Đoàn Ngọc Thu bay bổng với những đam mê

1883

19.12.2017-21:40

 Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

 

Bay bổng với những đam mê

 

VƯƠNG TÂM

 

NVTPHCM- Tôi có dịp đọc thơ Đoàn Ngọc Thu (sinh năm 1967) từ giữa thập niên 90, với những bản thảo chép tay gửi đến báo Hà Nội mới, nơi tôi làm việc. Những câu thơ nặng trĩu nỗi đau vẫn con găm trong trí nhớ của tôi ngày ấy: “Chỉ xin anh một lời nhắn nhủ. Đừng làm đau khổ người đàn bà đến với đời anh sau em”. Dòng đời lận đận tiếp theo, hiện lên qua 5 tâp thơ Đoàn Ngọc Thu đã xuất bản, như một hành trình gian nan vượt núi đến với thung lũng tình yêu…

 

1- Tình yêu và thử thách

 

Mới đây gặp Đoàn Ngọc Thu, vội vã từ nước ngoài về, với ánh mắt tỏa rạng niềm vui. Có lẽ bóng đá chăng. Bởi chị rất yêu bóng đá Đức. Quả nhiên chị kể một mạch về trận thắng mới nhất của đội Bayern Munich. Tôi bị nàng thơ này cuốn hút vào những đường bóng tuyệt diệu của Xabi Alonso. Ngược lại có lần, tôi sực nhớ đã thấy Thu tức tưởi với những vần thơ, khi đội Bayern thất bại trong trận chung kết, cúp C1 năm nào. Đọc lên không ai nghĩ Thu viết về bóng đá. Bởi nỗi đau đời đau tình hiển hiện, với niềm tin và sự khát khao hy vọng. Một đêm trắng với những vần thơ: “Làm sao thể tin ngươi lại bỏ ta đi. Khi hạnh phúc đã cận kề đến thế. Ta đã chạm vào ngươi, thật khẽ. Ấy vậy mà, ước vọng trượt khỏi tay…”. Tính cách của Thu đã hiện lên qua ánh xạ của trái tim rằng: “Rồi ngươi sẽ quay lại bên ta thôi. Ta sẽ vượt trùng khơi, băng qua ghềnh thác. Mang trái tim tin yêu và niềm đam mê bất tận. Đến núi Mặt trời giành lại người yêu”. Vậy đó, một sắc thái thơ ca ẩn giấu những nỗi đau, gắn với năm tháng vượt khó. Thu đã từng nói, tình yêu bóng đá là sự cứu rỗi, hay là sự giải thoát những nỗi niềm sâu kín trong tâm tưởng của đời mình. Có lẽ vậy chăng!?

        

Sau lần đổ vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên với “Chút hy vọng vỡ tan thành đau nhức. Kỷ niệm trĩu ngực trời đêm”, bởi không còn giữ được ngọn lửa tình yêu của mình đã thắp; Thu bắt đầu một cuộc sống lận đận, với những đứa con và tương lai phía trước còn xa hút, nơi chân trời góc bể. Nhiều khi Thu thất vọng với cuộc đời, và tự trách cứ mình qua giấc mơ nông nổi: “Cõi đời tìm ru trong mộng. Tỉnh giấc mộng là phù du” (Biến tấu giấc mơ). Nhưng rồi, niềm tin trỗi dậy, nỗi khát khao trở về trong cõi vô thường đầy sức mạnh. Thu viết: “Than chi nỗi phù du mất-được. Cõi vô thường ta hát khúc tụng ca” và “Nhưng niềm tin luôn là ngọn nến. Thắp lên ánh sáng giữa hỗn mang” (Đoản khúc vô thường). Cuộc tình mới đã đến với Thu trong đời như một sự bù lấp: “Em-một nửa vầng trăng khờ khạo. Đang khuyết hao trong hạnh phúc đời thường” (Định mệnh). Vậy mà cái định mệnh ấy lại như một biển động ào ạt xô lên những ngọn sóng dồ dại muốn xóa tan những bông hồng tình yêu trên bờ cát. Nhưng đôi cánh tình yêu ấy đã vượt sóng bay về phía chân trời: “Hiểm nguy và cực nhọc. Không cản nổi em đâu. Đôi chân sẽ không quị ngã cho dù trầy xước. Những bước chân hướng tới mặt trời”. Thu tin rằng: “Những tia sáng ngọt ngào xua đi bao cay đắng. Như nụ cười thiên thần trên đôi mắt ta hằng ước mong” (Khúc ca gọi mặt trời). Thi nhân nói thơ là người. Với Thu quả đúng vậy. Những câu thơ nhói lòng về nỗi đau đã từng dấn thân trong bể khổ. Nhưng ngay sau đó là bầu trời thi ca, tràn ngập sự lạc quan, hiện lên như sức mạnh của tình yêu, cuồn cuộn sức sống và tin yêu.

