Bầy voọc trả ơn – Truyện ngắn của Hồng Chiến

388

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau một ngày vào rừng sâu hái thuốc, khi quay về được nửa đường, trời tối H’Chi phải làm lều tạm bên gốc cây mít rừng ngủ qua đêm. Tuy mới mười ba tuổi, nhưng chuyện đi rừng, ngủ rừng là chuyện thường ngày như cơm bữa vậy thôi. Những lần trước có ami(1) đi cùng vui hơn. Lần này vì có nhiều người đau quá nên ami phải ở nhà chăm sóc họ, H’Chi đi vào rừng một mình, tự lo liệu tất cả.

Tác giả Hồng Chiến

Bữa tối chỉ còn ít cơm mang theo ăn với quả cây rừng, cũng tạm ổn. Công việc cuối cùng rước khi ngủ, phải chặt một đống củi lớn chất cạnh lều để đốt cả đêm vừa tránh rét, xua muỗi, vừa để phòng thú dữ. Lũ thú rừng sợ lửa lắm, dù đó là voi hay hổ, báo…

Rừng đêm thỉnh thoảng trở mình kêu răng rắc khi có gió thổi qua rồi lại lặng im như che dấu nỗi niềm thầm kín, bí hiểm. Xa xa, thỉnh thoảng vọng lại tiếng kêu của lũ chim ăn đêm đáng ghét – loài chuyên bắt thú nhỏ ăn thịt, làm cho khu rừng thêm rùng rợn. Chất thêm mấy cây củi vào đống lửa cháy bùng lên, H’Chi thầm nghĩ: Chắc giờ này cả nhà đang quây quần bên bếp lửa nghe aduon (2) kể khan(3);  không biết có ai nhớ mình không nhỉ? Giờ này có trái bắp, hay củ khoai mì vùi vào bếp một chốc chín mang ra ăn thì ngon lắm đây.

Ngồi ngắm ngọn lửa một lúc, mắt đã như muốn sụp xuống, cơn buồn ngủ kéo đến. Có lẽ đi cả ngày tìm thuốc trong rừng nên giờ mới thấm mệt, đặt lưng xuống lớp lá cây rãi trên nền đất một lúc H’Chi thiếp đi lúc nào không biết.

Bỗng có tiếng “bịch” khá lớn làm H’Chi giật mình ngồi bật dậy. Cái lạnh của rừng già nửa đêm về sáng như có hơi nước đá phả vào mặt. Bếp lửa được chất thêm củi, gió thổi cháy bùng lên thành ngọn soi sáng cả những gốc cây ở gần. H’Chi thoáng giật mình khi phát hiện ra một đống gì to như chiếc bao tải, sáng óng ánh, cách không xa đống lửa. Nhìn kĩ giống như có con trăn lớn đang quấn con gì thì phải. Có lẽ tiếng động làm mình tỉnh giấc chính là tiếng rơi của con trăn này từ trên cây mít xuông đây! Tay cầm xà gạc(4), tay cầm thanh củi cháy rừng rực bước ra xem. Đúng thật, một con trăn thân to chắc phải bằng bắp đùi đang quấn con mồi kín mít, thân co thắt theo từng nhịp một như người ta xoắn dây buộc cây. Yang(5) cho mình đây, H’Chi nghĩ và vung xà gạc lên… Lát chặt của xà gạc chỉ cần vừa đứt một đốt xương sống thôi, con trăn sẽ bị liệt không đi được nữa, lúc ấy muốn ăn khúc nào cắt khúc ấy đặt lên bếp than hồng kia nướng ăn thì tuyệt vời lắm.

Người Êđê biết, đối với loài trăn từ bộ da đến mỡ, thịt, gan, mật… đều là những vị thuốc có thể sử dụng chữa bệnh cứu người. Ami dạy mật trăn tốt hơn mật gấu – vì mật gấu dùng chữa trị bị té ảnh hưởng đến xương cốt, còn mật trăn chữa trị được các bệnh đường ruột, gan và lúc cần có thể thay được cả mật gấu chữa trị rạn xương, nhưng phải dùng liều lượng nhiều hơn. Con trăn này chắc phải trên ba chục kí, nếu lấy mỡ cũng phải đầy xoong. Nhưng giữa rừng thế này, gùi đầy cây thuốc làm sao mang nó về được nữa? Ăn không hết, mang không được bỏ lại thật lãng phí, thôi để giành vậy. H’Chi bỏ xà gạc xuống giơ cây củi đang cháy dí sát vào đuôi con trăn. Bị lửa đốt nóng quá, con trăn không chịu được, vội buông con mồi, uốn thẳng người, bỏ chạy để lại xác con voọc.

