Đi tìm một ánh mắt – Truyện ngắn của Hoa Mai

466

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng nay Hạnh đi chợ mua thịt heo và trứng về làm món thịt kho hột vịt. Hôm qua, Hạnh đã muối hũ dưa cải chua, chiều nay vừa chín tới. Từ hồi vào Sài Gòn, cô học được mấy món khoái khẩu của phương nam. Trong đó có món thịt kho hột vịt. Cách nấu cũng tương tự như thịt kho tàu ngoài bắc, nhưng trong này cho thêm nước dừa và trứng vịt luộc. Món này ăn với dưa cải chua. Thằng cu An thích lắm.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Đã bảy giờ tối, bé Yên đang học bài. Cu An ngồi xem hoạt hình. Nhà Hạnh có cái Tivi màu 24 inch mua của một thủy thủ tàu Viễn dương. Hạnh xới một dĩa cơm nóng hổi, múc vào cái chén nhỏ một quả trứng và mấy miếng thịt kho cùng ít nước vàng sánh màu cánh gián, dằm thêm quả ớt. Bên cạnh là cái dĩa nhỏ đựng dưa muối chua vừa chín tới. Hạnh sắp cơm cùng chén đũa vào cái khay inox vẫn thường dùng đựng ly chén trà. Bê khay cơm, Hạnh ngập ngừng đi xuống cầu thang. Lòng ngại ngần lẫn lo lo: Lỡ may anh ấy từ chối thì xấu hổ chết.

Dưới trệt, đang là giờ cao điểm. Ba cái bàn bi da đều kín khách. Hai hàng ghế dọc bờ tường khách chờ khá đông. Có bàn còn xúm xít cá độ bàn tán ồn ào. Hạnh cười lỏn lẻn, tay đưa khay cơm, miệng nói: Anh Ba ăn cơm với mẹ con em, kẻo đói. Mắt người đàn ông tên anh Ba thoáng ngỡ ngàng nhưng Hạnh vẫn nhận ra một tia ấm áp lóe lên rất nhanh. Anh bất giác đỡ lấy khay cơm từ tay cô với ánh mắt khó tả. Hạnh thấy anh chịu nhận cơm, cô mừng quá, chạy vội lên lầu. Tự nhiên ngực cô dâng lên những cảm giác ấm áp vui vẻ.

Đã mấy tuần nay, chiều đi làm về, sau khi nấu nướng giặt giũ, cho con ăn. Hạnh để ý mà không thấy anh ấy ăn gì cả. Ở phố nhà Hạnh, buổi trưa có mấy quán cơm bình dân. Nhưng buổi chiều thì không có ai bán. Hạnh băn khoăn không hiểu anh ăn tối bằng gì. Tính Hạnh thế, hay lo bao đồng cho người khác.

