Duyên đời – Truyện ngắn của Lê Hoàng Kha

1153


Tác giả Lê Hoàng Kha.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày nào người ta cũng thấy anh Sáu Đời, ra quán cháo lòng của chị Hai Hường để ăn. Có người hỏi chơi:

– Bộ mày mê Hai Hường hả Sáu Đời?

Sáu Đời cười trừ:

– Tui mê tô cháo lòng của Hai Hường.

Người ta hỏi vậy, chứ ai mà không biết Sáu Đời có tình ý với chị Hai Hường. Đâu có ai mà siêng đến nỗi, từ xóm trên mà đạp xe cà tàng, xuống xóm dưới để ăn cháo. Coi bộ Sáu Đời mê tô cháo lòng là chính, còn mê Hai Hường là mười.

– Anh Sáu ăn như cũ hén? Hai Hường hỏi.

– Ấy cho mình như cũ nghen. Sáu Đời đáp.

Bình thường Sáu Đời ăn nói lớn tiếng lắm chứ. Mà không biết sao, cứ gặp chị Hai Hường là thằng chả cứ lúng túng như gà mắc tóc, lời nói nhẹ nhàng hẳn ra.

Hai Hường cũng là mối tình đầu của Sáu Đời. Mà nói là tình đầu, nhưng là tình đơn phương. Kiểu như thương thầm người ta, mà không chịu nói ra. Cứ để trong bụng, đến nỗi Hai Hường đi lấy chồng ở miệt khác luôn. Ai cũng nói, Sáu Đời khờ quá nên mới thế.

Bữa người ta qua nhà rước dâu, Sáu Đời thấy Hai Hường lên xe hoa. Trong người có tí rượu, anh khóc bù lu bù loa trước đám cưới. Người đến dự đám, ai nấy cũng ngỡ ngàng. Tự nhiên, đám cưới người ta mà nó khóc như đám ma, thằng này bậy bạ thiệt. Chú rể thì trố mắt nhìn ra, chẳng hiểu chuyện gì. Ba Đía thấy vậy, chạy ra gỡ rối nói:

– Thằng này cứ nhậu vào là khóc, mọi người thông cảm hén.

Rồi nhanh trí, kéo Sáu Đời ra khỏi đám. Sáu Đời vừa đi vừa khóc, nước mắt pha với nước mũi chảy tùm lum. Như kiểu con phải xa mẹ, nhìn Sáu Đời lúc đó bê bết lắm. Thấy cũng đáng thương, mà cũng đáng tội. Mà tội là thương người ta, mà không chịu nói cho người ta biết. Cứ để trong lòng làm chi, cho ra cơ sự bây giờ.

Chị có chồng ở miệt thứ, cứ tưởng là hạnh phúc bên chồng. Khi thằng cu Tí lên ba tuổi, thì chồng chị bị tai nạn xe mất. Chị phải chịu tang chồng, hết ba năm cho trọn nghĩa phu thê. Rồi xin phép ba má chồng, đưa thằng cu Tí về ngoại sống. Ba má chồng cũng hiểu lòng, nên cho phép chị Hường về ngoại. Thỉnh thoảng như nghỉ hè, hay đám giỗ bên nội. Chị đều dẫn cu Tí về, cho phải đạo làm con cháu. Có lần, má chồng cũng dò ý. Cũng chỉ vì thấy chị còn trẻ, mà phải chịu cảnh góa phụ. Bà cũng khổ tâm:

– Vợ thằng Lâm nè, thằng Lâm cũng mất rồi. Con cũng nên kiếm thêm hạnh phúc mới, chứ nhìn bây ở vậy má thấy không đành.

– Dạ. Chị khẽ đáp lời.

Chứ trong bụng chị, chưa dám nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa. Vì không biết người ta có thương mình, rồi thương luôn con mình không nữa. Chỉ nghĩ đến đó thôi, mà sau gáy chị cũng cảm thấy lạnh.

Hôm bữa, Sáu Đời mang mớ bông điên điển ra cho chị Hai Hường.

