Hoà Bình không quay cuồng kiếm sống

1390

06.10.2017-00:30

Nhà văn, nhà báo Hòa Bình

 

Nhà văn, nhà báo Hòa Bình:

Không quay cuồng kiếm sống

mà quên mất yêu thương

 

HOA NGUYỄN

 

NVTPHCM- Chiều cuối tuần, Hà Nội sầm sập mưa. Cứ ngỡ thời tiết xấu thế, cuộc hẹn với nhà văn, nhà báo Hoà Bình sẽ bị hủy. Nhưng, sát giờ hẹn, bấm điện thoại, chưa hết nửa bản nhạc chuông, giọng chị đã ríu rít, tiếng cười giòn tan như muốn gạt phăng không gian vần vũ, u ám…

 

Hoà Bình cho biết, chị đã “hẹn” với bạn đọc ngoài phố Sách Hà Nội. Đây là cuộc hẹn rất quan trọng với chị, được lên kế hoạch khá lâu trước khi có thông tin bão số 10 đổ vào đất liền nên còn bất kỳ chuyến bay nào từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội thì nhất định chị sẽ không lỡ hẹn. Tính chị là thế, vui vẻ, hướng ngoại, dễ hoạt náo, dễ xúc động nhưng không dễ dãi với chính mình, nhất là trong công việc.

 

Cuộc hẹn mà Hòa Bình nhắc tới là một buổi giao lưu giữa chị với bạn đọc Thủ đô nhân dịp ra mắt cuốn sách “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”. Đây là tập truyện ngắn mới nhất của chị sau tiểu thuyết “Gọi con người” và tập truyện ngắn “Cocktail, café, kem và mặt trời”.

 

Cầm tập sách chị mới nắn nót từng dòng chữ đề tặng lên bìa trong của tập truyện vẫn còn đang thơm mùi giấy, tôi cắc cớ hỏi chị vì sao trang bìa cầu kỳ, lãng mạn, có vẻ không ăn nhập gì với tên sách? Hòa Bình cười. Chị bảo, có lẽ tôi là người thứ…n hỏi tác giả như thế. Nhiều bạn trẻ còn thắc mắc, tại sao lại là “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”? Cái cụm từ “cổng Thiên Đường” nghe hơi sợ sợ. Nhưng, thực tế thì không như thế. Cái cổng chỉ mang tính chất giả tưởng. Trong cuốn sách có một truyện ngắn là “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”.

 

Truyện kể về một cô gái trẻ lúc nhớ lúc quên, sống với hồi ức tình yêu rất đẹp. Cô ấy có một cuộc hẹn và không ai biết cuộc hẹn ấy có thực hay không. Cuộc hẹn này có thể diễn ra ở một địa điểm có thật trên một vùng núi nào đó, nhưng cũng có thể chỉ là trong hồi ức yêu thương của một thời tuổi trẻ lãng mạn mà chúng ta đã quên mất, vì chúng ta đã già hóa, cằn cỗi đi theo năm tháng.

 

Địa điểm diễn ra cuộc hẹn cũng là nơi đánh dấu sự chấm hết của cuộc đời một con người. Và, khi bước qua cánh cổng ấy, thứ mà con người muốn mang theo không phải là tiền bạc, vật chất, danh vọng – những thứ chúng ta mải miết theo đuổi lúc sinh thời. Cái chúng ta muốn mang theo nhất chính là tình yêu, những hồi ức tốt đẹp của yêu thương.

 

Sở dĩ Hòa Bình muốn nhân vật hẹn ở cổng Thiên Đường vì cánh cổng này cũng giống như ranh giới cuối cùng giữa sự sống và cái chết. Cái ranh giới nghe có vẻ xa xôi nhưng cũng rất mong manh. Ranh giới này, bất kỳ con người nào cũng từng cảm nhận được, bởi trong cuộc đời, có ai không từng chia lìa người thân, thậm chí là những cuộc chia lìa thật chớp nhoáng, như tai họa đổ ụp xuống, đầy bất ngờ.

 

Những giây phút ấy, nhiều người mới thấm thía và thấu hiểu tận cùng giá trị của những gì mình yêu quý. Thời khắc này, chị đã từng trải qua. Đó là năm 2002, Hòa Bình sinh con, một bé gái rất xinh xắn. Bé được 7 tháng tuổi, gia đình bàng hoàng phát hiện con bị bệnh tim bẩm sinh. Từ tháng thứ 10 cho tới 1 tuổi, bé nằm trên giường bệnh, phải ăn bằng ống xông, thở bằng bình oxy.

 

Quyết định thực hiện phẫu thuật cho bé nhưng bác sĩ cho biết, họ chỉ nỗ lực hết mình, còn bé có trở lại với cuộc sống hay không còn trông chờ vào sự may mắn. 6 giờ đồng hồ phẫu thuật, 3 ngày con nằm trong phòng hậu phẫu, Hòa Bình chưa từng chợp mắt nổi 1 giây. Chị hoảng hốt và cứ nghĩ, lúc ấy, đứa con bé bỏng của mình đang ở bên một cánh cổng, nếu bước qua là vĩnh viễn không thể trở lại. Không ăn, không ngủ, chị luôn thầm gọi con hãy trở về, phải trở về. Sau thời khắc sinh tử này, Hòa Bình nhận ra rằng, yêu thương có thể làm nên nhiều điều kỳ diệu. Cũng từ đấy, yêu thương đã trở thành nguyên tắc để chị ứng xử trong cuộc sống.

