Tiếng sáo của bạn đồng nghiệp, người em chí tình, chí nghĩa

1559

Th.s Hồ Thị Giáng Thu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuốn sách Tiếng sáo mục tử nơi đất khách đáng để đọc. Cái hay của nó trước hết đến từ cái đậm vị hoài cổ của một thanh niên trí thức trẻ trung và năng động.

Tôi đã được tiếp xúc, trò chuyện và thấy được vẻ đẹp cùng nhiệt tâm phong phú nơi tâm hồn của cậu ấy. Nay được đọc, thứ chữ nghĩa “cổ lão” có thể được viết ra từ tâm thức hoặc do vốn đọc và sự “nông nổi bể dâu” sinh ra. Dù có vay mượn một diễn đạt cổ kính xưa kia, thì nó vẫn không hề tạo ra sự “sáo rỗng”. Độc giả vẫn nhận ra cái vốn liếng văn tự giàu có nơi người trai đã sớm biết yêu cái đẹp ngôn từ và quý trọng chữ nghĩa đó.

Cuốn sách nhỏ, như tiếng sáo nhỏ. Thanh âm trong trẻo thổi trên sáo ngọc sáo vàng trầm bổng, ngân nga nơi một chiều thu thanh bình, yên ả. Tiếng sáo đó cũng là tiếng đàn lòng của một người trai có tâm hồn nhạy cảm và yếu đuối đã sớm bị đời sống thúc bách buộc phải “ly hương lìa tỉnh” để “nghiệm đời gió bụi” “như cánh bướm non vướng phải gai sắc”. Có lúc sáo “Bặt tiếng im hơi”. Nếu như gom nhặt, tạo nặn cuốn tản văn thành một cuốn tiểu thuyết thì hẳn cho ra một tự sự rất số phận.

Tiếng sáo mục tử nơi đất khách, tuy chia ra từng thiên, mỗi thiên là một chủ đề riêng nhưng lại sắp bày tuyến tính. Trình tự thời gian, từ lúc ở nhà, xa quê, đến lúc trải nghiệm cuộc sống tứa máu và làm nghề gian nan. Để rồi người trai đó đã phải trải qua một cơn đau dữ dội nơi tâm linh, tưởng như đã trở thành “nấm mồ non của kẻ đầu xanh tóc trắng”. Hóa ra lại hồi sinh trong trẻo, đẹp oai đến độ ngọt ngào.

Tác giả Trần Tuấn

Con người đó có vẻ đầy mâu thuẫn. Cái mâu thuẫn của khát vọng tồn tại và đẹp đẽ. Quả là một điều “mộng tưởng”, tồn tại giữa những truy cầu danh phận khó lòng đẹp đẽ? Giọng điệu của Tuấn có điều gì đó của “lòng tham” của một con người trọng sĩ khí nơi vùng quê nhân sử hiền triết Nam đàn. Giọng điệu của Tuấn cũng có sự chưa hẳn quyết liệt, vẫn nhiều những mặc cảm, những hận sầu truy bức hoặc cảm giác của sự bất lực khi phức hợp với đời sống. Giọng điệu của Tuấn có vẻ phi trọng tính… Nhưng đó là cái lạ, cái hay, cái chân thực không lẫn vào đâu được. Ắt hẳn vài ba năm nữa, sau khi đã thành nhân hơn nữa, người hơn nhiều lần. Tuấn sẽ càng thêm quý cái thứ ngôn ngữ có khi chua ngoa và điên đảo của thời điểm hiện tại để ngày hôm nay có một Tuấn giản dị, ôn nhu và từ ái và đã “điều hòa được bản ngã”.

Dù tác giả có lúc nhìn đời đen đúa, mục hạ vô nhân và tỏ ra đã phá hiện thực, đay đả đời sống và “tuyệt vọng vong thân”. Thì người đọc vẫn nhận ra “trên mảnh đất vô cùng tật hoạn đó” vẫn “trồi sụt lên mầm non sự sống”. Vì đáy thẳm con người Tuấn rất nhân văn, cái nhân văn trong từng cử chỉ, hành động lời nói với trò và những suy tư, lật trở trong nghề dạy học. Con người đó chỉ mắc phạm một điều là tâm hồn nghệ sĩ quá nhạy cảm để những tiêu cực đời sống can thiệp và gây tổn thương. Người trẻ nghĩ thấu đáo và còn nhớ tới “cái đẹp nhói tim từ cái bi” và chưa quên cảm giác về cái xấu, cái ác đang hoành hành, chà đạp những thân phận yếu hèn trên nhiều cấp độ, phương diện thì thực sự hiếm có trong cái bối cảnh xã hội ăn xổi ở thì này.

Tuấn đã viết và viết khỏe khoắn trong từng con chữ. Những nhát cắt đó phác dẻo, mạnh mẽ và trần trụi trong cách dụng ngôn đã tạo nên một đời sống hẹp hòi mà phơi mở ra nhiều trạng huống nhân sinh. Có đau đớn, hay điên hận đi nữa, thì cũng đã thể hiện ra một con người, một người viết ý thức sâu sắc về con đường tìm kiếm bản ngã của mình trong nghệ thuật: “Tôi viết văn để chú mục nỗi đau của người. Tôi là thơ để xoa dịu nỗi đau của chính mình. Văn và thơ, với tôi trước hết từ đau thương. Trên mảnh đất rất đau thương đó đã “khai hoa nở nhụy cái đẹp nhói tim”_ nơi tình đời tình người được nâng niu thưởng thức. Và suy cho cùng văn, thơ (nghệ thuật) mới là nơi “kẻ yếu” được biết đến, kể tên, bênh vực và trân trọng với tấm lòng rộng lượng hải hà”

Chúc mừng Tuấn, nhà văn của tương lai. Hi vọng sẽ là người đọc hữu duyên của Tuấn ở thì hiện tại tiếp diễn…

H.T.G.T