– Tui cho ấy nè?

Chị Hai Hường tỏ ra ngạc nhiên hỏi:

– Sao Anh Sáu, biết tui thích bông điên điển?

Cũng cái tính nhát gái, thương không dám nói. Sáu Đời lái qua chuyện khác:

– Còn bịch kẹo này tui cho cu Tí.

Rồi Sáu Đời vội đạp xe đi mất hút. Chị Hai Hường nhìn theo, thầm nghĩ: “Sao thương tui mà không chịu nói, vậy Sáu Đời!”

Mấy bà bán hàng kế bên quán cháo, trêu Chị:

– Sáu Đời cho bông mà không cho cá, lấy gì mà nấu hén Hai Hường?

Chị cười, rồi xách mớ bông điên điển bỏ vào quán.

Hôm nay, không thấy Sáu Đời ra ăn cháo. Hai Hường cứ trông, cứ ngó ra ngoài cửa quán miết. Còn đúng một tô cháo, người ta vào ăn. Chị Hai Hường cứ nói hết, tính để dành cho Sáu Đời. Gặp Ba Đía đi chợ, chị vội chạy ra hỏi:

– Ba Đía! Anh Sáu đâu, sao không thấy đi chung?

Ba Đía cười:

– Ổng đi đám giỗ bên sông, chắc trưa mới về. Mà Chị hỏi chi hén?

– Ừa…! Tại… Tại còn tô cháo của thằng chả chưa ăn.

Chị nói mà có vẻ lúng túng và e thẹn, như kiểu con gái mới biết yêu.

Ba Đía còn lạ gì nữa, nên cười rồi nghĩ bụng: “ Kèo này Sáu Đời mà không bước tới, thì bỏ cho xong”.

Buổi trưa, chị đang loay hoay dọn dẹp quán. Thì Sáu Đời đứng trước cửa, có vé hơi xỉn. Tay xách túi đồ ăn ở đám giỗ, mà người ta cho mang về. Chị liếc ra cửa thấy anh, chị làm bộ nói:

– Hết cháo rồi anh Sáu, mai ghé sớm hén?

Đâu phải Sáu Đời đi ăn cháo giờ này, nhìn mặt anh hôm nay có vẻ nghiêm túc, ăn- ta- ni đóng thùng gọn gàng lắm. Chắc ý định đi đám giỗ, rồi sẵn ghé qua quán của Chị luôn.

Sáu Đời bước gần lại Hai Hường, nói:

– Tui với Hường thổi lửa nấu cơm chung hén?Tui thương Hường lâu rồi.

Hai Hường nghe lời nói của Sáu Đời, thì mặt đỏ ửng lên. Làm như không nghe thấy, Hai Hường hỏi lại:

– Anh Sáu nói chi, tui nghe không rõ?

Sáu Đời bối rối, không biết nói gì rồi nữa bỏ chạy ra ngoài. Bỏ quên túi đồ ăn trên bàn, chị cười vì thương cái tính thật thà của anh. Chỉ tội đã thương người ta, mà không dám nói.

Rồi cứ thế, hai mùa bông điên điển đã trổ. Mà Sáu Đời không dám nói gì với chị Hường, cứ ăn cháo rồi ra về. Anh nhìn chị, rồi chị cũng nhìn anh. Trong ánh mắt của hai con người, như muốn thôi thúc đối phương: “ Là hãy nói thương tui đi, tui chịu liền cho mà coi. Sao mấy người không chịu nói, để người ta cứ chờ, cứ đợi hoài không biết”.

Bữa anh bị sốt rét phải nhập viện, Chị hối hả mang đồ lên thăm. Người ta chỉ vào phòng hồi sức, chỗ anh nằm. Thấy chị, anh mừng như người hết bệnh. Hai Hường bước đến giường, hỏi Sáu Đời:

– Chèn đét ơi! Anh Sáu khỏe rồi hén?.

Sáu Đời cười tươi rói, đáp lời.

– Tui khỏe rồi, Hường lên chi?

