Đoạt giải Nobel năm 17 tuổi, cô gái “vượt cửa tử” truyền cảm hứng cho hàng triệu người

228

Năm 14 tuổi, Malala Yousafzai bị bắn vào đầu nhưng may mắn sống sót. Ở tuổi 17, cô trở thành người trẻ nhất đoạt giải Nobel vì những nỗ lực thúc đẩy quyền giáo dục cho trẻ em gái.

“Một bông hoa” khác biệt

Malala sinh năm 1997 trong một gia đình trung lưu tại quận Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan.

Thông thạo tiếng Pashto, tiếng Urdu và tiếng Anh, Malala chủ yếu được giáo dục tại nhà bởi cha cô – một nhà hoạt động giáo dục và điều hành một chuỗi trường tư thục.

Chính cha là người khuyến khích Malala trở thành một chính trị gia. Ông gọi con gái mình là “một điều hoàn toàn khác biệt” và cho phép cô thức đêm để thảo luận chính trị với ông.

Năm 11 tuổi, Malala bắt đầu đấu tranh cho quyền giáo dục. Trong một buổi nói chuyện với câu lạc bộ báo chí địa phương, cô dõng dạc phát biểu: “Tại sao Taliban dám tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục của tôi?”.


Malala Yousafzai

Năm 2009, Taliban cấm các bé gái ở quận Swat đến trường. Mong muốn chia sẻ với thế giới những thách thức thường nhật cộng đồng mình đối mặt, Swat bắt đầu viết blog tiếng Urdu cho đài BBC với bút danh Gul Makai.

Thông qua blog của mình, Malala Yousafzai lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ giáo dục cho trẻ em gái và lên tiếng phản đối những hạn chế của chính quyền Taliban.

Những bài viết và hoạt động tích cực của cô đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Malala Yousafzai dần trở thành biểu tượng của sự phản kháng chống lại sự áp bức của Taliban.

Thập tử nhất sinh

Malala trở thành mục tiêu cho những lời đe dọa, công kích trên cả mạng xã hội hay tận cửa nhà cô.

Theo một số nguồn tin, trong một cuộc họp vào mùa Hè năm 2012, các thủ lĩnh Taliban nhất trí lên kế hoạch giết hại cô. Yousafzai lúc đó mới 15 tuổi.

Ngày 09.10.2012, một tay súng Taliban đeo mặt nạ leo lên xe buýt, chĩa súng vào một nhóm nữ sinh và hét lên: “Ai trong số các người là Malala? Nói nhanh, nếu không tao bắn hết”.

Malala bị bắn xuyên vào đầu. Cô được trực thăng đưa đến một bệnh viện quân đội ở thành phố Peshawar.

Cuộc phẫu thuật 5 giờ đồng hồ đã thành công, viên đạn găm gần tủy sống được gắp ra, Malala thoát chết.

Vụ ám sát bất thành đã kích động một làn sóng tức giận trong người dân Pakistan và dư luận thế giới. Các cuộc biểu tình phản đối được tổ chức tại một số thành phố của Pakistan.

Hơn 2 triệu người Pakistan đã ký vào bản kiến nghị của chiến dịch “Quyền được Giáo dục”, dẫn đến việc phê chuẩn Dự luật Quyền được Giáo dục đầu tiên ở quốc gia Nam Á này.

“Đây là cuộc sống thứ 2 của tôi”

Sau vụ việc, cuộc sống của Malala rẽ sang một trang mới. Cô đối mặt với lựa chọn: rút lui để an toàn hoặc tiếp tục đấu tranh.

Cô gái dũng cảm đã chọn bước tiếp. “Tôi đã đối mặt với cái chết. Đây là cuộc sống thứ hai của tôi. Nếu sợ, tôi đã không thể tiến về phía trước”, Malala khẳng khái nói.


“Hãy giương cao quyển sách và cây bút chì. Đó là thứ vũ khí uy lực nhất của chúng ta”

Năm 2012, Malala nhận được Giải thưởng Hòa bình Quốc gia cho người trẻ của Pakistan và Giải thưởng Sakharov (giải thưởng nhân quyền của Liên minh châu Âu).

Năm 2013, cô đồng sáng lập Quỹ Malala nhằm ủng hộ tài chính cho các sáng kiến giáo dục cũng như hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn ở các quốc gia đang phát triển. Cô cũng phát hành cuốn sách bán chạy thế giới “I am Malala” (Tôi là Malala).

Năm 2014, Malala nhận giải Nobel Hòa bình. Ở tuổi 17, cô là người trẻ nhất từng đoạt giải Nobel.

Năm 2015, cô là nguồn cảm hứng cho bộ phim hoạt hình được đề cử giải Oscar “He Named Me Malala” (Người ta gọi tôi là Malala).

Thời báo Times bình chọn Malala là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới vào ba năm liên tiếp 2013, 2014 và 2015.

Năm 2020, Malala Yousafzai tốt nghiệp Đại học Oxford với bằng cử nhân Triết học, Chính trị và Kinh tế.

Kể từ đó, cô đã tiếp tục hoạt động tích cực và vận động chính sách thông qua Quỹ Malala, cũng như các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy giáo dục và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu.

Theo Bảo Huy/Vietnamnet