       

Thật không dễ dàng gì đối với phận đàn bà, khi gặp những trắc trở, gian truân trong tình yêu, như Đoàn Ngọc Thu. Cuộc tình kéo dài hơn mười năm. Nếu không nhẫn, không tha thiết, và không mãnh liệt khó mà tồn tại. Bởi con thuyền tình yêu đâu có dễ đậu bến cuối cùng: “Cùng chèo lái con thuyền vượt chông gai. Cập bến mới hay có kẻ quá giang lậu vé. Em có đâu ngờ qua bao dâu bể. Lại chết trong giếng cạn của tình người” (Ngã). Còn nữa khi đó những con bão ập đến, vì tình yêu chính là khi: “Anh mang giông bão đập vào cánh cửa yên bình của em” và rồi: “Nhưng không chỉ thét gào ngoài kia. Gió và sự nghiệt ngã của số phận sộc vào. Lôi cả hai ta vào vùng bão” (Bão). Cuối cùng cho một tình yêu. Sau những thử thách ngỡ như vô vọng, con thuyền đã cập bến, nếu như không vượt qua được những màn đêm, để đến với mặt trời. Nỗi nhớ trong tâm hồn thi ca luôn luôn ngoảnh lại để chiêm nghiệm cho dù tình yêu đã thành sự thật. Thu là thế: “Anh ạ, sao em nhớ lời cầu hôn đêm ấy. Nụ hôn rơi như vạn kiếp lưu đầy. Anh tóc bạc, chân trần tay trắng. Nói bên nhau, mình đến cuối đường đời”, hay còn nữa trong Thu: “Làm sao em lại cứ nhớ anh. Nhớ cháy bỏng thịt da. Nhớ đi ngang qua mênh mông. Nhớ thủng ngày xuyên đêm” (Giấc mơ)

 

2- Đối diện chính mình

       

