Đọc Đường về Quán Văn của nhà báo Lương Minh

1469

Dung Thị Vân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cuộc đời mỗi con người không chi con đường trở về mới là mái ấm gia đình. Bởi người đời luôn có câu gia đình là tổ ấm cho nên dù có đi đâu rồi cũng trở về nhà. Có lẽ đây là câu đã quá cũ kỹ trong nhân gian. Mà người ta còn có câu ví như: “Con mèo trèo cây cột”. Rõ ràng rồi con mèo thì trèo cây cột chứ còn gì. Thiết nghĩ một vấn đề gì đó đã rõ như ban ngày ắt hẳn chúng ta không cần bàn tới làm chi cho người đọc bận lòng.

Hôm nay trong dịp ghé thăm anh bạn lớn trong nhóm. Cuộc gặp gỡ thời dịch bệnh bùng phát lần 2 chúng tôi gặp nhau cũng chỉ trên mươi người. Đúng là từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ có lẽ đây là lần đầu tiên tôi (nói riêng) tôi thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt khi mà đi đâu cũng phải cách xa người và người và luôn qua lớp khẩu trang. Không hiểu bao giờ thì dịch mới ổn trả lại cho chúng tôi một không gian xanh gặp nhau mà không lo sợ lây nhiễm vì virus corona. Cuộc gặp gỡ nhân tiện nhà báo Lương Minh tặng sách, anh vừa ra sách mới với tựa là “Đường về Quán Văn” với bìa sách hết sức độc đáo của nhà báo (mà điều này không cần hỏi tác giả tôi cũng biết chắc một dáng quay đi trên con đường tựa tập sách đó chính là tác giả). Nhưng không hiểu sao cái bìa đẹp trong phong cảnh rất ư là trữ tình trong một màu bìa xanh lá cây lại phảng phất nét buồn buồn. Hay những cuốn sách mùa Covid-19 nó gây cho lòng mình sức tưởng tượng hơi phong phú. Sách dày 252 trang không cộng mục lục do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép in xong và nộp lưu chiểu tháng 7 năm 2020 với giá bìa là 120.000đ. Mặt sau bìa là những câu tóm tắt hay của các tác giả viết về sách “Đường về Quán Văn” của nhà báo Lương Minh như: TS Nguyễn Thị Tịnh Thy, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Hạnh.

Văn nghệ xưa nay là nơi tập hợp những con người yêu văn chương đến với nhau ngồi lại với nhau trao đổi những câu chuyện văn chương và trên trời dưới đất đủ chuyện đông tây nam bắc. Chỉ mục đích vui là chính. Từ những hội thành phố đến các tỉnh thành cộng các câu lạc bộ thơ văn đủ thể loại. Nói chung văn nghệ ai hợp hoặc gần ở đâu thì sinh hoạt ở đó. Nhưng sao nhà báo Lương Minh lại chọn cho mình một tựa đề sách “Đường về Quán Văn”. Không phải mổ xẻ phân tích chi cho dài dòng văn tự. Bởi đó có thể nói là nơi anh sinh hoạt trong rất nhiều sinh hoạt văn nghệ trong suốt quãng đời hành nghề báo của mình anh ngộ ra nó yên bình, nó an lành mỗi khi anh tới đây sinh hoạt (ta tự hiểu nơi đây một nhóm văn nghệ thường xuyên sinh hoạt mà 50% là các cặp vợ chồng không phải ai cũng viết. Nhưng họ đến với Quán Văn là do chồng (vợ) với một tình cảm thiết tha chân tình như anh em trong một gia đình nương tựa nhau về mặt tinh thần và tôi nghĩ anh hiểu Quán Văn chính là nơi văn nghệ mà anh dừng lại thân thương ở đây. Bởi vì sách anh in cũng chính tại nơi đây – tạp chí Quán Văn.

