Lê Quang Trạng – Đi tìm cha

660

14.02.2018-06:00

 Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng

 

Đi tìm cha

 

TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ QUANG TRẠNG

 

NVTPHCM- Mẹ bỏ nhà đi từ hồi khuya, cha nói, lần này chắc mẹ đi luôn rồi? Tháng này lương cha bị trừ một phần tư vì đi trễ.

 

Tôi không thấy sự trống vắng, mỗi sáng thức dậy vẫn không quờ tay thấy mẹ. Cha chiên trứng, hai cha con ngồi ăn. Đồng lương và những lời cằn nhằn của mẹ làm tôi ý thức mình phải ăn nhanh hơn để cha đưa đến trường.

 

Từ ngày mẹ được lên chức, mẹ đi về khuya hơn. Có bữa mẹ về sớm, cũng hơn mười một giờ đêm. Hôm ấy tôi giật mình ngồi thu lu trong góc mùng, mẹ bước vào. Mùi bia từ mẹ nồng lên làm tôi thấy mẹ trở nên xa lạ. Tôi ôm mẹ khóc. Mẹ để y tôi vậy, mẹ không ôm tôi vỗ về như trước. Hai tay mẹ lúc ấy bận phải lau mớ tóc ướt. Mẹ để tôi mặc sức khóc, nước mắt thấm vào áo mẹ, nước mắt nóng có thể làm mẹ nhận ra tôi đang khóc một cách rõ hơn. Nhưng có lẽ mẹ say, mẹ không còn để ý đến từng chi tiết nhỏ của tôi. Tôi nhớ, đó là lần cuối cùng gần nhất tôi ôm mẹ khóc…

 

Mấy đêm sau mẹ về trễ hơn, lần nào đến nhà, mẹ cũng dừng xe, pha đèn thẳng vào cửa và tiếng kèn xe inh ỏi. Cha ngồi dậy, bước ra nhẹ nhàng mở cửa, cử chỉ nhẹ nhàng ấy vì sợ bà nội thức giấc giữa đêm. Cha nói, người già thường khó ngủ, thức rồi thì khó mà dỗ lại giấc ngủ được. Những khi còn thức, tôi rón rén nhẹ nhàng bước ra. Đi ngang mùng nội, tôi thấy bà nằm day mặt vào vách, như ngủ. Nhưng hình như hơi thở bà dài, rất dài, như những lúc ban ngày, nhìn bữa cơm thừa ra một chén, nội thở dài buồn bã. Sau loạt kèn xe ấy, cha sẽ mở cửa và dắt xe vào nhà cho mẹ, mẹ sẽ để mớ hoa hồng, hoa lan trên bàn thay gì những cái bánh bao, bánh mì cho tôi trước đây.

 

Những cuộc vắng mặt trong bàn cơm mở đầu cho sự thăng tiến trong công việc của mẹ. Mây tháng đầu, tôi nghe cha mừng vì mớ lương mới của mẹ khá hơn, ngôi nhà này có thể sẽ được lợp lại nóc, không còn cảnh quấn tấm ni lông nhìn mưa dột tứ phía nữa. Bà nội sẽ có một căn phòng yên tỉnh, để những tiếng kèn xe đêm đêm không làm bà giật mình thức giấc. Giấc mơ của cha được xây trên mớ tiền của mẹ đem về. Nhưng số tiền ấy chỉ đong đầy hai tháng đầu tiên mẹ lên chức, mấy tháng sau đó lại hụt đi. Có lần trong lúc mẹ đưa tiền cho cha, cha hỏi:

 

– Sao tháng này lương em còn có nhiêu vậy?

 

– Em phải mua thêm mỹ phẩm, sếp cử đi tiếp khách mà để mặt mũi vầy thì cũng kỳ.

 

Lúc ấy cha hơi buồn, nhưng sau đó mặt ông bình thường lại. Trong buổi trưa, cha ôm tôi vào lòng, ông hỏi:

 

– Con thấy mẹ con bây giờ đẹp hông?

 

– Dạ đẹp, nhưng mẹ… lạ quá à.

 

Lúc ấy, trong trí óc non nớt của tôi, tôi chỉ biết nói đúng những gì mình thấy. Tôi có biết đâu, những câu trả lời như vậy làm cha tôi đau đớn biết bao. Lúc ấy, hẳn ông cần lắm một câu trả lời khác, để ít ra ông còn có thể đánh lừa được chính suy nghĩ của ông. Ít ra, qua tôi, cha còn thấy ở mẹ một thứ gì đó mà dựa dẫm.

