Gã thất tình – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

710

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thời Nghiêu Thuấn, Thành Tây đất Nam Đô rộng mênh mông nhưng không còn ai xa lạ với Lan Đình. Hình như nhắc đến con người từng bị coi là ba trợn mà sở hữu biệt danh nghe mang mang như một huyền thoại văn chương, khiến ai cũng có thể gợi nghĩ đến một không gian Đường thi lung linh vời vợi cách nay trên mười lăm thế kỷ xa lăng lắc. Gần hơn, chỉ âm thanh hai tiếng Lan Đình quen thuộc cũng xui công chúng văn chương mường tượng đến chân dung những kỳ nhân nghệ sĩ tương đồng có nét cá biệt như: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn… Nghĩ cặn kẽ hơn, đẳng cấp lập dị khác biệt của Lan Đình so với ba kỳ nhân nghệ sĩ kia chắc chắn có phần vượt trội vì hắn ta xứng đáng trăm phần là một gốc si cổ thụ thuộc hạng siêu trong đại ngàn chữ nghĩa. Do vậy mà nhiều người không chút đắn đo gọi hắn ta là một gã thất tình.

Nói đến Lan Đình, ai nấy cũng có thể hình dung ra trước tiên cái dáng dấp con người ốm yếu, sức lực trói gà không chặt của một chàng bạch diện thư sinh. Nhưng bù lại trên khuôn mặt trắng trẻo hình ô voan pha chút nữ tính, kề hai bên trên sống mũi dọc dừa là hố mắt sâu rực sáng đậm chất suy tư – đôi vực mắt thăm thẳm trong đó ẩn các đồng tử long lanh khiến chàng nhìn ai là như muốn hớp hồn người đối diện trước mặt. Lồng quyện trong cử chỉ và thái độ dịu dàng của Lan Đình là giọng nói trong trẻo, từ tốn, rõ ràng mà không kém vẻ thuyết phục. Ai gặp chàng chỉ một lần cũng không thế nào quên nhắc đến kẻ thất tình với lòng vu vơ tiếc nhớ lạ kỳ.

Mối tình đầu hồn nhiên nở sớm trong đời cậu bé Lan Đình là mối tình đèn sách dù nó chưa tới tuổi cùng các bạn nhỏ đến học sơ đẳng ở trường làng.

Không gian vườn tược miền quê vào những buổi trưa yên ả như ngủ yên trong giấc mộng triền miên. Những thân cau vút trời, hàng dừa  vạm vỡ cao xỏa chùm tóc xanh, vươn mình lên khoảng trời mênh mông thỉnh thoảng chao mình xào xạc trước cơn gió nhẹ thoảng qua từ con sông quê tư mùa lặng sóng. Trong lúc ngoài hiên nhà sau, mẹ đang hì hục sắt chuối cho lợn ăn, cha Lan Đình ngồi trên võng vá lại mấy chiếc lục gác cu. Thằng bé không ngủ trưa, lúi húi một mình dưới đất giữa nhà, miệng ê a ra vẻ say sưa trước chồng sách vở của các chị. Mắt nó nhìn đăm đắm những trang sách “Luân lý giáo khoa thư” với những  trang chữ li ti với hình ảnh đậm đặc dù nó chưa biết chữ nào. Thấy con trai có biểu hiện ham học, say mê sách vở không có hại, cha mẹ Lan Đình nhìn nó cười thầm trong bụng nhưng cũng để yên cho nó chơi với chữ nghĩa và sách vở văn chương.

Lan Đình giỏi lắm. Để ba mẹ cho con đến trường học cùng các bạn nhé.

Bắt đầu vào học lớp Năm (nay là lớp Một) cho tới lớp Ba, cậu bé Lan Đình luôn là một học sinh giỏi được phê thật giỏi về học tập và thật tốt về hạnh kiểm. Trong trường lớp, nó luôn được thầy cô giáo hết mực yêu thương và bạn bè quý mến, giúp đỡ vì nó không bao giờ làm phật lòng bạn học.

Thấy con chăm chỉ học tập, đã thật xuất sắc các môn lại có biểu hiện say mê thơ văn và hội họa, bác chín Hậu trong lòng bắt đầu vừa mừng cũng vừa lo ngại. Bác nghĩ, xưa nay hầu hết văn nghệ sĩ dù nổi tiếng, cuộc đời họ vẫn thường truân chuyên và nghèo đói gần như một định luật. Với Lan Đình, từ khi bước chân đến trường lớp, trong những ngày lễ, chủ nhật ở nhà không đi học, hàng xóm ít khi thấy nó đi chơi rong đó đây, đàn đúm cùng các bạn trong xóm. Vốn là một cụ đồ Nho hay thơ, Bác chín Hậu tranh thủ thời gian rảnh rổi hướng dẫn thi pháp cho Lan Đình, dạy cho nó biết tiếng bình trắc, thanh vận và các loại thơ. Lan Đình yên lặng, chăm chỉ lắng nghe ba giảng dạy về phương pháp làm thơ, cho thực hành sau khi học thuộc các bài thơ hay làm mẫu của các thi sĩ nổi tiếng trong nước, nó lộ vẻ thích thú còn hơn là được đi du lịch.