Cuốn sách được tác giả chia ra rất nhiều phần. Phần 1 (Nghề báo và tôi). Có được cuốn sách trên tay các bạn đọc Trôi nổi giữa chợ đời sẽ hiểu về tác giả nhiều hơn đó là những trang anh viết về cuộc đời làm báo viết báo của mình. Cũng như Một thời liều mạng của Lương Minh khi được phân công viết về chứng khoán…

Bạn đọc sẽ hiểu hơn về “Báo xuân được thực hiện như thế nào?”. Nếu như các nhà báo không bật mí ra thì chúng ta không phải nghề báo thì không thể nào thấy hết được nỗi niềm của người viết, người làm, người mua vvv… thượng vàng hạ cám là như vậy. Để hiểu hết chuyện báo xuân được thực hiện như thế nào chúng ta đọc sách anh thì biết. Cái gì cũng “toạc móng heo” ra hết thì ai còn tìm đến sách. Dĩ nhiên trong một cuốn sách mới hay cũ chúng ta vẫn phải tóm tắt như thể nào gọn nhất để người đọc còn tò mò đi tìm sách.

“Thật ra người đọc cũng kén tay viết. Về văn học thì các nhà văn tên tuổi, nhà báo kỳ cựu, về kinh tế thì mấy ông tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài, các giáo sư các trường đại học như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, Trần Văn Thọ…Trong làng, nhà báo, nhà văn thì đông nhưng tìm người viết báo Tết rất là khó. Theo thư ký toà soạn tạp chí KTNN thì các vị giáo sư không thích viết báo, vì viết một bài báo mất nhiều thời gian nhưng chỉ dung được một lần, trong khi soạn bài giảng thì dung được nhiều lần mà thù lao giảng dạy nhiều hơn hơn hẳn viết một bài báo” – (Trích: Lương Minh).

Cái từ truyền thông dường như ai cũng có nghe, nghe như cơm bữa. Nhưng để rõ ràng ngọn ngành thì có lẽ đọc bài của nhà báo Lương Minh chúng ta ít nhiều cũng rõ hơn và như tác giả viết thì “Công ty truyền thông – nghề tay trái của nhà báo”.

“Có lẽ các nhà báo biết rõ thế mạnh của mình là quan hệ nhiều với các doanh nghiệp, giao du dễ dàng với các đồng nghiệp và có khả năng viết các thông cáo báo chí tốt, nên khi muốn ra xã hội kinh doanh, họ đều nhắm đến việc mở công ty truyền thông, quảng cáo.

Chuyện nhà báo làm thêm là chuyện dài nhiều tập, có người mở nhà hàng Karaoke, có người mở công ty cung cấp hoa tươi, nhưng nhiều nhất vẫn là công ty truyền thông, bởi nghề này giống như anh em sinh đôi với nghề báo, có vài chức năng hơi giống nhau: Đưa thông tin đến với người tiêu dùng”. (Trích: Lương Minh).

Nếu như không đọc “Đường về Quán Văn” thì chúng ta người không nghề báo không thể nào biết được những nhiêu khê và nỗi buồn ấp ủ của nhà báo như thế nào. Nhất là mảng báo “Làm báo doanh nghiệp”.

“Ở Việt Nam không biết “báo” doanh nghiệp có từ thời nào, nhưng đến nay thì hầu hết các công ty lớn như ngân hàng Sacombank, Đông Á Bank, Taxi Mai Linh đều có bản tin in 4 màu tuyệt đẹp. Các bản tin đó được một nhóm người thực hiện không khác gì các nhà báo. Thế nhưng, ngày 21/6 họ chưa có được niềm vui của người làm báo”. (Trích: Lương Minh).

Khi nhà báo Lương Minh mê sách từ “nhỏ cho tới già” như thế nào. Muốn biết cặn kẽ niềm đam mê này đương nhiên là chúng ta phải đọc vì tất cả đã được tác giả tóm tắt rất ư là kỹ lưỡng về ý thích của mình cho mọi người đọc.

“Không biết chuyện mê sách có lợi cho tôi những gì, chứ hồi tiểu học trước mắt tôi đã thi rớt đệ thất, học tiếp liên một năm, môn văn cũng không tiến bộ, chỉ có lợi sau này mỗi khi trà dư tửu hậu là được dịp tán dóc mà thôi. (Trích: Lương Minh).

Xưa nay người đời vẫn có câu:” Ăn bữa giỗ lỗ bữa cầy”. Nhưng đối với nhà báo Lương Minh thì “Đi bữa giỗ bổ thêm tư liệu”. Những câu văn đầy dí dỏm và tếu táo như đưa người đọc muốn biết thêm hết nhân vật này đến nhân vật nọ trong bài viết của tác giả mà nhân vật được nhắc nhiều ở đây là nhà văn Sơn Nam.

