Hai chị em – Truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh

581

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Thực ra hắn cũng không phải là đứa học sinh học hành kém cỏi. Xem thành tích học của hắn qua các kỳ thi học kỳ và thành tích cuối năm đều được xếp loại khá, nên có rất nhiều người hy vọng vào hắn, trong đó có cô giáo chủ nhiệm lớp.

Còn nhớ, hôm chuẩn bị đi thi cô giáo đến động viên và an ủi hắn: “Cô rất hy vọng vào em, cố lên nhé“. Hắn không biết niềm hy vọng ấy được bao nhiêu phần trăm, nhưng vẫn xem đó là một động lực đáng ghi nhận, thế mà…

Hôm biết điểm thi của mình, hắn không về nhà ngay mà đạp xe lòng vòng lên phố. Thành phố đã bước qua thời tiết nắng nóng oi bức của mùa hè, thay vào đó là những cơn mưa to hay mưa bay bay dăm phút rồi trời ửng nắng trở lại, những con đường nằm dọc nằm ngang đi qua những ngã ba, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên cao san sát, con người buộc phải hoà mình vào nhịp sống mới ồn ào, náo nhiệt. Chẳng còn cái lặng lẽ, trầm trầm của một thành phố trực thuộc tỉnh. Và hắn thấy mình thật lạc lõng.

Lúc ấy, hắn nghĩ đến mẹ. Mẹ hắn là người đàn bà cần cù, thương chồng con và chịu thương chịu khó. Hình như quanh năm suốt tháng mẹ hắn ra đồng hết cấy lúa rồi nhổ cỏ lúa, đến mùa cuốc đất trồng khoai, tỉa đậu phộng… rất ít có thời gian để nghĩ ngơi. Dù khó khăn vất vả đến mấy mẹ hắn cũng cố gắng nuôi hắn học hành đến nơi đến chốn. Chị Hoa hắn đã phải nghĩ học từ hồi còn nhỏ, lòng mẹ xót xa quặn thắt nhưng biết làm thế nào được. Vì thế, mọi hy vọng mẹ hắn đã dồn hết vào cho hắn.

2. Đã thế, cha hắn đi theo đám thanh niên trong làng vô tận Bình Dương làm nghề thợ hồ cho các công trình xây dựng. Đến khi về cha hắn mang mầm bệnh trong người, nằm viện một thời gian. Cha hắn cũng kiếm được một ít tiền, mẹ hắn lo tiền thuốc men, viện phí, ăn uống, rồi còn phải “biết điều” với bác sĩ, y tá nữa. Khi xuất viện về nhà, cha hắn không còn một xu dính túi.

Nghĩ ở nhà đâu được một thời gian để dưỡng bệnh, ăn không ngồi rồi cũng làm cha hắn chán, quẩn chân. Cha hắn là dân quê chính thống, thế mà không chịu làm nông, nếu có làm cũng chỉ làm qua loa. Theo như lời cha hắn nói, làm nông thì không có tiền để chi tiêu lặt vặt hằng ngày. Cái gì cũng trông chờ vào lúa thóc, đem bán đổi chát chẳng được bao nhiêu! Một người cha trụ cột trong gia đình làm nông lại không tha thiết với nghề nông. Vì thế ai rủ đi đâu đi đó, chẳng có một suy nghĩ nào chin chắn để thoái thác.

Một hôm, có mấy ông bạn vong niên đến nhà, rủ cha hắn vào Sài gòn thuê nhà trọ ở. Đi làm thợ hồ, khi công trình xây dựng đình trệ, cha hắn đi bán vé số dạo. Bẵng đi một thời gian dài ở Sài gòn, cha hắn lúc về lúc không. Có khi ở trong đó sáu, bảy tháng mới về. Lần này cha hắn chuẩn bị về thì dịch covid – 19 tràn vào Sài gòn, xóm nhà thuê cha hắn ở phải ở nhà trăm phần trăm, may là dịch covid-19 năm đó mới bùng phát không lây lan nhanh như bây giờ. Dịch được ngăn chặn dập tắt kịp thời nên dễ thở. Cha hắn khăn gói về quê, vẫy tay chào biệt Sài gòn.

