Đoạn sầu ai thán – Truyện ngắn Lê Hoàng Kha

866

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ gồng mình ôm nỗi đau, mà uống nước mắt chảy ngược vào trong, chỉ để lại cái nhìn pha chút ngấn lệ. Cứ ngỡ đã qua hết cái thời giông bão của cuộc đời, đến cái độ tuổi thất thập cổ lai hy sẽ hưởng phước từ con cháu. Giờ chú Hai biết cùng ai để tỏ nỗi lòng, ngồi uống ly rượu cay nồng. Mắt cứ nhắm nghiền, nghe ai đờn khúc Nam ai mà lòng lại đau như thắt lại, bởi cuộc đời lắm nỗi trần ai.

Chú Hai lại nghĩ đến cái chuyện xảy ra năm xưa, nếu như năm đó chú cứng rắn đừng quá nuông chiều thằng Bình. Rồi mớ suy nghĩ cứ quanh quẩn ba từ cháu đích tôn, đã ràng buộc gần hết cuộc đời của chú Hai vào trong đó. Thì nay đâu ra cơ sự đau buồn, để giờ người ta nhìn thấy mà chạnh lòng đau xót.


Tác giả Lê Hoàng Kha.

Cái ngày thằng Bình chào đời, cũng là lúc má nó mất vì sinh khó. Lúc thằng Bình cất tiếng khóc đầu tiên, chú Hai khuỵu gối hẳn xuống đất. Tay ôm lấy đầu khóc tức tưởi, bởi chú biết mình đã mất vợ từ đây. Nỗi đau cứ dằn xé trong tâm can, luôn hiện hữu mỗi khi chú nhớ lại chuyện xưa.

Năm thằng Bình được hai tuổi, chú Hai đi thêm bước nữa với dì Lan sau này gọi là thím Hai. Dì ấy bán hàng xén ngoài xóm chợ, nghe đâu dì Lan cũng đã thôi chồng. Một mình dì chèo ghe, bồng theo đứa con gái tên Nhung qua xứ này để buôn bán, rồi định lập nghiệp ở đây không về nữa. Mấy bữa chú Hai bồng thằng Bình ra quán mua sữa, con Nhung xin chú Hai để thằng Bình ở lại chơi. Bởi con Nhung nói thích có em trai để cưng nựng, dì Lan nghe thấy thế rồi cứ nhìn lén chú Hai mà cười miết. Cái điệu bộ này, chắc dì Lan cũng đã phải lòng chú. Chú Hai biết nhưng cũng không dám mở lời, bởi chú nghĩ thằng Bình còn nhỏ, mà đi thêm bước nữa thì sợ dì Lan phải chịu khổ, rồi lại thiên hạ đàm tiếu là dì ghẻ con chồng. Thấy thế, chú Hai cũng không đành lòng ngỏ lời.

Bữa nhậu nhà chú Tư, chú Hai có kể chuyện dì Lan cho chú Tư với chú Bảy nghe. Chú Tư nói:

– Tao thấy con Lan cũng hiền mà chịu khó, mày thấy được thì ưng cho rồi.

Chú Bảy liền cắt lời chú Tư:

– Gái một con trông mòn con mắt, nghen Hai!

Chú Hai không nói lời nào, cầm ly rượu vừa mới rót uống lấy một hơi. Mà thấy cay nồng ở cổ rồi vỗ đùi cái bẹp, hít hà như khoái lắm vì gặp được quân sư mách kế.

Cái ngày rước dâu, ngoài chợ người ta lại to nhỏ nhau:

– Chứ sau này, con anh con em nữa không chừng.

Người ta nói thì cũng có lý của họ, mà sao tránh được chuyện người đời bàn tán. Việc đó thì cũng thường thấy nên cũng chẳng phải lạ, chú Bảy đi ngang qua nghe thấy cũng nói bâng quơ:

– Hai người đàn bà với một con vịt thành cái chợ nghen.

Người ta nói chú Bảy chưa gì mà khó tính, nhưng cái tính của chú Bảy là vậy. Chứ có muốn ghét bỏ ai bao giờ, chú Bảy chỉ nói kiểu người hay nhòm ngó chuyện người ta. Mà không biết soi xét lại chuyện nhà mình, đó cũng là cái dở ở đời lắm người gặp phải.

Thời gian cứ thế mà trôi, giờ thì con Nhung với thằng Bình cũng đã lớn. Năm con Nhung học lớp tám, chú Hai bàn tính với thím Hai là cho con Nhung nghỉ học. Để ở nhà phụ việc đồng áng, để thằng Bình đi học tiếp. Thím Hai đang ngồi vá cái áo cho con Nhung, thím nói:

– Sao không để con Nhung đi học, nhà mình có khó khăn đâu mà cho con nghỉ, tội con quá mình.