“Nghĩ lại câu: Đi bữa giỗ lỗ buổi cày với mình hôm nay trật lất. Mình đi bữa giỗ hốt thêm nhiều tư liệu sống về ông già Sơn Nam, để dành đó cho ngày mai”. (Trích: Lương Minh).

Đương nhiên là ai chưa đọc cũng nao nao và muốn biết tại vì sao…

Sách “Đường về Quán Văn” phần 1 nói về Nghề báo và tôi của tác giả là mục “Xa quê lại nhớ đến dừa”. Tôi hơi ngạc nhiên khi đọc xong đoạn viết dừa. Vì cứ nghĩ tác giả yêu quê của mình vô bờ bến. Nhưng đọc xong thì ngược lại tác giả chỉ nhớ đến tất cả các món ăn nấu có nước dừa… a thì ra thế. Mà phải nói là tôi không dám đếm các món ăn ở bài viết này. Cũng may tác giả là đàn ông chứ nếu như đàn bà thì lại bị người đời loại vào hạng “đàn bà ăn quà như mỏ khoét” rồi…

Trên con đường về Quán Văn của nhà báo Lương Minh tôi lại nghiền ngẫm từng trang xem tác giả viết về phần II – NHÂN VẬT. Tác giả xem ra cũng là người chí tình chí cốt với bạn bè. May mắn là tôi cũng cùng trong nhóm Quán Văn với tác giả nên cũng biết ít nhiều về con người cũng như tính cách của anh. Trước mặt mọi người anh thường trầm ngâm suy tư hơn là hoạt náo. Thỉnh thoảng anh dơ máy Laptop ra chụp hình mọi người. Còn thì mặc ai muốn nói gì thì nói. Nhà báo Lương Minh là một người chí tình với bạn bè dường như anh không chỉ trích một người nào hay một nhân vật nào. Đôi khi sự lặng im không nói của anh cũng là một tính cách. Riêng chuyện tình cảm thì tôi không dám phê phán ai vì mỗi người có một số phận riêng mà trời đã dành cho mỗi một con người một con số của Trời riêng mà không ai có quyền lựa chọn. Khi nào nó tới thì tới chúng ta miễn bàn luận chi cho mệt óc.

Nhà báo Lương Minh dường như anh rất thú vị khi viết về nhà văn Sơn Nam về tất cả mọi đề tài và anh cảm được là chỉ có anh khai thác được sức viết của nhà văn Sơn Nam. Điều làm tôi thích thú khi đọc về chuyện ăn tết của nhà văn Sơn Nam.

“…chú biết người ta ăn tết là ngày nào?… riêng ông, mùng một tết cũng đến quán cà phê nhà Truyền Thống Gò Vấp để gặp gỡ bạn bè. Dường như đây là nơi ăn tết thoải mái nhất của ông. Muốn trà có trà, muốn cà phê có cà phê. Bánh mứt thì bạn bè cũng có người mang tới…” (Trích: Lương Minh).

Khi tác giả viết về Nguyễn Hiến Lê tôi rất thích về tính cách của ông về tất cả. Đúng là những nhân vật có tên tuổi người nào cũng có một cốt cách riêng biệt và dĩ nhiên là hay để cho mình học hỏi kinh nghiệm. Tôi thích câu viết này của Lương Minh:” Tuy nhiên, tôi rất thích câu trả lời của ông với một người bạn học ở trường công chánh. Bạn hỏi: Ông học Hán văn hồi nào mà dịch sách Trung Quốc vậy? Ông trả lời, tôi học trong lúc các anh đi nhảy đầm”.

Khi viết về “Thới xuyên – Nhà văn tiền chiến” chỉ xoay quanh mấy cuốn tiểu thuyết đã được tác giả gói gọn vào bài viết. Tôi không trích đoạn được vì tôi thấy đoạn nào chúng ta cũng cần phải đọc thì mới hiểu cặn kẽ về Thới Xuyên nhà văn tiền chiến được nên đành thông qua.

