Cốt lõi là cách tư duy và cách làm

606

NGUYỄN KHÁNH TRUNG (EMILE VIỆT)

NVTPHCM- Trước hết, cần ghi nhận mong muốn thay đổi của Bộ GD-ĐT thông qua việc muốn nhập khẩu chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) của Phần Lan, dù ta cần biết thêm cụ thể dự án của bộ thế nào, áp dụng vào trường hợp nào, liên quan gì đến Chương trình giáo dục tổng thể sẽ được áp dụng trong năm học tới.

Giáo dục Phần Lan thành công, một phần nhờ vào khẩu hiệu mà mỗi ngày giáo viên đều phải "nằm lòng": "Kirkkojarvi Comprehensive School principal Kari Louhivuori" (Chuẩn bị cho tương lai trẻ) - Stuart Conway
Giáo dục Phần Lan thành công, một phần nhờ vào khẩu hiệu mà mỗi ngày giáo viên đều phải “nằm lòng”: “Kirkkojarvi Comprehensive School principal Kari Louhivuori” (Chuẩn bị cho tương lai trẻ) – Stuart Conway

Nhập khẩu thế nào?

 

Chúng ta cần nghiên cứu chương trình cốt lõi quốc gia giáo dục cơ bản của Phần Lan để học hỏi, nhưng nhập khẩu toàn bộ chương trình của một quốc gia khác để áp dụng hoàn toàn cho VN dường như là điều không thể và cũng không nên làm.

 

Trước hết, chương trình cốt lõi quốc gia của giáo dục cơ bản Phần Lan chỉ là những nét cốt lõi, họ dành phần lớn nội dung cho cấp quản lý giáo dục vùng địa phương và các trường, thực ra là dành cho giáo viên các trường làm chuyện này.

 

Như thế, không biết Bộ GD-ĐT VN sẽ chỉ nhập khẩu chương trình cốt lõi này hay nhập khẩu chương trình riêng của vùng nào đó nữa?

 

Còn SGK là của các nhóm tư nhân phối hợp với các nhà xuất bản để phát hành. Người Phần Lan xem SGK chỉ là một loại giáo cụ, mỗi trường có thể chọn một bộ khác nhau, thậm chí mỗi giáo viên có thể tham khảo một bộ khác nhau hoặc không cần đến SGK, như vậy bộ muốn mua bộ sách nào?

 

Xét về chuyên môn, với các môn khoa học tự nhiên thì có thể lấy của Phần Lan áp dụng vào VN, nhưng với các môn KHXH&NV thì không thể.

 

Học sinh VN không thể không nghiên cứu lịch sử, địa lý của VN trong khi lại học lịch sử, địa lý của quốc gia và các vùng địa phương của Phần Lan được.

 

Chương trình giáo dục Phần Lan là dành cho các giáo viên Phần Lan

 

Chương trình giáo dục không chỉ đơn giản là danh sách và liều lượng một số môn học, mà còn là kết tinh, là sự diễn tả một nền văn hóa, chính trị, luân lý của một quốc gia, mà những thứ này ở VN lại khác xa so với Phần Lan.

 

Chẳng hạn, theo nhà nghiên cứu Pasi Sahlberg, các cuộc cải cách và chương trình của Phần Lan hiện nay được thiết kế dựa trên “lòng tin, tính chuyên nghiệp và chia sẻ trách nhiệm” của các giáo viên Phần Lan, điều này ở VN thế nào?

 

Các giáo viên tại VN chủ yếu là kết quả đào tạo của chính hệ thống giáo dục hiện tại. Họ làm việc lâu ngày trong một hệ thống tập quyền, nơi họ chủ yếu chỉ đóng vai những mắt xích thụ động.

 

Nhiệm vụ của họ là thi hành những điều được chỉ đạo, được quy định sẵn, chứ không tỏ ra có chính kiến riêng, có tư tưởng riêng mang dấu ấn cá nhân, là những chủ thể chủ động kiến tạo nên những gì được giảng dạy như những đồng nghiệp của họ tại Phần Lan.

