Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

525

                  (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn)

                                                                               Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nhà báo, nhà văn Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương) qua các bài viết chống tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt qua tiểu thuyết “Điếc mũi”, anh đã phản ánh cuộc sống đương đại với nhiều chi tiết nóng bỏng mang tính thời sự, tính cảnh báo về nhiều vấn đề tiêu cực của xã hội. Và khi cảm xúc thăng hoa anh lại sáng tác thơ với bao ái, ố, hỉ, nộ của con tim đa sầu, đa cảm. Giờ đây anh cho ra mắt tác phẩm thứ bảy – Tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” có 10 chương với cách viết chương hồi khi tung tẩy tươi vui, khi trào lộng kín đáo, khi triết luận thâm sâu, giản dị và dễ hiểu, dân tộc mà hiện đại.

Nhà văn Sáu Nghệ (Phạm Duy Tương)

Loại tiểu thuyết chương hồi rất thịnh hành ở Trung Quốc từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, nổi bật là “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy Hử” của Thi Nại Am, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần, “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh. Còn ở Việt Nam ở thế kỷ 18 có “Hoan Châu ký” của Nguyễn Cảnh thị (dòng họ Nguyễn Cảnh),  “Hoàng Lê nhất thống chí” của nhóm Ngô Gia văn phái, “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác…  Theo nghĩa “chiết tự” thì “chương” nghĩa là “đơn nguyên tình tiết tự nhiên” của chuyện được chia thành các lần kể và mỗi lần kể một đơn nguyên tương tự như mỗi chương của thơ, văn. Từ “hồi” mang nghĩa vòng tròn, vận chuyển, hồi báo, biểu thị lần thứ của hành động.

      Ngày nay ít người viết tiểu thuyết theo lối chương hồi này. Tôi rất ấn tượng khi đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” của nhà văn Sáu Nghệ gần 200 trang. Chỉ một nhân vật chính là nhà báo, nhà văn Phượng Tam với hành trình từ Bắc vào Nam chứng kiến bao cảnh sắc của các vùng đất, con người, phong tục tập quán ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi chương là một cuộc gặp gỡ người thân, người lạ và “mắt thấy tai nghe” bao điều đổi thay của cảnh sắc, con người ở những vùng miền ấy. Mỗi miền tác giả dành ba chương để kể chuyện, tả cảnh, tả tình và dự báo những gì sẽ diễn ra ở tương lai. Với Lời mở cùng Lời kết của tiểu thuyết theo kết cấu “vòng tròn tương ứng”, “thủ vĩ nhất quán”, nhân vật Phượng Tam đi từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc thu tập thông tin như một nhà báo nhưng lại được con tim mách bảo cảm xúc để Phượng Tam “hư cấu” dệt nên nhiều tình tiết hấp dẫn, đi sâu phân tích, khắc họa tâm lý nhân vật làm nên tiểu thuyết lôi cuốn người đọc.

       Phượng Tam là nhân vật xuyên suốt tác phẩm đã gặp gỡ, đối thoại nghĩ suy trước bao cảnh đời ở các vùng đất anh qua. Họ kể cho Phượng Tam nghe để anh nhìn sâu và thấu hiểu cảnh tình của mỗi con người ở các vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Đó là anh kỹ sư xây dựng Bùi Văn Sở, nhà thầu xây dựng Bùi Bần Bật, rồi cô Hồng Loan, ông Ba Cô Đơn, “hoa hậu” Ngọc Bích, ông Ba Chiến Thắng, ông Tư Lạc, Út Bèo, bà Muộn Hằng, ông Kim Bình, Chín Mạnh, Năm Thanh… Thế giới nhân vật bao gồm đủ lớp người trong xã hội hiện tại. Từ tên trộm cắp đến kẻ giang hồ, buôn bán, làm thuê. Từ quan chức đến kẻ ăn xin, bán vé số đều có mặt trong từng chương. Thiên nhiên đôi lúc được “nhân hóa” như “Cây đa làng” ở chương 3, “Gò đất ven sông” ở chương 4, “Miếu cô hồn” ở chương 8… Nó là chứng nhân, cùng con người sống chết khổ đau một thời. Nó là hồn làng, là cảnh báo bao điều bí ẩn mà người dân nơi ấy đã thấy trông thấy “nhỡn tiền”. Qua đó tác giả muốn đem thông điệp về số phận con người trước cuộc sống đầy biến động về thiên nhiên, về địa chính trị, về những bi kịch cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc, buồn vui và khổ đau, cái thiện và cái ác, cái xấu và cái tốt đan xen và tác giả luôn hướng người đọc về Chân Thiện Mỹ mà xóa đi những Tham, Sân, Si. Nhưng bao trùm tất cả, là sự vượt lên của con người trước bao nỗi bất hạnh của cuộc sống để “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Thông qua nhân vật Phượng Tam tác giả kết nối con người các vùng miền ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới, xếp lại mọi khổ đau của quá khứ.