Chú Hai quay sang nói:

– Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

Thím Hai ngước lên nhìn chú mà mắt thấy hơi cay, rồi lại cúi xuống vá cho xong cái áo. Con Nhung ở nhà dưới nghe thấy mà khóc thút thít, chợt thằng Bình đi chơi về thấy chị khóc nó lại trêu:

– Chèn ơi! Nấu cơm mà cũng khóc nữa. Tía ơi? Chị Hai khóc nhè.

Con Nhung vội cản lời thằng Bình:

– Em này, chị có khóc đâu. Chắc tại khói bếp làm mắt chị cay, nên nước mắt chảy thôi.

Chú Hai nghe loáng thoáng, không trả lời chi. Lấy bao thuốc trong túi áo ra vấn, rồi hút phì phà. Thím Hai thì khóc không thành tiếng, cũng lau mắt nhanh không để chú Hai thấy mà bận lòng.

Mấy năm sau, thằng Bình lên Sài Gòn học. Bao nhiêu thứ ngon, chú Hai điều gom góp gửi lên cho thằng Bình. Tuy nói là ở quê lên Sài thành học, nhưng nó chẳng thiếu thứ chi. Trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh, không phải lo chuyện tiền nông chi ráo. Cũng chính vì thế, mà thằng Bình ỷ lại không lo ăn học. Ngày càng ăn chơi lêu lổng, bè bạn xấu rủ rê xa vào các tệ nạn xã hội. Đến đám giỗ má ruột không thấy nó về, thím Hai nói với chú:

– Mình gọi lên cho con, sao không thấy nó về, tôi lo quá mình à!

Chú Hai cau mày nói:

– Để con nó học, năm nay không về. Thì năm sau về, chứ có chi mà bà lo.

Nói thì nói thế, nhưng ngồi suy nghĩ một hồi. Chú Hai đi lại cái điện thoại để bàn, bấm số gọi cho nó:

– Alo! Bình hả con? Ngày mai đám giỗ má mày, có về không con?

Nghe điện thoại khá lâu rồi chú Hai cúp máy, quay sang nói với thím:

– Con nó bận học, chắc không về. Bà thấy con trai độc nhất của tôi chưa? Sau này nó sẽ kế nghiệp cái gia sản này.

Thím Hai không nói thêm chi, vắt cái khăn rằn trên vai rồi ra bắt vịt. Con Nhung ngồi gọt trái bầu sau hè, nghe thấy cũng không khỏi chạnh lòng. Cũng điều là con, sao phải phân biệt giữa con trai với con gái. Vậy có công bằng không? Mớ suy nghĩ lẫn lộn trong đầu làm nước mắt rơi hồi nào cũng không hay.

Con Nhung quen với thằng Lâm cũng đã được hai năm hơn, tụi nó thương nhau lắm. Hai bên gia đình đã làm lễ ăn hỏi, còn lễ cưới đã được ấn định là ngày mười chín tháng sau. Thằng Lâm thì hiền lành, như lời con Nhung hay nói:

– Người gì mà hiền y chang cục bột, thấy mà thương lắm nghen.

Thằng Lâm ở xóm thì chẳng bao giờ dám mích lòng với ai, hễ ai ghẹo chọc nó cứ cười trừ cho qua. Chứ chẳng hề để bụng, ai nhờ việc chi nó cũng hăng hái làm mà chẳng lấy công. Nên con Nhung thương vì lẽ ấy, mà lại chịu khó làm ăn. Còn chú thím Hai cũng thấy ưng bụng, được đứa con rể như thằng Lâm.

Đến đây chú Hai không kể nữa, mà nhìn ra ngoài trời tối mịt. Chú châm điếu thuốc dòng, rồi kéo một hơi dài. Những đám khói bay lãng đãng bàn nhậu, sau khi chú phà ra ngoài. Chú nói:

– Gió lớn dữ bây, chắc đêm nay mưa to.

Chú nhìn tôi cười, rồi hỏi tiếp:

– Tao kể mày đến đâu rồi?

Tôi đang nghĩ đến chuyện lỡ tối mưa lớn, mà chòi chưa lợp xong. Chắc mấy con gà ướt ráo trọi, chợt giật mình khi nghe chú Hai hỏi:

– Dạ… Dạ! Chú thím ưng bụng thằng Lâm.