Hạnh từ Hải Phòng vào đây đã hơn ba năm, từ khi bé An ba tuổi. Giờ, con gái Hạnh đã vào lớp một. Hồi đầu nhà Hạnh ở trong một con hẻm đông đúc thông sang đường Trần Hưng Đạo. Nhà xinh xắn nhưng hẻm ồn ào phức tạp. Nhất là các nhà hàng xóm hát karaoke làm Hạnh phát điên lên vì không khi nào được thật sự nghỉ ngơi. Một anh bạn bảo: Anh đi nước ngoài nhiều, cứ có căn nhà mặt tiền là yên tâm em ạ. Khi nào nhà cũng nuôi sống mình. Rồi một dịp tình cờ Hạnh đã mua được căn nhà mặt tiền này với giá khá rẻ. Phố nhà Hạnh là phố giang hồ bình dân. Tối lại, các băng nhóm giang hồ chia phe rượt nhau, mã tấu sáng loáng. Hồi ở Hải Phòng, Hạnh từng mua nhà trong ngõ Đằng Giang, còn phức tạp hơn. Nhưng ít tiền thì không có lựa chọn nào khác. Hạnh cũng nhận thấy một điều là mình không đụng chạm đến họ thì cũng không sao cả. Ngày Hạnh mua ngôi nhà này, vừa bán ngôi nhà cũ, vừa bán cái xe máy, cũng chỉ trả được một nửa. Bác chủ nhà là một trưởng công an phường về hưu. Nhà là bác được cấp, bác cười bảo, thời gian bác chấp pháp, ân oán giang hồ nhiều lắm, nên giờ nghỉ hưu, đến chỗ khác ở. Hạnh nghe vậy biết vậy nhưng không hiểu rõ ý ân oán giang hồ là gì. Chỉ lo cuống cuồng đi vay tiền để trao cho bác. Dù mới vào cơ quan mới. Nhưng Hạnh được nhiều người quý. Có cô bạn cho Hạnh mượn cả mấy cây vàng, không cần giấy tờ giao kèo gì. Bác chủ nhà nhìn cái mặt lơ ngơ thật thà của Hạnh, cứ nói thương, còn đòi nhận làm con nuôi. Nhưng Hạnh cười hiền khô thật thà bảo: Con đang còn cha mẹ. Vàng Hạnh mượn được, bác không kèo nài tuổi vàng gì cả. Vì bác biết Hạnh khổ sở đi vay mượn. Bác còn bớt cho Hạnh bốn chỉ và cho luôn ba cái bàn bida đang kinh doanh đông khách.

Đất nước thời kỳ mở cửa. Các cơ quan nhà nước rục rịch cổ phần hóa. Nhiều cơ quan quen chế độ bao cấp, coi nhà nước như bò sữa, không linh hoạt trong thời kỳ đổi mới. Tình trạng đến kỳ không có lương là bình thường, dù đồng lương èo uột. Giờ Hạnh mới hoảng vì số nợ mua nhà. Cô quyết định xin nghỉ không lương một thời gian để kiếm tiền qua thời gian khó khăn. Hạnh học cách kinh doanh ba cái bàn bida. Cô còn bán thêm đủ thứ hàng ăn vặt  trong cái tủ kem, thuốc lá, nước ngọt. Nhưng Hạnh nhất định không bán bia, dù khách yêu cầu. Vì mẹ con Hạnh ở một mình, nên Hạnh sợ. Khách hàng của Hạnh ban ngày chủ yếu bọn trẻ ở xóm mé sông, chúng chẳng học hành gì, suốt ngày đu vào mấy cái bàn bida. Nhiều lúc chơi xong, không có tiền, chúng ù té. Hạnh cũng không buồn đuổi.

Vừa trông ba bàn bida, vừa buôn bán lặt vặt, vừa làm kem, sữa chua, sinh tố, vừa chăm nom đưa đón hai con nhỏ. Mỗi ngày Hạnh chỉ được ngủ chừng vài ba tiếng. Bù lại, có ngày Hạnh kiếm được bằng cả tháng lương. Hạnh lại nhớ lời mẹ bảo có khi buôn bán vốn ăn mày, lãi quan viên. Lần đầu làm việc ấy, Hạnh thấy đúng ghê. Nhưng chỉ mấy tháng. Hạnh gầy rộc, hốc hác. Bờ vai vốn đã gầy, giờ càng mỏng manh. Hạnh chả còn thời gian mà nhìn vào gương bao giờ. Cũng chả nhớ biệt danh “Maria” mà cánh đàn ông đặt cho Hạnh hồi còn làm du lịch ở Hải Phòng. Những bộ đồng phục xinh xắn như tiếp viên hàng không cũng nằm im trong tủ như vật kỷ niệm.

Một lần, chị bạn từ Hải phòng vào thăm. Chị nhìn Hạnh rơm rớm nước mắt rồi quát Hạnh: Mày không thể sống như thế này được. Cho thuê nhà ngay, và đi theo chị. Hạnh riu ríu nghe chị. Hồi Hải Phòng, chị đã từng mua nguyên một căn nhà cho Hạnh ở gần chị khi thấy mẹ con Hạnh khổ sở trong túp lều ở ngõ Đằng Giang. Hạnh cho thuê lại ba bàn bida và theo chị đi làm “hàng Liên Xô”.