Thời gian không bao lâu sau, Lan Đình đã làm đúng luật và khá hay thơ lục bát, tứ tuyệt hay thơ Đường luật. Năm lên học lớp Ba trường Tân Quới, Lan Đình được may mắn học với thầy Nguyễn Văn Quế, bút danh Văn Quê, gốc ở Cần Thơ, là một nhà thơ có tác phẩm nổi tiếng thường đăng trên báo lúc bấy giờ. Ngoài Nguyễn Bính mà cậu học trò nhỏ đã mê như một thần tượng thi ca, thầy Văn Quê hay dạy cho Lan Đình cùng các bạn trong lớp học thuộc những bài thơ hay. Thầy giáo cũng dạy đệ tử tập tễnh làm thơ. Bài thơ “Quê tôi” thuộc loại thơ con cóc của Lan Đình được thầy xếp hạng nhất và đọc cho cả lớp nghe vì cả lớp chưa có ai nộp kịp bài thực hành làm thơ lục bát : Quê tôi nước ngọt đất màu/ Lũy tre xanh thắm làm rào vây quanh/ Có cây đa lớn cạnh đình/ Bên dòng sông nhỏ xinh xinh con đò…

Ngoài những buổi  cùng bạn đến trường, học thêm chữ Hán và tập tễnh học làm thơ với cha ở nhà, Lan Đình còn học thêm Mỹ thuật với một họa sĩ trong xóm ở bên kia sông gần nhà. Chưa có màu, nó thích dùng những chiếc que cà rem nguệch ngoạc vẽ trên mặt cát sân phơi hoặc dùng cục than vẽ trên nền gạch tàu trong nhà. Mối tình thứ hai của cậu bé Lan Đình là tình yêu đồng tính với chàng Văn. Mối tình thứ ba của nó với nàng Thơ và thứ tư là mối tình với người đẹp sắc màu – đó là nàng Mỹ thuật.

Sau ba năm học sơ đẳng loại giỏi ở làng quê, được cấp học bổng nguyên, Lan Đình cùng các bạn phải sang học trường tỉnh cách xa nhà hơn nhiều cây số.

Thương con ham học, bác chín Hậu đã chuẩn bị lương thực sẵn từ mấy hôm trước cùng một chiếc ghe tam bản có mui với hai lực điền khỏe mạnh ngồi, biết chèo chống  giỏi. Thời tiết vào mùa hè ở phương Nam với nhiều trận mưa to gió lớn bất chợt. Lan Đình cùng các bạn ngồi đò dọc từ khi tiếng vạc ăn đêm eo óc gáy báo hiệu canh ba , vượt sông Hậu hơn nửa ngày đường sang tỉnh dự kỳ thi tuyển. Hôm ấy, lúc mới từ nhà ra đi, bầu trời còn yên tĩnh không một gợn mây. Nhưng khi bắt đầu vượt  được nửa sông thì trời bỗng  nhiên nổi cơn gió to. Chiếc ghe chở đoàn sĩ tử như con trâu lầm lỳ cố cưỡi những cơn sóng lưỡi búa, sóng bạc đầu nguy hiểm để sang thành phố dự thi. Lan Đình đỗ xuất sắc vào học lớp Nhì (Cours Moyen), rồi lớp Nhất (Cours Supérieur) ở  trường Tiểu học Thành Tây.

Từ khi miệt mài việc sách đèn ở thành phố, đứa học trò xuất thân từ gia đình lao động nghèo ở nông thôn vẫn là đứa học trò ngoan, giỏi đều tất cả các môn và luôn đứng Nhất trong tổng số hơn 70 học sinh mỗi lớp hằng năm. Giấy khen (Satisfecit) minh họa năng lực học tập xuất sắc mỗi tuần của con trai được bác chín Hậu cho lồng vào khung kính, tỏ ra sung sướng đem treo ở phòng khách giữa nhà để bà con trong họ tộc và khách mỗi lần đến chơi nhà trông thấy.