Bây giờ chị em hắn đã lớn, cha hắn cũng thay đổi tính tình và ít uống rượu, có trách nhiệm với gia đình hơn trước. Hai lần đi lang bạt giang hồ tiền bạc kiếm được cũng chẳng được bao nhiêu, mà chỉ thấy cha hắn ốm và già đi rất nhiều. Cha hắn bây giờ mới thấy thấm thía trong lòng, thì ra kiếm được đồng tiền không dễ chút nào, cha hắn hiểu ra được mọi ngõ ngách trong sâu thẳm của cải vật chất như có một vị thần nào đó canh giữ. Mà cha hắn là người không thể có được ơn mưa móc đó. Khi hiểu ra trên cuộc đời này còn có biết bao nhiêu việc để làm hợp với khả năng, ít tiền nhưng công việc chắc chắn, không phụ thuộc vào một ai hết, được sống gần nhà với vợ con… thì đã muộn. Cha hắn muốn giàu có nhanh, nên mơ mộng viễn vông không thực tế. Ngày tháng bỏ công sức lao động đi làm ở Bình Dương rồi Sài gòn, tiền bạc có có không không, có khi đánh đổi cả mạng sống. Khi cha hắn cảm nhận được để về lại với cội nguồn làm lại cuộc đời bằng sức lao động của chính mình mới hay đã hơn nữa đời người.

3. Lâu nay mẹ hắn cứ âm thầm chịu đựng một ông chồng như thế và đã quen rồi. Hắn thương mẹ và hắn muốn làm một cái gì đó để tặng mẹ. chắc chắn mẹ hắn sẽ rất vui khi hắn báo tin thi đậu đại học. Hắn nghĩ vậy và thấp thỏm chờ đợi. Nhưng bây giờ đã ô hô rồi…

Hôm đó, mãi đến tối mịt hắn mới về nhà, cả nhà ngồi bên mâm cơm đợi hắn. Trông mẹ hắn với vẻ mặt hớn hở hơn thường ngày. Hôm nay cha hắn cũng có mặt, chắc ông nghĩ hắn sẽ báo tin kết quả thi. Hắn thấy vậy và không muốn phá tan niềm vui của gia đình. Dù cố làm như bình thường, hắn vẫn mang bộ mặt íu xìu như người mất sổ gạo bước vào nhà. Mẹ hắn nhìn hắn như chẳng có gì quan trọng, nói:

– Vào thay quần áo rồi ra ăn cơm!

– Dạ..!

Hắn lủi thủi vào phòng. Có lẽ cha mẹ nhìn gương mặt của hắn, cũng đoán được kết quả thi nên trong bữa cơm cha mẹ hắn cũng chẳng hỏi han làm gì. Hắn ngồi xuống ghế. Lẽ ra ngày thường hắn vừa ăn vừa nói chuyện, có thể ăn đến ba, bốn chén cơm, nhưng hôm nay hắn nghe cổ họng nghẹn, ruột gan rối bời. Hắn buông một câu “con ăn no rồi” rồi vào giường nằm.

Từ hôm ấy, hắn như người mất hồn, lúc nào cũng nằm lì trong phòng chẳng muốn đi đâu. Chỉ đến bữa cơm hắn mới ra ngoài. Cha hắn cũng ít nói, lúc nào cũng ngồi đờ đẩn, mơ màng nhìn theo khói thuốc lào bay ra từ ống điếu cày. Mẹ hắn thì vẫn thế, hết lo bếp núc lại ra đồng áng, đi chợ búa bán rau quả. Có lúc hắn định buông xuôi trượt dài theo thất bại đầu đời. Nhưng mẹ hắn lại an ủi hắn: “Thất bại là mẹ thành công“. Hắn cứ đi lông bông trong ngày tháng vô định ấy. Đôi lần hắn tự hỏi: liệu cha mẹ có đủ điều kiện cho hắn đi học ôn thi lại hay không?

4. Một tuần lễ sau chị hắn về, chị lấy chồng ở cách nhà một cánh đồng, nhà hắn đồng trên, nhà chị hắn ở đồng dưới. Việc nhà, việc ruộng đồng khoai lúa luôn tay nên chị ít có thời gian để về thăm cha mẹ. Nghe tin hắn thi rớt từ tuần trước nhưng hôm nay chị hắn mới về được. Bước chân chị vừa chạm ngõ, thấy mẹ hắn đang quét sân phơi lúa, chị liền hỏi:

– Thằng Huân đâu rồi mẹ?

– Hắn ở trong phòng. Thấy hắn ngày nào cũng như người mất hồn, người không ra người, ngợm không ra ngợm, mặt lầm lầm lì lì. Thật tội nghiệp. Con xem rồi khuyên răn hắn.