        Những vùng đất đã qua, giờ anh rở lại đã chứng kiến bao đổi thay mà bằng hình thức báo chí không thể truyền tải hết, anh phải dùng đến văn chương mới có thể diễn tả những rung động sâu kín từ con tim đồng điệu của mình với số phận mỗi con người ở các vùng miền mà anh trân trọng, yêu quý.

Bìa tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương”

        Ở Chương 1 qua lời kể của nhân vật kỹ sư Bùi Văn Sở, ta thấy được bao hủ tục, lệ làng còn sót lại ở đất Bắc qua chuyện làm nhà hay đám giỗ, đám cưới, đám tang. Họ vẫn quan niệm “chết một đống còn hơn sống một người”, “trâu ta ăn cỏ đồng ta” với bao hủ tục, lệ làng vẫn đeo bám. Việc xây nhà của kỹ sư Bùi Văn Sở là một bi kịch về cái lệ làng ấy. Đây là những phút giây mà anh thấy hụt hẫng, bế tắc: “Có đến mấy phút đồng hồ, tâm trí anh cứ găm vào câu hỏi kỳ quặc: Tại sao không gian im ắng như vậy? Lờ mờ trong màn đêm hiện ra những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà ngói, những hàng cây, con đường, tất cả đối với anh là gì? Chẳng là cái gì nhưng dường như lại là tất cả! Đi về anh phải bước trên con đường nhỏ hẹp ấy, dưới hàng cây xiêu vẹo, giữa những ngôi nhà tí xíu ấy, trước kia, chiều tối nay, ngày mai, ngày kia, mãi sau này. Bùi Văn Sở chợt giật thót người nhớ lại cái lý do lúc nãy ông anh và chú em nói: Đang đi! Đang đi nghĩa là chưa đứng lại và như vậy cũng có nghĩa là sẽ có lúc đứng lại. Không ai chắp tay đến tối không ai chống gối đến mai, có cái gì đó chưa đúng lắm trong lời răn dạy này, nhất là với những người trẻ tuổi như anh, nhưng là cái gì? Anh đưa tay gãi đầu, vuốt mặt rồi lại gãi đầu, cuối cùng quay vào ngồi xuống cạnh vợ”.