 

Cha tôi nghỉ làm ở công ty gạo sau khi mẹ tôi được lên chức phó phòng mấy hôm. Lúc ấy, cha nói do nội bệnh ngày một nặng, mẹ thì phải đi làm, giữa cha và mẹ phải chọn một người ở lại để săn sóc gia đình. Cha chỉ là một công nhân xưởng, còn mẹ là một phó phòng, nằm trong danh sách cán bộ nguồn nên mẹ ở lại làm và cha tôi nghỉ. Lúc ấy, lời mẹ thật sự thuyết phục cả nhà, nguồn lương mẹ khi lên phó phòng gấp đôi lương của cha, chưa kể những bổng lộc, quà cáp có thể nuôi đủ một gia đình.

 

Bà nội ngày một yếu đi, nhưng bà vẫn cố gắng tỏ ra mình còn khỏe. Ban đầu bà còn xuống bếp nấu cơm. Nhưng sau, mấy lần mắt lem nhem, bà gắp than rớt trúng chân phỏng phù bàn chân đọng nước. Tôi nhìn chân nội mà mắt rưng rưng. Mẹ nói, sếp nghe mẹ kể, nên gửi cho mấy chai thuốc sức bỏng rất hay. Lúc đó nội khen, sếp con biết điều với cấp dưới quá! Mắt mẹ ửng lên một niềm vui như được tiếp thêm lửa, “dạ, sếp con tốt với nhân viên lắm má!”.

 

Sau lần đó không lâu, nội té sau sàn nước, cha đưa nội đi bệnh viện loay hoay lo cho nội mà quên nhờ người đến trường rước tôi. Chờ mãi không thấy cha đến. Tôi lội bộ dọc theo con đường về nhà. Con đường đi ngang công ty của mẹ. Tôi thấy mẹ vui cười với một người đàn ông nào đó lạ mặt, sau đó mẹ lên xe của ông ấy đi. Tôi chạy theo kêu, “mẹ, mẹ…”. Mẹ quay lại nhìn tôi, rồi xe dừng lại. Mẹ xuống xe đi về phía tôi. Mẹ hỏi sao giờ này con ở đây? Sao con không về nhà. Tôi sắp khóc, tôi không nói nên lời. Mẹ dắt tôi vào lề đường, dúi vào tay tôi tờ giấy hai mươi nghìn màu xanh hy vọng. Bà kêu tôi đi ngược lại phía trường học, có bác xe ôm, kêu bác ấy chở về nhà. Mẹ phải đi ăn trưa với sếp… Lúc mẹ quay lưng đi, tôi bắt đầu rơi nước mắt. Tôi lấy tay dụi nước mắt đợi xe mẹ khuất bóng ở phía xa xa đường, tôi đi vòng con đường tắt tránh ngang mặt công ty mẹ về nhà. Tờ hai mươi nghìn của mẹ tôi để lại bên miếu thổ thần phía góc cây phượng:

 

– Ông thổ thần ơi, ông linh thiêng hưởng tiền này, độ cho mẹ con bình an vô sự…!

 

Tôi về đến nhà, mồ hôi nhễ nhại. Cha đang thu dọn đồ đạc. Tôi hỏi cha đi đâu, cha nói trong gấp gáp, nội té, nội đang nằm viện, cha vào viện nuôi nội. Đúng lúc ấy mẹ tôi xuất hiện. Mẹ bước vào nhà với bộ đồ mới, không phải áo trắng, váy đen như mẹ đi làm hàng ngày. Mẹ hỏi cha:

 

– Sao hôm nay anh không rước con, để con đi bộ về nhà, nó đi ngang công ty em, đồ đạc thất thểu, ai cũng ngó nó.

 

– Má té, anh lo cho má nên quên nhờ ông Tư xe ôm rước.

 

– Anh làm cha mà quên gì ác nhơn vậy.

 

– Má té, em xin nghỉ vài hôm phụ tiếp nuôi má với anh nha.

 

– Trời ơi, công việc em lu bu trăm bề, công ty mà vắng em một hôm  thì ai xử lý cả núi việc.

