Cuộc hành lễ buổi sáng – Truyện ngắn của Mạc Can

1153

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi là cái bàn quèn có ba chân bằng nhau, một chân cà thọt. Có tật có tài… bà tám nhiều chuyện. Hiện giờ tôi rất bận bịu như quý khách thấy, trên mặt tôi đầy những dĩa rau, chai nước tương, chén ớt. Và tôi đang liếc nhìn một ông khách, sáng nào ông ta cũng từ con hẻm nhỏ, đi tới cửa quán với vẻ nôn nóng. Hôm nay nhìn thấy tôi quá bận bịu vì khách ăn phở đông hơn mọi ngày cho nên ông ta lui ra, ngồi đâu cái bàn ngoài vách. Nhưng một lúc sau ông ta đi vào nhà, tới ngồi kế bên tôi. Giận dữ, lấy tay gạt mọi thứ trên bàn. Ông cúi mặt xuống đất im re một lúc khá lâu. Bỗng ông ta ngước mặt lên trần nhà la lớn “Ăn hết ngon” làm tôi giật thót. Còn các vị khách kia thì giật… mình.

Nhà văn Mạc Can

Tôi nghĩ quý khách nghe chuyện có thể khẽ cười… Tôi xin ngưng chuyện của tôi một chút. Để tường thuật về ông khách mặt rổ hoa. Ông nhếch mép phô ra vài cái răng trắng phau. Ông ta to con chắc vì vậy mà hao xăng, tốn nhiên liệu, xấu tánh đói. Bà nấu phở vội vã nói nhỏ với chồng: “Anh hỏi coi ổng ăn gì?” Ông rỗ hoa cằn nhằn: “Hỏi mẹ gì nữa, nấu vàng ăn cũng hết ngon!” Chồng của bà nấu phở đứng cạnh tôi. Không nhìn ông khách, cũng không thèm hỏi ông ta ăn gì. Ông khách hằn hộc quát lớn: “Tô khô như cũ. Nước lèo mỡ nổi, đầu gà để riêng.” Chồng của bà nấu phở quay đi. Khi trở lại trên tay ông ta có tô phở nóng, khô queo không có nước lèo. Ông dằn mạnh tô phở trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Ông mặt rỗ cay cú vừa nhìn tô phở vừa cằn nhằn vừa nghiến răng… vừa quạu quọ lặt đủ thứ rau. Rau quế, ngò gai… ông ta lườm lườm múc tương ớt, tương đen, bực bội bỏ giá sống vô tô. Ông cự nự bỏ ớt, lầm bầm nặn chanh vô tô phở xe lửa bự chảng. Ông hầm hừ thò đũa cuộn tròn một mớ phở giống người Tây ăn mì Ý, cho cuộn phở vô miệng hút một nhát sợi phở rút tuột vào miệng ông ta. Sau đó hai tay trân trọng bưng lên tô nước lèo, tái nạm, mỡ nổi, nước béo, húp một ngụm lớn, khuôn mặt ông ta biến chuyển kỳ lạ, từ lo lắng bây giờ giãn ra có vẻ khoái trá.

Nói về các loại bánh phở, phở áp chảo sốt vang thì có. Còn… phở khô thì tôi mới thấy cha nầy ăn một cách kỳ cục. Hắn la lên “hành chần củ cải”, miệng thì láng mở, mồ hôi nhỏ giọt trên trán. Trong lúc chờ, ông ta cau có nhìn quanh nói lớn: “Nhìn cái gì? Tui bị lên máu biết không, đói là hạ đường huyết, tay run vầy nè biết chưa. Sáng mà không kịp ăn có khi chầu trời. Tôi vô trước kêu trước cả tiếng đồng hồ ngồi chờ. Chờ ngóng cổ dài râu mà nó cứ bưng cho người khác. Ăn hết ngon.” Ông khách nầy dữ tánh lại phàm ăn hơn người. Phục vụ trong quán chỉ có hai người. Người đàn bà đứng nấu phở, có cái mông to, dữ tướng, đôi môi nhỏ, sơn môi màu tím kiểu phim Hàn Quốc lúc nào cũng mím chặt. Ông chồng cũng to con da màu nâu sẫm, chân mày xếch ngược lên cái trán thấp. Mắt lộ trắng dã râu mép trên đôi môi dày, chọc vào miệng, râu quay nón bao kín hàm ngã màu đỏ. Khuôn mặt gây sự, chân đi chấm phẩy. Bà vợ nói: “biết vậy anh bưng cho ổng trước đi… khổ quá!” Ông râu đỏ nghiến răng “tao thấy nó vô tao chết liền!” Ông Lý Quỳ râu đỏ, phụ vợ lấy cọng hành múc nước lèo trong cái thùng bốc khói cho vào tô. Ngộ ghê chưa, ông vừa làm vừa nghiến răng, vừa chửi thề, vừa nhón tay nhún cộng hàng trần vô nước nóng vừa cự nự vớt cộng hành lên, vừa lầm bầm chửi, vừa như muốn liệng mẹ cộng hành ra ngoài đường! “Mầy mà gặp tao mấy năm trước là rửa cẳng leo lên bàn thờ ngồi nghe con, mẹ mầy.. hành chần hành chần.” Ông ta thở mạnh, hé thấy hàm răng vàng khè vì thuốc lá, nổi lên từng thớ thịt trên cái hàm bạnh ra. Ông cà nhắc đi tới chỗ tôi, tay cầm chén hành chần với vài củ cải trắng. Dằn mạnh lên mặt tôi, trước mặt ông kia rồi rít nhỏ qua kẻ răng: “mầy biết cái tánh khốn nạn của tao mà. Tao giận là tao khùng, tao lên máu là tao chém, nghe chưa?” Ông chồng khập khiễng trở lại đứng bên vợ, chụp con dao phở, chặt mạnh vào cái thớt mòn. Bà vợ giật con dao lại, bà mím môi “Buôn bán gì mà như xã hội đen vậy, mất khách chết đói cả đám.”