Thập niên chín mươi, cả nước sôi sục phong trào gửi hàng sang Liên Xô. Cái gì buôn cũng thắng. Đông Âu xã hội chủ nghĩa vừa sụp đổ. Khủng hoảng kinh tế. Hàng may mặc và nhu yếu phẩm đắt như tôm tươi. Hạnh cầm nhà ngân hàng vay tiền cho chị mua hàng đóng container gửi sang. Chồng chị đón hàng bên đó. Hạnh ngại nên không dám xin góp vốn. Mà cũng có tiền đâu mà góp. Từ một công chức cạo giấy, Hạnh học việc rất nhanh. Hạnh làm dịch vụ cho người ta từ khâu mua hàng, kiểm tra, đóng gói, thuê container, tìm hãng tàu và làm thủ tục Hải quan. Chỉ mấy tháng làm dịch vụ, Hạnh đã trả hết nợ tiền nhà. Giờ mẹ con Hạnh đã ung dung hơn nhiều, không còn ám ảnh nỗi lo nợ nần nữa.

Người thuê tầng trệt của nhà nàng là một thiếu phụ đã ngoài bốn mươi. Chị đẹp, trắng trẻo, tướng nhàn nhã. Chị có những năm đứa con lận. Chồng chị thỉnh thoảng mới đến. Anh cũng tướng người tròn trịa phúc hậu, đeo kính cận dày cộp. Các con anh chị trắng trẻo mũm mĩm kiểu bơ sữa, và rất lễ phép. Mỗi khi thấy Hạnh đều vòng tay chào: Con thưa cô! Chả bù cho hai đứa con Hạnh, ốm nhách và nhát cáy, đi đâu cũng nép sau lưng mẹ.

Những lúc rỗi rãi, hai chị em hay trò chuyện. Chị kể anh cũng bị đi cải tạo mấy năm sau giải phóng vì đã làm trong sở Mỹ. Giờ anh đi dạy Anh văn ở các trung tâm và dạy kèm Anh văn cho người sắp xuất cảnh. Chị hồn nhiên kể: Khi anh còn làm sở Mỹ, chị không phải làm gì, nhà có người giúp việc. Một mình anh làm sao nuôi sống cả nhà hả chị? Hạnh hỏi. Chị thật thà: Lương của anh đủ nuôi cả nhà em ạ, chị chỉ việc ăn và đẻ thôi, con sanh ra đã có bà dzú. Hạnh mắt tròn mắt dẹt nhớ thời ở quê. Vừa chiến tranh bom đạn khổ sở. Vậy mà cái gì cũng dành cho tiền tuyến, dành cho đồng bào miền Nam. Đàn ông con trai ra trận, đi giải phóng miền Nam hết. Miền Bắc thành hậu phương mà ngập tràn khói lửa. Làng quê còn toàn phụ nữ, người già, trẻ em. Thèm cơm, thèm áo nhưng đinh ninh miền Nam chỉ phồn hoa giả tạo. Nên miền Bắc phải hi sinh. Ai ngờ họ sướng thế. Nghĩ mà thương bao phụ nữ quê Hạnh góa bụa đằng đẵng, gánh gồng vẫn sắt son hát vang bài “Đường cày đảm đang”.

Chị bảo với Hạnh: Anh đi học tập năm năm, chị vừa nuôi con, vừa thăm nuôi anh. Đầu tiên là bán đồ đạc, sau đó bán nhà. Giờ anh về, cả nhà đi ở thuê. Anh giỏi ngoại ngữ nên đi dạy kèm và dạy ở trung tâm ngoại ngữ cũng đủ sống. Chị mướn chỗ này làm thêm thắt cho vui. Chờ ngày xong giấy tờ xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO. Anh đi vắng, chị bán hết nhà cửa đồ đạc mà anh không giận hả chị? Hạnh ngốc nghếch hỏi. Chị cười xòa: Anh biết ơn chị còn không hết, chị thay anh nuôi mấy đứa con còn gì. Nhiều người đi học tập về mất vợ. Có người chồng đi cải tạo, vợ còn cặp bồ, làm đĩ đó em.