Chú Hai uống ly rượu rồi nói tiếp:

– Ờ! Tới đó rồi hén, thôi bữa nào tao kể tiếp. Giờ ra ghe ngủ, chứ kẻo lại mưa.

Thấy gió thổi ngày càng to, tôi nói với ra:

– Chú ngủ lại đây, chứ giông gió thế này ra đó làm chi?

Chú Hai đi xa phía ngoài bờ rào, nói vọng vào:

– Tao quen rồi, lạ chỗ ngủ không được?

Rồi bóng chú cứ thế mà khuất trong đêm tối mịt mù, chú không kể tiếp nhưng tôi thì nhớ đoạn sau câu chuyện thê lương đó. Thằng Bình ăn chơi đàn đúm, bỏ bê việc học. Chú Hai biết được giận lắm, mà không nói được. Chú sợ lại xấu mặt với thiên hạ, vì lúc nào cũng đi khoe con mình luôn tài giỏi hơn người. Rồi cả chuyện là cháu đích tôn của dòng họ nữa chứ, thằng Bình nó xin tiền làm ăn với bạn. Chú Hai cũng cho tiền, mà có thấy ra trò trống chi đâu. Biết bao nhiêu tiền của đã đổ dồn cho thằng Bình, có lần nó về kêu chú Hai cho thêm tiền. Chú nói hết tiền rồi, nó gạn hỏi rồi kêu chú bán đất. Vì thương con, mà chú trần trọc đêm khuya không ngủ được. Thím Hai thấy trong lòng bất an, nên hỏi chú:

– Mình định bán thiệt à? Miếng đất hồi đó mình hứa cho vợ chồng con Nhung mà.

Chú Hai ngồi châm điếu thuốc, rồi nhìn ra cửa sổ gió khuya thổi hơi lạnh. Chú nói:

– Thôi! Bà cứ để tôi tính, việc không phải của bà.

Thím Hai nằm trên giường, mắt nhắm lại mà giọt lệ cứ tuôn ra. Thím thấy buồn lòng, vì câu nói như sát muối của chú Hai. Mà thấy tội cho con Nhung, đến giờ đã có chồng mà cũng không được chia thứ chi. Trong khi đó thì thằng Bình, phá gia tài hết lần này đến lần khác. Thấy mà chua xót lắm, làm sao mà không hờn không trách cho được.

Rồi thằng Bình ôm hết số tiền bán đất, mà đi biệt tăm mấy năm không về. Chú Hai thì chờ ngóng tin con, mà người thờ thẫn tóc bạc nhiều rồi. Thím Hai đêm nào cũng tụng kinh, muốn cầu bình an cho gia đình. Nhất là thím Hai lo cho thằng Bình, không biết đã đi đâu mà biệt tin không về. Mọi thứ trong nhà, điều do một tay vợ chồng con Nhung lo hết. Tuy nhà ở tận xóm trên, nhưng ngày nào cũng chạy xuống nhà nấu cơm cho chú thím. Sự hiểu thảo của vợ chồng con Nhung thì có tiếng ở làng, mà ai cũng tấm tắc khen. Còn nhắc đến thằng Bình, thì người ta chỉ biết thở dài cho qua chuyện.

Mấy bữa con Nhung đi chợ, Dì Tám bán thịt ngoài chợ hỏi:

– Có tin tức gì thằng Bình chưa con?

Con Nhung nghe xong, lắc đầu thở dài:

– Chưa dì Tám, tía má con lo cho nó lắm.

Người xưa có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, chứ ở chợ người ta bàn tán nhau. Là do chú Hai nuông chiều thằng Bình, nên giờ nó mới sinh hư hỏng. Cũng là vì chú muốn bù đắp tất cả mọi thứ cho thằng Bình, phải chịu cảnh mồ côi má từ lúc đỏ hỏn. Phần nào đó muốn an ủi vong linh của má nó, được an lòng nơi chín suối.

Con gái của vợ chồng con Nhung được ba tuổi, chú thím Hai có cháu ngoại để bồng. Phần nào cũng thấy an ủi lúc về già, chứ giờ cũng không trông chờ thằng Bình về nữa. Cứ tưởng giông bão qua rồi, bữa đám giỗ thím Hai lớn. Thằng Bình lại về, cả nhà mừng lắm. Cũng đâu nhớ chuyện cũ làm gì, thằng Bình nằm trên võng đưa tòn ten qua lại. Chú Hai với thím ngồi uống trà chiều, chú hỏi:

– Lần này về nhà luôn đi con? Mày đi hoài tía thấy lo lắm.