Lương Minh viết về nhà thơ Hồ Văn Hảo mà tôi biết. Đọc xong tôi có cảm giác hụt hẫng và thấy lòng buồn như thế nào khi một người nhận in hay đánh máy bài cho một người mà làm mất bản thảo. Cuối cùng nhà thơ Hồ Văn Hảo mất đi là coi như hết. Đau lòng. Tiếc bao nhiêu thời gian công sức thức hôm dậy sớm để viết mỗi khi cảm xúc là phải viết vội. Đời sao lại có những người vô tâm đến thế là cùng. Tự nhiên tôi thấy đau giùm cho ông nhà thơ Hồ Văn Hảo. Xong lại trấn an mình bằng hai từ số phận. Tôi thực sự tin cho số phận không chi là con người mà đồ vật hay sách vở và những bài viết. Tất cả đều có số phận của nó. Mà số phận là điều đôi lúc con người cũng phải chịu thua. Vì con người chấp nhận cho số phận cũng như về tất cả. Chỉ có ông Trời ông mới quyết định số phận của mọi thứ. Còn thế kỷ 21 này thì ông Trời ơi ông ở đâu không thấy mà chỉ thấy con ma trùng quỷ quái Virus Corona quyết định mọi thứ trên trần đời mà con người có quyền lực cũng phải chào thua (trong khi chờ đợi vac-xin ngừa bệnh).

Mỗi nhân vật một nỗi lòng mà đọc xong không nỗi lòng nào giống nỗi lòng nào. Nhớ dịch giả Nguyễn Minh Tâm đọc xong mà lòng tôi cứ xao xuyến bồi hồi nhớ thương người đã khuất. Đúng là số Trời cho muốn cũng không được chuyện gì đến ắt nó phải đến. Dẫu sao nhà báo Minh Lương không sở hữu được sách của ông do lúc quen biết ông vào thời kỳ quá độ nên muốn có sách của ông như lời ông mời mọc cũng ái ngại vì túi tiền không đáp ứng được lòng thuở đó mà mãi đến bây giờ khi viết về ông nhà báo Lương Minh vẫn cảm thấy quá tiếc những cuốn sách quý của ông. Nhưng dẫu sao Lương Minh cũng có đầy kỷ niệm với ông khi ông còn sống đó cũng là một an ủi…

“Nguyên cẩn học giả thời hiện đại” tới nhân vật này tôi mới biết bằng xương bằng thịt vì anh sinh hoạt trong tạp chí Quán Văn. Không những anh mà cặp vợ chồng anh những lần đi sinh hoạt ra mắt sách hay du lịch thường là hai vợ chồng. Vợ anh Ngọc Anh sống chân thực và tâm lý được các bạn Quán Văn yêu thương trong nhóm. Tôi tâm đắc với câu văn nhà báo Lương Minh viết: ”Trong xã hội chúng ta thường gặp hai loại người:

– Loại thứ nhất học vị cao ngất trời nhưng khi tiếp xúc nhiều lần chúng ta thấy buồn vì họ chẳng có kiến thức gì, toàn là đạo văn và copy của người khác mà không nói rõ ràng để mọi người lầm tưởng là của mình.

– Nguyên Cẩn mà tôi thấy ở trường hợp thứ hai, mới nhìn và gặp cũng bình thường như bao người khác, qua thời gian, qua bài viết mới thấy anh là người biết nhiều ở các lãnh vực, phải chăng anh bị những tiếng hét của các sư tử Bùi Giáng, Phạm Công Thiện mà hốt ngộ và cố tâm chuyên cần khổ luyện”.

Để hiểu về nhà thơ, nhà văn Nguyên Cẩn tài năng này, ta phải đọc hết bài phân tích của Lương Minh trong “Đường về Quán Văn”…

Phạm Công Luận người của Sài Gòn phố đúng là nhà báo viết bài đọc cái tựa là muốn tìm hiểu ngay xem nhân vật đó là ai và những tài năng về con người đó. Mà quả như vậy. Theo như tác giả viết thì Phạm Công Luận nhỏ hơn anh 9 tuổi. Nhưng tác giả nể anh cũng chẳng có gì lạ. Với một người tài năng thì cho dù họ có nhỏ hơn mình bao nhiêu tuổi mình cũng nể và phục tài. Đọc tác giả viết về Phạm Công Luận những ai chưa đọc sách của tác giả thì đều mong cầu trên tay sẽ có sách để đọc.

“Năm 1993, Luận đã đạt giải thưởng Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn thành phố và Nhà Xuất bản Trẻ tổ chức. Từ đó đến nay đã ra 10 tác phẩm, trong đó có quyển ‘Nếu biết trăm năm là hữu hạn’ viết chung với vợ anh là Đặng Nguyễn Đông Vy đã tái bản 17 lần…” – Lương Minh.

