Khởi nghĩa Yên Báy: Một trang sử không thể lãng quên

724

16.12.2017-21:30

Nhà yêu nước Nguyễn Thái Học (1902 – 1930)

 

Khởi nghĩa Yên Báy:

Một trang sử không thể lãng quên

 

LÊ NGUYỄN

 

NVTPHCM- Nguyễn Thái Học là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Báy/Bái. Ông hi sinh ở tuổi còn rất trẻ, chưa đầy 28 tuổi, song ông sẽ sống mãi và trẻ mãi trong lịch sử cận đại của chúng ta. Vì vậy bài này sẽ xin dành đại danh từ “anh” cho ông để tuổi trẻ hôm nay nhìn thấy ở ông một thanh niên trẻ trung, quả cảm, yêu nước nồng nàn và đáng ngưỡng phục biết chừng nào.

 

Theo các tài liệu viết về Nguyễn Thái Học, anh có 2 năm sinh là 1902 và 1904; năm 1904 là trên giấy tờ chính thức, còn năm 1902, theo Nhượng Tống, một trong những người bạn, người đồng chí thân thiết của Nguyễn Thái Học, thì đó mới là tuổi thật của anh. Lòng yêu nước của Học bộc lộ từ rất sớm và trở nên nồng nàn hơn vào những ngày anh đi chăn trâu sau giờ học, qua ngôi làng sinh trưởng của Đội Cấn, một trong hai người hùng của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, nghe người dân ở đây kể lại những gì Đội Cấn đã thực hiện trong quãng đời ngắn ngủi của ông.

 

Năm 1924, khi Học còn là sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, một lần nữa tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái trong cuộc mưu sát hụt Toàn quyền Đông Dương Merlin lại làm giục giã trong lòng anh những mơ ước làm một cái gì cho đất nước. Năm 1925, anh bỏ trường Cao đẳng sư phạm, ghi danh học Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương và tìm cách tiếp cận tân Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne, có tiếng là một người có đầu óc tiến bộ. Năm 1926, Nguyễn Thái Học xin và được Varenne tiếp kiến với một thái độ khá dễ chịu. Sau khi về nhà, anh viết gửi cho Varenne một thư nêu lên những đề nghị cải cách cho thuộc địa Đông Dương. Tuy thư không được hồi âm, song anh đã xác quyết con đường đi sắp tới của mình.

 

Năm 1927, Học thường xuyên qua lại với nhóm Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản do Nhượng Tống đồng sáng lập để phổ biến các tài liệu có tác dụng mang lại hiểu biết cho đại chúng. Mối quan hệ giữa anh và Nhượng Tống cùng một số anh em khác ngày càng gắn bó và sau khi bàn luận kỹ, họ thấy cách hành xử ôn hòa với thực dân Pháp không mang lại hiệu quả, nhất là sau khi toàn quyền Varenne được thay thế bởi Pasquier. Cuối cùng, họ khai sinh Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) vào đúng ngày lễ Giáng sinh năm 1927 với chương trình hoạt động chia ra ba thời kỳ, hai thời kỳ đầu trong vòng bí mật và thời kỳ thứ ba là phá hoại và đánh đổ đối phương. Trong một phiên họp khoảng cuối năm 1927, đầu năm 1928, Nguyễn Thái Học được anh em bầu làm Chủ tịch Tổng bộ VNQDĐ gồm 15 thành viên, riêng cụ Phan Bội Châu, trong thời gian bị Pháp an trí dài hạn, cũng nhận lời làm Chủ tịch danh dự. Trên thực tế, khi còn sống ở ngoài nước, cụ Phan đã có kế hoạch lập nên VNQDĐ, song chưa thực hiện xong thì cụ bị bắt.

 

Trong hoạt động những năm 1928-1929, VNQDĐ đã có hai việc làm táo bạo. Việc thứ nhất là đánh tháo cụ Phan Bội Châu, tìm cách đưa cụ ra ngoài nước, để cụ tiếp tục vận dụng uy tín và sự quen biết rộng mà nhờ các cá nhân và tổ chức bên ngoài hỗ trợ đảng. Đáng tiếc là kế hoạch bị phá vỡ, cụ Phan không đi ra ngoài được. Việc thứ hai thực hiện trót lọt là vụ ám sát Bazin, một con buôn người Pháp chuyên mộ phu bản xứ đi làm bên Tân Thế Giới, vào buổi chiều ngày ba mươi Tết năm 1929. Cho đến nay, vẫn chưa ai biết dứt khóat tên tuổi người đã thực hiện sứ mạng nguy hiểm này, vì người duy nhất có quyền ra lệnh và có bổn phận giữ kín danh tính là Nguyễn Thái Học thì đã sớm hi sinh.

