Hội ngộ chiều 30 tháng 4

785

Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – 46 năm, cuộc hội ngộ không hẹn trước chiều 30 tháng 4 thật lý thú. Các chữ ký lưu niệm như khẳng định “nối vòng tay lớn” chung tay vì thành phố mang tên Bác thân yêu, vì đất mẹ Việt Nam thân yêu! 

Từ trái sang: Nhà thơ Thiên Hà, nhà thơ Trần Thế Tuyển, Hoài Nam, nhà thơ Phùng Hiệu, NSƯT Lương Hồng Huệ

Phải nói ngay, chiều 30 tháng 4 năm 2021 chứ không phải chiều 30 tháng 4 năm 1975.

Cuộc hội ngộ hay chính xác là tao ngộ. Tình cờ không hẹn trước nhưng thật ý nghĩa.

Ý nghĩa bởi đó là chiều 30 tháng 4 cuộc gặp giữa các nhân chứng lịch sử và thế hệ nối tiếp. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, tác giả của nhiều ca khúc lớp trẻ rất ưa thích như: Hổng dám đâu, Xa vắng, Mưa đêm… kể rằng ông không bao giờ quên phút giây ấy, khi xe tăng và các đoàn bộ đội giải phóng nón tai bèo ào ào kéo vào thành phố. Là người hoạt động trong phong trào sinh viên, thanh niên từ trước giải phóng (30 tháng 4 năm 1975), Nguyễn Văn Hiên hiểu được giá trị của từng giây phút hòa bình, đoàn viên. Ở lại xây dựng đất nước, đắm mình trong cuộc sống mới với bộn bề khó khăn…, ấy lại là những khoảnh khắc rung động trái tim nhạc sĩ. Các sáng tác của ông gần gũi hơi thở cuộc sống. Mới đây chúng tôi cùng ông về thăm bộ đội Sư đoàn 5. Cảm xúc về cuộc sống người lính, gần như ông thức trắng đêm để ghi lại cảm xúc. Đề tài người lính Bộ đội Cụ Hồ như dòng sông cuộn chảy trong ông. Sau khi viết hợp xướng Linh thiêng Long Khốt, Nguyễn Văn Hiên viết Hành khúc Sư đoàn 5, Tháng Tư của mẹ, Tiếng tàu đêm… 

Nhà thơ Thiên Hà tặng sách cho nhà thơ Trần Thế Tuyển

Hội ngộ chiều 30 tháng 4 có mặt nhà báo Thiên Hà. Quê ở Đầm Dơi, Cà Mau, sinh năm 1940, nhà báo Thiên Hà làm báo từ trước ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Ông phụ trách trang văn nghệ của các báo. Có lúc làm chủ bút một tờ báo. Sau ngày 30 tháng 4 ông ở lại chung tay xây dựng đất nước. Ông làm báo Tuổi trẻ, Công an TP HCM và bây giờ là người làm sách. Thiên Hà tặng tôi tập sách Sài Gòn xưa mà chưa cũ dày gần 500 trang (NXB Hội Nhà văn- 2021). Là người chứng kiến khoảnh khắc 30-4-1975, nhà báo Thiên Hà tâm sự: Giải phóng là đương nhiên rồi nhưng càng lùi xa ngày 30-4-1975, tôi càng thích đó là dấu mốc của sự đoàn viên, sum họp, giang san thu về một dải, thống nhất non sông… Đã quá tuổi bát tuần, nhà báo Thiên Hà vẫn say sưa, cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa…

Nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà thơ Phùng Hiệu, NSƯT Lương Hồng Huệ, nhà thơ Thiên Hà, nhà thơ Trương Đạm Thủy

Nhà thơ Phùng Hiệu quê Đà Nẵng, sinh 1976. Có nghĩa khi xe tăng 390 húc tung cổng sắt dinh Độc lập trưa 30 tháng 4 năm 1975, anh vẫn còn tít tắp đâu đó trên những đám mây. Thế hệ sau 30-4-1975, nhưng nhà thơ trẻ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam này am hiểu khá nhiều lịch sử thăng trầm của đất nước. Các trường ca, thơ và các bài viết của Phùng Hiệu có nét riêng. Riêng đến nỗi gây sốc. Là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn TP HCM, phụ trách trang web Văn chương phương Nam, nhà thơ Phùng Hiệu luôn trăn trở cải tiến, đổi mới diễn đàn văn chương có thương hiệu này. Phùng Hiệu say cảm xúc chiều 30-4. Biết tôi 46 năm trước tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Phùng Hiệu tặng tôi nhiều câu thơ, lời văn “có cánh”. Bên cạnh hôn thê là NSƯT cải lương, Phùng Hiệu nổi hứng phỏng vấn “nhân chứng lịch sử”. Ngại quá, từ chối không được, người viết bài này đành phát ngôn. Rằng cảm xúc 30 tháng 4, rằng suy nghĩ gì về thơ ca thành phố, rằng gửi gắm gì cho lớp trẻ…

Nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà thơ Thiên Hà, nhà thơ Phùng Hiệu, NSƯT Lương Hồng Huệ

Hội ngộ chiều 30 tháng 4 còn có sự hiện diện “tao ngộ“ của một số nhạc sĩ, ca sĩ khác: Lê Minh, Nguyễn Hòa, Hoài Nam, Minh Ánh, NSƯT Lương Hồng Huệ…

46 năm, cuộc hội ngộ không hẹn trước chiều 30 tháng 4 thật lý thú. Các chữ ký lưu niệm như khẳng định “nối vòng tay lớn” chung tay vì thành phố mang tên Bác thân yêu, vì đất mẹ Việt Nam thân yêu!

Chiều 30 tháng 4 năm 2021 

T.T.T