Kim Tuấn trời buồn mây trắng bay

548

30.6.2018-19:10

 

NVTPHCM- Nhà thơ Kim Tuấn (1938 – 2003) nổi tiếng từ trước 1975 ở miền Nam, với hai bài thơ quen thuộc được phổ thơ là Anh cho em mùa xuân (nhạc Nguyễn Hiền) Những bước chân âm thầm (nhạc Y Vân). Gần tròn 15 năm ngày nhà thơ Kim Tuấn đột ngột vĩnh viễn ra đi, xin trân trọng giới thiệu lại hai bài viết về ông của Trần Hoàng và Nguyễn Tân Hải. (PH)

Nhà thơ Kim Tuấn

 

>> Kim Tuấn nỗi nhớ âm thầm

>> Kim Tuấn thơ mùa xuân, thơ phố núi

 

Còn mãi đó những không gian và tình tự lí

 

TRẦN HOÀNG

 

“Thơ lí và thơ ngắn là tập thơ cuối do anh tự tay chọn lựa và trình bày. Hình như có linh cảm sao đó mà với tập thơ này, anh cứ muốn tôi đề tựa. Thật lòng tôi không dám làm cái việc “vô phép” ấy, nhưng vì sợ anh buồn, tôi đành phải liều viết. Không ngờ, đó là vinh dự và cũng là kỉ niệm cuối cùng mà anh dành cho tôi, thằng em nhỏ của anh.”- Tiến sĩ Trần Hoàng về bài viết sau đây của ông đề tựa tập thơ cuối cùng của nhà thơ Kim Tuấn.

 

Từ hồi còn trẻ, chúng tôi vẫn thường nghe và nghêu ngao mấy khúc dân ca: “Chiều chiều dắt mẹ (tà là đèo) qua đèo…”, Ơ… ai đem con sáo, sáo (nó) sang sôngĐể cho, để cho con sáo, sáo sổ lồng, sổ lồng (nó) bay xa…”, “Chim quyên quầy, ăn trái quây, nhãn (i) lồng, nhãn (i) lồng, ơ cô bạn mình ơi, ơ cô bạn quen hơi…” dù chưa biết thế nào là lí. Sau này, nhờ học hành, lại biết thêm: Lí chính là một “điệu hát dân gian ngắn, gọn, tính nhạc phong phú và rõ nét, chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc đàn” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên).

 

Rồi trở thành thị dân. Rồi cuốn lao theo cuộc sống, chẳng còn mấy dịp ngâm nga làn điệu lí. Tình cờ một bữa gần đây, được anh Kim Tuấn cho xem một số bài thơ lí thì dường như cả một thời tuổi trẻ, cả vùng quê thiết thân nồng hậu với những Lí qua đèo, Lí con sáoLí chim quyên… đều cùng bật dậy. À, thì ra vẫn còn mãi đó những không gian và tình tự lí…

 

Chẳng hạn, trong thơ Kim Tuấn, với Ngẫu hứng lí ngựa ô:

 

Đẹp thấy mồ, nên anh ngẩn ngơ

Đêm nào uống rượu, hứng mần thơ

Em ca vọng cổ mùi hết sẩy

Anh chết chìm trong mắt mộng mơ.

 

Hay với Lí mình ên:

 

“Không ai nhớ ta

Sao ta lại nhớ mình

Nhớ con cá nướng trui

Nhớ nồi canh bông bí

Theo mùa nước về

Ta hát lí lênh đênh”.

 

Ở đây, lí thật ra chỉ là một cái tứ để tác giả bộc bạch những cảm xúc của mình. Nhưng qua khổ thơ, lại hiện ra một không gian diễn xướng phong phú, những tình cảm mộc mạc của người dân quê Nam Bộ.

 

Dẫu là với Lí cây bông, Lí qua cầu, Lí chiều chiều, Lí Quảng Nam, Lí qua đèo, Lí à ơi, Lí lục bình hay với Lí bông mai… thì vẫn vậy. Không phải ca dao, đồng dao, chưa phổ vào làn điệu với những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi đặc thù của lí nhưng lời thơ vẫn dạt dào một khúc lí giao duyên. Vẫn cái không gian sông nước quen thuộc, vẫn những hình ảnh dân dã nghĩa tình, vẫn một nỗi buồn mênh mang thương nhớ, và một chút than trách nhẹ nhàng:

 

Chơ reng bậu bỏ tui ri

Bậu về ngoài nớ

Trong ni tui buồn

Sông xa mô biết ngọn nguồn

Cau xanh kết trái

Một buồng cau xanh…

 

(Lí Quảng Nam)

 

