Đi chùa, viếng mộ đầu năm – Nét đẹp tâm linh của người dân Cố Đô

208

Xuân Trường-Trương Huyền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyền thống đi chùa lễ Phật, cầu nguyện trong ngày đầu xuân là một nét đẹp tâm linh trong đời sống của người Việt Nam từ bao đời. Lễ Phật đầu xuân, ta như cảm nhận một thế giới bình yên từ vật thể bên ngoài đến ý thức bên trong. Ở Cố Đô Huế, người đến thăm nhà đầu tiên trong năm mới, không gọi là “xông đất” mà gọi là “đạp đất”. Người ta tin rằng tính cách, vận hạn của người đạp đất thế nào thì nhà mình suốt năm cũng ảnh hưởng theo như vậy.

Bởi vậy ở Huế sáng ngày mồng một đầu năm, ít ai đến thăm nhà nhau, bởi lẽ người ta ngại rằng mình là người “đạp đất” đầu năm nếu lỡ không may gặp chuyện xui xẻo thì gia chủ sẽ bứt rứt lo lắng không yên. Vì vậy, thay vào đó người Huế dành ra ngày mồng một để đi chùa lễ Phật, cầu nguyện một năm an bình, ăn nên làm ra. Sau đó là thăm viếng phần mộ tổ tiên, ông bà, nhà thờ họ tộc, thắp một nén nhang.

Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Truyền thuyết kể rằng, thời các Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, khi đến định đô tại Thuận Hoá, để thực hiện giấc mộng lập quốc an dân theo lời tiên tri của Bà Trời (Linh Mụ). Những đêm khuya tối trời, người dân thường trông thấy một con Rồng to xuất hiện trên không trung, làm mưa làm gió, quấy nhiễu triều cương. Các Chúa bèn tìm người tinh thông địa lý đến khảo sát, mới hay, ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con Rồng với nhiều long mạch khắc chế với Ðế quyền, cần phải có cao nhơn trấn thủ điều phục điềm xấu. Từ đó, các Chúa cho phép các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào những huyệt địa để thuần phục Rồng Thiêng, buộc chầu Thiên Ðế, quả nhiên Rồng Thiêng không còn quậy phá nữa. Do vậy mà vùng đồi núi nầy  có tên là Bình An Sơn.  Trên dảy Bình An Sơn nầy có hàng chục ngôi chùa toạ lạc ở những vị thế tôn nghiêm, ra đời gắn với truyền thuyết và dường như những lần cắm Tích trượng của chư vị Tổ Sư đã điểm trúng huyệt mạch của Rồng Thiêng.

Thời nào cũng vậy, người đi lễ đình, lễ chùa, trước hết là để bày tỏ lòng biết ơn Tổ tiên, biết ơn những người có công với dân, với nước, biết ơn các vị Thánh đã phù hộ, độ trì cho cháu con có cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Nhiều ngi lễ trang trọng, thành kính được thực hiện nơi đình chùa,am miếu vừa để tạ ơn, vừa để khấn cầu trời đất, Thần, Phật giúp cho con người giải toả và thăng hoa tâm linh. Người đi lễ để cầu phúc, cầu tài, cầu điều tốt lành cho gia đình, cho bản thân, cho quê hương, đất nươc.

Điều này có nghĩa thế giới bên ngoài diễn ra trong cuộc đời chúng ta, chính là sự phản chiếu hình ảnh từ thế giới bên trong chúng ta. Hình ảnh đó tạo nên bởi suy nghĩ, tư duy và tâm thức. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc này, chúng ta có thể thấu hiểu giá trị tuyệt vời trong các nghi thức cầu nguyện nói chung và cầu an nói riêng trong sinh hoạt những ngày đầu năm của Phật giáo, cũng như phổ biến trong tập tục, sinh hoạt đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư, thể hiện khát vọng tốt đẹp của mỗi con người. Đó không chỉ là môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn từ bi, trí huệ, tâm thiết tha hướng đến tha nhân, cùng nhau thiết lập nên thế giới hòa bình, an lạc, dồi dào và phát triển mà còn là sự thực hành đầy hiểu biết và trí tuệ của con người.

Truyền thống đi chùa lễ Phật, cầu nguyện trong ngày đầu xuân là một nét đẹp tâm linh trong đời sống của người Việt Nam từ bao đời. Lễ Phật đầu xuân, ta như cảm nhận một thế giới bình yên từ vật thể bên ngoài đến ý thức bên trong. Lời nguyện cầu an lành thanh thoát, nụ cười an lạc qua hình ảnh của Đức Phật Di Lặc, một cành mai nhỏ nhắn, đơn sơ thắm tình của ngài Mãn Giác: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai”… Tất cả như cho ta một cảm giác an lạc của tâm hồn. Một niềm ao ước khát vọng của dân tộc ta đó là sự hạnh phúc và an vui. Và có lẽ Phật giáo là tôn giáo sớm nhất hòa nhập vào sự khát vọng mang tính nhân bản này.

Đi viếng mộ những người thân đã khuất và lễ chùa đầu năm là một nét đẹp truyền thống của người dân Huế mỗi năm Tết đến xuân về. Từ sáng sớm mồng 1, người dân đã đổ về nghĩa trang, chùa chiền rất đông để dâng hương, hái lộc đầu năm.

Khắp các tuyến đường như Ngự Bình, Minh Mạng, Lê Ngô Cát, Thiên Thai, Tam Thai, Võ Văn Kiệt, Hương An, Hương Hồ hay một số xã phường lân cận TP Huế của thị xã Hương Trà, Hương Thủy…, dòng người di chuyển xe cộ tấp nập. Cứ theo thường lệ, sau khi thắp hương lên mộ phần của những người thân đã khuất, dòng người lại kéo nhau về các ngôi chùa để cầu bình an, hái lộc đầu năm.

“Bước ra khỏi nhà ngày mồng 1 đầu năm, gia đình tui (tôi) đều tìm về mộ phần của ông bà tổ tiên để thắp hương. Ngay sau đó, cả nhà tìm đến ngôi chùa quen thuộc để thắp hương lên đức Phật cầu mọi sự bình an, may mắn, hạnh phúc cho cả nhà”, chị Nguyễn Thị Thùy Linh (TP. Huế) chia sẻ.

Từ lâu, hình ảnh đến chùa lễ Phật hái lộc đầu năm đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù chỉ mang được một chút lộc nhỏ của chùa trong ngày đầu năm về nhà thì đây vẫn được xem là điều an lành của gia quyến, “một miếng nhà chùa hơn cả vùa dưới bếp”. Những quan niệm, những hình thức trên là cả một quá trình chuyển đổi của tâm thức để vươn tới niềm tin cho chính con người. Con người tin họ sẽ trở thành người tốt, tin họ có thể trút bỏ những gì bất chánh… Niềm tin đó được thông qua hình ảnh thanh thoát mà nhà chùa đã đem lại cho họ qua lời cầu nguyện của ngày đầu xuân.

Ngày Tết, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện chân thành, cùng với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cõi Phật để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm. Chùa ở Huế cũng mang những nét kiến trúc rất đẹp, giao thoa giữa kiến trúc cung đình với kiến trúc dân gian, hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với chốn tôn nghiêm tu hành nên lên chùa còn được vãn cảnh, tìm lại cảm giác yên bình, thanh tịnh. Chính vì vậy có thể nói đi chùa lễ Phật đầu năm của người Huế, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét văn hóa tươi đẹp của người dân Cố đô Huế.

X.T-T.H