Hào kiệt phương nam và những hào kiệt cầm bút

629

Trịnh Bích

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn – Đại tá Minh Khoa trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, ông chỉ chuyên tâm và chuyên trị thể loại “truyện ký” những nhân vật anh hùng, hào kiệt của Nam bộ thành đồng. Ngay cả kịch bản sân khấu, loại hình văn học – nghệ thuật mà ông được tặng Giải thưởng Nhà nước, cũng được viết từ những nhân vật anh hùng, hào kiệt, những người con kiên trung của Tổ quốc.


Nhà văn – Đại tá Minh Khoa.

Viết về những hào kiệt đất phương Nam

Nhà văn Minh Khoa viết hơn 60 truyện ký, đều là truyện kể về cuộc sống chiến đấu của những người hào kiệt trong cuộc chiến đấu sống còn trước quân thù. Nhưng theo ông “có viết gấp mười lần, trăm lần, thậm chí ngàn lần, vạn lần đi nữa thì cũng không thấm vào đâu so với sự hy sinh lớn lao không chỉ của người lính trên các chiến trường mà còn của vô số người dân yêu nước”.

Nghĩ như thế nên cùng với viết văn, ông bắt tay viết kịch bản sân khấu. Theo ông, với nghệ thuật sân khấu thì người dân không đọc được chữ cũng có thể xem được, chia sẻ những trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là loại hình nghệ thuật cô đọng, có sức truyền cảm sâu sắc. Những vở đầu ông viết như Người con gái Thành phố Bác Hồ, Chỉ một con đường chủ yếu diễn trên làn sóng phát thanh. Đến vở Người ven đô ông mới thấm thía nỗi gian nan và niềm hạnh phúc của một người đã đưa được người thật việc thật lên thành nhân vật sân khấu, thành hình tượng nghệ thuật.

Hơn bốn mươi năm kể từ khi đặt bút viết kịch bản Người ven đô, nhà văn Minh Khoa vẫn còn giữ nỗi xúc động tinh khôi khi nhắc lại kỷ niệm. Cuộc gặp gỡ của ông với Tám Khỏe ngoài đời, (sau này là nhân vật chính, ông Tám Khỏe của Người ven đô), rồi chị Sáu Hô, là “Việt cộng nằm vùng” ở Gò Vấp – Hóc Môn, nghe chị kể về ông Bảy Đờn, người dùng tiếng đàn kìm che giấu cán bộ, thà chịu địch móc mắt chớ không để cán bộ cách mạng rơi vào tay giặc… những người đã trở thành nhân vật trong truyện ký “Tiếng đờn kìm” rồi thành nhân vật sân khấu làm lay động lòng người về tinh thần bất khuất trước kẻ thù, dường như chỉ mới ngày hôm qua.

Người ven đô có lẽ còn khắc mãi trong tâm trí khán giả, với hình tượng cao đẹp về tinh thần yêu nước sáng ngời của người dân sống trong vùng tạm chiếm, qua nhân vật ông Tám Khỏe với sự diễn xuất xuất thần của các nghệ sĩ lừng danh: Can Trường, Ba Vân, Ngọc Thạch, Út Trà Ôn… Lúc sinh thời nghệ sĩ Ba Vân từng nói: “Tám Khỏe trước tiên là của soạn giả Minh Khoa. Hiểu người dân Nam Bộ được như vậy thật tài. Tôi sắm được vai đó nhờ công của Minh Khoa. Tuy nhiên sắm vai còn là nghề nghiệp. Trong nghề nghiệp bao giờ cũng có tâm sự. Bầu tâm sự càng lớn, sắm vai càng đã, càng đạt”.

Để viết vở kịch Người không cô đơn, nhà văn Minh Khoa đã cất công đi tìm nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (làng Mỹ Hạnh, Long An) suốt 13 năm trời. Ông còn nhớ rất rõ: Tin Nguyễn Thị Hạnh hy sinh đến với tôi quá đột ngột… căn bệnh vàng da quái ác đã làm Bảy Hạnh thân tàn ma dại. Hơn ba năm ròng rã, Hạnh không dám uống thuốc chữa bệnh hòng che mắt địch, len lỏi hoạt động cách mạng trong khu ấp chiến lược. Nguyễn Thị Hạnh đã hy sinh cuộc đời và hạnh phúc riêng mình cho dân làng Mỹ Hạnh. Có một điều Hạnh chưa kịp làm. Đó là lời hứa với mẹ, với bà con: “Khi nào đất nước thanh bình, con sẽ uống thuốc cho khỏi bệnh”. Với vở Người không cô đơn, nhà văn Minh Khoa không chỉ nói về chiến công của Nguyễn Thị Hạnh, mà thông qua đó, chủ yếu là làm cho người người hiểu chúng ta từng có những đảng viên cộng sản như Nguyễn Thị Hạnh.