Thằng Bình trông nay gầy lắm, tóc tai rũ rượi. Hốc mắt sâu mà nhìn thẫn thờ lắm, nó nói:

– Về thắp nhang cho má, rồi mai tôi đi.

Nghe thằng Bình nói mà thím Hai thấy chạnh lòng quá, chú Hai thì cứ hút thuốc liên hồi. Tối con Nhung bồng cháu qua nhà chơi, thằng Bình hỏi dăm ba câu rồi bỏ lên nhà trên. Ai nào ngờ, thằng Bình lén vào phòng cạy tủ lấy tiền. Thím Hai chợt bước vào thấy, liền la toáng lên. Nó đẩy thím té đập đầu vào cạnh giường, thím bất tỉnh. Chú Hai với con Nhung chạy lên thì thằng Bình cầm con dao đe dọa:

– Ai vào là tôi đâm đó, nghe chưa?

Chú Hai giận tím người, nhào vào giằng co với nó. Chú nắm cổ áo nó, mà chửi bới:

– Thằng mất dạy! Mày muốn giết tía mày à? Trời ơi là trời, thứ bất hiếu.

Rồi chú Hai tán nó hai bạt tay, mặt nó nóng lên. Mắt nó trố ra nhìn chú, răng nó nghiến lại. Tay cầm con dao vung lên định đâm chú Hai, con Nhung thấy vậy chạy tới đẩy chú Hai ra. Mà con Nhung lãnh trọn nhát dao chí mạng của thằng Bình, ngã xuống đất. Thằng Bình hoảng quá chạy ra ngoài, mấy tờ tiền chưa kịp lấy đã dính đầy máu trên sàn nhà. Chú Hai không đứng nổi, tay chân run rẩy. Lét ra cửa mà la toáng lên, người ta nghe tiếng chó sủa rộ lên từ phía nhà tường sang trọng. Họ dắt nhau chạy tới thì thấy cảnh tượng tang thương, con bé Ngân ngồi bệt dưới sàn nhà khóc. Người ta báo cho thằng Lâm biết, nghe tin nó hớt hơ hớt hải chạy xuống. Lúc đến, con Nhung được đưa lên xe cấp cứu. Thằng Lâm chân tay bủn rủn, đầu óc thì rối bời. Nhảy lên xe cấp cứu ngồi cạnh bên, nó nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của con Nhung. Xe chạy đi được một đoạn, con Nhung tỉnh lại. Thằng Lâm khóc, nói lắp bắp:

– Nhung! Ráng lên em, không sao rồi mà.

Con Nhung mở mắt nhìn nó, mà cố gượng dậy muốn nói gì đó, mà không thể thành tiếng. Thằng Bình chỉ nghe đúng một từ:

…!

Chắc là nó gọi con Ngân, rồi con Nhung trút hơi thở cuối cùng ra đi, bàn tay nó tuột hẳn tay thằng Lâm mà rơi xuống. Thằng Lâm đau điếng cả người, tan nát hết tận cõi lòng, mà kêu tên con Nhung trong tuyệt vọng. Cô y tá ngồi đối diện trên xe, thấy nước mắt con Nhung chảy xuống. Mà người ta nghẹn lòng, không kìm được nước mắt mà phải khóc theo. Sao cuộc đời lại nghiệt ngã, gieo chi oan trái đau buồn thế này cho đành cơ chứ.

Đám tang của con Nhung, người ta nhìn thấy thím Hai ôm lấy quan tài của con. Mà người thờ thẫn, nước mắt chắc đã chảy ngược vào trong lòng hết cả rồi. Ánh mắt của thím giờ vô hồn, cái nhìn xa xăm đầy oán hờn tủi phận. Thằng Lâm đội khăn tang ôm đứa con gái ngồi một góc, con bé  khóc oà lên. Người ta đến thắp nhang cho con Nhung, mà đau như đứt từng đoạn ruột, nhìn thấy mà chạnh lòng lắm. Chú Hai lặng người xuống, không nói nên lời. Chắc chú tự trách bản thân, đã đối xử tệ bạc với con Nhung. Để rồi, dung túng cho thằng Bình gây ra thảm kịch tang thương thế này. Thật là oan nghiệp của cuộc đời, đã cướp đi mạng sống của đứa con gái hiếu thảo.