Nữ sĩ Đoàn Ngọc Thu luôn gọi ra được những góc khuất phía sau hiện thực, cho dù mơ mộng nhất. Sự phản biện nằm ngay ở những chiều thuận của đời người. Cái triết lý tự thân toát ra từ những câu thơ rạng ngời về tình yêu. Bởi nhưng lo toan, những sự bấp bênh của bản ngã. Ngay kể cả trong tình yêu chị luôn nhận biết: “Có nụ hôn nhẹ như gió. Có nụ hôn cứng đau như cỏ”, hay “Đã từ lâu em biết chẳng có thiên đường. Mặt trời luôn phía sau ngọn núi. Hết cơn mưa, không phải là sẽ nắng. Và cầu vồng chỉ là ảo giác mà thôi” (Gian dối). Hoặc trong bài Hạnh Phúc, thơ của Thu có những câu phát hiện: “Khi em hoàn thiện bức chân dung. Hạnh phúc lộ diện một khuôn hình lạ hoắc”. Hay có những câu thơ đầy ẩn ức: “Mua một cây bồ hòn về trồng. Trong khu vườn tình tự”. Thậm chí có lúc, cơn bấn loạn trong thử thách đã đem đến cảm giác bi phẫn: “Sự dối lừa khệnh khạng bước lên ngôi. Lòng tin phút chốc thành câu chuyện phiếm. Ngày nín nhịn và đêm vờ vịt. Hạnh phúc như sợi chỉ ríu hai rìa vải mục” (Vé một lượt). Đôi khi cái đối nghịch ùa đến trong ký ức: “Thêm một ngày sống gửi. Ngắn đi một đoạn về. Mở mắt là dâu bể. Nhắm lại là cõi mê”. Trong tập thơ thứ 5 “Vé một lượt” của Đoàn Ngọc Thu, in năm 2103, ta còn nhận ra những điều soi rọi của sự tương phản qua các bài như: “Ngẫm”, “Hết yêu rồi thì để nhau đi”, “Gian dối”, “Mùa đông tận thế”, hoặc “Tặng ngày sinh”, “Tự vấn”, “Tháng cô hồn”, hoặc “Hãy nhớ rằng ai cũng phải chết” (Memento mori). Chất triết lý và phản biện sâu thẳm trong tâm hồn thi sĩ, với những câu thơ ảo diệu, đã tạo dựng chân dung thơ của Đoàn Ngọc Thu.

       

Nhất là khi đối diện với cái chết kề bên, bởi cách đây dăm năm, Đoàn Ngọc Thu đã lâm trọng bệnh. Trước khi lên bàn mổ chị đã kịp làm một số việc từ thiện mong gọi là có sự đền đáp chút phận còn vương lại trên thế gian lao khổ này. Đó là một cơn ác mộng đã ập đến như một định mệnh của cuộc đời, bên cạnh hạnh phúc đã một đời vun đắp. Dường như trong đâu đó, cơn ác mộng đổ xuống giấc mơ hạnh phúc. Bi kịch nảy sinh. Ước mơ bị dập tắt. Sự thách thức ấy thật dữ dội với bản mệnh truân chuyên của người đàn bà bốn con này. Nhưng không chịu khuất phục, bản lĩnh của người mẹ trỗi dậy, ánh mắt trẻ thơ níu kéo. Chị chống trọi với mọi nỗi đau để vững vàng tồn tại. Những đứa con là lẽ sống còn đối với nhà thơ. Trong ca mổ những giấc mơ tình yêu vẫn hiển hiện và nụ cười trẻ thơ tạo nên sức mạnh kỳ lạ cho người mẹ. Trong tập thơ “Vé một lượt”, những bài thơ viết cho các con làm xúc động lòng người. Và đó cũng là những bài thơ hay trong tập thơ. Ta có thể chia sẻ với Đoàn Ngọc Thu, với những bài thơ như “Viết cho bầy gấu con ngày bệnh”, hay trước đó là các thi phẩm:  “Gia tài”, “Cho An Khê”, “Của hồi môn cho con gái”…

      

Ngay cả những bài thơ tưởng chừng chỉ là hòa cảm trong thế giới thần tiên con trẻ, nhưng Đoàn Ngọc Thu vẫn đau đáu những nỗi niềm như: “Mẹ nuôi con bằng nước mắt của mình. Mẹ đã đi chân trần trên lửa. Đội bão giông trên đầu. Giấu đắng đót vào tim gầy năm tháng”, hay “Mẹ rước tim thành  từng sợi chỉ. Khâu hoài vết rạn còn nguyên” (Cho An Khê). Hoặc trong bài “Của hồi môn cho con gái”,, nhà thơ nguyện nhận lấy những khổ đau; “Để có của hồi môn cho con là tình yêu vĩnh cửu. Lừa phản, dối gian mẹ cam chịu bội phần”. Có lúc nhà thơ đã thốt lên khi bị xô ngã vì tai họa bất ngờ: “Nếu thời gian nghiệt ngã nỡ cạn đi. Mắt làm sao nhắm, tay làm sao xuôi. Hồn sao an lạc. Gánh nặng quá làm sao siêu thoát” (Viết cho bày gấu con trên giường bệnh). Đó là những lúc nhà thơ đối diện với số phận và thơ chị đã làm người đọc giật mình bởi những quãng lặng huyền ảo của hình tượng thi ca. Sự phản biện đến tận cùng để bật lên triết lý tự thân bên trong của mỗi câu thơ làm lay động trái tim người đọc. Đó chính là nghệ thuật thi ca của Đoàn Ngọc Thu. Và, đó cũng là kết tinh của những sáng tạo từ tâm hồn và tuệ giác xuất thần giúp nhà thơ tìm lại bản ngã, đối diện với chính mình.