– Thì lên thăm người ta, mà người ta không thích, thôi tui về!

Sáu Đời nghe lên thăm, biết là Hai Hường còn thương mình dữ lắm đây, tại giả đò hỏi thôi. Hai Hường đang ngồi múc cháo ra chén, để đưa cho anh. Sáu Đời lấy hết dũng khí của một người đàn ông, nắm tay Hai Hường nói lớn:

– Hường làm vợ anh nghen, anh thương Hường.

Bất chợt, nghe câu nói của anh mà chị ngượng ngùng lắm. Anh vội nắm chắc hai tay chị, má chị đỏ ửng lên, trong người chị như có dòng điện chạy xuyên qua. Cái cảm giác ấm áp từ đôi bàn tay của người đàn ông, đã lâu lắm rồi chị mới cảm nhận được. Kể từ khi, chồng chị mất đến giờ. Chị không biết nói thêm gì, chỉ gật đầu nói khẽ:

– … Em đồng ý!

Cả phòng cũng vỗ tay chúc mừng Hai Hường, đã đồng ý lời cầu hôn của Sáu Đời. Dù không có hoa, cũng chẳng có nhẫn cưới. Những ai chứng kiến ở đó, cũng đều là người xa lạ. Ba Đía đứng chống nạnh ngoài cửa, nhìn vào cười:

– Cha nội, cầu hôn gì mà lãng xẹt.

Mấy ngày sau, Sáu Đời xuất viện về. Ra xã làm giấy đăng ký kết hôn, anh cán bộ làm giấy hỏi:

– Sáu Đời sắp lên xe bông rồi hén?

Sáu Đời nghe vậy khoái chí trả lời:

– Em nôn nao quá, không ngủ được cán bộ.

Chị Hai Hường đứng kế bên, nhéo vào vai anh cười:

– Đêm nào cũng ngáy, mà cứ than ngủ không được hén!

Sáu Đời gãi đầu, cười trừ.

Đám cưới cũng tổ chức rình rang, nhất xóm rạch ngang. Lúc đeo nhẫn cưới cho chị Hai Hường, anh Sáu Đời khóc quá trời. Như kiểu con dâu sắp về nhà chồng, ai dự đám cũng mắc cười:

– Ai đời cô dâu chưa khóc, mà chú rể lại khóc như mưa.

Nói chứ người ta cũng hiểu, cái cảm giác được lấy vợ. Mà lấy đúng cái người mình thương thầm trộm nhớ, từ ngày xửa ngày xưa đến giờ. Còn cái hạnh phúc nào lớn hơn nữa chứ, người ta khóc cũng phải lẽ tình thôi. Đứng trước bà con hai họ, Sáu Đời hứa là sẽ yêu vợ, thương con. Thương cu Tí như con ruột, và nuôi cu Tí ăn học nên người. Chị Hai Hường nghe anh nói mà khóc, vì trong lòng chị thấy thương anh và thương con. Coi như chị đi thêm bước nữa là đúng, vì đúng là người mình thương và người cũng thương mình.

Thời gian thấm thoát cũng trôi qua, thằng cu Tí cũng đã lên trường huyện học. Bữa nhờ Ba Đía đưa cu Tí ra bến xe, mà Sáu Đời khóc như lũ về. Chị Hai Hường cười:

– Em chưa khóc, mà anh lại khóc rồi. Học trên huyện thì cuối tuần con lại về, chứ có đi luôn đâu mà sợ.

Cu Tí với Ba Đía cười lớn, rồi Ba Đía chở cu Tí ra xe cho kịp chuyến. Sáu Đời nắm tay vợ, chị cũng nghiêng đầu tựa vào vai chồng. Chị cảm thấy hạnh phúc lắm, hạnh phúc vì hiện tại có một bờ vai để chở che mình. Hạnh phúc có được người đàn ông, yêu thương con mình. Cũng là mình lấy được người mình thương, và rồi người cũng sẽ thương mình hết cả cuộc đời.

L.H.K