Vậy là quý độc giả biết mình có hai ông bạn hiếm thấy, một ông đói thì giận. Một ông bưng tô “nhạy cảm” cũng giận hờn. Hai ông có bệnh giống nhau. Run tay là lên máu. Cũng thường… trong cái cỏi đời nhiêu khê nầy, những ông chồng dữ tướng, oai phong mà sống nhờ vợ thì… tốt nhịn, cho nên ông ta liệng con dao, đi ra khỏi quán, một tay cầm ly trà đá, một tay cầm cây quạt phe phẩy… cho mình nguội. Còn ông kia thì còn quạu ngồi nghiến răng. Điều lạ với người mới biết chuyện nầy là như vầy. Ăn phở khô húp nước lèo không xài muỗng thì sảng khoái thấy rõ. Nhưng lo? Khi nhìn cái đầu gà to tướng mà chính ông ta nhờ luộc, ông ta moi chút óc gà bò vô miệng, khổ sở nhắm mắt ngậm hai con mắt gà chết đục ngầu. Xong một việc lại ngần ngại việc khác là… cố hôn cái đầu gà nòi to tướng. Cắn cái mào cứng của nó trệu trạo nhai nhai cố gắng nuốt trọn. Ông dùng cái đầu gà một cách sợ hãi. Lại có phần trân trọng như cuộc hành lễ, ai cũng lấy làm lạ, thấy thương thương và tức cười. Chân ông khách để dưới bàn co lại đụng nhầm cái chân bàn cà thọt của tôi, đang để trên hai cái nút khoắn. Bàn chân lớn, các ngón chân cứ như muốn đẩy lui các nút khoắn. Nhưng hay thiệt, nó khéo léo tìm và ngón cái với ngón chân trỏ cập cái quay dép của ổng như sợ nó mất, mặt ông ta cúi xuống bàn, cái mỏ gà nòi ở giữa môi như tình nhân hôn nhau, mắt gà chết nhắm lại đê mê. Mắt gà đục ngầu. Lúc sống đỏ rực hung hăng trận mạc bây giờ lim dim qua nụ hôn sặc mùi hành chần.

Tôi chỉ là cái bàn cũ đứng khập khểnh ở cuối tường. Nơi cùng tận thế giới nầy còn có mỗi cái ghế khá cao, cũng sút tay gãy gọng suốt ngày đứng dựa tường cạnh tôi. Vì nó cao mà mấy bàn phở ngoài kia thấp. không ai chuộng vì người ngồi phải cúi xuống tô phở bất tiện nên nó bị thất sũng. Chỉ có ông mặt rỗ ngồi hóa ra mọi sự phải trong vòng trật tự, nếu không thì ra rìa. May cho tôi dù người thợ mộc nào đó dốt tính, sinh tôi ra thiếu thướt tất. Ba gà mổ là người khách ăn phở khô, ông ta ăn phở như đám giỗ nhỏ, chén dĩa đầy bàn. Vừa nhai vừa chấp tay rơm rớm nước mắt? Hàng ngày nếu tôi không quá bận bịu thì ông mặt tái luôn chọn cái góc khuất nầy để được ngồi riêng làm cái lễ với cái đầu gà. Việc gì dù kỳ dị cũng phải có nguyên nhân của nó.