H’Chi kéo con voọc lại bên bếp lửa. Con voọc khá nặng, chắc phải đến hơn chục kí. Tay chân nó còn ấm, con tim nhỏ nhoi trong lồng ngực vẫn thoi thóp đập. Loại voọc này lạ quá, toàn thân lông đen, đến da mặt cũng đen thui như quét nhọ nồi, chiếc đuôi khá đặc biệt, dài hơn cả thân mình, lông dày và xù ra như đuôi loài chồn. Phải cứu nó vậy – H’Chi tự nhủ, lấy một nắm lá trong gùi bỏ vào miệng nhai nát, cạy miệng voọc phun vào; xong dùng hai tay làm hô hấp nhân tạo, xoa nhẹ hai bên ngực giống như cấp cứu người bị ngạt. Một lát nó từ từ mở mắt, hai con mắt đen láy ngơ ngác nhìn như không nhận biết được cảnh vật xung quanh. Sau lúc sơ cứu và uống nước lá H’Chi nhai, nó có vẻ tỉnh lại, đưa mắt nhìn xung quanh như tìm kiếm điều gì. Đặt con voọc ngồi tựa vào cây củi gần bếp lửa, nhìn giống em bé ngồi sưởi trông thật dễ thương. Chắc cu cậu ngủ trên cây mít bị trăn bò lên tóm được.

 Loài voọc bao giờ cũng sống theo bầy đàn, di chuyển bằng cách đu mình từ cành này sang cành khác, hạn hữu lắm mới xuống mặt đất. Không biết bầy ở đâu mà nó bị lạc thế này? H’Chi tự hỏi và đi ra khỏi lều ngước mắt nhìn lên ngọn cây mít cao tít tắp, tối om, không phát hiện ra điều gì khác lạ. Quay vào lục gùi lấy thêm mấy chiếc lá nhai nát nhét vào miệng voọc. Voọc như cảm nhận được ân nhân cứu mạng, ngoan ngoãn nuốt, đôi mắt nhìn như cảm động lắm. Vỗ nhẹ lên đầu nó, H’Chi bảo:

– Ngoan nào, nghỉ một chút lại sức, sáng mai tìm về với đàn nhé.

Như hiểu tiếng người nó cố đưa hai chiếc tay dài quá cỡ nắm váy H’Chi kéo lại gần. Bàn tay voọc giống tay người, cũng có bốn ngón dài một ngón ngắn, cuối mỗi ngón tay đều có móng đen sì. Mu bàn tay có một lớp lông dài bao phủ, còn lòng bàn tay không có lông, da nhăn nheo. Bàn chân ngắn bằng độ một ngón tay, song năm ngón chân dài bằng cả bàn chân có móng như móng tay. H’Chi ngồi ngắm bếp lửa chờ sáng. Con voọc ngồi sát bên, hai tay nắm lấy vạt áo như sợ bị H’Chi bỏ đi mất.

Xa xa tiếng một con gà rừng cất lên như bắt nhịp cho dàn đồng ca của cả cánh rừng vang lên rộn rã: Ò, ó, o! Ò, ó, o! Bầy bồ chao ngủ trên cây bên cạnh thức giấc cũng cất tiếng trò chuyện rôm rã như họp chợ. Các gốc cây ở gần bếp lửa đang từ từ bước ra khỏi bóng đêm, có thể nhận ra chúng khi độ xa khoảng chục mét. H’Chi gỡ tay con voọc, bảo nó:

– Ngồi yên cho chị đi dọn đồ nhé! H’Chi đứng dậy mở ni lông gấp lại, nó hình như cũng biết nên lạch bạch chống tay lết theo.

***

– H… ú!

Tiếng hú đột ngột vang lên ngay trên ngọn cây mít, liền ngay đó như có một trận cuồng phong tràn qua, các cành cây mít lắc lư dữ tợn, hàng loạt tiếng hú đồng thanh cất lên. Bóng các chú voọc bay loang loáng từ cành này qua cành khác. Ồ, bầy voọc ngủ ngay trên đầu mình – H’Chi ngạc nhiên thích thú thầm reo lên. Đêm qua con trăn chắc tìm đến sau khi mình đã ngủ. Bầy Voọc ngủ trên cây không biết trăn đến nên bị bắt mất một con mà cả đàn đông vậy vẫn không biết; hay chúng biết nhưng sợ quá không dám di chuyển trong đêm? Chỉ bọn chúng mới biết, mình chịu, không giải thích nổi.