Thường khi đọc một số sách cứ tái bản đi tái bản lại là đã gợi cho người đọc tính hiếu kỳ rồi. Huống hồ sách đã tái bản tới 17 lần thật đáng nể dù chưa được đọc hay dở thế nào. Nhưng với góc độ tái bản như thế chắc chắn phải là một quyển sách hay. Đọc tới đây hẳn nhiều người cũng nôn nao được đọc quyển sách trên của tác giả như tôi. Một Sài Gòn được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn đông đã hơn 300 năm.

Đọc NHỚ NGUYỄN BẠCH DƯƠNG tôi động lòng trắc ẩn thương thay một kiếp người âu đó cũng là mệnh bạc của mỗi con người.

“Tang lễ của anh được tổ chức tại chùa, đến viếng anh người ta thấy các danh hiệu của thế gian ban tặng cho anh đều được gỡ bỏ. Không còn nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, cũng không là nhà thơ Lê Trung Hiệp nhà thơ của thiếu nhi. Mà là Nguyễn Kim Dũng tên trong khai sinh. Bạn bè của anh ở Vĩnh Long, Bến Tre đều có về Sài Gòn tiễn đưa đông đảo” – Lương Minh.

Tôi chưa bao giờ biết đến Huế cho nên Huế với tôi chỉ có trong sách vở và trong trí tưởng tượng và luôn nhớ tới câu: ”Huế thơ, Huế mộng, Huế yêu kiều” của ai đó đã viết tôi quên tên… Nhưng cũng có một bài thơ về chủ đề Huế. Thế mới biết trong trí tưởng người làm thơ là những thuật ngữ phù phép biến có thành không, biến yêu thành bạc bội…

Ngày Tết đọc “Trước nhà có cây Hoàng Mai” của Minh Tự, tôi thích nhất đoạn tác giả viết và muốn ghi chép lại như một ý nghĩa bắt buộc chúng ta phải nhớ đến không nhất thiết chi phải là Huế mới phải làm như vậy.

“Ngày mồng một Tết người Huế nhất thiết phải đi nghĩa trang thăm mộ, thắp hương ông bà cha mẹ, sau đó đi chùa, lễ Phật cầu xin cho được một năm an bình. Xong rồi đi đâu chơi thì đi. Tục lệ này không dành riêng cho Phật tử mà cho cả người theo đạo thờ cúng ông bà. Đến nhà nào ngày nay người ta cũng đem bánh mứt, và cả mè xửng, hạt sen ra đãi khách” – Lương Minh.

Đinh Công Tâm độc giả “độc” thời hiện đại, chữ độc luôn ám ảnh và gợi óc tò mò của người đọc. Độc đáo, độc chiêu, hang độc, độc dược, độc nhãn v…v…và v…v… Chữ độc nó khủng khiếp như vậy đó. Nhưng thực sự trong bài viết của Lương Minh nó chỉ mang tính chất độc nhất vô nhị mà thôi. Tôi cũng không tưởng tượng trên thế gian này lại có người mê sách, đọc sách và lùng xục chỉ tìm mua một tác giả mà mình yêu thích. Thậm chí báo đăng đương nhiên có những ô nhỏ và sang trang… nhưng được Đinh Công Tâm cắt dán trên bìa cạt tông một cách trân trọng. Chứng tỏ cái tình của ông đối với nhà văn Sơn Nam ông tha thiết tới mức độ nào. Đọc những điều Lương Minh viết tôi vô cùng cảm phục ông. Đúng chữ ĐỘC như tác giả viết. Một con người để lại một tính cách quá độc đáo mà các bạn đọc bài Lương Minh viết thì sẽ rõ từ A cho tới Z.

Lâm Chiêu Đông xé giấy dán nên tranh, đọc hai từ xé giấy nghe là lạ hay hay sao lại có người tài đến thế… đó là hoạ sĩ Lâm Chiêu Đồng ta hãy nghe tác giả tóm tắt nhận định:

“Nói về thể loại tranh này, hoạ sĩ Lê Triều Điển nói: Chất liệu tranh xé dán (Collage Art) này đã xuất hiện hàng trăm năm trước ở Châu Âu, từ khi ngành ấn loát ra đời, nhưng ở Việt Nam từ trước tới nay chỉ thấy có hoạ sĩ Hồ Hoàng Đài là chuyên về chất liệu này, có lẽ bởi rất nhiều cái khó của nó khi muốn cho ra một bức tranh đẹp. Hỏi Chiêu Đồng quan niệm về cuộc sống, anh trả lời: “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao” – trích: Lương Minh.

