Lạm dụng PR không làm nên giá trị!

656

18.10.2017-10:30

NVTPHCM- Nhằm lôi kéo sự chú ý của công chúng, thời gian qua không chỉ trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh, mà trong nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật, hiện tượng lạm dụng hình thức quảng bá, truyền thông thật đáng lo ngại. Một số tổ chức, cá nhân bất chấp thuần phong mỹ tục cố gắng thực hiện các chiêu trò đánh bóng tên tuổi một cách phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

 

Tuy đã có lời xin lỗi công khai trên báo chí, nhưng hành động rải tiền từ khinh khí cầu xuống đất cho mọi người nhặt nhằm “truyền cảm hứng làm giàu” của doanh nhân PTS diễn ra ngày 16-6 vừa qua đã nhanh chóng “gây bão” trong dư luận. Cho dù ý định ban đầu của hành vi rải tiền chỉ có tính tượng trưng với ý nghĩa “tạo mưa tài lộc” nhằm gửi thông điệp “cơ hội để kiếm tiền, làm giàu luôn ở quanh chúng ta”, và cũng chỉ là dàn dựng của tác giả cùng ê-kíp truyền thông khi quay video-clip quảng bá một cuốn sách vừa xuất bản thì vẫn có nhiều ý kiến coi đây là hành động phản cảm, thậm chí có phần “ngông cuồng”. Do không lường hết hậu quả có thể xảy ra, màn quảng bá sách hoành tráng, tốn kém của PTS đã phản tác dụng, trở thành tâm điểm chỉ trích trên khá nhiều diễn đàn.

 

Lâu nay trong nhiều lĩnh vực của đời sống, nhất là trong kinh doanh hoặc thương mại, hoạt động truyền thông để quảng bá thương hiệu, sản phẩm (thường gọi là PR – quan hệ công chúng) với mục đích lôi kéo sự chú ý của công chúng tới đối tượng được truyền thông diễn ra khá phổ biến. Trong kinh tế thị trường và thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc truyền thông, quảng bá sản phẩm là cần thiết để kịp thời cung cấp tới công chúng thông tin về sản phẩm hay thương hiệu, qua đó kích thích nhu cầu tìm hiểu, hưởng thụ, sở hữu,… của người tiêu dùng, tạo doanh thu cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 

Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhiều người đã dần thay đổi quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, tự tin rằng tác phẩm hay công chúng sẽ tìm đến, thay vào đó, nhiều tác giả đã ý thức được sức mạnh của truyền thông, quảng bá để đưa tác phẩm đến với công chúng. Từ đó hoạt động PR như ra mắt sách, ra mắt chương trình nghệ thuật, bộ phim mới,… đã diễn ra thường xuyên. Không ít bộ phim, cuốn sách, vở kịch,… nhờ PR hiệu quả mà trở thành tác phẩm bestseller (bán chạy). Có ca sĩ mới vào nghề, nhờ biết cách tiếp cận công chúng ấn tượng, hiệu quả đã trở thành “hiện tượng” chỉ trong thời gian ngắn. Có đoàn làm phim còn sẵn sàng dành tới một phần ba kinh phí cho việc truyền thông, quảng bá, phủ sóng tin tức về bộ phim trên nhiều mặt báo cũng như mạng xã hội. Nhờ vậy sau khi công chiếu, bộ phim thu hút một lượng lớn khán giả đến rạp.

 

Điều này cho thấy sức mạnh của PR, song cũng chính điều đó đẩy tới hiện tượng một số cá nhân, tổ chức lạm dụng PR quảng bá kệch cỡm, đưa ra phát ngôn gây sốc, thậm chí phản văn hóa gây bức xúc dư luận. Nhu cầu quảng bá, giới thiệu tác phẩm, kéo theo sự ra đời của hàng loạt công ty tổ chức sự kiện; tác giả chỉ cần có khả năng tài chính là có thể tổ chức việc ra mắt sách dễ dàng. Tại các buổi ra mắt sách như vậy thường xuất hiện một số “người của công chúng”, những người này luôn sẵn sàng nói những “lời có cánh” và trả lời phỏng vấn báo chí để ca ngợi tác giả, tác phẩm, và đương nhiên họ được trả thù lao tươm tất! Nhưng sự xuất hiện quá thường xuyên của một số nhân vật này dần khiến công chúng nghi ngờ lời khen tặng na ná nhau, vô thưởng vô phạt, từ đó nghi ngờ cả chất lượng của tác phẩm!

 

Quảng bá sản phẩm văn hóa bằng cách thức thiếu văn hóa, đó là cảm nhận của độc giả khi chứng kiến một buổi ra mắt sách “không giống ai” của nữ ca sĩ nọ. Muốn thử sức với văn chương, cô ca sĩ này ra một cuốn tiểu thuyết mang đậm mầu sắc nhục cảm. Cô không ngần ngại tuyên bố trên bìa bốn cuốn sách: “Tôi muốn viết về những bản năng nhục thể của con người, mặt phải và mặt trái của sex… Tôi muốn viết trên khía cạnh giá trị mãnh liệt, trân trọng tình yêu khi có sex, nhờ sex mà thế giới con người tồn tại cho đến hôm nay”. Vì thế, tại buổi ra mắt sách, cô ca sĩ mặc một chiếc váy trong suốt giống như “không mặc gì”, đồng thời tự tin trưng ra bộ ảnh của mình được chụp trong các tư thế ngả nghiêng, ỡm ờ khiến người xem không khỏi đỏ mặt.

