Hàn Thuỷ Giang – Một chuyện Hà Nội

1107

28.01.2018-10:30

 Nhà thơ Hàn Thuỷ Giang

 

>> Người xung quanh

>> Vọng tới tiếng hát mơ hồ

 

Một chuyện Hà Nội

 

HÀN THUỶ GIANG

 

NVTPHCM- Nó còn nhớ, ngày trước, trên những đường phố gần khu vực nhà thờ lớn Hà Nội có những cây cơm nguội. Cũng chẳng biết vì sao loài cây ấy lại mang cái tên như thế. Những cây cơm nguội thường chĩa ra nhiều cành uốn lượn, thưa lá. Đặc biệt, vào mùa, cây thường ra những chùm quả li ti.

 

Mỗi lần có dịp đi ngang qua nhà thờ vào buổi chiều chủ nhật, nó vẫn còn nhớ nó đã ngắm thật lâu những cây cơm nguội ấy trong ánh chiều bắt đầu chạng vạng, tiếng chuông gióng giả thúc giục, và những đoàn người mặc áo trắng rảo bước vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Thanh bình và đẹp đẽ.

 

Cây cơm nguội sinh ra những chùm quả nhỏ li ti, làm nên một trò chơi thời thơ ấu của những đứa bé như nó. Ra chợ mua một cây tre nhỏ, bọn trẻ mang về lấy dao cắt ra thành những ống tre, ở giữa có một cái lỗ. Chúng vót chiếc đũa thành một que tre dài gần bằng cái ống tre vừa cắt. Thêm một đoạn ống tre đầu thừa gắn vào một đầu cái que tre vừa vót. Vậy là xong, mỗi đứa có một cái súng phốc.

 

Súng thì như thế. Còn đạn? Đạn chính là những trái cơm nguội. Bọn trẻ thường ngậm vài quả cơm nguội trong mồm, rồi nhằn ra một quả. Chúng để quả cơm nguội vào lỗ ống tre, dùng que tre ấn vào. Khi ấn vào chừng nửa ống, chúng đột ngột ấn nhanh và mạnh. Trái cơm nguội bị bít chặt trong ống tre, đột ngột bung ra, với một tiếng ”phốc” nhanh gọn. Rồi chúng lại nạp một trái cơm nguội khác vào súng. Chúng cười vang và chạy đuổi theo nhau…

 

Trò chơi con trẻ chỉ có thế. Nhưng để chế tạo được một cái súng phốc, đòi hỏi đứa bé một sự khéo tay. Rồi còn việc đi lấy quả cơm nguội nữa, cũng phải chế một cái gậy hái, bởi không thể trèo lên một cây cơm nguội được, cành của loài cây ấy rất giòn.

 

Cô bé ấy ở gần nhà nó, và học sau hai lớp. Tuy còn nhỏ, nhưng cô ấy đã tỏ ra là một người rất khéo tay. Cô đã đôi lần đi mua tre về và làm hộ cho nó mấy cái súng phốc như thế. Cô cũng chế ra cả cái gậy hái những chùm quả cơm nguội. Phải nói thực, nó thường say mê ngồi trước hiên nhà cô, ngắm đôi tay nhỏ nhưng thoăn thoắt cắt gióng tre, vót que tre… làm súng.

 

Cô có một người cha nghiện ngập. Ông thường uống rượu say, nhưng không đập phá, nói năng lảm nhảm, mà chỉ trở nên cục tính, lầm lì. Cô rất sợ cha mình những lúc như thế. Những lúc như thế, nó để ý, trong đôi mắt thường trong veo kia, có một thoáng xịu xuống, rồi mắt đảo nhanh sang hai bên như muốn tìm một chỗ trốn.

 

Những chuyện không may thường đến với bất cứ ai, tự nhiên như đang đi chơi trong công viên, nghe chim hót, rồi chợt vấp vào một hòn đá hay sợi dây, và ngã sóng xoài. Với cô gái thiên thần ấy, câu chuyện còn bất hạnh hơn thế.

 

Ngày đó chiến tranh. Mọi sự khó khăn đến mức cái ăn cái mặc đã trở nên vô nhân tính, thậm chí còn là sự xỉ nhục con người trước mặt thượng đế. Nhưng làm gì có thượng đế, các giáo viên thường dạy như thế.

 

Hôm đó, trước cửa hàng lương thực có một dãy người xếp hàng. Phía trên quầy, một chồng những cuốn sổ gạo được xếp chồng lên nhau. Dòng người cứ kiên nhẫn nhích dần lên. Nét mặt họ đều chai lỳ, không một cảm xúc. Họ đã quen với thân phận làm người của mình.

 

Bỗng dưng có tiếng còi báo động vội vã ủ lên. Nhưng lần này, tiếng còi chưa dứt thì đã có tiếng súng nổ, tiếng máy bay rít lên, và tiếng bom rền vang đâu đó. Dòng người mua gạo tóe ra, ai cũng lao về phía quầy, cố rút lấy cái sổ gạo của mình, rồi chạy tìm chỗ nấp. Trong cảnh hỗn loạn ấy, cô bé hàng xóm đã bị mất cuốn sổ của gia đình cô.

 

Ngày hôm nay, có thể nhiều người chưa biết về sổ gạo, và vị trí của cuốn sổ trong cuộc sống. Sổ gạo để được mua gạo theo một tiêu chuẩn định trước. Nếu làm mất, thì kẻ nhặt được sẽ thông đồng với mậu dịch viên mua được gạo. Còn người bị mất, thì cả nhà chịu đói. Nên người ta thường nói: Tang cha không bằng mất sổ gạo.

 

Cô bé khóc ngất đi về nhà, mặc cho đạn bom, súng cao xạ nổ uỳnh uỳnh. Cô khóc tới kiệt sức. Một lát còi báo yên, cha cô về. Cha cô hỏi vì sao khóc. Cô sợ hãi đến tái người, thều thào nói con đã làm mất sổ gạo.

 

Ngay lập tức, người cha lúc nào cũng chuếnh choáng hơi men, rút ngay cái đòn gánh mẹ cô thường gánh hàng ra vụt tới tấp vào thân hình gầy nhỏ của cô, mặc cho cô khóc lóc van lạy rối rít.

 

Một lát sau, thấy tiếng khóc nhỏ dần, cha cô bèn ném cái đòn gánh xuống đất, rồi bỏ đi.

 

Nó đứng ngoài, sợ hãi, không dám gọi cô, mà chờ đợi. Chiều chạng vạng, mẹ cô về gọi, nhưng cũng không thấy cô trả lời. Bà đi vào nhà, bật diêm thắp ngọn đèn dầu. Bà chợt ôm ngực gào lên. Con gái bà đã gục xuống sàn nhà, tắt thở từ lúc nào. Đôi mắt cô bé vẫn mở to và đọng đầy nước mắt…

 

Giờ đây, đã nhiều mùa Noel tới và đi trong cuộc đời nó. Mỗi dịp như thế, nó thường đi lên nhà thờ, ngắm nhìn những hàng cây cơm nguội nổi bật trong ánh trời chiều chạng vạng. Nó muốn hỏi lắm, hỏi ngay chính Đức Chúa Trời, bởi Ngài đã dạy, Ngài là Đấng sáng tạo trần gian. Vậy cái cuốn sổ gạo đó, có mặt trên trần gian, có phải cũng là Ngài đã sáng tạo ra, phải không?

 

(Trích từ sách Người xung quanh)

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…