“Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” – Thổn thức suy tư với những mảnh đời bé mọn

376

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với tôi, Đặng Thùy Tiên là một tác giả đặc biệt. Chị viết khá đều đặn, mỗi một tác phẩm ra đời sau lại cho thấy sự tiến bộ rõ rệt hơn hẳn so với các tác phẩm viết trước. Mỗi một tác phẩm của chị lại cho người ta thấy sự không ngừng tìm tòi, học hỏi và trau dồi và cho đến khi “Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” ra đời, tôi đã phải thốt lên rằng: chính ở thời điểm này đây, văn chương của chị có lẽ đã thực sự tỏa sáng và chạm đến độ chín cần thiết cùng với đó là sự từng bước dấn thân chinh phục được cảm tình của nhiều độc giả, kể cả với những người kĩ tính. 

“Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” gồm 12 truyện ngắn về con người miền núi với nhiều lát cắt. So với hai tập truyện ngắn trước đây, trong tập truyện mới này Đặng Thùy Tiên đã có sự thay đổi rõ rệt về bút pháp và cách thể hiện mà tiêu biểu nhất là sự lồng ghép những yếu tố tâm linh kì ảo. Đó là một sự dấn thân, thử thách đem lại hiệu quả tích cực, khiến tập truyện của chị không còn loanh quanh trong những lối mòn mà đã bứt phá ra ngoài vùng an toàn, đem đến những góc nhìn mới đa chiều và nhiều màu sắc hơn, hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Lối dẫn dắt mộc mạc, giọng văn nhịp điệu và giàu chất thơ, nhịp truyện tương đối chậm rãi và trau chuốt nhưng không hề rập khuôn. Đặng Thùy Tiên đã mang đến màu sắc mới và nhịp thở mới lạ cho những câu chuyện về con người và vùng đất Tây Bắc giàu tín ngưỡng văn hóa và bản sắc.

Độc giả có thể tinh ý nhận ra “Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” có thể chia ra làm hai phần hòa trộn, “Dây thần kinh không số”, “Ngọc trong đáy mắt”, “Từ Đỉnh Kan Hồ” hay “Màu áo vô ưu”, “Năm ấy mười bảy tuổi” là những câu chuyện gần gũi, thân thuộc, phản ánh đậm nét hình ảnh và con người nơi núi rừng, nơi có những đời éo le, những câu chuyện ứa nước mắt nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó hi vọng mỏng manh về tương lai phía trước, le lói ánh sáng của niềm tin và hi vọng. “Ngẩng đầu thấy trăng”, “Đi cùng Phán Quan” hay “Bước đi từ quá khứ” lại giống như những thước phim đầy ma mị, giàu suy ngẫm và triết lý phản ánh quan niệm đạo đức nhân sinh. Tôi đánh giá cao cách chị cài cắm những hình ảnh ẩn dụ trong từng ánh trăng, tiếng khèn, tiếng sáo, trong những bông hoa lê trắng muốt, trong điệu múa xòe hoa. Mỗi một hình ảnh lại tượng trưng cho một thông điệp, một lý lẽ, một khát khao, một mong muốn và cả một thứ tín ngưỡng ràng buộc nào đó trong suy nghĩ của mỗi nhân vật. Mỗi một rào cản mà nhân vật chính cần phải bước qua giống như một phần tâm tư; trăn trở mà tác giả muốn gửi gắm thổ lộ: con người miền núi khi đứng trước thời cuộc, liệu có thể can đảm bước qua ranh giới mong manh giữa đúng hoặc sai, giữa thiện hoặc ác để tìm đến những điều đúng đắn, thiện lương?

“Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” ngoài mang theo những thông điệp về sự hướng thiện, lòng nhân ái còn là những băn khoăn, đắn đo của người cầm bút trước đứa con tinh thần của mình, sự dám sống dám cống hiến cho văn hóa và nghệ thuật. Trong “Đi cùng Phán Quan”, Văn là một tác giả luôn canh cánh trong lòng những nỗi hoài nghi, bất lực. Anh cho rằng: “Càng đọc nhiều, càng thấy mình viết dở.” Anh chán ghét, thậm chí xấu hổ về những tác phẩm mình viết, tự ti về chính mình. Thường trực những nỗi lo đó, tới một ngày Văn gặp một vị Phán quan để cuối cùng nhận ra bài học thấm thía: anh có thể chết trên những lưng chừng do chính mình tạo ra, một cái chết đầy uất ức và đau khổ, cô độc nếu như anh vẫn tiếp tục sống trong sự cầu toàn quá mức mà quên đi năng lực thực sự của chính mình. Đôi khi, người ta mải mê tìm kiếm những điều cao vợi mà vô tình lãng quên đi sự kiên định với mục tiêu trước mắt. Văn choàng tỉnh dậy sau cơn mộng mị và tiếp theo sau đó tác giả để người đọc tự tưởng tượng ra và viết tiếp câu chuyện. Văn sẽ tiếp tục sống trong mơ hồ, chán nản hay tự tin vượt qua chính mình, kiên trì tiếp tục theo đuổi giấc mơ của anh, có lẽ cái kết sẽ nằm riêng trong lòng mỗi độc giả.

“Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” là một truyện ngắn có dung lượng khá dài và để lại nhiều ấn tượng. Đó cũng là tên mà Đặng Thùy Tiên chọn cho cả tập sách của mình. Câu chuyện của Thum và Kim cũng như câu chuyện về điệu múa xòe – điệu múa mang linh hồn và bản sắc của cả một vùng; với sự dâng hiến quên mình cho nghệ thuật; những nỗi lòng đau đớn của những “sao mổ” khi phải đánh đổi cả sự thuần khiết và trong trắng cho những kẻ không đáng trân trọng có lẽ mang đầy đủ sức nặng và dáng dấp của một câu chuyện lý tưởng. Những trang viết của “Xòe hoa trên đỉnh Pú Vạp” giàu hình ảnh với những chất liệu sinh động; giàu màu sắc; thanh âm, hội tụ đủ sức hấp dẫn cũng như thông điệp, có lẽ là một trong những điểm sáng của toàn bộ tập truyện, lôi cuốn độc giả với đầy đủ những cung bậc cảm xúc thú vị.

Qua ngòi bút của Đặng Thùy Tiên, nhịp sống và hình ảnh về mảnh đất con người nơi núi rừng Tây Bắc đã được khắc họa một cách chân thực và gần gũi. Không màu mè, không cầu kì, mỗi một truyện ngắn như một lát cắt về những mảnh đời bé mọn với những cảnh ngộ trái ngang, từ những sai lầm, tội lỗi cho đến những chấp niệm, vụn vỡ và suy cho cùng mỗi một người đều cần học cách buông bỏ để hướng về tương lai với những hi vọng về sự đổi thay và tích cực.

Hoàng Hạnh