Nguyễn Minh Hiệp với kẻ rao giảng tình yêu, ai mà không thích bàn về tình yêu nhỉ, nhất là đọc từ “rao giảng tình yêu” thấy hấp dẫn và có vẻ như dạy đời… Nhưng đọc tôi thấy hơi hụt hẫng vì tưởng sẽ đọc được những câu bàn câu nói hay về tình yêu nhưng thực ra là chẳng có gì là tình yêu cả. Mà chỉ thấy tác giả viết về cuốn sách:

“Sách không thuộc loại du ký, nhưng đọc ta biết được New York với quảng trường Times – nơi được xem là trái tim của New York, biết được làng thế kỷ 17 mang tên Plymouth và thành phố đại học mang tên Urbana – Champaign, nhắc qua bức tường Berlin ở Đức… Trích: Lương Minh.

Những người mê sách đủ loại mê sách mỗi người một ý thích không ai giống ai. Nhưng phải đọc để biết ý thích và sở thích sách của từng người. Nhưng với người mê sách Trần Trọng Quốc Khanh: “Anh cho rằng mê sách bớt thói kiêu ngạo, dạy đời, bớt phê bình, chỉ trích, ganh tị, đố kỵ, ích kỷ. Đọc sách để chấp nhận sự khác biệt, đa dạng, sáng tạo, biết hài hước, lôi cuốn người khác”. (Trích: Lương Minh).

“Đường về quán văn” của nhà báo Lương Minh được chia làm 6 phần kèm phần phụ lục. Riêng phần 1 và 2 đã hơn nửa cuốn sách viết về nghề báo và tác giả cũng như các nhân vật được tác giả yêu thích viết mà tôi đã đọc qua hai phần này. Phần III viết về chợ như tôi đã viết ở trên và thiết nghĩ nên nhắc lại ở đây cho vui. Vì tác giả là nam chứ như là nữ thì đúng là thuộc dạng “ăn quà như mỏ khoét” câu nói truyền khẩu của ông bà cha ta đến nay. Giờ tác giả lại bắt đầu câu chuyện về chợ… ta đọc và xem tác giả đã “lăn lóc ăn hàng” ở bao nhiêu cái chợ như tác giả đã viết. Ô, nhưng dở đọc sách sơ qua không phải là tác giả đi ăn các món ăn như tôi nghĩ mà là tác giả điểm qua tất cả các chợ mua bán những thứ gì. Câu chuyện này được tác giả viết mới đây, viết trong những ngày cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh virus corona viết xong là in ngay.

Nói về chợ ở Sài Gòn thì chưa chắc người ở lâu năm đã nhớ và biết hết những tên chợ lớn cũng như chợ nhỏ hoặc chợ đầu mối và những nơi bỏ hàng sỉ. Phải công nhận Minh Lương viết rành rọt tất cả các chợ trong ngang cùng ngõ hẻm mà thành chợ cũng như thời gian đến nay cũng đã dẹp bỏ và không còn. Đối với tôi đọc được bài viết về tất cả các chợ là một điều thú vị mà tác giả đã ghi rõ mình không cần phải sưu tầm chi cho mệt. Và thú vị nhất là đọc “Chợ hàng không bán” với câu giải thích:

“Hàng bán ở đây khá đặc biệt, toàn là những món mà các công ty chỉ dành để làm quà tặng kèm với sản phẩm, tặng trong những chương trình khuyến mại hay quảng bá thương hiệu…”. (Trích: Lương Minh)

Chuyện thị trường thực ra chỉ là sách và sách. Nào là sách hạ giá, không phải sách cũ, tìm bạn sách. Đọc rất thú vị. Tác giả có một sự hiểu biết bao quát đúng là nhà báo… Chắc anh phải có một cuốn sổ ghi chép chứ làm sao mà nhớ hết. Lưu giữ sách anh viết đó cũng là một tài liệu quý hiếm.

– Thư pháp trên gỗ điêu khắc

– Cuộc chiến giữa các loại đèn trung thu

– Gạo nàng thơm chợ đào

– Loài bò sát ngày càng được ưa chuộng

– Cá kèo tiêu thụ mạnh

Những mục này rất ngắn đã được tác giả tóm gọn cho nên “Đường về Quán Văn” như một cẩm nang tư liệu về tất cả những điều trên mà chúng ta cần đọc để biết và để giữ làm tư liệu.