 

– Nhưng má té, mình xin nghỉ nuôi má, chớ có đi chơi đâu.

 

– Nhưng công ty em đâu thể vắng đột xuất vậy được. Em đi làm chớ bộ đi chơi sao mà muốn nghỉ thì nghỉ. Anh qua mượn chị Tư đi nuôi tiếp anh, bao nhiêu tiền về em trả lại cho.

 

Lúc cuộc trò chuyện giữa cha và mẹ đưa đến hồi căng thẳng, tôi ngồi gặm củ khoai và chỉ biết nhìn hai người đối đáp. Cho đến khi cuộc cãi nhau lớn tiếng. Mẹ nói:

 

– Em đi, em dắt thằng Hiếu đi. Sống với anh như sống với xe lôi xe kéo. Không biết gì là công việc thì không nói chuyện với nhau được.

 

Mẹ gom đồ đạc của tôi cho vào vali của mẹ đã chuẩn bị sẵn. Mẹ dắt tay tôi đi. Nhưng tôi vùng tay mẹ ra. Tôi không đi. Tôi không đi đâu hết. Tôi khóc, nhưng lần này tôi không ôm chầm lấy mẹ. Tôi sợ nước mắt tôi làm áo mẹ dơ đi, tôi sợ quần áo đầy mồ hôi của tôi làm mẹ hôi đi. Lúc ấy, trong đầu tôi vẫn còn lãng vãng mấy lời của mẹ, “Mẹ phải tiếp khách nên con đừng trách mẹ”. “Dạ, con sẽ không trách mẹ đâu, mẹ ơi!”…

 

Mẹ nói với tôi, vậy con chịu khó ở lại vài hôm, rồi mẹ qua rước con. Lúc ra sân, mẹ nói với người đàn ông đeo kính đen, bịt khẩu trang rằng, kệ, cho nó khổ vài bữa, chịu không nổi thì nó sẽ đi thôi… Câu nói mẹ nhẹ tênh như nó cấu xé lòng tôi suốt những ngày vắng mẹ. Lúc đó tôi ý thức rằng, tôi phải sống sao cho mẹ thấy, không phải nghèo khổ là tôi phải phụ bạc ra đi…

 

Bà nội cầm cự mấy hôm ở bệnh viện thì bà qua đời. Đám tang nội diễn tra nhanh chóng trong hai ngày. Những ngày đám tang ấy, tôi ngồi kề bên nội, tôi mong sao mẹ tôi đừng về, mẹ đừng về đây lúc này. Mẹ về sẽ làm nội đau lòng, làm cha khó xử và cả tôi nữa, tôi sẽ khóc một trận mặc dù lòng tôi đang cố gắng mạnh mẽ khi cha dặn, nhà mình còn nhiều việc lắm, con bình tĩnh nha con.

 

Và sự thật như tôi mong, chắc mẹ cũng hiểu điều tôi mong ấy, mẹ không về. Mẹ nhờ ai đó gửi cho cha tôi mười triệu. Nhưng ông không nhận, ông nhờ người ta trả lại mẹ, lúc ấy cha tôi nói, “Nhà này nợ cô ấy cũng nhiều rồi, bây giờ lấy mười triệu này tôi không biết bao giờ mới trả lại được…”. Và người kia đã lặng lẽ bỏ đi, quăng lại câu “nghèo mà chảnh”…

 

Nội nằm trong đất chùa, chỗ gần hồ sen. Di ảnh nội đặt ở nhà suốt một trăm ngày nhang khói. Sau lễ cúng một trăm ngày, cha xin sư trụ trì cho gửi nội ở chùa vài hôm, cha dắt tôi đi tìm mẹ.

 

Lúc ấy, tôi nghĩ chắc cha nói dỡn. Suốt bấy lâu cha có nhắc gì về mẹ đâu. Giờ lại đi tìm mẹ. Tôi đi học, nghe đám bạn con của mấy công nhân trong công ty mẹ xì xầm, mẹ và trưởng phòng ôm tiền công ty bỏ trốn. Hiện họ đang bị truy nã khắp nơi. Tôi về kể cho cha nghe, không ngờ sau khi nghe xong, cha lại quyết định dắt tôi đi tìm mẹ.

