Lê Đạt & Chữ bầu lên nhà thơ

3424

11.10.2017-17:00

Nhà thơ Lê Đạt

 

Chữ bầu lên nhà thơ

 

LÊ ĐẠT

 

NVTPHCM- Làm thơ là một lao động nhọc mệt, ít tiền và gian nan. Do đó các nhà thơ, các nhà phê bình thơ phải đùm bọc, giúp đỡ nhau. Nên vì thơ hơn là vì tên tuổi cá nhân mình, cần tránh thiên hướng bới lông tìm vết. Phải biết trân trọng đối thoại với cái khác, cái lạ của bạn. Con đường thơ là một chu kỳ mở. Không ai được vỗ ngực độc quyền chân lý cũng như tự cho phép mình nói tiếng nói cuối cùng…

 

1. Tôi xin phép được nhắc lại tóm tắt một số ý kiến cần thiết đã được phát biểu tại cuộc Hội thảo Văn Miếu và trong tập Bóng chữ:

 

– Văn xuôi chủ yếu dựa vào “ý tại ngôn tại”.

 

– Thơ khác hẳn, dựa vào “ý tại ngôn ngoại”. Đã “ý tại ngôn ngoại” tất nhiên phải cô đúc và đa nghĩa.

 

– Người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ.

 

– Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở “nghĩa tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu, bài thơ.

 

Nói như Valery, chữ trong thơ và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về hoá trị.

 

Đà tiến bộ gia tốc của khoa học (nhất là tin học và sinh học) hình như đã gợi ý một số khả năng mới cho công việc làm thơ.

 

Người ta không buộc phải dừng lại ở mức bài thơ, câu thơ như trước. Nhà thơ có thể nghĩ tới việc cấy chữ như nhà khoa học cấy gen trong công nghệ sinh học.

 

2. Người ta hay nói đến công phu người viết tiểu thuyết. Tolstoi đã chữa đi chữa lại nhiều lần cuốn tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hoà bình. Flaubert cân nhắc chữ trên cân tiểu ly như một thầy lang bốc những vị thuốc công phạt có thể chết người.

 

Nhưng các nhà lý thuyết ít nói đến công phu của nhà thơ. Ngược lại thiên hạ sính ca tụng những nhà thơ viết tức khắc trong những cơn bốc đồng, những nhà thơ thiên phú.

 

Trời cho thì trời lại lấy đi. Những cơn bốc đồng thường ngắn ngủi.

 

Tôi rất biết những câu thơ hay đều kỳ ngộ, nhưng là kỳ ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối, làm động lòng quỷ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần.

 

Làm thơ không phải đánh quả. Và không ai trúng số độc đắc suốt đời.

 

Có người hiểu lầm câu nói của Trang Tử vứt thánh bỏ trí để coi thường việc học tập, rèn luyện, làm như Trang Tử khuyến khích một nỗ lực vô văn hóa.

 

Vứt thánh bỏ trí được lắm. Nhưng trước khi vứt, khi bỏ phải có đã chứ.

 

Tôi rất ghét cái định kiến quái gở, không biết xuất hiện từ bao giờ: các nhà thơ Việt Nam thường chín sớm nên cũng tàn lụi sớm.

 

Đó là những nhà thơ chủ yếu sống bằng vốn trời cho.

 

Mà Trời tuy là kho vô tận, thường khi cũng bủn xỉn lắm. Hình như tất cả những người “cho” đều bủn xỉn. Và hoàn toàn sống dựa vào viện trợ, dầu là hào phóng, vô tư nhất nhiều khi còn khổ quá đi ăn mày.

 

Tôi không mê những nhà thơ thần đồng. Tôi ưa những nhà thơ một nắng hai sương, lầm lũi, lực điền trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ.

 

Chúng ta cần học những nhà thơ như Lý Bạch, Saadi, Geothe, Tagore, ở vào buổi chiều tóc bạc vẫn thu hoạch những mùa thơ dậy thì.