Hạnh lại nhớ chuyện cánh thủy thủ ngoài Bắc vào Nam, ai cũng sa ngã bồ bịch. Họ công khai như một chiến tích, như một hành động nhân đạo vì sự cô đơn của phụ nữ sau giải phóng: chồng chết, chồng vượt biên, chồng cải tạo, chồng đi tù. Hạnh lại miên man thương xót cho bao phụ nữ miền Bắc vò võ cắn chặt răng chờ chồng chờ con. Hóa ra phụ nữ trong này có một tầng lớp sống sung sướng dễ dãi thật. Chị thuê nhà Hạnh nhưng chỉ trông ba bàn bida, không làm các món sinh tố, sữa chua, kem chuối trái cây bán thêm như Hạnh. Cái tủ kem chỉ nhập kem que về bán. Nhưng chỉ được một thời gian thì chị cũng không trụ nổi. Vì bàn bida phục vụ từ bảy giờ sáng đến mười một mười hai giờ đêm. Dạo này, thấy chỉ đàn bà trông nên một số thanh niên vằn vện vào chơi còn đem bồ đà vào hút, phả khói mù mịt.

Một hôm, chị dẫn một anh đến bảo là anh họ, đến trông bida thay cho chị. Chị nói nhỏ với tôi: Hoàn cảnh anh khổ lắm đó em. Anh là sĩ quan, phải đi cải tạo mười năm. Vợ ảnh ở nhà không chịu cực được đã bế con vượt biên, và không may lật tàu chết ngoài biển. Anh về giờ tay trắng, không nơi nương tựa, cũng đang làm thủ tục đi theo diện HO. Hạnh nghĩ thầm: Mình cộng sản đỏ từ đầu đến chân. Giờ giao tiếp rặt người “phía bên kia”. Nhớ lại thời còn mài đũng quần trên giảng đường, đọc vanh vách “dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”, Hạnh đâu thể tưởng tượng ra người của phía đã từng làm gia đình mình, làng xóm quê hương mình khổ sở chia cắt hi sinh, hóa ra họ cũng là những con người bình thường, mà thế sự đưa đẩy thành những số phận.

Chị cũng không nói anh tên gì, hay nói mà Hạnh không để ý. Nghe chị gọi anh ba, Hạnh cũng cứ thế gọi anh Ba. Hạnh choáng. vì anh Ba đẹp trai lắm. Một vẻ đẹp nho nhã, lịch lãm đúng gu thẩm mỹ của Hạnh. Anh dáng cao, thẳng, nước da trắng, mái tóc xoăn bồng bềnh vẻ nghệ sỹ. Mũi cao, thanh tú và đặc biệt đôi mắt hun hút lặng lẽ, trông rất hiền nhưng thần thái trầm tư vương vất ánh vô vọng u ám. Anh ít nói. Sáng đến sớm, nửa đêm mới về. Cuối nhà, anh để một cái ghế xếp bằng dây ni long, và một ca nhựa đựng trà đá. Từ hồi có anh, phòng chơi bida trật tự hẳn lên. Hạnh cũng không biết chị ấy trả công xá cho anh như nào. Nhưng thấy anh ít nói nên Hạnh cũng không dám bắt chuyện. Thỉnh thoảng đi lên xuống gặp nhau. Chạm vào ánh mắt u uẩn trầm tư của anh, Hạnh lại chạnh lòng xao xuyến mơ hồ.