Hai năm chiến thắng vẻ vang tiếp nối ở trường Tiểu học Thành Tây, Lan Đình trải qua một kỳ thi tuyển gay go để vào trung học. Nó lại tiếp tục đỗ cao vào lớp Đệ Thất (Classe de Septième) vào học trường Lương Khê tại khu La Tin trù mật của trung tâm thành phố. Khi Lan Đình vẫn đứng vững ở đỉnh cao các môn học phổ thông, nó bắt đầu đi học thêm Âm nhạc với giáo sư nhạc sĩ Lương Vinh Sanh vốn là một nhà giáo yêu nước ở đường Phan Thanh Giản và xem nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là tấm gương nghệ thuật của đời mình. Lan Đình chơi nhạc hay, sử dụng được cả Guitare lẫn Mandoline và bắt đầu sáng tác ca khúc  ngay từ khi còn ở trung học.

Bẩm sinh vốn là con người đa hệ, nó cũng đi học thêm vũ thuật với võ sư huyền đai đệ nhị đẳng Phạm Đăng Cao từ Pháp mới hồi hương. Lan Đình là đồng môn cùng thế hệ với các võ sư nổi tiếng tại miền Tây như: Nguyễn Văn Chơi (đai đen 8 đẳng), Ung Phụng Võ ((đai đen 7 đẳng), Lưu Trọng Kiệt (Lưu Desbats)… đều là những võ sư tài năng quán thế, danh bất hư truyền  đã từng một thời vang bóng với những tuyệt chiêu bất bại để đời. Về vũ thuật, Lan Đình sở hữu lối đánh đẹp trên đấu trường riêng xuất sắc ở đòn hông số 3 (sutemi) và nhảy xa, nhảy cao. Mỗi lần đi biểu diễn hay giao đấu bằng phương tiện ô tô tại các tỉnh bạn, Phạm sư phụ  không bao giờ quên cho nó đi theo.

Lòng yêu ca nhạc và vũ thuật, thể thao đều là những mối tình say đắm của Lan Đình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thấy con ham hố nhiều thứ, nhưng nhờ học giỏi, cha mẹ ở quê xa con cũng bớt lo. Nhưng sau một lần Lan Đình không may bị gảy tay trong lúc diễn tập, bác Chín Hậu khuyên con dừng theo con đường vũ thuật dù lúc bấy giờ Lan Đình đã lên cấp đai đen võ sư nhiều đẳng.

Hai mối tình si lớn nhất còn lại trong cõi ta bà thế giới lục dục thất tình của đời Lan Đình là lòng yêu sự cô đơn và tình cảm quê hương có thể xem là một dương bao la không  đáy không bờ. Đó là cõi thâm cung vô tận đã đem biển nước mênh mông phả đầy cho những dòng sông yêu thương khác của đời chàng. Lan Đình tự nghĩ chỉ có trong không gian cô độc đời mình, chàng mới có được đầy đủ thời gian để  chàng khách quan nhìn kỹ lại bản thân cùng bổn phận mình với quê cha đất tổ, cùng đồng loại, đồng bào. Chàng nhớ lại đã không ít lần, trong thế giới tĩnh lặng một mình, chàng mới đủ điều kiện nhận ra hiện thực để bao lần biết từ chối những cuộc tình đôi lứa trong độ tuổi đang yêu. Lan Đình cũng không bao giờ quên, không ít lần chàng đã khẳng định thái độ dứt khoát không rời bỏ đất mẹ yêu hương. Trước ngày giải phóng, nhiều lúc các em học sinh, sinh viên thương chàng, bằng hữu tình thâm hiểu chàng là giáo viên Văn và Mỹ thuật mà thông thạo nhiều ngoại ngữ có thể sống dễ dàng nơi hải ngoại. Đang giữa đêm khuya, họ đã bất ngờ âm thầm đến tận nhà Lan Đình ở mút sâu trong một hẻm nhỏ, tha thiết đề nghị cùng họ vượt biên nhưng chàng vẫn giữ vững lập trường cương quyết không đi. Cũng như thời gian sau năm 1975, nhiều người chưa hiểu rõ chế độ mới và cả những ngày khó khăn cơ cực tất yếu về đời sống của thời bao cấp do hệ lụy chiến thanh thực dân đế quốc.

Hơn bốn thập niên, tại đất Nam đô văn hiến tự mấy trăm năm, nhân dân đã an cư lạc nghiệp. Với tình yêu đa phương bẩm sinh, hôm nay Lan Đình – gã thất tình bị không ít người xem là dở hơi có dịp cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc là mình và gia đình thực sự đã sống không tự ti mặc cảm một đời hết sức sáng trong, vì suốt một đời đã không làm điều gì có ảnh hưởng tiêu cực đến dân tộc quê hương.

N.T