 

Lúc đó đang vào kỳ nghỉ hè, tôi cũng muốn đi đâu đó chơi vài hôm. Nhưng tôi nhất quyết không đi tìm mẹ. Cha khuyên tôi hết lời, tôi vẫn không chịu. Ông vót đọt tre ngâm, nếu tôi không đi cùng ông, ông sẽ đánh tôi tét đít. Lúc ấy tôi khóc, năn nỉ cha, tôi muốn ở nhà với hương hồn nội:

 

– Con muốn ở lại với nội, đêm nào con cũng nhớ nội. Con không đi đâu cha ơi. Mẹ bỏ cha con mình, mình tìm mẹ cũng không nhìn đâu cha.

 

Câu nói ấy là đã biết bao nhiêu kìm nén. Tôi không dám nói ra, mẹ bạc lắm, con gặp mẹ mấy lần ở ngã ba, mà mẹ chỉ nhìn con thôi, mẹ có kêu con đâu. Giờ tìm mẹ, mẹ đuổi cha con mình về, chớ làm sao mẹ dám ra nhận. Nhưng năn nỉ mãi mà cha vẫn không nghe, ông nhất quyết đưa tôi đi tìm cho bằng được mẹ. Lúc ấy, tôi nói theo suy nghĩ của mình, “Mẹ đang trốn, cha tìm mẹ cũng có được đâu”. Sau câu nói của tôi, cha lặng im suy nghĩ hồi lâu. Ông nói, “Ừ, nhưng cũng cho con gặp mẹ một lần”. “Con không muốn gặp mẹ nữa, con không muốn…”.

 

Đêm đó cha nằm trên võng, ông đốt thuốc liên tục, vừa hút thuốc, ông vừa nhìn ra phía con đường. Mỗi lần có xe chạy ngang, ông lại ngồi dậy ngó nhìn. Ông như vẫn còn hy vọng, mẹ sẽ về đón tôi. Nhưng trong tôi, hy vọng ấy tắt từ lâu lắm rồi, tắt từ khi mẹ gặp tôi mà nhìn như người xa lạ. Tôi ôm gối quay vào vách khóc, tôi nói vọng ra: “Cha, mai con sẽ đi với cha!”

 

Sáng sớm, hai cha con tôi thu xếp đồ đạc, đón xe đò ra thị xã. Xe đến thị xã lúc bẩy giờ, cha dắt tôi đi môt vòng thị xã, nhưng vẫn không tìm được mẹ, cha quyết định đưa tôi đi về ấp Ngọn Cùng quê ngoại, nơi ấy cách thị xã ba trăm cây số đường.

 

Suốt chặng  đường trên xe, cha luôn ngó ra cửa sổ cố nuôi hy vọng sẽ gặp mẹ đâu đó trên con đường này. Xe vừa qua ngã bẩy, cha đột ngột kêu xe dừng. Ông nắm tay tôi bước xuống, ông chạy lại chỗ phía xa, chỗ chiếc xe hơi có người đàn bà đang đứng. Vừa chạy ông vừa nói:

 

– Diễm, Diễm, em cho anh biết đi, cha ruột thằng Hiếu là ai?

 

Lúc tay cha đụng vai người đàn bà, bà ta quay lại. “Cha như chết đứng, xin lỗi bà ta lia lịa”. Cha buồn bã ngó lại tôi, tôi hỏi, “Cha ruột con là sao hả cha?”. Cha im lặng, “Cha, cha nói con biết đi, cha ruột con là sao hả cha?”. Cha để hành lý xuống, ông ngồi xuống bên đường nhìn tôi. “Con, cha dắt con đi tìm mẹ. Cha sẽ hỏi mẹ con, ai là cha ruột của con, rồi cha dắt con đi tìm mà nhìn mặt. Dù sao, con cũng nên biết cha ruột con là ai để lạy ông ta hai lại ơn sinh thành”. Tôi đứng như trời trồng, rồi quỳ gập xuống bên cha, “Cha ơi, cha ở đây rồi, con còn tìm cha ở đâu được nữa cha!”. Lúc ấy cha ôm tôi khóc.

 

Mặt trời chiều sắp chìm ở phía xa. Không biết giờ này còn chuyến xe nào đi về xóm Ngọn Cùng không nữa?

 

 

CÙNG TÁC GIẢ:

 

>> Hạt phấn cuối cùng

>> Cuộc tìm nhau

>> Mùa cổ mộc ra hoa

>> Bong bóng tìm nhau

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ 

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…