Khác hơn Người ven đô và Người không cô đơn, khi viết Theo bước chân Võ Văn Tần nhà văn Minh Khoa không đi sâu miêu tả cuộc đấu tranh trực diện quyết liệt của nhân vật lịch sử với kẻ thù. Ông không chỉ chủ tâm xây dựng một chân dung của Võ Văn Tần. Người xem còn được gặp nhiều nhân vật khác. Đó là những con người hết lòng đi theo Đảng. Theo bước chân Võ Văn Tần, ý tưởng của tác giả được thể hiện rất rõ: Với cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, người dân yêu nước nào cũng có thể là Võ Văn Tần, cũng có thể sống, chiến đấu như ông và chết cũng bất khuất như ông.

“Xứ sở này, đất nước này – nhà văn lão thành nói với tôi – những người cầm bút như tôi, như cô, làm sao đây, làm sao đủ sức, đủ tâm, đủ tài để viết về họ, về những con người sống và chết vì dân vì nước”. Ông còn muốn nói thêm điều gì đó nhưng rồi một cơn đau ùa đến. Ông cúi xuống xoa bóp cái đầu gối đau nhức, rồi cố gắng, nói tiếp: “Mà chúng ta đâu chỉ viết về họ viết cho họ – những người hào kiệt của Tổ quốc. Cái chính, là chúng ta viết cho chúng ta, viết để tri ơn. Viết cho thế hệ hôm nay và cho con cháu mai sau”.

… Và những hào kiệt cầm bút

Nỗi khát khao thường trực nơi nhà văn Minh Khoa là muốn đưa những trang viết về những con người hào kiệt đã sống và chiến đấu vì đôc lập tự do cho Tổ quốc đến với thế hệ đang tiếp bước con đường vì dân vì nước của cha ông. Tuổi cao sức yếu lại mang trong người căn bệnh K, ông vẫn không chịu ngơi nghỉ. Bằng tất cả nỗ lực, ông góp phần phục dựng, hồi sinh hình ảnh, cuộc đời của những con người hào kiệt, qua đó xây dựng hình tượng sinh động của những con người tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chân dung những con người hào kiệt của nhà văn, nhà viết kịch Minh Khoa, một phần được đưa lên sân khấu và được in rải rác ở nhiều quyển sách in chung với nhiều tác giả khác, và một vài quyển sách mỏng in riêng. Phần lớn chân dung của những người hào kiệt vẫn còn nằm trên những chồng bản thảo. Tuy nhiên, loại sách về truyền thống đấu tranh cách mạng thường khó phát hành nên tác giả không gởi bản thảo đến nhà xuất bản, để tránh: Một là phải chờ đợi một thời gian dài, hoặc tệ hơn là bị từ chối. Sự chờ đợi hoặc là sự khước từ bản thảo chân dung những hào kiệt không chỉ là của đất phương Nam mà đó còn là những người kiệt xuất, những người con ưu tú của Tổ quốc, theo nhà văn Minh Khoa, không chỉ làm tác giả đau lòng, mà còn có điều gì đó như có lỗi với vong linh những hào kiệt. Với tâm niệm đó, nhà văn Minh Khoa bàn với vợ con và quyết định là lấy số tiền mà gia đình dành dụm tiết kiệm được trong nhiều năm để in sách viết về những người hào kiệt. Giữa năm 2005, Những người hào kiệt dày 819 trang in (NXB Văn nghệ TP.HCM) ra mắt bạn đọc. Những người hào kiệt là quyển sách tập hơp những truyện ký sâu sắc, sinh động về cuộc sống và chiến đấu của hơn 60 anh hùng, dũng sĩ và những tấm gương kiên trung bất khuất trước kẻ thù xâm lược của người dân Sài Gòn –

Chợ Lớn, người dân miền Nam trong khói lửa chiến tranh. Rồi sau đó, khi nhận được tiền thưởng của Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ông dành trọn số tiền được thưởng in tập kịch Hào kiệt đêm thế kỷ (NXB Văn nghệ TP.HCM), dày gần 800 trang (khổ lớn), là tập hợp sáu kịch bản văn học mà nhân vật chính, đó là: Hồ Huân Nghiệp, ấm lòng vì đại nghĩa (ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên trên đất Gia Định xưa), Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần, nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh…

Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông già tóc bạc, chân yếu, mắt mờ ngồi lọ mọ dò từng cái tên, từng dòng địa chỉ được ghi kín cả một quyển sổ tay, rồi lại lọ mọ ghi ra từng tờ giấy ngần ấy cái tên và địa chỉ để dán vào từng bì thư đựng hai quyển sách Những người hào kiệt Hào kiệt đêm thế kỷ. Rồi ông đi xe ôm ra bưu điện gởi sách đi. Ông rất vui khi cho tôi biết, bằng nhiều cách, thông tin từ Quân khu 7, Quân khu 9, những nơi ông từng công tác và qua đồng đội, qua người quen, ông tìm được địa chỉ của nhiều người con và những đứa cháu nội, cháu ngoại, cháu gọi cô, gọi dì của những nhận vật trong hai quyển sách Những người hào kiệt và Hào kiệt đêm thế kỷ. Ông tin là khi đọc sách ông gởi, họ sẽ hiểu hơn về thế hệ dấn thân vì Tổ quốc của ông mình, cha mình, mẹ mình, dì mình, cô mình, chú mình…

Rồi nhà văn, nhà viết kịch Minh Khoa không thể thực hiện những chuyến đi tìm kiếm tư liệu sáng tác được nữa. Bệnh ông trở nặng. Tôi cùng chị Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa – Văn nghệ đến thăm ông ở Bệnh viện Thống Nhất. Ông yếu đi rất nhiều nhưng trí não còn minh mẫn. Do quen biết, làm việc với ông từ nhiều năm và cũng là người được ông khuyến khích thử sức với kịch bản sân khấu nên ông nhìn tôi, gọi tôi bằng cháu và xưng “bác Tám”. Ông nói: “Bác Tám sẽ viết di chúc để   lại một trăm triệu đồng và nhờ cháu trực tiếp lo việc tái bản quyển sách Những người hào kiệt. Mong muốn lớn nhất của bác Tám là đưa Những người hào kiệt đến được đông đảo người đọc”.

Xúc động trước lời trăn trối của một người hào kiệt – tác giả Những người hào kiệt, sau đó, NXB Văn hóa – Văn nghệ đã đưa quyển sách Những người hào kiệt của nhà văn Minh Khoa vào danh mục sách được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng. Tháng 9, năm 2012, Những người hào kiệt được tái bản (có bổ sung), 908 trang khổ lớn, với số lượng 2000 cuốn. Mới đây, ở tuổi 91, nhà văn Minh Khoa vừa cho ra mắt quyển sách Hào khí một mùa Thu – Nam Bộ kháng chiến, sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành.

Lần lượt, nhiều tác phẩm của Những người hào kiệt cầm bút của đất phương Nam, những người (tuy quê quán từ nhiều miền đất nước) đã từng sống, chiến đấu, hy sinh hay qua đời tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định trước kia, Thành phố Hồ chí Minh hôm nay – những nhà văn, nhà thơ, soạn giả, nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn… những người chiến sĩ bất khuất trên mặt trận văn hóa, mà tác phẩm và cuộc đời của họ, đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, và những giải thưởng văn học khác (Giải thưởng Văn học Giải phóng, Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu…) và NXB Văn hóa – Văn nghệ và một số nhà xuất bản khác đã in thành sách. Đó là những quyển sách quý về tác giả – tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Việt, soạn giả Trần Hữu Trang, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ nguyễn Bính, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Lê Vĩnh Hòa, nhà thơ Trần Quang Long, nhà viết kịch Ngô Y Linh, nhà viết kịch Nguyễn Thanh Châu, Nhà viết kịch Phạm Ngọc Truyền, Nhà viết kịch Nguyễn Ngọc Cung, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ Nguyễn Hiểu Trường, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà viết kịch Ngọc Linh, nhà viết kịch Phi Hùng, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Võ Trần Nhã, nhà văn Thanh Giang, nhà văn Trần Thanh Giao… Và nhiều tác phẩm viết về những hào kiệt phương Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thành danh thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thế hệ nhà văn trưởng thành sau ngày ngày miền Nam giải phóng, vẫn và đang là những cây bút chủ lực trên văn đàn Việt Nam.

Cũng như nhà văn nhà viết kịch Minh Khoa, có lẽ điều mong muốn lớn nhất của “những hào kiệt cầm bút” là đứa con tinh thần của mình được đến với người đọc, người nghe, người xem – Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật được viết bằng cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc. Những tác phẩm phản ánh cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mà những hào kiệt phương Nam đã đóng góp tinh thần, trí tuệ, tài năng và không ít hào kiệt đã bất khuất hy sinh.