Ơi lí cây bông

Câu hát não nề

Ta thương nhau

Mà gần nhau chẳng đặng

Ta thương nhau

Tình sâu nghĩa nặng

Như cây lục bình quấn quít dòng sông…”

 

(Lí cây bông)

 

Chợt một hôm nào đó ngồi nghe hát dân ca. Bỗng lẩm nhẩm một vài câu thơ lí…

 

Đầu mùa mưa Sài Gòn 2001

 

Một nguời bạn, Kim Tuấn, Nguyễn Văn Hiền, Đinh Cường, Hạ Quốc Huy ở Pleiku 1974. Ảnh: TL

 

Kim Tuấn, từng bước từng bước thầm

 

NGUYỄN TÂN HẢI

 

Được biết nguyên một thời thơ ấu, thời thanh thiếu niên Kim Tuấn sống và lớn lên ở Phan Thiết, tôi tìm đọc thơ ông nhiều hơn. Thế rồi càng đọc càng thương một cõi sống, cõi thơ lành hiền mà tròn đầy, yên vui mà lặng lẽ, giản dị thân quen mà trữ tình, sâu sắc vô cùng. Và tôi vỡ lẽ một điều vì sao bạn yêu thơ trên khắp đất nước này đều yêu mến thơ Kim Tuấn đến vậy.

 

“Từng bước từng bước thầm

hoa vông rừng tuyết trắng

rặng thông già lặng câm

hai đứa nhiều hối tiếc

sương mù giăng mấy đồi

tay đan đầy kỷ niệm

mưa giữa mùa tháng năm

dật dờ cơn gió thổi…”

 

(Kỷ niệm – Kim Tuấn)

 

Bài thơ này được nhạc sĩ  Y Vân phổ nhạc với tiêu đề mới “Những bước chân âm thầm”, cùng với “Anh cho em mùa xuân” phổ từ bài “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Nguyễn Hiền là hai ca khúc đi vào lòng người, sống trong lòng người, có thể nói không quá là sống cùng thời gian.

 

Thơ Kim Tuấn còn được rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác phổ nhạc, như Phạm Duy với “Khi tôi về”, Lê Uyên Phương với “Khi xa Sài Gòn”, Phạm Đình Chương với “Ta ở trời Tây nhớ trời Đông”, “Nói với mùa thu” do Thanh Trang phổ, “Ga nhỏ chiều mưa”, “Lòng vẫn còn thương”, “Tình vẫn còn thương”, “Tháng đợi năm chờ” do Tấn An phổ, “Còn nhớ còn thương” do Minh Mỹ phổ…

 

Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê (sinh năm 1938) tại Huế. Ông là hậu duệ đời thứ năm của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Thuở nhỏ sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên vào Sài Gòn học. Kim Tuấn có thơ đăng trên các tạp chí từ những năm 1960 đến mãi sau này. Tập thơ đầu tiên xuất bản là tập “Hoa mười phương”.

 

Năm 1977, ông về Thành phố Hồ Chí Minh làm Hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4, một ngôi trường dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời. Ngày 11/9/2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường do Saigon Children’s Charity tài trợ, ông về nhà ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và vĩnh viễn rời khỏi trần gian. Ông đã đi xa nhưng thơ ông vẫn ở lại cùng với chúng ta, những vần thơ mượt mà tuyệt diệu.

 

Tôi đặc biệt yêu thích một bài thơ như trào lên từ âm nhạc, cùng âm nhạc của ông:

 

“Anh buồn anh tóc trắng

Trời buồn mây trắng bay

Em ngày nào áo trắng

Vòng hoa trắng trên tay

Anh cuối đời tóc bạc

Nhớ đầu đời tóc xanh

Một đời anh lận đận

 

Ngày tháng đã qua nhanh

Ngày tháng còn lại gì?

Nụ cười và nước mắt

Khi anh về với đất

Em về hoa trắng bay …

 

(Bài cuối cùng cho em – Kim Tuấn)

 

______________________________________

 

Các tập thơ của nhà thơ Kim Tuấn đã xuất bản:

 

Hoa mười phương– Trường Giang 1959

 

Ngàn thương (chung với Định Giang) 1961

 

Dấu bụi hồng – Minh Đức xuất bản 1971

 

Thơ Kim Tuấn 1962 – 1972 – Gìn Vàng Giữ Ngọc 1975

 

Thời của trái tim hồng – NXB Tổng hợp Sông Bé 1990

 

Tuổi phượng hồng – NXB Trẻ 1991

 

Tạ tình phương Nam -1994

 

– Thơ lý và thơ ngắn – NXB Văn nghệ TP.HCM 2002.

 

Con đường… (in chung với con trai Bảo Khôi) – Hội Nhà văn ấn hành 2013

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…