 

Sau vụ Bazin, thực dân Pháp lục soát, bắt bớ lung tung, nhiều cơ sở chế tạo bom bị phá vỡ, Nguyễn Thái Học phải cải trang dưới nhiều hình thức khác nhau để có thể đi nhiều nơi thực hiện kế hoạch hoạt động đã vạch ra. Trong tình thế không thể thụ động chờ Pháp bẻ gãy từng mắt xích một trong bộ máy hoạt động, VNQDĐ quyết định khởi nghĩa vào ngày 10.2.1930 tại nhiều nơi trên miền bắc. Người chịu trách nhiệm cuộc đánh Yên Báy là Phó Đức Chính; Song Khê Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu) đánh Sơn Tây, Phú Thọ, Hưng Hóa; Nguyễn Thái Học đánh Bắc Ninh, Hải Dương; Thanh Giản đánh Hải Phòng, Kiến An.

 

Trận đánh ở Yên Báy vào sáng sớm ngày 10.2 thất bại nặng nề, không lấy được trại của Pháp, các chiến sĩ VNQDĐ phải kéo vào rừng. Ngày 16.2.1930, quân khởi nghĩa tấn công huyện lỵ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương và giết chết quan huyện Hoàng Gia Mô, là con Tổng đốc Hoàng Mạnh Trí, cháu gọi Tổng đốc Hoàng Trọng Phu là chú. Cho rằng nghĩa quân xuất phát từ làng Cổ Am thuộc huyện này, lần đầu tiên chính quyền Pháp cho 5 chiếc máy bay tới dội bom và bắn phá làng này. Thống sứ Bắc kỳ Robin đã gửi điện thông báo sự kiện trên cho các công sứ dưới quyền như sau:Bọn giặc giết ông huyện Vĩnh Bảo rồi trốn trong làng Cổ Am, thì ngày hôm qua, máy bay liệng bôm (sic) xuống…”, còn báo Phụ Nữ Tân Văn thì viết: “Chắc bên lính nhà nước, bên dân làng, và bên nghịch quân đều chết nhiều, nhưng chưa rõ số thiệt là bao nhiêu…”

 

Tại Hưng Hóa, Lâm Thao, Nguyễn Khắc Nhu dẫn 50 chiến sĩ đến trước trại lính Pháp diễn thuyết cho họ nghe, nhưng lính trong đồn bắn ra, hỏa lực quân khởi nghĩa yếu hơn, Nhu bị thương nặng ở chân, anh đặt 2 trái lựu đạn dưới đất, nằm lên trên mà tự tử. Lựu đạn nổ, ngực, bụng vỡ toang, nhưng Xứ Nhu vẫn còn sống! Giặc Pháp băng bó vết thương cho anh và khiêng đi, dọc đường anh nhảy xuống sông, chúng vớt lên được. Đêm hôm sau, trong buồng giam, chân bị cùm, tay bị xích, Xứ Nhu đã đập đầu vào tường mà chết. Một cái chết đau đớn, anh hùng và đầy nghĩa khí.

 

Trường hợp Nguyễn Thái Học được tờ báo Phụ Nữ Tân Văn số 42, ngày 6.31930 đăng tải với hàng tít thật to “Ông NGUYỄN THÁI HỌC – Lãnh tụ VNQDĐ và là người chủ mưu những việc biến động ở ngoài Bắc hồi nầy”.

 

Tờ báo viết về con người cách mạng này như sau: “Trong những người bị bắt gần đây, có một người bắt được mà chánh phủ vui lòng hơn hết là ông Nguyễn Thái Học. Chẳng cần nói ra thì trong một năm nay, con trẻ đàn bà khắp nước cũng đã nghe thanh danh vang lừng của ông Nguyễn Thái Học… Ông là người trầm mặc, tánh nết dễ dàng, ăn bận sơ sịa, cái bề ngoài không có bày tỏ gì là người làm lãnh tụ một đảng hay là gây lên một phong trào gì…”

 

