Đôi dòng tâm sự về “Lời ru xanh”

870

Phạm Đình Phú

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ – Thầy thuốc Ưu tú Phạm Đình Phú là người gắn bó cả đời với ngành quân y. Về hưu với cấp bậc đại tá, ông vẫn không nguôi những ký ức chiến trường khói lửa năm xưa. Sống trong hòa bình, ông càng thấm thía những giá trị hy sinh của đồng đội mình. Vì vậy, tập thơ “Lời ru xanh” do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành cũng nằm trong mạch cảm xúc ấy, nôn nao hoài niệm và chân thành tri ân!

“Đứa con thứ năm” chào đời bởi sự đa đoan của tôi và chút liều nữa. Thôi đành vậy! Lỡ hứa với VOH rồi, phải cố liều để thử sức già một lần nữa – U80 rồi! Đứa con tôi lần này không cùng họ với các anh chị nó – dòng máu cũng hơi khang khác. Nếu có đôi chút pha trộn “ý”, “tứ” hay “phấn son” của bạn thơ nào đó, xin được rộng lượng, bạn nhé! Xin chân thành cảm ơn trước!

“LỜI RU XANH” như một ý tưởng về sự tri ân của tôi từ rất lâu – khi cùng đồng đội – đồng nghiệp sống sót trở về sau mỗi chiến dịch – tưởng nhớ những người đã khuất – những linh hồn bất tử trong lòng dân. Họ “đi xa” nhưng mãi trường tồn cùng quê hương, đất nước: “Trời lưng xanh/ Đất nảy chồi xanh/ Mây lãng đãng vờn quanh/ Nghĩa trang vọng lời trong xanh/ Nơi các anh nằm cỏ mượt non xanh”

Đời người chỉ sống mỗi một lần, phải sống sao để đừng xót xa ân hận. Tôi muốn sống cho ra sống, chết cho ra chết!

Trải qua sóng gió, đạn bom, vượt lên nghịch cảnh cam go, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thanh thản giữa đời thường; tuy không khỏe khoắn, thành đạt bằng ai, tôi thật sự vui lòng, mãn nguyện. Không hiểu biết nhiều, không có tài vung tay chém gió, chẳng có năng khiếu gì trong lời văn giọng nói, không dám tranh luận triết lí lẽ đời, tôi chỉ có đôi dòng mảnh mai cảm nhận:
Có con người vẫn sống sờ sờ, nhưng sự tình đã chết ngủm trong lòng dân. Đó là loại bất nhân, thất đức, bất tài, phản bội Tổ quốc, đồng bào, anh em, đồng chí. Ai cũng mong chúng chết đi. Lại có con người vẫn đương quyền nhiều chức, nhưng lối sống hủ bại, gian manh, độc ác, lọc lừa, sấp ngửa, tham lam, nói một đường làm một nẻo, gây tổn hại cho quê hương đất nước, gieo hậu họa cho đời, bị muôn dân nguyền rủa – đã chết lâu rồi!

Ngược lại, không ít người đã chết thật, không có quyền cao chức trọng, có người còn nằm lại tận rừng sâu, đáy sông, bờ suối, nhưng tiếng thơm để lại muôn đời. Những người ấy sống mãi trong lòng dân, bạn bè, quê hương, có khi cả nhân lọai. Họ là “Người bất tử”. Nói với nhau “chết là hết” chỉ trúng một một lần, một phần thôi. Họ “đi xa” nhưng vẫn cận kề chúng ta nơi cánh đồng quê, bờ tre, ruộng lúa, trên vòm cây xanh lá, nơi nụ hoa chiều xuân vừa hé nở. Họ vẫn đùa vui trên dòng suối mát – tươi trẻ – tắm tiên – hồn nhiên mơ ước. Họ vẫn cùng chúng ta trên từng nhịp bước, ngày đêm, giông gió, lên rừng xuống biển – ngắm sóng biển đông, dõi ánh mắt xa tận cùng biên giới… Họ vẫn cùng đồng nghiệp chúng tôi trên từng đường dao mũi kéo, khâu lành những vết thương sâu. Mũi kim tiêm, viên thuốc đắng đang hồi sinh những hạt hồng cầu bao lính trẻ sau cơn sốt rét chiều qua. Họ vẫn lắng nghe, thủ thỉ, xì xào, dõi về chúng ta – có ai cạn tàu ráo máng? Buồn vui? Trải lòng? Trăn trở? Có ai chưa hạnh phúc, bình yên?

Vậy đó! Những linh hồn bất tử mênh mông, êm đềm, sâu lắng, mọi lúc, muôn nơi, tận cùng tít tắp và cả trên sóng âm – dương điện tâm đồ…

Tận cùng những chuyến đi – dẫu dày công, tận tụy kiếm tìm – gặp rồi – nhưng bạn về chưa đủ, chưa hài lòng toại nguyện. Dẫu sao cũng vui, thêm một chút tự hào, nụ cười nồng ấm bên nhau. Hi vọng những “Bước chân”, “Nơi các anh nằm” mãi ngọt ngào những chiều “Hôn nắng”, “Hoa ơi bừng nở/ Chung cho mỗi người/ Hương ơi ngát tỏa/ Ngất ngây đất trời”

Dù bất kì hoàn cảnh nào, thử thách tận cùng “tấc đất” hay phía “Trời sao” chăng nữa, họ cùng chúng ta mãi vui vầy chia sẻ: “Vuốt tóc các chị/ Choàng vai các anh/ Hương lòng thủ thỉ/ Vọng lời ru xanh…”./.