 

Có thể nói, mỗi giáo viên Phần Lan là một nhà giáo dục. Không những họ có khả năng sư phạm để chuyển tải các kiến thức và kỹ năng cho học sinh mà còn có khả năng kiến tạo nên những gì họ giảng dạy, nghiên cứu thay đổi chúng.

 

Chính họ là nhân tố làm nên chất lượng của giáo dục chứ không phải các quy chuẩn, sự đánh giá, hay chương trình và SGK.

 

Chương trình của họ được thiết kế là dành cho những “nhà giáo dục” này. Trong khi giáo viên phổ thông Việt phần lớn chỉ như những “thợ dạy”, chưa kể những ai vốn là những “con chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như kỳ thi đại học vừa rồi đã chứng tỏ.

 

Liệu có thể triển khai chương trình của giáo dục Phần Lan với điều kiện con người như vậy không?

 

Vậy nên điều cần học hỏi, theo tôi, trước hết là học cách tư duy và cách làm của người Phần Lan trong việc xây dựng các chương trình cải cách và cách triển khai chúng, chứ không phải là nhập khẩu chương trình và SGK có sẵn của họ.

 

Trong rất nhiều thứ cần học hỏi thì hai vấn đề sau đây theo tôi là quan trọng nhất.

 

Khởi đi từ giáo viên

 

Trước hết là đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng. Trước khi thực hiện những đợt cải cách, người Phần Lan đã cải cách các trường, các khoa sư phạm để có thể đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng trước, bởi họ quan niệm sẽ chẳng có một nền giáo dục nào có chất lượng vượt quá chất lượng của chính đội ngũ giáo viên của nó.

 

Khi đã có đội ngũ giáo viên chất lượng thì chính lực lượng này là chủ thể của sự thay đổi.

 

Các chương trình cải cách giáo dục tại Phần Lan được khởi động bắt đầu từ các giáo viên vào năm 1972, trong đó vai trò của Hiệp hội Giáo viên tiểu học Phần Lan (FPSTA) – đại diện gần 90% giáo viên tiểu học – là chủ chốt. Họ đã đề xuất chương trình cải cách, khuấy động xã hội và kêu gọi thực hiện thay đổi trường học.

 

Sự thành công của 3 đợt cải cách từ năm 1972 đến nay là công lao và trí tuệ trước hết thuộc về các giáo viên, chứ không phải ai khác.

 

VN cũng đã thực hiện 3 đợt cải cách như Phần Lan nhưng không thành công, theo tôi, một trong những nguyên nhân chính là đã không chuẩn bị đội ngũ giáo viên trước, không khởi đi từ các giáo viên, thậm chí đã gạt các giáo viên ra ngoài quá trình chuẩn bị và thay đổi.

 

Họ không làm theo cách: một nhóm giáo sư, tiến sĩ đâu đó trên cao biên soạn chương trình và áp lên tất cả giáo viên, xem các giáo viên chỉ là những công cụ thụ động thực hiện ý tưởng, kế hoạch của mình như ở VN đã làm lâu nay.

 

Điều thứ hai cần học hỏi là cách làm chương trình của Phần Lan theo hình thức phân quyền.

 

Cũng theo chiều hướng xem trọng và tin tưởng vào giáo viên, chương trình tổng thể của họ chỉ là những nét cốt lõi, tập trung mô tả mục tiêu giáo dục quốc gia cũng như mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, từng môn học để mọi người nắm rõ đích đến, còn nội dung cụ thể là trách nhiệm của cấp giáo dục địa phương và nhà trường, cụ thể là chính các giáo viên.

 

Điều này vừa tránh được sự rập khuôn trong giáo dục và là cách tốt nhất phát huy hết tiềm năng, sự sáng tạo nơi mỗi giáo viên. Nhưng để làm được điều thứ hai thì cần làm điều thứ nhất trước hết: đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng.

 

Theo TTCT