Trường hợp Nguyễn Thái Học bị bắt được báo Phụ Nữ Tân Văn kể rõ như sau:Đêm hôm 20 rạng 21 Février (tháng 2LN), bọn tuần đinh ở làng Cổ Việt (tỉnh Hải Dương), vào khoảng Chí Ngãi và Tân Triều, đang đi tuần phòng, thình lình thấy trên đường cái có 4 người đang đi, về ngả ra Quảng Yên. Chúng hỏi thì có hai người ù té chạy, còn 2 người nữa chắc hẳn cũng tính chạy, nhưng chúng cầm mác phóng theo và bắn súng theo, bị thương, té gục xuống đường, cho nên bị bắt và bị giải lên tỉnh lỵ Hải Dương. Lính mật thám nhận diện ra, thì là: “Chính nó”. Chính ông Nguyễn Thái Học. Khi bị bắt, trong mình có giắt hai trái bôm (sic) và một khẩu súng sáu. Lính đã giải ông lên Hà Nội liền, nhưng ông bị thương ở sườn nặng lắm, nhà nước phải cho vào nằm nhà thương điều trị... Hồi nọ chánh phủ treo giải thưởng, nếu ai bắt được Nguyễn Thái Học thì thưởng cho 5.000$. Việc này chánh phủ giữ lời hứa rất nghiêm. Bữa trước đây, phủ Thống sứ Bắc kỳ đã gửi số tiền ấy về Hải Dương để thưởng cho mấy anh tuần đinh đã có công trạng lớn! Mấy chú này khi không mà phát tài to”.

 

Bài tường thuật của báo Phụ Nữ Tân Văn cũng trùng khớp với lời kể của tác giả Nhượng Tống, người bạn thân thiết của Nguyễn Thái Học. Ông Tống kể rằng khi bị tuần đinh gọi lại, Nguyễn Thái Học còn khẩu súng và hai quả bom trong người nhưng thà bị bắt chứ không nra tay sát hại những người tuần đinh, chỉ là những thường dân làm phận sự canh gác trong làng.

 

Không rõ phiên tòa thứ nhất diễn ra ngày nào (theo Nhượng Tống, tác giả quyển Nguyễn Thái Học thì là ngày 28.3 1930). Riêng báo Phụ Nữ Tân Văn tường thuật phiên tòa thứ hai ngày 27.3.1930, với số người lãnh án thật khủng khiếp: 39 án tử hình; 33 khổ sai chung thân, 9 khổ sai 20 năm… Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính nằm trong số những người bị xử đợt này. Trước tòa, Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm về mình và đề nghị phiên tòa giảm nhẹ hình phạt cho những người chỉ làm theo mệnh lệnh của anh. Tất nhiên, trong số những người lãnh án tử hình, có Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Thế nhưng số người bị xử nặng như thế chưa phải là đã hết, vì theo báo Phụ Nữ Tân Văn số 47 ngày 10.4.1930 thì: “Thế là xong phiên Hội đồng Đề hình thứ hai và xong Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Hội đồng Đề hình còn phải họp nhiều lần nữa mới hết, vì phạm nhơn ở tỉnh này, tỉnh kia còn nhiều lắm…”

Hình ảnh 13 người tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Báy đặng trên báo Phụ Nữ Tân Văn

số 44 ngày 20.3.1930: 1- Nguyễn Quang Triệu; 2-Nguyễn Văn Liên; 3- Mai Duy Xứng;

4- Nguyễn Ca Tâm; 5- Phó Đức Chính; 6- Nguyễn Khắc Nhu; 7- Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con);

8-Nguyễn Mạnh Luân; 9-Nguyễn Thái Học; 10- Lương Ngọc Tốn; 11- Thanh Giản;

12- Nguyễn Văn Nho (em ruột Nguyễn Thái Học); 13- Trần Đức Thinh.

***

 

Sau phiên xử, Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trong thời gian chờ thi hành án, anh đã viết gửi cho Hạ Nghị viện Pháp một lá thư dài và cho Toàn quyền Đông Dương một lá thư khác, ngắn hơn, giải thích vì sao anh và các thanh niên yêu nước tổ chức cuộc khởi nghĩa. Cũng như tại phiên tòa, trong thư, anh Học nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của mình và yêu cầu chính quyền Pháp miễn tố cho những cộng sự.

 

Sau hơn 3 tháng bị giam, chiều ngày 16.6.1930, Nguyễn Thái Học và 12 người lãnh án chém khác bị giải đi Yên Báy. Anh vừa đi qua những bạn tù đứng tiễn anh, vừa nhắn nhủ với họ:

 

“- Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hi sinh của con dân nhiều nữa…”.

 

Buổi sáng ngày hôm sau, ở nhà tù Hỏa Lò, hầu hết tù nhân đều bỏ cơm không ăn. Họ biết hôm đó là ngày cuối cùng của 13 vị anh hùng dân tộc. Thật vậy, tại Yên Báy, 5 giờ rưởi sáng ngày 17.6.1930, các anh lần lượt bước lên đài danh dự. Nguyễn Thái Học lên máy chém cuối cùng. Anh bình thản, mỉm miệng cười, nhìn quanh pháp trường và dõng dạc hô “Việt Nam vạn tuế”.

