên Thiên đình đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống hạ giới, chịu khổ cực mãi rồi cũng có ngày trở về trời. Trải qua nhiều năm hoạn nạn, bất đắc dĩ phải nghỉ ngơi, bây giờ được phục hồi sức lực và nhiệt tình, Phùng Cung đĩnh đạc bước ra khỏi vòng u uất. Tuy hơi muộn, ông cũng đến với làng thơ, đắn đo góp hai trăm bài nho nhỏ – những bài tưởng như đã nộp cho thần thánh để thanh minh, khiếu nại về một sự hiểu nhầm tai hại. Chúng ta mừng cho sự nghiệp văn chương của ông sau cái rủi có cái may, như kiếp tài hoa của Thúy Kiều gian nan hết mức suốt mười lăm năm, cuối cùng đến sông Tiền Đường suýt chết đuối còn được Đạm Tiên đem trả lại thơ. Trả lại thơ với ý nghĩa “sổ đoạn trường rút tên ra” là bước đầu sửa sai của định mệnh vô tri, mù tối.
Tâm tư Phùng Cung, tôi hiểu được. Tiếp tục làm thơ hướng thiện bằng mồ hôi, nước mắt và chút sở trường là lẽ sống của ông
Còn phận bạc của ông trong hiện thực có sẽ kết thúc như phận bạc của Thúy Kiều trên trang sách hay không là việc của xã hội. (Trên trang sách, Thanh Tâm Tài Nhân đã tạo điều kiện cho Thúy Kiều làm lại cuộc đời có tình yêu đổi thành tình bạn của chàng Kim, có đại gia đình yên vui, đầm ấm, có đời sống vật chất đầy đủ, có am thờ Phật để tu tại gia, thực hiện “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”). Gần đây, định hướng xã hội chủ nghĩa và khẩu hiệu xã hội công bằng, văn minh được đề cao, phải chăng đã đến lúc Phùng Cung, ngoài lòng tự tín, tự hào vốn có và niềm vui tìm thấy trong sáng tạo nghệ thuật, còn được “công bằng”, “văn minh” đến khuyến khích Nàng Thơ và nâng cao đời sống?
Bước tới ngưỡng cửa của thế kỷ hai mươi mốt, văn nghệ Việt Nam một lần nữa chuyển mình, đang thu hoạch một mùa thơ có vẻ “trăm hoa đua nở” với hàng ngàn tác phẩm đủ các cỡ và một đội ngũ người làm thơ đông đúc như ngày hội. Nếu yêu cầu giá trị thật trong những bản in hoa mĩ thì phương pháp vẫn phải là đãi cát tìm vàng. Trong cái bề bộn vàng thau lẫn lộn, rất có thể là khủng hoảng trưởng thành, thật đáng phấn khởi khi được đọc tập Xem Đêm, một tập thơ đích thực của một con người đích đáng. Thơ và người đều mang đặm bản sắc riêng mà không cách biệt với lý tưởng chung của dân tộc là sống yên lành, phúc đức – phúc đức hiểu theo Nho học gồm “nghĩa” và “nhân”, nói theo Tây học là “công bằng” và “bác ái”.
Công bằng và bác ái tương đối và thể hiện qua một tình thương rộng lớn không giới hạn trong chủ nghĩa nhân đạo, đó là tư tưởng cao đẹp của tập Xem Đêm, của thơ hướng thiện.
Đó là thông điệp của Phùng Cung
Hà Nội ngày 25 tháng 10 năm 1996
Nguyễn Hữu Đang