Tôi đã đọc qua ba phần trong “Đường về Quán Văn”. Tới phần IV của sách Du lịch. Wow nhà báo mà đi du lịch thì chắc hẳn là đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Đọc là vậy nhưng chủ yếu tác giả chỉ viết về đất nước Việt Nam qua mỗi lần đi. Vòng quanh Sài Gòn, các tỉnh miền tây, Đà Lạt, Hà Nội, Tuyên Quang…

Có đọc mới thấy nét văn hoá, ẩm thực… mỗi vùng miền có nhiều cái lạ và hay. Đi du lịch để viết thành sách không phải là điều dễ nhưng với nhà báo Lương Minh thì có gì là khó. Anh viết không thiếu một đề tài nào với sự am hiểu phải nói là số 1 chẳng trách chi nhà báo. Khi đọc sách anh mà viết là viết như để chia sẻ niềm vui với anh mà thôi. Chứ trăm chuyện anh đã tóm tắt hết trong “Đường về Quán Văn” rồi. Mình có viết âu đó cũng chỉ là thừa thãi. Cũng như phần V và VI tác giả đi khắp các chùa và viết nên câu chuyện của mỗi chùa ta đọc cũng có cái hay nếu như mình hay đi chùa hay thích đi chùa mình sẽ đọc và tìm hiểu xem chùa nào có những cái hay chưa biết mà mình muốn tới.

“Chơi cũng kiếm ra tiền” hẳn ai cũng thú vị khi đọc nó. Nhưng chơi là chơi cái gì. Thực ra đó là câu nói hài hước của tác giả cho vui. Như chơi kiểng, nuôi chim, chơi tranh, Chơi vé số kiến thiết cũ… Tựa nào đọc cũng rất ư là thú vị. Thực tài nhà báo Lương Minh am hiểu thật tường tận. Hầu như tất cả những điều gì ở những vùng miền anh đều nắm rất rõ và rất kỹ. Có được một khối óc để viết hết những điều trong “Đường về Quán Văn” như anh không mấy dễ. Và Cuộc đời lăn lộn trên thương trường của nhà báo Lương Minh đã được Duy Khanh phỏng vấn và anh trả lời thiệt vui và dí dỏm:

“Tôi chuyên viết về chứng khoán, ngân hàng là để mưu sinh, vì ở mảng này có nhiều báo cần mình viết. Còn sở thích của mình thì viết về du lịch, chợ búa…” – Lương Minh.

Có thể trong tay bạn chưa có cuốn sách “Đường về Quán Văn” bởi trong cuốn sách này tác giả đã quá tóm tắt mà khi đọc và viết nên cảm nhận của mình lại thêm một tóm tắt chi ly và cặn kẽ hơn hy vọng người đọc sẽ hình dung được ngay quyển sách. Cuốn sách này như một tư liệu mà bạn cũng như tôi cần có trên kệ sách của mình để tìm đọc những mục trong sách khi cần thiết.

Còn tóm tắt về sách thiết nghĩ không còn lời hay nào hay hơn TS Nguyễn Thị Tịnh Thy viết và được nhà báo Lương Minh trang trọng in ở bìa sau sách: “Là một cuốn sách của nhà báo. Đường về Quán Văn cho người đọc vô số thông tin và tư liệu, đặc biệt là về văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Lịch sử, con người, cảnh quan, đời sống, phong tục, dân tình hiện lên sinh động qua ngòi bút giản dị và tấm lòng hồn hậu, chân chất của tác giả Lương Minh. Cuốn sách là sự đúc kết những chuyện của “một thời liều mạng”, theo và yêu nghề làm báo của tác giả, nhưng đồng thời, đó cũng là chuyện đất nước trong những tháng năm có nhiều biến động về kinh tế và văn hoá. Có nhiều thứ đã mất đi, có nhiều thứ đang dần bị thay thế, duy chỉ có thái độ yêu ghét rõ ràng và tôn trọng sự cao thượng là bất biến đối với giá trị làm người, làm nhà báo. Hẳn là bạn đọc sẽ đồng ý với tác giả Lương Minh về đúc kết đó”.

D.T.V