 

Trong số những người chứng kiến cái chết của Nguyễn Thái Học, có chị Giang, người đồng chí, người bạn đời của anh. Chị đứng nhìn với tất cả sự bình thản, nỗi đau cố nén vào lòng, không cho người ngoài biết. Rồi chị trở về quán trọ, viết hai lá thư, một cho cha mẹ chồng, và một viết cho (vong linh) anh Học. Bức thứ nhất, chị viết như sau:

 

– “Ngày 17.6.1930,

 

Thưa Thầy, Mẹ,

 

Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: con không báo được thù cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!

 

Đứa con dâu thất hiếu kính lạy”

 

Ngày hôm sau, chị về Vĩnh Yên, tìm đến nơi ngôi quán nhỏ mà có lần chị và anh Học từng ngồi trò chuyện cùng nhau. Ngồi một chút, chị bước ra khỏi quán, đưa súng lên thái dương và bóp cò. Được biết khi ấy, chị đang mang trong người giọt máu chung với anh Học. Trong tác phẩm La Nuit Rouge de Yên-Bay (Đêm máu lửa ở Yên Báy), ở trang 103, tác giả người Pháp BonMat miêu tả cái chết của chị Giang cũng tương tự như thế.

***

 

Cuộc khởi nghĩa Yên Báy cũng thất bại như bao cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp vào thời kỳ Pháp thuộc. Nó là sự tiếp nối những cuộc khởi nghĩa anh hùng của Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn. Nhưng tính cách anh hùng của nó gợi lên trong lòng người đọc những ấn tượng thật sâu sắc, ít nhất do những yếu tố sau:

 

– Là cuộc khởi nghĩa qui mô và trải dài nhất, từ các tỉnh miền Bắc vào đến Sài Gòn. Theo tin từ tờ Phụ Nữ Tân Văn số 43 ngày 13.3.1930, sau khi cuộc khởi nghĩa tại miền Bắc thất bại, tại Sài Gòn, Pháp đã bắt 70 chiến sĩ thuộc chi bộ VNQDĐ và chuẩn bị đưa ra tòa Đại hình xét xử. Ở một khoảng cách xa hàng ngàn cây số, vào một thời kỳ mà sự đi lại còn nhiều hạn chế, khó khăn, các chiến sĩ VNQDĐ tổ chức được tại Sài Gòn một khối lượng thành viên như thế, thật là điều đáng cảm phục.

 

– Số người tham gia khởi nghĩa gồm hầu hết những thanh niên có học vấn, có nhân cách, có tình yêu nước trong sáng, có người chỉ mới 19-20 tuổi.

 

– Dư luận quanh cuộc khởi nghĩa Yên Báy cũng gián tiếp cho thấy mặc dầu vào ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Báy (10.2.1930), Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới 8 ngày tuổi (thành lập ngày 3.2.1930), song những người Cộng sản Việt Nam đã hoạt động từ nhiều tháng trước và đã lọt vào tầm ngắm của Sở Mật thám Pháp. Tờ Phụ Nữ Tân Văn số tháng 2.1930 có đề cập đến một bài trên tờ France Indochine ngày 13.2.1930 nhắc lại lời của một người Pháp tên Saint-Faust cải chính nguồn dư luận cho rằng vụ khởi nghĩa Yên Báy là do người Cộng sản gây ra từ sự xúi giục của Moscou (Nga).

 

– Qua cung cách đưa tin của tờ Phụ Nữ Tân Văn, người đọc biết rằng ngay dưới chế độ thuộc địa của Pháp, báo chí tư nhân vẫn được phép hoạt động, với một tư thế tương đối độc lập với nhà cầm quyền. Khi những chiến sĩ cốt cán của cuộc khởi nghĩa bị bắt giữ, tờ báo này vẫn đưa tin về họ với sự tôn trọng đúng mực, vẫn là “ông Nguyễn Thái Học”, “ông Phó Đức Chính”, không theo kiểu “giậu đổ bìm leo”, vuốt đuôi, xu nịnh nhà cầm quyền. Cái cung cách đó của Phụ Nữ Tân Văn, chủ báo là ông Nguyễn Đức Nhuận, ăn đứt tờ Nam Phong Tạp Chí của học giả Phạm Quỳnh, bên cạnh những bài viết mang tính học thuật, còn có nhiều bài vuốt đuôi, xu nịnh nhà cầm quyền Pháp đến độ trơ trẽn.

 

Cuộc khởi nghĩa Yên Báy thất bại với cái chết và sự tù đày của hàng trăm người con anh dũng của đất nước, ký ức về trang sử bi hùng này cần được nhắc nhở, nuôi dưỡng mãi trong lòng những thế hệ hôm nay và mai sau.

 

22.11.2017

 

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…