Mẹ hắn vừa dứt câu đã thấy chị hắn đứng ở cửa phòng nói vào:

– Huân ạ, sao em cứ tự hại mình như thế. Nhà mình lâu nay không được như nhà người ta, đã vậy bây giờ còn… Em thấy đó, không khí trong nhà lúc nào cũng nặng nề, chị thì đi lấy chồng xa, chỉ còn em là chỗ dựa tinh thần của mẹ. Em phải thương mẹ mới phải đạo. Cha thì không giúp được gì cho mẹ, đi mấy tháng trời mới về nhà, may là không mang dịch bệnh covid về quê. Thử hỏi làm sao mà mẹ vui cho được. Cái gì cũng mẹ. Ruộng đồng, cơm áo, học hành của em. Em buồn chán như thế này là không được! Em nên suy nghĩ lại mọi chuyện đi! Chị nói như vậy có đúng không?

Ngưng trong giây lát, chị nói tiếp:

– Chị không được học đến nơi đến chốn, nhưng chị biết thi vào đại học không dễ. Có phải ai cũng thi đậu đâu! Ngoài cái tài học giỏi ra cũng cần có một chút may mắn nữa “Học tài thi phận“ mà! Chẳng có ai trách em đâu. Giờ cứ nằm ỳ ra đó thì ích lợi gì!

Nói xong, chị ra về. Hắn nhìn theo dáng chị gầy không chớp mắt. Chị về rồi để lại hắn chơ vơ trong căn phòng. Nghĩ lại những lời chị nói. Hắn có làm chi sai đâu? Thi rớt đại học thì phải buồn thôi, chẳng lẽ làm vui như không có chuyện gì xảy ra sao!? Từ ngày có mặt hai chị em đến bây giờ, hắn luôn quí trọng và thương chị. Hồi chị còn nhỏ, trong lúc bạn bè cùng trang lứa vui vẻ với những ngày tới trường với những ngày tung tăng bắt bướm cạnh bờ ao hay bên giàn bông bí rợ, thì chị hắn phải ở nhà giúp mẹ đủ thứ việc. Giặt giũ áo quần, xách nước tưới rau, dầm mưa dãi nắng khiến chị mặt mày sạm nắng và già hơn so với tuổi đời. Qua sàng lọc của thời gian mái tóc chị hoe vàng nước da ngăm đen. Khi chị đã trở thành một thiếu nữ có nhan sắc trong làng, với tuổi mười tám, chị lại phải bon chen với đời làm đủ ngành nghề, từ cày cấy, cuốc đất trồng khoai, tỉa bắp, đến mua đi bán lại hàng hoá ngoài chợ để có tiền phụ thêm với mẹ nuôi hắn ăn học. Trải qua mấy lần dang dở tình duyên, mãi ba năm sau chị hắn mới lấy chồng, chồng chị là một giáo viên tiểu học. Anh bận bịu với công việc ở trường nhiều hơn ở nhà, chị biết vậy nhưng lòng  vẫn vui “xuất giá tòng phu”.

Dù gì đi nữa chị cũng làm tròn trách nhiệm của một người vợ, và còn luôn lo nghĩ đến mẹ và hắn. Hắn hiểu chị nhưng ngược lại chị không hiểu hắn. Hắn là một thằng con trai mới lớn, con đường đi chưa có gì chông chênh, bây giờ mới gặp phải thất bại đầu tiên, thử hỏi hắn không buồn sao được. Vậy mà chị lại đi nói với hắn những lời lẽ khó nghe, chạm vào chút tự ái trong con người hắn lâu nay vốn trầm tĩnh. Hắn nằm dài trên giường, giá mà hắn khóc được, hắn sẽ khóc cho vơi bớt những dằn vặt. Nhưng hắn là một thằng con trai hiển nhiên hắn phải đối mặt với nổi buồn. Hắn nói thì thầm trong miệng một mình. Mà có lẽ vậy, không khí trong nhà vốn đã nặng nề, hắn không làm được gì để giúp đỡ gia đình vui vẻ hơn mà lại còn gây ra thêm những phiền muộn khiến cho không khí gia đình vốn đã buồn bây giờ phải buồn hơn. Hắn cảm thấy mình không còn xứng đáng là thành viên trong gia đình nữa, đáng trách quá.