Hào kiệt phương Nam – những nhà lãnh đạo cách mạng, những cán bộ cách mạng hoạt động dưới nhiều hình thức (công khai và bí mật), những người dân kiên trung bảo vệ cách mạng, những chiến sĩ cầm súng trên các chiến trtfờng miền Nam (phần lớn ở mảnh đất Sài Gòn – Gia Định), những chiến sĩ cầm bút trên mặt trận văn hóa, những văn nghệ sĩ vừa cầm bút vừa cầm súng… đã sống và chiến đấu không chỉ làm rạng danh cho một “Nam Bộ thành đồng” mà còn cho một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do tiến tới “dân giàu nước mạnh”.

Và, hôm nay, mục tiêu “Thực hiện Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” không chỉ là tinh thần di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mệnh lệnh sống còn của Đảng, là nguyện vọng thiết tha của toàn dân.

Đó còn là khát vọng cháy bỏng của của biết bao thế hệ đã lấy cuộc đời và cả máu xương mình góp phần đổi lấy tự do, độc lập cho dân tộc, trong đó, có những hào kiệt đất phương Nam.

T.B

Rút từ tập KÝ ỨC VÀ DẤU ẤN 40 NĂM HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH

* Đôi nét về nhà văn – Đại tá Minh Khoa:

Nhà văn – Đại tá Minh Khoa sinh năm 1928 tại Sài Gòn, tên khai sinh là Đặng Quang Hổ; là cựu học sinh và cũng là Đoàn phó Đoàn “S.E.T” Trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Sài Gòn (1943); thuộc cán bộ tiền khởi nghĩa. Từ đây, ông hoạt động bí mật cho Việt Minh với vỏ bọc là thầy giáo (bằng Thành chung).

Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Kéo cày đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội – 1958.

Năm 1960, ông làm Chính trị viên Tiểu đoàn Pháo binh 105, E4, F330; năm 1961, ông được lệnh trở về Nam công tác tại Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam cho đến ngày giải phóng (1975). Trong suốt giai đoạn này, tác giả Minh Khoa vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm viết sáng tác.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7 (1976-1988) và vẫn sáng tác đều tay.

Năm 1989, nhà văn – Đại tá Minh Khoa chuyển ngành, ông về làm Phó Tổng Thư ký Hội Sân khấu TP.HCM kiêm Tổng Biên tập Báo Sân khấu TP.HCM (Tổng Biên tập đầu tiên). Ông được bầu vào Thường trực Ban Thư ký và Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Sân khấu TP.HCM khóa I, II, III; Ủy viên BCH Hội Nghệ sỹ – Sân khấu Việt Nam khóa II. Vì tuổi cao, sức yếu, sau đó, ông từ nhiệm các chức vụ, về nhà dưỡng bệnh (năm 1995).

Tác phẩm:

Cho máu chảy vào Tim (1962; Lá thư chưa kịp gởi; Người lái xe tòng quân (1963); Không rời đồng đội (truyện ngắn, giải Nhất Văn nghệ miền Đông – 1964); Một viên đạn một quân thù (1965), Chiến công đồi Khánh; Con người thép trong lửa đạn (1967); Làn sóng điện kỳ diệu; Người chị xóm nhỏ; Cô gái quân nhu vùng hậu địch; Ông lão lái đò trên sông Sài Gòn; Người thợ rừng; Ông lão trồng mai (1968); Chú bé Cả Xên (1972); Quật khởi (1973),…

Về văn xuôi: Ông lão chăn dê và chàng trinh sát (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1981), Trên lưng ngựa (NXB Trẻ, tập 1 – 1985, tập 2 – 1986, tập 3 – 1994), Một tiếng đờn kìm (NXB Hội Nhà văn, 1997), Một công binh xưởng bỏ túi (NXB QĐND, 2001), Ông họa đồ Lanh (NXB Trẻ, 2003), Những người hào kiệt (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2005),…

Giải thưởng:

  • Giải Nhất Văn nghệ miền Đông năm 1964 với tác phẩm Không rời đồng đội;
  • Giải thưởng Nguyễn Thông (về Văn học – Nghệ thuật) của tỉnh Long An năm 2007 cho 3 tác phẩm: Người không cô đơn, Võ Văn Tần một dấu son (kịch bản sân khấu), Một viên đạn một quân thù (truyện ký);
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật cho 3 kịch bản sân khấu: Người ven đô, Võ Văn Tần, Hồ Huấn Nghiệp. Niềm tự hào và vinh dự đó, ông không lấy cho riêng mình mà tâm niệm: “Tôi mong được san sẻ niềm tự hào và biết ơn những người hào kiệt – quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”.