 

Nữ nhà văn tự nhận, chị là người hướng ngoại, nhiều khi quá bận rộn mà xa cách con cái, đã từng có khoảng thời gian chị rất khó đối thoại với con. Lúc ấy, 2 vợ chồng quyết định trở lại với nguyên tắc cũ: ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn  bằng yêu thương. Khi cả gia đình ngồi quanh chiếc bàn tròn, chị kể lại câu chuyện lúc con còn nhỏ. Chị kể chuyện con đã bị bệnh như thế nào, bố mẹ đã chiến đấu bằng tất cả nỗ lực về vật chất và tinh thần, thể xác, mong con quay trở lại với cuộc sống ra sao.

 

Chị không ngần ngại bộc bạch nỗi niềm rằng, trước đây cha mẹ yêu con như thế, nay cũng vẫn yêu thương như thế. Có khác chăng là bây giờ cuộc sống quá bận rộn, mọi người bị chi phối bởi quá nhiều thứ nên đã không kịp hoặc quên nói rằng chúng ta yêu thương nhau đến nhường nào… Buổi đối thoại ấy đã kết thúc bằng rất nhiều nước mắt của cha, mẹ và con và sau đó mối quan hệ của các thành viên trong gia đình được cải thiện rõ rệt.

 

Chuyện của gia đình Hòa Bình có lẽ cũng không là cá biệt. Trong đời sống xã hội hiện đại, có những lúc quá bận rộn, chìm ngập trong sự cáu kỉnh, dằn hắt, sức ép làm việc để kiếm sống và để đạt được nhiều mong muốn khác nữa, chúng ta quên thể hiện sự yêu thương với nhau. Khi đến “cổng Thiên Đường”, chúng ta mới giật mình tiếc nuối. Chị tự hỏi, tại sao con người không tích cực thể hiện tình yêu thương ngay trong những thời khắc còn bên nhau?

 

Câu hỏi ấy, chị đã đề cập lần đầu tiên trong tiểu thuyết “Tiếng gọi con người” vào năm 2009. Tuy nhiên, nó không rõ ràng như trong tập truyện ngắn “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”. Chị hy vọng, tập sách nhỏ sẽ ít nhiều đánh thức được bạn đọc, nhắc nhở họ rằng đừng để mình bị cuốn trôi theo những nhọc nhằn của cuộc sống, cuốn theo kim tiền, những nhu cầu rất thấp để quên mất yêu thương.

 

Một thông điệp khác mà chị muốn chia sẻ trong tập sách nhỏ này là con người trong xã hội hiện đại đang bị giằng xé bởi quá nhiều thứ, có quá nhiều tham vọng và cả sự tàn ác. Với chị, cái ác không phải chỉ thể hiện ở những chuyện tày đình như giết người cướp của mà còn là sự vô cảm. Cái ác hiện diện trong từng thứ rất nhỏ.

 

Trong truyện “Bệnh nhục”, chị đề cập khá rõ vấn đề này. Ở đó, sự vô cảm như là căn bệnh thời đại. Ngồi làm chung trong công sở nhưng chúng ta không thèm quan tâm cô bạn đồng nghiệp sống ra sao, mẹ bị ung thư thì cô ấy có đủ tiền chữa trị cho mẹ không, cô ấy lo tiền như thế nào. Cái ác còn hiện diện bởi những lời nói châm chọc như con dao thọc vào trái tim người xung quanh, là sự dèm pha để đẩy người khác ra một vị trí nào đấy, là sự đòi hỏi, sát phạt của quản lý, cấp trên với cấp dưới… Con người không tin nhau, mải tấn công nhau, cứ tưởng mình đang chống trả thế giới bên ngoài mà quên mất, nếu chúng ta hướng tới cái thiện lành thì chúng ta sẽ được cái thiện lành.

 

Nhưng, Hòa Bình cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, làm được điều này rất khó. Sống thiện lành và đẹp thôi thì chưa đủ.Vì vậy, để tích lũy kiến thức và vốn sống thực tế, Hòa Bình đã làm rất nhiều công việc. Ngoài làm báo, viết văn, đã có thời gian chị đi kinh doanh, làm từ nhân viên cho đến lãnh đạo cao nhất của công ty. Từng “trầy vi tróc vẩy”, thua lỗ, kinh tế lao đao, chị vẫn coi đây là tiền học phí phải trả cho các kinh nghiệm, chiêm nghiệm, kiến thức phải mua từ trường đời.

 

Hòa Bình tâm sự, công việc, đặc biệt là nghề báo cho chị nhiều thứ. Trong quá trình làm việc, đi nhiều, hiểu nhiều, được tiếp cận với nhiều người tài giỏi, chị học được rất nhiều từ họ. Những con người ấy không chỉ vượt qua được những đổ vỡ của cá nhân họ để lớn thêm lên mà còn hòa đồng cái tôi của họ với gia đình, với doanh nghiệp, cơ quan…

 

Những bài học từ họ, chị không đơn thuần dành để rút kinh nghiệm sống cho mình mà còn khát khao được chuyển tải đến bạn đọc. Sau các bài báo thì văn chương là đích đến cao hơn. Chị mong muốn, thông qua các tác phẩm của chị, bạn đọc không chỉ nhận thấy một phần con người họ trong đó mà còn có thêm những kiến thức bổ ích về cuộc sống.

 

Với chị, văn chương không vô ích. Ngoài tính nghệ thuật, văn chương phải bao hàm cả kiến thức, sự nhân văn. Đây cũng là nguyên tắc mà chị buộc mình tuân thủ từ khi bắt đầu cầm bút. Rất may, sau những tác phẩm đầu tay: “Vòng tròn im lặng”, “Ngày hôm qua”, “Sông phù sa”…, đến “Gọi con người”, “Cocktail, café, kem và mặt trời”, hiện nay là “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, chị đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả trẻ cho đến các nhà xuất bản, nhà phê bình. Nhưng, với Hòa Bình, không có thành công nào là đủ cả.

 

VNCA

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…