Sau bữa đưa cơm mời anh, anh chịu ăn. Tự nhiên Hạnh thấy vui vui. Từ đó, đến bữa mẹ con ăn cơm, Hạnh lại bới cơm đưa xuống mời anh. Hạnh vốn giỏi bếp núc và thấy món gì anh cũng ăn ngon lành nên thích lắm. Hạnh vẫn lễ phép một hai điều anh Ba, vì anh phải hơn Hạnh mười mấy tuổi. Anh và Hạnh ít khi trò chuyện. Thi thoảng anh vẫn lên nhà sửa cho mẹ con Hạnh chỗ mái dột, hay cái vòi nước, bóng đèn. Vì căn nhà của Hạnh xưa lắm rồi, sàn gỗ nhiều chỗ đi lại phập phềnh, cọt kẹt. Nhưng Hạnh cũng không thổ lộ tâm sự gì với anh. Hạnh thấy anh lặng lẽ nên vẫn giữ khoảng cách. Dù gì, Hạnh cũng là Đảng viên, không thể có mối quan hệ thân thiết quá với một người từng là phía bên kia được. Việc Hạnh sẻ cơm cho anh là do bản tính Hạnh. Hạnh không thể đành lòng khi mình ăn mà có người nhịn. Như mẹ Hạnh vậy, nhà con cái phải ăn cơm chia, nhưng nếu có người hành khất tới nhà, mẹ Hạnh luôn xới cả bát cơm đầy, gắp thức ăn cẩn thận cho người ta. Nhưng mỗi khi chạm ánh mắt hun hút của anh. Lòng Hạnh lại run rẩy mơ hồ. Từ sâu thẳm, hơi ấm một bờ vai lại ám ảnh. Những đêm ôm chặt con, tự bảo chỉ có con, hai con mới là mục đích sống của Hạnh. Anh là người bên kia, không thể dành cho mình. Đừng ảo tưởng Hạnh ơi. Những giấc mơ lại về trong giấc ngủ cô đơn của Hạnh. Dù sao Hạnh vẫn còn thanh xuân. Hạnh mới ngoài ba mươi. Sinh lực vẫn tràn trề, khát khao đốt cháy cả giấc mơ ngọt ngào. Mỗi khi tỉnh giấc, thấy như mình đang cười mà mi lại vương giọt nước mắt. Đã mấy năm, kể từ khi chồng Hạnh mất trong một vụ chìm tàu. Hạnh cắn chặt răng che chở cho hai đứa con thơ dại. Thân hình mảnh dẻ của Hạnh phải gồng lên như một con gà mái mẹ. Hạnh đã nghĩ phải quên mình đi để cho đời con. Thời Hạnh còn sống với chồng, dù chồng Hạnh hơn Hạnh vài tuổi nhưng không chịu trưởng thành. Nhưng những ngày tháng tạm gọi hạnh phúc đã qua thật mau. Bây giờ, ánh mắt sâu thẳm cam chịu, cử chỉ ân cần của người đàn ông xa lạ, chung nhà lại làm Hạnh xao xuyến khó tả.

Rồi một ngày, chị thuê nhà báo cắt hợp đồng vì vợ chồng chị đã xong thủ tục phỏng vấn, chờ ngày lên máy bay sang Mỹ. Hạnh chúc mừng và chia tay anh chị. Nhưng lòng hụt hẫng đến khó hiểu. Anh Ba chưa xong thủ tục nhưng cũng lặng lẽ rời đi. Chỉ cầm tay Hạnh bóp nhẹ và nói: Anh sẽ về tìm em. Ánh mắt thăm thẳm của anh như muốn nói bao lời trong thầm lặng làm Hạnh muốn khóc òa.

Anh đi rồi, Hạnh bán luôn ba bàn bida, cho thuê nhà và quay trở lại cơ quan làm việc. Sau đó, Hạnh chuyển ngành sang một ngành mà kiếm tiền khá dễ dàng. Hạnh mua nhà chuyển về quận khác, vì khu nhà Hạnh giải tỏa để cải tạo lại kênh Bến Nghé. Bao năm đã qua đi. Ánh mắt ám ảnh ngày nào của người đàn ông lặng lẽ vẫn không buông tha Hạnh. Lời nói: Anh sẽ về tìm em làm Hạnh ngốc nghếch âm thầm đợi.

