Điếu văn nhà văn Triệu Xuân của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

696

Như tin đã đưa, nhà văn Triệu Xuân – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vì bệnh nặng đã từ trần tại TP HCM vào lúc 12h30 ngày 26/10/2021, nhằm 21/9 năm Tân Sửu, hưởng thọ 70 tuổi. Lễ truy điệu và động quan ông diễn ra vào lúc 13h ngày 27/10 tại chùa Vĩnh Nghiêm. Điếu văn nhà văn Triệu Xuân của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều chấp bút và Ủy viên Ban Thường vụ Bích Ngân đọc tại tang lễ. Sau đây xin trân trọng giới thiệu toàn bộ điếu văn.


Nhà văn Triệu Xuân (1952 – 2021).

Vào hồi 12h30 ngày 26 tháng 10 năm 2021, nhà văn Triệu Xuân của chúng ta đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng đi về cõi vĩnh hằng. Cho dù gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và bạn đọc đã biết căn bệnh hiểm nghèo của ông, nhưng sự ra đi của ông đã làm cho tất cả chúng ta bất ngờ và đau đớn. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống trong lòng chúng ta và một khoảng trống trong đời sống văn chương nước nhà mà không dễ dàng bù đắp được.

Nhà văn Triệu Xuân sinh ngày 4 tháng 9 năm 1952 tại xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, tên khai sinh là Triệu Xuân Điến, ông còn có các bút danh khác là Triệu Minh, Minh Đức. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973, rồi tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú tại khu V – Trung Trung Bộ. Trong thời gian này, ông vừa sống và chiến đấu như một người lính vừa là một nhà báo, nhà văn vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Triệu Xuân là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP HCM, là Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, là Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP.HCM và là là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM… Ông tham gia sáng lập và là Chủ tịch nhóm Văn chương Hồn Việt, làm chủ biên nguyệt san Văn chương ngày nay, hợp tuyển Văn thơ chọn lọc.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, ông để lại những tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng trong đồng nghiệp và bạn đọc với các tác phẩm như Trả giá, Bụi đời, Giấy trắng, Sóng lừng, Nổi chìm trong dòng xoáy, Những người mở đất, Cõi mê, Lấp lánh tình đời…

Mỗi trang viết của ông là tiếng nói lương tâm của một con người chân chính. Tác phẩm của ông chính là một cuộc chiến đấu bền bỉ và không khoan nhượng để chống lại sự giá lạnh và cái ác của con người. Ông dựng lên trong từng trang viết của mình số phận con người, gía trị đích thực của đời sống cũng như lẽ sống của mọi con người được sinh ra dưới bầu trời này. Văn chương của ông là sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh trong đời sống này, là sự lý giải những vấn đề của xã hội một cách biện chứng và là tiếng nói mạnh mẽ bênh vực vào bảo vệ lẽ phải. Nhiều tác phẩm của ông mang tính dự báo và cảnh báo về cái ác. Bởi thế, cho đến lúc này, không ít những dự báo của ông trong nhiều tác phẩm viết cách đây hàng chục năm đã trở thành sự thật. Cho dù trong nhiều trang viết của ông, cuộc sống hiện ra thật sự khốc liệt, cái ác thật sự ghê gớm nhưng ở đó lại luôn ấm nóng chủ nghĩa nhân văn và niềm tin bất diệt vào những điều tốt đẹp của con người. Ông đã thực thi một cách thuyết phục sứ mệnh của một nhà văn. Nhóm Văn chương Hồn Việt cùng với nguyệt san văn chương mà ông là một người sáng lập và điều hành đã từng ngày lan tỏa tới công chúng vẻ đẹp của văn chương, văn hóa và tác động vào đời sống tinh thần của con người trong một thế giới qúa nhiều cám dỗ và đầy thách thức.

Cùng với những trang sách của mình, ông đã viết lên một cuốn sách lớn khác và cuốn sách đó đã để lại trong lòng chúng ta lúc này sự tiếc thương và kính trọng. Đó là cuốn sách cuộc đời ông. Nhà văn Triệu Xuân đã sống một cuộc sống giản dị, trách nhiệm, trung thực, quả cảm và ngập tràn khát vọng. Trong những năm tháng mang trọng bệnh, ông vẫn sống trong bình thản cho tới phút cuối cùng bởi ông đã sống không uổng phí trong suốt cuộc đời mình. Ông vẫn dấn thân cho văn chương đến phút cuối cùng của đời mình và văn chương chính là tình thần sống kỳ diệu nhất của ông.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt các Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và bạn đọc, tôi xin nói lời cám ơn ông về những năm tháng ông đã sống và những gì ông đã viết cho cuộc đời này.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông – con người Triệu Xuân, nhà văn Triệu Xuân.

Theo Vanvn