Hay ở Chương 4 về với miền Nam yêu dấu mà bao xót xa với “Gò đất ven sông” một mảnh đất thuộc “vùng sâu, vùng xa” mà anh từng đến và quen biết nhiều người, về với ông Ba Cô Đơn, từng nuôi giấu cán bộ cách mạng hồi kháng chiến chống Mỹ thì sau bao năm giải phóng vẫn nghèo đói: “Làng quê xa xôi cách trở nên nghèo nàn, lạc hậu. Xa xôi cách trở bởi ở giữa bưng biền, từ thị trấn huyện về chỉ có một con đường nhỏ, lòng vòng nhiều đoạn cheo leo bên bờ kinh mưa sình nắng bụi, còn qua mấy lần đò giang. Hồi chiến tranh là căn cứ của cách mạng, hòa bình, truyền thống cách mạng vẫn giàu nhưng kinh tế thì nghèo (…) Gia đình ông Ba Cô Đơn nghèo từ mái nhà lụp xụp như tấm lá rách rơi trên bãi sình lầy, đến áo quần tơi tả và những bữa ăn ít khi no. Người ông đen nhẻm, ốm tong teo. Vợ ông cũng đen và ốm như ông”. Ở đây ta bắt gặp ông cán bộ tỉnh to béo về gặp ông Ba Cô Đơn. Lý do của cuộc viếng thăm chính là ba của ông cán bộ tỉnh kia hoạt động bí mật ở vùng này, hy sinh tại khúc sông và may được ông Ba Cô Đơn vớt xác, chôn cất. Nhưng khi xong việc là ông cán bộ tỉnh kia ngó lơ, tháo chạy. Tuy vợ chồng ông Ba Cô Đơn được cấp bằng có công với cách mạng và có tiền trợ cấp hàng tháng, cũng không còn vô danh nữa, ngày lễ được mời đến hội trường xã liên hoan. Nhưng cái tình, cái công không thể đánh đổi bằng vài thứ vật chất tầm thường. Làng quê đã thay đổi ít nhiều nhưng nhìn chung người dân vẫn nghèo đói kiểu “bền vững”, vẫn bị “bỏ lại phía sau” .

        Đây là cảnh “Nên khóc thế nào” ở Chương 7, tác giả lại luận bàn về chuyện tiền bạc, chuyện đào hoa qua nhân vật Kim Bình và Ngọc Nữ: “Tiền bạc là sương gió, tình cảm là mặt trời. Cho nên đào hoa với đào mỏ như lửa với nước. Đào hoa là hiến tặng, đào mỏ là trộm cắp. Đào hoa là vươn lên, đào mỏ là quỳ xuống. Đào hoa là viết thơ, đào mỏ là xé giấy. Đào hoa có hương thơm, quả ngọt còn đào mỏ chỉ vung vãi sự ô uế và khoét những hố sâu trống rỗng trong con người”.

         Hoặc ở Chương 8 “Miếu cô hồn” về với miền Trung, mảnh đất khô cằn sỏi đá luôn hứng chịu nắng hạn, lũ lụt, Phượng Tam lại chứng kiến cảnh xây miếu cúng “cô hồn” trong kháng chiến. Nhân vật Chín Mạnh háo danh, với tư duy thành tích, luôn đề cao cá nhân ông nên đã cố sức xây miếu và dẫn tới thảm họa. Bờ sông lở và ông phải về với cô hồn.

        Với tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” nhà báo, nhà văn Sáu Nghệ cho ta thấy rõ hơn tác giả đã sống, đã đi khắp mọi miền đất nước, đã đồng cam cộng khổ với bao lớp người, đã vui buồn với bao số phận, bao biến thiên của lịch sử ở mỗi vùng miền để có những trang viết đậm tính nhân văn cao đẹp. Đúng như nhà văn Nam Cao đã nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Vốn sống thực tế cùng những suy nghĩ triết luận về quá khứ, hiện tại và tương lai đã giúp cho tác giả có những trang viết vừa nóng bỏng tính thời sự vừa đậm đã bản sắc dân tộc mà vẫn hiện đại trong kết cấu, trong ngôn ngữ ở mỗi chương của tiểu thuyết.

Đọc tiểu thuyết này ta khó mà dứt ra được, khi hết chương này lại sang chương kia và ta cứ dõi theo bước chân của nhân vật chính là Phượng Tam. Với lối văn khi tả cảnh, tả tình, khi kể chuyện, khi đọc thoại nội tâm bằng ngôn ngữ của mỗi vùng miền đã làm hiện lên như một cuốn phim quay chậm, tạo niềm hứng khởi nơi người đọc, có khi cười ra nước mắt.  Đúng như nhà Phê bình văn học người Nga- Séc nư sép sky đã viết: “Cái đẹp là cuộc sống”. Văn học nâng con người qua cái thật và cái đẹp của những hình tượng nghệ thuật để mở rộng tầm mắt và làm giàu tâm hồn người đọc. Tiểu thuyết chương hồi “Chớp mắt luyến thương” của tác giả Sáu Nghệ đã làm được điều cao đẹp ấy. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                           L.X