 

Cái trẻ, cái già của nhà thơ quyết định không phải đo ở tuổi trời, mà ở nội lực của chữ.

 

Picasso có nói một câu khá thâm thuý: “Người ta cần rất nhiều thời gian để trở nên trẻ.”

 

Có lẽ vì vậy mà tôi rất ủng hộ lời phát biểu của một nhà thơ Pháp, gốc Do Thái Et-mong Gia-bex: Chữ bầu lên nhà thơ.

 

Gia-bex muốn nói rằng không có chức nhà thơ suốt đời. Mỗi lần làm một bài thơ, nhà thơ lại phải ứng cử trong một cuộc bầu khắc nghiệt của cử tri chữ.

 

Tôi không nhớ Gide hay Petxoa (nhà thơ lớn Bồ Đào Nha) đã có một nhận xét khá nghiêm khắc về Victo Huygo: Victo nhiều lần tưởng mình là Huygo.

 

Như thế có nghĩa mặc dầu là một thiên tài đồ sộ đã không ít lần Huygo không được tái cử vào cương vị nhà thơ qua cuộc bỏ phiếu của chữ.

 

3. Con đường thơ gồm nhiều con đường riêng rất khác nhau của từng người. Không có đại lộ chung một chiều cho tất cả.

 

Ta có thể nói con đường thơ chính là số phận của một nhà thơ.

 

Nhưng, dầu theo con đường nào, một nhà thơ cũng phải cúc cung tận tuỵ đem hết tâm trí dùi mài và lao động chữ, biến ngôn ngữ công cộng thành ngôn ngữ đặc sản độc nhất làm phong phú cho tiếng mẹ như một lão bộc trung thành của ngôn ngữ.

 

Một nền thơ có một Lý Bạch là một nền thơ có phúc. Một nền thơ có một trăm Lý Bạch là một nền thơ bất hạnh vì chỉ có một Lý Bạch thật còn 99 Lý Bạch rởm.

 

Làm thơ là một lao động nhọc mệt, ít tiền và gian nan. Do đó các nhà thơ, các nhà phê bình thơ phải đùm bọc, giúp đỡ nhau. Nên vì thơ hơn là vì tên tuổi cá nhân mình, cần tránh thiên hướng bới lông tìm vết. Phải biết trân trọng đối thoại với cái khác, cái lạ của bạn. Con đường thơ là một chu kỳ mở. Không ai được vỗ ngực độc quyền chân lý cũng như tự cho phép mình nói tiếng nói cuối cùng.

 

Giữa những người có văn hóa, đối thoại bao giờ cũng hiệu quả hơn “đối thụi”.

 

Không nên coi tranh luận thơ như một trận đánh bốc nhất thiết phải tìm những đòn hiểm đả bại đối thủ. Thắng bại làm gì khi chỉ có thơ là chịu thiệt. Người ta rất có thể nghiêm khắc, quyết liệt mà vẫn “sang trọng”.

 

Và đừng bao giờ quên rằng, trong khi người ta tranh luận ồn ào về thơ, “nàng thơ” vốn con nhà tử tế và hay xấu hổ, thấy ầm ĩ quá đã lẳng lặng rút lui từ bao giờ!

 

VĂN NGHỆ, SỐ 34/1994

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Những câu thơ viết trong miên cảm – Nguyễn Minh Khiêm

>> Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào? – Nguyễn Thanh Tâm

>> Trần Thế Tuyển & Phía sau mặt trời – Nguyễn Vũ Quỳnh

>> Đinh Hùng một hồn thơ kỳ ảo – Võ Tấn Cường

>> Về mái nhà xưa tìm thời đã mất – Phan Hoàng

>> Trải lòng với Bóng chữ của Lê Đạt – Lưu Khánh Linh

>> Khuynh hướng LLPBVH ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo ở miền Nam- Trần Hoài Anh 

>> Nhỏ mà không nhỏ – Phạm Đình Phú

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…