*

Mười lăm năm sau. Trong một lần, như thường lệ của chút thời gian nghỉ trưa, anh vào facebook, gõ tên Hạnh. Lần này, sau khi vuốt xuống cuối dãy, anh bắt gặp cái nick Hạnh Dương. Cái tên ngay lập chạm vào miền ký ức xa lắc của anh đánh thức những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt. Nhấp chuột phóng to avatar. Anh sững người. Tim đập mạnh, tay anh lóng ngóng. Đúng là nàng. Người thiếu phụ có đôi mắt ám ảnh anh suốt mười lăm năm nay. Anh đã từng trở về nơi cũ tìm nàng mà không thấy. Và giờ đây, nàng ngay trước mặt anh, còn nở một nụ cười tươi tắn rạng rỡ. Trái tim anh tự nhiên hồi hộp như chàng trai mới lớn. Bỗng nhiên, mọi thứ bỗng rộn ràng náo nức trở về bên anh.

Ngày ấy, sau khóa học tập cải tạo của chính phủ mới trở về, anh  trắng tay. Vợ đem theo con trai vượt biên không để lại một dòng tin tức. Nhà đã bị ban quân quản tịch thu. Cánh cửa mở ra tương lai như đóng sập lại trước mắt anh. Anh đã ngoài bốn mươi, không đủ tinh thần và điều kiện để hội nhập vào xã hội mới. Đã mấy năm anh tá túc nhà họ hàng. Nhưng những năm sau giải phóng, đời sống khó khăn. Họ hàng bạn bè anh phần lớn hoàn cảnh như anh. Người anh họ của anh cũng đang chờ thủ tục xuất cảnh diện HO. Có thuê một phòng chơi bida ở quận Một. Nhưng vợ ảnh một mình không trông coi nổi, ý muốn nhờ anh trông dùm. Anh thì đang rảnh rỗi, vậy là đi. Và người chủ nhà có quán cho thuê ấy chính là nàng. Hạnh Dương, cái tên không dễ gì quên được. Khi ấy nàng chỉ trạc ba mươi, có hai con nhỏ. Không thấy chồng nàng đâu nhưng anh cũng không dám hỏi bao giờ. Hạnh Dương dáng người nhỏ nhắn cân đối, ăn mặc giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ trang đài rất lạ. Khuôn mặt trái xoan bầu bĩnh, sống mũi cao thanh tú và nụ cười hiền làm sáng bừng khuôn mặt với hàm răng đều tăm tắp. Nhưng đôi mắt sáng, to mênh mông của nàng lại vương đầy sắc u uẩn cam chịu. Anh thấy nàng lặng lẽ đi về và chỉ khẽ gật đầu chào khi hai người tình cờ ánh mắt va nhau. Có thể ai đó đã nói cho nàng biết về anh, một sỹ quan tâm lý của chính quyền cũ vừa đi cải tạo về nên nàng có phần e dè trong giao tiếp. Và anh cũng không dám đến gần nàng hơn dù trong lòng anh, có gì đó rất mới, đang len lén xâm chiếm. Giống như là nhớ nhung, giống như là mơ ước. Anh vội vàng dò hỏi về nàng, biết chồng nàng là thủy thủ và đã mất ấy, thú thật, đầu anh thoáng nghĩ đến hình ảnh một gia đình. Thế nhưng, sau những lần ăn bát cơm nàng mời, tự nhiên cám cảnh về thân phận mình, về sự khác biệt trong hoàn cảnh, khiến anh không dám đến gần nàng hơn. Anh không đủ can đảm để mở lời đề nghị nàng nấu cơm để anh ăn cùng mẹ con nàng. Cũng không đủ can đảm để từ chối suất ăn nàng dành cho anh. Hai người chung một mái nhà, chỉ cách nhau hơn chục bậc cầu thang thôi. Nhưng khoảng cách đó vời vợi nghìn trùng.