Sau đám tang, thím Hai bỏ lên chùa. Xin được nương nhờ cửa Phật, xuất gia đi tu. Để quên đi cái khổ hạnh của trần ai, đã làm nát cõi lòng của thím từ bấy lâu nay. Ngày ngày thím niệm kinh, để cầu trời xanh có chứng giám. Đưa đường chỉ lối cho vong hồn con Nhung được siêu thoát. Còn thằng Bình bỏ trốn, đã bị công an bắt rồi đem ra xét xử kết án tử hình, vì tội cố ý giết người và cướp giật tài sản. Âu cũng là cái nghiệp nó gieo, thì phải trả hết cho đời. Chỉ tội cho những người thân trong gia đình của nó, từ đây phải biệt ly, âm dương đôi đường cách biệt bi thương.

Chú Hai buồn rầu, không muốn sống ở mảnh đất này nữa. Nên giao hết lại cho thằng Lâm, mà bỏ xứ đi vào tận miệt này. Chú sống trên chiếc ghe nhỏ, lênh đênh trên những ngã ba sông, rồi có khi bơi vào con rạch ở miết trong đó. Ấy mà, cũng đã được hơn hai mươi năm rồi. Nhưng bao nhiêu đó, cũng không làm chú quên được cảnh tượng tang thương năm xưa. Chắc chú tự trách bản thân mình dữ lắm, tóc nay đã bạc trắng rồi mà nỗi đau thì vẫn còn đó. Luôn hiện hữu trong tâm trí, làm tim chú Hai lại nhói đau, mỗi khi trời trở lạnh.

Trưa đang lợp cái chòi, chú Hai nói:

– Sáng mai, mày theo tao về quê hén?

Tôi ngạc nhiên bởi câu nói của Chú, vì hồi đó giờ đâu khi nào chú nói chuyện về quê. Tôi đang kéo mấy tàu dừa nước, quay sang hỏi:

– Mần chi vậy chú?

Chú đứng trên ghế, tay đang buộc đầu cột. Chú im lặng hồi lâu, rồi nói tiếp:

– Đám giỗ con Nhung.

Tôi nhìn thấy mắt chú rưng rưng, tôi vội gật đầu trả lời:

– Dạ! Mai chú cháu mình bắt xe đi sớm nghen.

Chú bước xuống ghế, nhìn ra con rạch nước đang lớn dần. Mà như thể đang suy nghĩ chuyện gì đó, tôi vội kêu chú vào ăn cơm bởi quá giờ trưa.

Sáng hôm sau, tôi với chú đi sớm. Đến chiều xế xe cũng đến nơi, vì xe chỉ dừng ở đường lớn. Tôi với chú đi bộ một đoạn vào đường nhỏ, Chú nói:

– Giờ thay đổi nhiều quá, đi hết đoạn này rồi đến.

Đi đến đầu ngỏ tiếng chó sủa rần rần, thằng Lâm ngó ra nhìn. Thấy chú Hai đi tới, nó mừng lắm gọi lớn:

– Trời ơi! Chú Tư ơi? Tía con về kìa.

Chú Tư với chú Bảy nhổm ghế đứng dậy bước ra. Thằng Lâm ra ôm chầm lấy chú Hai, mà nó khóc nức nở.

– Tía…! Con với cháu nhớ tía lắm, tía về ở nhà luôn nghen.

Chú Hai nghẹn ngào không nói nổi nữa, ai ở đám giỗ cũng không kìm được nước mắt. Chú Bảy lau nước mắt, rồi nói:

– Mày về là mừng rồi Hai.

Chú Hai bước vào nhà, thắp nhang cho gia tiên xong. Cầm cây nhang lại bàn thờ con Nhung mà chú đứng hồi lâu. Tôi thấy nước mắt chú tuôn trào, chú đã khóc thành từng tiếng. Tôi cũng thấy chạnh lòng, mà xót xa lắm. Rồi chú Hai hỏi thằng Lâm:

– Con Ngân đâu rồi Lâm?

Thằng Lâm trả lời:

– Dạ! Vợ chồng con Ngân sáng mai về tía.

Chạng tối hôm đó, chú Hai với thằng Lâm ra thăm mộ con Nhung. Mà chú cứ tự trách mình, đã hại chết con gái, rồi thấy có lỗi với thím Hai. Chú ôm mộ con mà bật khóc, gió bấc thổi về như tiếng kêu ai sầu ai thán, cho một cuộc bể dâu lắm nỗi trần ai. Mà ai đã gieo nên tội tình, cho ra cơ sự đau buồn. Tôi nghe mà thấy đau nhói ở tim, bởi thương cho một kiếp người tàn canh. Người ta cứ nói sau giông bão, trời lại sáng. Thì trời sẽ sáng chứ, mà còn trong xanh hơn nữa. Nhưng có ai biết chăng, vết thương lòng thì người sẽ mang cho đến tận cuối đời. Hãy ơi! Đoạn sầu ai thán.

L.H.K