 Bầy voọc như một dàn diễn viên xiếc biểu diễn, vừa quăng mình từ cành này qua cành khác chỉ dùng có hai tay treo người như chơi xà đơn vậy. Có con nghịch ngợm bay sát qua đầu làm tóc H’Chi bay theo.

– Mày khỏe rồi, về với bầy đi!

H’Chi dắt tay con voọc đặt vào gốc mít, chỉ lên ngọn cây. Cả đàn voọc đang hò reo, nhãy nhót trên đó. Con voọc không chịu đi nó quay lại túm lấy váy H’Chi, mắt như có nước.

– Chắc đói không đi được hở?

H’Chi nhặt quả mít chín vừa rụng trên cây xuống, bóc đôi lấy một múi vàng ươm, thơm phức to bằng ngón tay cái, đặt vào mồm nó. Nó ngậm, không ăn, mắt nhìn như van lơn.

– Ăn đi. Tao ăn cho mày bắt chước nhé!

Bóc thêm một múi bỏ vào mồm nhai, nước mật ngọt, thơm trào đầy miệng. Không ngờ cây mít này trái ngon đến vậy.

-H… ú! H… ú! H… ú!

Cả bầy voọc bổng nhiên lại đồng loạt hú lên in ỏi, nhảy loạn xị trên ngọn cây mít. H’Chi chưa kịp hiểu gì xảy ra trên ấy thì… bịch! Một trái mít chín rụng ngay sát chân, liền ngay sau đó một cơn mưa quả mít chín nhè người H’Chi rơi xuống. Bếp lửa cháy suốt đêm, than nhiều là vậy bổng nhiên bị lấp đầy mít, tắt 1ngấm, khói mù mịt. H’Chi chạy xung quanh gốc cây, bầy voọc thích thú vặt mít ném theo. Có điều lạ, toàn quả chín nên quả nào rơi đúng người cũng không đau lắm. Chắc các quả chín chúng vặt hết nên không ném nữa. H’Chi chạy mấy vòng mệt quá, ngồi tựa gốc mít thở; áo, váy dính đầy xơ mít. Con voọc chạy lại gỡ mấy cọng xơ mít dính trên tóc khéo léo như người.

– Mày đi đi, lên với đàn của mày, nhanh lên.

H’Chi cầm hai bàn tay nó đặt vào gốc mít, chỉ lên trời nói thêm:

– Tao sợ đàn chúng mày cảm ơn lắm rồi!

Chắc bầy voọc thấy H’Chi bóc mít ăn, nên chúng rủ nhau hái mít chín “tặng” đấy. Cách tặng theo kiểu voọc thế này nếu chạy không nhanh có thể bị thương như chơi. Loài này khôn thật, chúng hiểu được và biểu lộ tình cảm như người, quyến luyến không muốn bỏ đi – H’Chi nhủ thầm.

***

Trời sáng, cành cây, hòn đá ở xa có thể thấy rõ. H’Chi khoác gùi, cầm xà gạc lên, con voọc đang bám gấu váy nhìn thấy cây xà gạc vội vã bỏ chạy, ôm gốc cây gần đó, leo tít lên ngọn, ngó xuống.

– Chúng mày ở lại tao về nhé!

Vừa bước đi, H’Chi vừa giơ tay vẫy chào đàn voọc đang đứng trố mắt nhìn xuống. Thấy H’Chi bước đi, bầy voọc cuống quýt chuyền cành đuổi theo, vừa đánh đu vừa kêu ầm ĩ vang động cả cánh rừng. H’Chi đến đâu bầy voọc đu theo đến đấy, chúng tạo thành một đội quân đông đảo bảo vệ H’Chi ngay sát trên đầu. Cả bầy lớn nhỏ phải đến gần trăm con cứ luẩn quẩn đuổi theo không chịu quay vào rừng. Thôi được cho chúng mày tiễn chân tao đến bìa rừng, ra ngoài kia toàn đồi cỏ tranh chắc phải quay lại thôi – H’Chi tự nhủ rồi cắt rừng bước đi, bầy Voọc vẫn ào ào đuổi theo trên đầu.

H.C

Chú thích:

  1. Ami: má – tiếng Êđê.
  2. A duon: bà – tiếng Êđê.
  3. Khan: chuyện cổ truyền miệng của người Êđê.
  4. Xà gạc: dao dùng đi rừng, làm rẫy của người Êđê.
  5. Yang: thần linh – tiếng Êđê.