Tôi làm việc không lương trong cái quán của vợ chồng Hai Thọt khá lâu, ngẫu nhiên hai đứa tôi, tức Hai Thọt và tôi cũng khập khểnh chân. Một hôm có cuộc cãi vã rồi ẩu đả giữa các tay đá gà độ chiêu đãi nhau, trong đó có Ba Gà Mổ. Ông Hai trượt chân xuống thềm nhà đầy mỡ, cả bọn cười ông. Bữa sau khủy chân và mắc cá chân ông Hai sưng lên làm cho ông nhức nhối không chiụ nổi. Bà Hai chở ông đi bệnh viện trị chấn thương chỉnh hình, bác sĩ nói” Ông bị nứt xương chảy tủy rồi, phải mổ thôi, cũng không chắc hết chảy tủy.” Một năm sau chân Hai Thọt vẫn chảy tủy? Phải cưa bàn chân. Ông Hai “nhạy cảm” đổ thừa tại đám đá gà chiêu đãi ở quán ông ta. Cám cảnh một hảo hán Lương Sơn Bạc về bưng phở cho vợ, nhăn nhó cau có, nhưng cố chìu khách như Ba Gà Mổ thì nhục, khách ăn phở kín đáo tủm tĩm cười nhìn Hai Thọt nghiến răng bưng tô nước lèo, chén hành trần cái đầu gà cho Ba Gà Mổ. Nói chuyện Hai Thọt thì con quỷ một giò nầy cũng là dân chơi có số má. Có lúc nào đó ông ta cũng thường trú trong khám Chí Hòa, ông ta cố gắng gỡ vài cuốn lịch, lận lưng cái giấy tạm tha về với vợ, nhưng sự “ nhạy cảm” bẩm sinh cũng có lúc nổi lên. Nhưng nhờ cái giấy tạm tha kiểu như Vòng Kim Cô trên đầu Tề Thiên, cho nên mỗi lần nổi cơn “nhạy cảm” là y ta nghiến răng lầm bầm uống từng ngụm trà đá. Ba Gà Mổ cũng là dân chơi cầu ba cẳng, có cố tật là nhếch mép khinh bạc làm lộ ra mấy cái răng trắng. Nhưng bây giờ trông ông ta không khác con gà chọi trúng thương, buồn hiu, khắc khoải. Ba gà có nghề nuôi gà nòi, nên đường hẻm gần nhà Ba trở thành sân đá gà. Hai Thọt và Ba Gà có quen nhau trong khám Chí Hòa, cũng không hạp nhau cho lắm, binh giáp rã rời sau nhiều trận bị truy lùng tận số. Giờ đây anh chị cho lắm cũng xụi râu về với đời thường. Ba Gà hợp đồng cung cấp gà nòi tử trận cho Hai Thọt nấu phở. Đổi lại trong hợp đồng miệng nầy có nói đầu gà bỏ trong thùng nước lèo giành riêng cho Ba Gà dùng “làm thuốc” buổi sáng? Ba Gà nuôi gà nòi, ngày nào cũng phạm giới không phải ở một trường gà. Cả đời sát sanh không biết bao nhiêu mạng gà, gà mãn hạn sống xuống âm phủ đầu thai chỉ thịt không có đầu thì Diêm Vương không đóng dấu thị thực xuất nhập cảnh. Người nào nuôi chó mèo thì cũng thương nó, ông Ba xót phận gà mỗi khi nhìn nó bị cựa sắt đâm vào cổ ngã quỵ, ông ta nhăn mặt, rồi giữa canh khuya chiêm bao giật thót người thấy hồn gà than thở báo oán. Ông Ba dị đoan tìm thầy coi bói, ông thầy ở sâu ở xa mà ông Ba nghe đồn thầy giỏi cũng tìm tới giải hạn.

Khó hiểu sao “thầy” vừa thấy cái tướng ông Ba đã biết ông ta nuôi gà. Chuyện chỉ có tôi biết, một hôm có tay nuôi gà đá địch thủ của Ba Gà vô tình ngôi ăn phở đúng ngay cái bàn là tôi. Anh ta nói ông “thầy” coi bói cho Ba Gà chẳng ai xa lạ. Cũng là độc cô cầu bại trên chốn giang hồ. Ông ta có biết Hai Thọt với Ba Gà trong khám lớn. Hai Thọt biết nhưng y thâm không nói. Lại còn biết chuyện Ba Gà tin dị đoan nên trác ông ta, phao tin mình biết thầy bói giỏi. Lúc Ba Gà gặp “thầy” . Thầy phán xanh rờn: “do có tội sát sanh gà, ông phải chịu hình phạt, thầy chỉ cho cách nầy may ra thanh thản tránh hốc hác vì ác mộng mất ngủ. Nhớ mỗi sáng phải gặm đầu gà, ăn óc, nút mỏ ít nhất là ba bốn cái. Làm vậy may ra mới hết oan gia nghiệp báo. Nếu cự cải thì thế nào cũng ngáp gió, sáng sáng gáy như con gà coi như khùng. Và sẽ bị câu lưu vào khám Chí Hòa đền tội…” Cho nên mỗi sáng khi tôi kể phần trên ông ta nôn nao đi tới quán phở Hai Thọt. Cố trợn trắng gặm mút ba bốn cái đầu gà chọi. Ông Trời có mắt biến tấu sự trừng phạt ngộ nghỉnh. Ba Gà nóng tánh đần độn ngu si. Ông ta tin cái chuyện húp nước lèo, gặm đầu gà sẽ cứu ông ta khỏi vô nhà đá. Ông ta hậm hực, cằn nhằn, lo lắng làm một cuộc hành lễ buổi sáng kỳ cục không ai có. Nhưng trong cơn ác mộng đêm khuya chính ông ta giật mình đứng lên như người mộng du, đập cánh cất tiếng gáy “ò ó o… đời chỉ có thế mà thôi!”