5. Hắn bây giờ đã là một người sống khác. Mỗi buổi sáng thức dậy sớm lo cơm nước xong, hắn vác cuốc ra đồng cùng với mẹ. Hắn không còn nằm lì trong phòng nữa. Đi ra ngoài rồi mới thấy mọi người chung quanh vẫn tôn trọng mình, bạn bè vẫn sống chan hoà dù cũng khá nhiều đứa thi rớt đại học như hắn, nhưng những người đó vẫn sống lạc quan yêu đời. Hắn mừng vì đã có người cùng cảnh ngộ và cũng nhờ những người đó hắn mới nghiệm ra thi đậu vào đại học đâu phải dễ. Vì lâu nay hắn luôn nghỉ con đường đi về phía trước bằng phẳng, toàn là màu hồng tươi đẹp. Hắn đâu có ngờ rằng mọi tính toán khó khăn luôn rình rập con người. Sự thật ấy bây giờ xảy ra đối diện với chinh hắn, hèn chi hắn buồn!

Hắn đang cho heo ăn thì thấy chị hắn về. Chị đến chỗ hắn.

– Huân này! Hôm trước chị nặng lời với em, em có buồn không?

– Không, em đã nghĩ ra mọi chuyện, em thấy em mới là người có lỗi.

– Em thấy được như vậy là tốt.

Hắn nhìn chị, thấy chị cười, một nụ cười tươi tắn. Rồi chị lấy một xấp tiền trong túi áo đưa cho hắn.

– Số tiền này chị buôn bán để dành dụm được bấy lâu nay. Chị cho em một phần ba, còn hai phần ba kia chị để dành làm vốn buôn bán ngoài chợ. Không có vốn khó làm ăn lắm. Thời buổi bây giờ làm ăn mỗi ngày mỗi khó khăn, phải biết tận dụng nếu có cơ hội thuận lợi. Lần này chị cho em, em hãy cố gắng đi học lại để ôn thi cho kỳ thi sắp tới. Chị biết sức lực học của em, thêm phần cố gắng trong học tập thế nào cũng đạt được kết quả khả quan. Chị tin tưởng như vậy.

Tay hắn run run cầm xấp tiền chị đưa, muốn cảm ơn mà khó nói quá. Chị vẫn thế lúc nào cũng chu đáo, tận tình. Dù hắn có nói bao nhiêu lời cảm ơn trong lúc này thì cũng không sánh bằng những việc mà chị đã dành cho hắn.

6. Bây giờ đã là tháng chin, nắng thu rơi vàng khắp nẻo khiến không gian trở nên một bầu trời đầy những giọt nắng lung linh tươi mát. Những chiếc lá vàng rơi bay lả tả trên đường. Văng vẳng bên tai hắn tiếng trống trường xa vọng lại.

Lòng hắn náo nức, nhưng hắn không đến học lại ở trường lớp cũ, mà hắn học ở một lớp luyện ôn thi đại học trên thành phố. Ngày hắn đi cũng chuẩn bị hành lý, lòng cũng hồ hởi, nhưng hắn trở lại gặm nhấm bài học cũ nên thấy cũng chùng lòng. Trong khi bạn bè hắn là tân sinh viên, đang náo nức chuẩn bị hành lý lên đường nhập học. Trong suy nghĩ của hắn, hắn tin vào năm tới hắn cũng sẽ ung dung đi vào giảng đường đại học như bạn bè hắn bây giờ. Tự nhiên trong tâm trí hắn hiện lên hình bóng người mẹ nhân từ luôn cổ vũ động viên hắn trong học tập, có học mới thoát được cảnh nghèo túng, và hình bóng người chị luôn giúp đỡ hắn vượt qua những rào cản trong học tập, và những lời khuyên bổ ích trong cuộc đời làm người. Hình như tất cả những hình ảnh ấy đang đứng đâu đó trong tâm khảm hắn. Nơi đó là những bóng cây râm mát che hắn trên con đường hắn đi. Hắn không còn lý do gì mà phải thoái thác cho việc học. Tinh thần và vật chất đầy đủ trong tầm tay. Hắn không còn chỗ dựa nào vững chắc hơn chỗ dựa là mẹ và chị. Nên hắn rất đổi tự hào và hãnh diện khi có một người mẹ người chị hết lòng thương yêu hắn. Hắn quyết tâm học đến nơi đến chốn để không làm phụ lòng mẹ và chị. Bây giờ có lẽ chị đang đứng đâu đó, nụ cười rạng rỡ dưới trời thu…

V.K.T