 

Ít lâu sau, trước phản ứng của dư luận, cuốn sách đã bị ngưng phát hành và đọng lại sau đó là sự ồn ào về những tấm ảnh hở hang, phát ngôn gây sốc của tác giả! Trường hợp khác, hẳn vì nóng lòng muốn được báo chí lăng-xê, có tác giả “chịu chơi” chi phong bì tiền triệu mong được chen chân có tin, bài trên báo chí, nhưng chất lượng cuốn sách quá dở cho nên tiền cũng không thể lay chuyển được truyền thông. Lại có tác giả muốn thể hiện “đẳng cấp khác biệt” bằng cách tổ chức ra mắt sách tại khách sạn hạng sang, thuê MC nổi tiếng dẫn chương trình và chịu chi nhiều tiền để mời ca sĩ nổi tiếng đến hát.

 

Nhưng khép lại buổi ra mắt sách màu mè, tốn kém tiền bạc, người đến dự không mang về được điều gì bổ ích từ tác phẩm vừa ra mắt, và chỉ ít ngày sau đó, có lẽ ngoài tác giả của nó, không còn ai nhớ đến cuốn sách! Gần đây, việc một tập thơ chỉ ở mức “vè”, nôm na văn vần được trả bản quyền tới 550 triệu đồng cũng gây bão dư luận. Không ít người coi đây là một cách để đánh bóng tên tuổi của tác giả, nhưng phản tác dụng vì hầu như ai cũng nhận thấy chất lượng tập thơ không xứng đáng với số tiền như vậy!

 

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng từ dư luận, các chiêu trò PR lố bịch, phản văn hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đang có xu hướng ngày một tăng, nhất là trong giới showbiz. Cách đây ít lâu, có lẽ sốt ruột vì sự nghiệp “giậm chân tại chỗ”, một người mẫu đã ăn mặc “thiếu vải” đứng trên phố, vung một tập tiền lên trời cho người chung quanh tranh nhau nhặt! Sự việc quả đã thu hút sự chú ý của nhiều người nhưng theo chiều hướng tiêu cực, bởi ai cũng nhận thấy đây là hành vi gây sốc để được nổi tiếng của cô ta. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành vi phản văn hóa, gây mất an ninh – trật tự cần lên án và xử lý hành chính.

 

“Chịu chơi” bằng cách dùng tiền, thậm chí nhiều tiền để quảng bá sản phẩm không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là bài học cay đắng của không ít đoàn làm phim. Dư luận hẳn chưa quên sự kiện một đoàn làm phim công bố hóa đơn gần 90 triệu đồng là tiền “vào bar” trong ba giờ đồng hồ của dàn diễn viên nhằm gây “ấn tượng” trong chiến dịch quảng bá bộ phim, và đã phải nhận không ít “gạch đá” từ công chúng. Gần đây, một bộ phim được quảng cáo rầm rộ là đầu tư nhiều tiền, có “sao nước ngoài”, quay ở nước ngoài, có nhiều cảnh “nóng”, “hở bạo”, nhưng sau khi công chiếu thì một tờ báo nhận xét: “Dư âm còn lại là những màn thoại và diễn xuất như… tập kịch của hầu hết các nhân vật, là liều lượng âm nhạc “quá tải”, là… “tức anh ách” trước những cảnh thanh trừng của các bang hội người Việt Nam trên đất khách diễn ra đơn giản,… Hơn 20 tỷ đồng là số tiền không nhỏ để làm một sản phẩm điện ảnh trong mặt bằng chung thị trường phim Việt Nam thời điểm này, vậy nên, xem phim xong, cảm thấy… tiếc”!

 

Đáng lo ngại còn có tình trạng một số ca sĩ, diễn viên lợi dụng tín ngưỡng văn hóa dân tộc với chốn linh thiêng như đình, chùa để PR. Đó là việc một người mẫu không ngần ngại vận trang phục “tiết kiệm vải” đứng trước mặt nhà sư để chụp ảnh hòng làm tăng độ nóng bỏng của mình. Ca sĩ khác thì thu hút sự chú ý của dư luận về album (an-bum) nhạc Phật của mình cho nên lại ỡm ờ về chuyện mình đã quy y cửa Phật. Kết quả là những quảng bá phi văn hóa này đã sớm bị bóc trần và nghệ sĩ không tránh khỏi sự phê phán gay gắt cũng như thái độ quay lưng, tẩy chay của khán giả.

 

Trước tình trạng quá lạm dụng các chiêu trò phản cảm để PR, đánh bóng tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, diễn viên điện ảnh Lý Hùng chia sẻ: “Công nghệ PR là con dao hai lưỡi. Người ta không nói tác phẩm mà toàn bàn tán mấy chuyện đời tư không đâu. Người ta nói tới mình bằng scandal (xì-căng-đan) chứ không phải bằng tài năng. Bạn cứ nhìn lại coi, những người nổi tiếng bằng scandal, những người đó giờ còn tồn tại không? Họ sẽ bị mai một”.

 

Quảng bá, PR rùm beng về tác giả và tác phẩm dù rầm rộ, hoành tráng đến đâu cũng chỉ giúp công chúng có thêm thông tin để lựa chọn, từ đó tự mình đánh giá tài năng nghệ sĩ và giá trị tác phẩm. Nói cách khác, PR chỉ có thể lôi kéo, kích thích sự tò mò chứ không thể định hướng, thậm chí “dắt mũi” được dư luận như một số người vẫn kỳ vọng. Do vậy những ai chỉ dựa vào tiền, vào PR, sử dụng chiêu trò phản văn hóa để tạo dựng giá trị giả sẽ không bao giờ tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng.

 

THẢO ANH/ NHÂN DÂN

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…