Ngày anh rời khỏi căn nhà nàng là ngày buồn nhất trong cuộc đời. Hẫng hụt còn hơn cả lần anh trở về mà không gặp vợ con. Những ngày êm đềm lặng lẽ của hai người đã chấm dứt. Anh lại thấy ân hận vì sự hèn nhát của mình. Ánh mắt nàng nhìn anh khi từ biệt đã ám ảnh anh cả một đời.

Hôm ấy, anh chỉ đủ can đảm cầm tay nàng. Lần đầu tiên cầm tay nàng. Bàn tay nhỏ nhắn mềm mại nhưng lúc đó lạnh ngắt run rẩy. Anh nhớ ai đó từng nói: Người phụ nữ có bàn tay lạnh, sẽ có trái tim ấm áp, nồng nàn. Anh đã thì thầm với em mà như tự hứa với chính mình: “Anh sẽ về tìm em”

Kể từ ngày biết chơi facebook, anh đã hằng trăm lần gõ tên Hạnh lên để tìm kiếm và lần lượt ngắm nghía từng khuôn mặt. Nhưng vẫn không thấy nàng. Có lẽ nàng ở đâu đó với cái tên khác để anh không tìm được. Hay là nàng đã có hạnh phúc mới chăng?

Giờ đây, nàng đang nhìn anh. Vẫn bằng ánh mắt vời vợi của ngày chia ly năm nào. Trang nàng như cánh cửa không khép, chờ đợi ai đó trở về. Những bài thơ của nàng buồn u uẩn làm tim anh nhói lên se sắt. Anh gửi lời đề nghị kết bạn nhưng không có hồi âm. Đêm đó, anh inbox cho nàng:

– Hạnh phải không em?

– Dạ phải, em là Hạnh? Anh là ai?

– Anh Ba coi tiệm bida đây!

Hạnh im lặng. Lâu lắm, anh mới dám hỏi tiếp:

– Em giận anh phải không?

– Không ạ. Em có quyền gì mà giận anh!

– Vậy sao em không nói chi?

– Vì em quên chuyện ngày xưa rồi!

– Còn anh thì không thể quên em. Không thể quên những ngày tháng chúng mình lầm lũi sống bên nhau. Thân phận khiến anh không thể mở lời. Mười năm đầu tiên nơi đất khách quê người là mười năm vô cùng gian nan với anh. Chính nỗi nhớ về em đã cho anh động lực để vượt qua và làm lại đời mình. Ngay khi được phép hồi hương. Anh đã mua vé bay về tìm em. Phố xưa đã thay đổi. Nhà xưa đã đổi qua nhiều chủ. Hỏi thăm tin em chỉ biết mơ hồ mẹ con em đã chuyển đi chỗ khác. Không còn cách nào nữa, đêm đêm anh vào cõi ảo tìm em. Và em có biết không? Trời đất run rủi, đã cho anh gặp lại em hôm nay sau tròn mười lăm năm xa cách.

Cảm giác hờn giận trôi đâu mất, thay vào đó là nỗi xa xót cảm thương. Hạnh kể cho anh nghe cô đã tạo dựng sự nghiệp vững vàng cho ba mẹ con như thế nào. Hai con cô đã trưởng thành. Bé Yên đã tốt nghiệp một trường đại học danh giá và đã đi làm. Còn bé An đang du học bên Canada. Hạnh bảo em vẫn độc thân vì ngốc nghếch tin vào một lời hẹn. Anh nói, anh cũng độc thân vì mải mê tìm một ánh mắt.

Hạnh tin những điều anh nói. Cô tin ánh mắt hun hút câm lặng ngày nào đã trở về bên cô, đã lên tiếng cởi mở, thực hiện lời hứa thì thầm ngày nào. Ánh mắt không còn giới tuyến, chỉ còn hạnh phúc đang tới rất gần. Hạnh nhìn ra cửa sổ. Bình minh đã lên tự lúc nào. Bầu trời thăm thẳm màu ngọc bích. Mấy giọt sương động đậy trên bông hoa Lài trắng tinh như vừa bị mùi hương đánh thức.

Mùi hương tinh khiết tràn ngập căn nhà!

H.M