Đời chìm nổi của kỹ nữ nức tiếng thời Minh

624

Đổng Tiểu Uyển – sống thời kỳ cuối Minh, đầu Thanh – xinh đẹp, có tài thi họa nhưng buộc bán mình cho kỹ viện vì nợ nần.

Theo Thepaper, cuộc đời Đổng Tiểu Uyển (1623-1651) nhiều lần được dựng thành phim, kịch sân khấu. Hồi cuối tháng 11, đoàn kịch tại Nam Thông, tỉnh Giang Tô lưu diễn vở Đổng Tiểu Uyển và Mạo Tích Cương, tái hiện cuộc đời ca nữ.


Tranh vẽ Đổng Tiểu Uyển của họa sĩ đời Thanh Vũ Chi Đỉnh. 

Đổng Tiểu Uyển tự Thanh Liên, sinh ra trong gia đình thêu thùa có tiếng ở Tô Châu. Theo cuốn sách Quốc sắc thiên hương: Đồn đại và sự thật về mỹ nữ cổ đại Trung Quốc của tác giả Lý Hồng (Nhà xuất bản Hồ Bắc Trường Giang, 2008), Đổng Tiểu Uyển xinh đẹp và thông minh, được cha mẹ nâng niu, dạy thơ văn, nhạc họa. Năm Tiểu Uyển 13 tuổi, cha nàng đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Mẹ của Đổng Tiểu Uyển buồn đau, việc kinh doanh bị người khác phá hoại, dẫn đến nợ nần. Bà ngã bệnh, gánh nặng đổ lên vai Đổng Tiểu Uyển.

Tiểu Uyển buộc tới Nam Kinh làm ca nữ ở khu vực sông Tần Hoài. Tính cách thanh cao, nàng không ít lần đắc tội những khách dung tục, tuy vậy lại được lòng những người thanh bạch. Tú bà tức giận, mắng nhiếc Đổng Tiểu Uyển, khiến nàng về lại Tô Châu. Nhưng trước cảnh mẹ không thể sống thiếu thuốc, chủ nợ đòi tiền, Đổng Tiểu Uyển lại phải vào kỹ viện. Công việc của nàng là biểu diễn ca kịch, bán nụ cười, phục vụ khách uống rượu, cùng khách du sơn ngoạn thủy. Bản thân Tiểu Uyển thích đi ngắm cảnh, có khi cùng khách đi nửa tháng, 10 ngày.


Bức tranh “Cô sơn cảm thệ” của Đổng Tiểu Uyển từng được bán đấu giá 450 nghìn nhân dân tệ (12,4 tỷ đồng) hồi tháng 12/2004. 

Nhờ sắc đẹp, tài năng ca hát, vẽ tranh, thư pháp, Đổng Tiểu Uyển trở thành kỹ nữ nổi tiếng ở Nam Kinh, được xếp vào “Tần Hoài bát diễm” (tám mỹ nhân ở Tần Hoài cuối thời Minh, đầu đời Thanh).

Danh tiếng Đổng Tiểu Uyển tới tai Mạo Tích Cương (1611-1693) – văn sĩ cuối đời Minh, xuất thân dòng dõi. Năm 29 tuổi, Mạo Tích Cương tìm Đổng Tiểu Uyển làm quen nhưng năm lần bảy lượt không gặp vì nàng đi với khách. Đúng lúc hết hy vọng, Mạo Tích Cương toại nguyện, gặp được Đổng Tiểu Uyển khi nàng mới rời tiệc rượu.

Nhìn ngắm, nói chuyện với Đổng Tiểu Uyển, văn sĩ biết nàng không phải kỹ nữ thường tình. Lúc đó, dù ngà ngà say, nàng nói chuyện nhã nhặn, có chính kiến. Sau khi mẹ của Đổng Tiểu Uyển qua đời, Mạo Tích Cương hứa hẹn thương lượng với kỹ viện, chuộc tự do cho Đổng Tiểu Uyển. Nhưng dù đề nghị chi bao nhiêu ngân lượng, tú bà đều không chịu để mất “cỗ máy in tiền” của mình. Sau đó, nhờ một cựu quan thần giúp đỡ, Đổng Tiểu Uyển được tự do.

Mạo Tích Cương nạp Đổng Tiểu Uyển làm thiếp. Từ khi làm vợ, nàng chăm thu vén việc nhà, nghiên cứu ẩm thực, được lòng cả mẹ chồng và vợ cả. Khi rảnh rỗi, Tiểu Uyển và chồng vẽ tranh, thưởng hoa, đàm đạo.


Tranh vẽ Mạo Tích Cương.

Những ngày bình yên không được bao lâu. Vì các biến động chính trị, nhà họ Mạo mất hết tài sản, Mạo Tích Cương cùng Đổng Tiểu Uyển chạy loạn khắp chốn, chịu cảnh đói rét. Khi chiến loạn lắng xuống, họ trở về nhà nhưng cuộc sống vẫn kham khổ. Mạo Tích Cương hai lần ốm nặng, mỗi lần nhiều tháng trời. Đổng Tiểu Uyển vừa tận tình săn sóc chồng vừa lo sinh kế gia đình.

Cảnh thiếu ăn thiếu ngủ khiến Đổng Tiểu Uyển suy nhược. Khi Mạo Tích Cương khỏe lại, nàng đổ bệnh. Đổng Tiểu Uyển qua đời khi 28 tuổi, sau chín năm làm vợ.

Cuộc đời Đổng Tiểu Uyển được chính nàng gói gọn trong những câu thơ đề trên bức Cô sơn cảm thệ của nàng: “Cô sơn ngoái đầu đã không nhà, chẳng làm bông hoa hiền hậu của nhân gian. Ẩn sĩ mỹ nhân cùng ngồi khóc, hối hận để băng tuyết làm lỡ dở cuộc đời”.

Theo Nghinh Xuân/VNE