 

3- “Thu Không”

        

Đây là tên tập thơ của Đoàn Ngọc Thu đang chuẩn bị xuất bản trong năm 2018. Hỏi vì sao lại lấy nhan đề “Thu Không”. Nhà thơ nheo mắt nhìn về phía xa nói, đó có thể là cõi thiền mà hồn thơ tĩnh lặng nhập thần với ảo mộng. “Thu Không” là không gian vô thường cho hành trình thơ mới. Đầy chiêm nghiệm và khắc nghiệt trong từng con chữ để tìm lại chính mình. Cũng như hạnh phúc vậy, luôn luôn xa vời nhưng lại có thể nắm bắt trong tầm tay. Nghe đến đây tôi chợt nhớ đến câu thơ Đoàn Ngọc Thu đã viết: “Tưởng già đỡ dại. Vẫn chết cả tin. Một lời yêu cũ. Mặc nghẹn bao lần”. Ngẫm là vậy. “Thu Không” sẽ chứa đựng “nỗi nghẹn” ấy mà mộng mị một đời. Cùng với đó là cái sống, cái chết luôn đeo đẳng, ám ảnh phận người. Nhưng cõi “Thu Không” sẽ bừng sáng niềm vui về sự sinh tồn: “Mỗi khi bốn đứa bên nhau nói cười chí chóe. Lòng mẹ lại rưng rưng muốn khóc òa. Và mẹ cố gắng tu thân tròn chữ Mẫu. Để các con mình Phúc Đức được dầy thêm” (Gia tài).

       

Tôi bất ngờ với niềm lạc quan ấy và nói với Đoàn Ngọc Thu đọc lại bài thơ “Bão” mà chị đã từng thu trong một Poem Video với nghệ thuật dàn dựng đầy chất điện ảnh. Đoàn Ngọc Thu mỉm cười ngại ngần, bởi giọng đã yếu ớt sau ca phẫu thuật. Chị mở một CD khác cho tôi nghe đó là ca khúc “Mẹ”, do nhạc sĩ Quang Long phổ nhạc cho bài thơ cùng tên của Đoàn Ngọc Thu. Khi tiếng nhạc vang lên, Thu đã nhẩm hát theo nhẹ nhàng như trong gió thoảng, nghẹn ngào: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội. Quà về cho mẹ là chiếc áo pha sương và những vết thương, cứ trở gió là đau nhức nhối. Chiếc ba lô gió sương đã gội. Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi…”. Đoàn Ngọc Thu vừa hát vừa rớm nước mắt. Có lẽ lúc này cõi “Thu Không” đã quay về. Tôi lặng đi cho dù đã rất quen với giai điệu thân thương ấy. Chợt chiêm nghiệm, nhận ra đúng như Đoàn Ngọc Thu đã viết, nhờ vô thường mà ta có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc an vui. Bởi không cái gì mất đi mà chỉ là sự chuyển hóa sang miền cực lạc khác. Chính vì thế mà Đoàn Ngọc Thu đã viết trong “Khúc du ca cho một tình yêu” rằng: “Quá thì Duyên, đành thôi là Nợ. Lận đận kiếp này cố trả hết cho nhau”. Bạn đọc yêu thơ Đoàn Ngọc Thu chính vì những đam mê trong cõi “Thu Không” ấm áp tình người.

 

VĂN NGHỆ, 50/2017

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…