Di sản văn hóa quý báu và đẹp đẽ của dân tộc

705

19.12.2017-22:00

NVTPHCM- Không chỉ với tư cách là một ngôn ngữ giao tiếp, tiếng Việt còn là lớp lớp tầng vỉa văn hóa. Nó xứng đáng được ngợi ca như một di sản văn hóa quý báu và đẹp đẽ. Trong tiếng Việt có cả sự kết tinh di sản của một dân tộc, có dấu ấn lao động sáng tạo hàng ngàn năm để gìn giữ, phát huy và làm phong phú thêm. Bởi tiếng Việt vẫn đang là một sinh ngữ cho nên quá trình tạo sinh, bồi đắp nó vẫn đang tiếp tục diễn ra từng ngày từng giờ, trong đó gồm cả những sự thay đổi.

 

Vậy nhưng, đề xuất thay đổi có tính hệ thống của PGS.TS Bùi Hiền đối với chữ Việt lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng, dù tác giả đề xuất cho rằng đó là những cải cách khoa học, giúp tiếng Việt trở nên hợp lý và hội nhập hơn, cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, xét trên nhiều bình diện, những cải cách này ít đem lại lợi ích phát triển cho tiếng Việt mà có thể làm nó rước thêm nhiều bất cập.

 

Hệ thống chữ Việt hiện tại đã tỏ ra khá hoàn hảo khi đảm nhiệm rất tốt vai trò ký âm tiếng Việt một cách chính xác, thống nhất và có thể nói là đẹp đẽ. Tiếng Việt, thể hiện qua chữ Việt, đã nhận không ít lời xưng tụng như là thứ  “tiếng nói của thi ca”. Lập luận rằng cải cách chữ viết tiếng Việt sẽ giúp diễn đạt tiếng Việt nhanh, chính xác, hợp lý và tiết kiệm hơn rõ ràng không có cơ sở thuyết phục.

 

Về kỹ thuật, nếu ứng dụng cải cách của ông Bùi Hiền, văn bản tiếng Việt sẽ xuất hiện vô số từ đồng âm nhưng dị nghĩa hoặc tối nghĩa, gây khó khăn trong  việc “hiểu” cả cho người Việt lẫn người nước ngoài học tiếng Việt. Nhiều trường hợp sẽ nảy sinh không ít ngộ nhận về nghĩa khi mà xác định nghĩa chỉ có thể dựa trên thao tác… đoán – một thao tác không thể chấp nhận trong khoa học. Văn bản tiếng Việt cũng sẽ trở nên xấu xí đi nhiều ở phương diện thị giác. Việc dạy tiếng Việt cải cách trở nên khó khăn hơn gấp bội vì tiếng Việt mới bị loại trừ yếu tố đánh vần đặc trưng.

 

Một số ký tự bị đổi giá trị thậm chí còn biến chữ Việt trở nên méo mó, kỳ dị, xấu xí. Không biết tác giả đề xuất cải cách dựa vào đâu để tính toán ra mức tiết kiệm 8% cả về công sức lẫn nguyên liệu khi dùng chữ viết mới, nhưng rõ ràng là cải cách sẽ tự nhiên đẻ ra chi phí khổng lồ để viết, in lại toàn bộ văn bản đã có, viết lại toàn bộ bảng mã trên hệ thống IT, thay đổi toàn bộ biểu mẫu giấy tờ, bảng hiệu, con dấu… Thiệt hại này lớn ở mức không đo đếm nổi.

 

Cải cách, nếu áp dụng cũng ngay lập tức biến tất cả người Việt hiện tại thành mù chữ, tạo nên rối loạn văn hóa xã hội. Nó cũng sẽ biến tất cả sách vở, văn bia, tài liệu đang có trở thành “đồ cổ”, xóa bỏ toàn bộ thành quả văn hiến của dân tộc, qua đó tạo nên một sự đứt gãy về văn hóa dân tộc. Thiếu nó, văn hóa Việt sẽ quay lại với giai đoạn sơ khai, mông muội, phá vỡ và kéo lùi cả thành quả lẫn khả năng hội nhập của người Việt với thế giới.

 

Còn nhiều, rất nhiều thiệt hại kinh khủng khác nữa, không thể liệt kê hết. Vậy thì cải cách phỏng có ích gì?

 

Lập luận bênh vực, trước sự phê phán dữ dội của xã hội vẫn cố cho rằng không nên “nặng lời” với các cải cách khoa học, khi mà đúng – sai chưa minh định, khi mà hiệu quả của phát kiến chưa được kiểm chứng…v.v. Điều này đúng. Nhưng với yêu cầu cấp thiết là cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần thẳng thắn xác tín: Những cải cách nói trên hoàn toàn không thể coi là khoa học, di sản văn hóa dân tộc không phải là những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.

 

Mọi phát kiến đều có thể đúng, có thể sai, nhưng nó chỉ được chấp nhận như là phát kiến để xem xét khi hợp lý và có ích. Ngay cả tác giả Bùi Hiền cũng tự nhìn nhận rằng cải cách mà ông đề xuất mới chỉ là một nửa công trình (mới ở phần phụ âm, chưa đề cập đến thay đổi giá trị các nguyên âm). Đó chỉ là cách nói để bao biện cho yếu tố chưa/không hoàn chỉnh của vấn đề. Nhưng cốt lõi, điều đáng nói lại nằm ở sự vô tác dụng kèm vô vàn tác hại có thể thấy trước của việc ứng dụng “cải cách” này. Vì thế, cần dứt khoát, minh bạch ngay từ đầu, loại bỏ việc thay đổi tiếng Việt từ trong ý nghĩ, trước khi quá muộn.

 

NGUYỄN HỒNG LAM

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC.