Nguyễn Văn Xuân người Quảng hay cãi

614

14.02.2018-07:00

 Nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân

 

>> Nguyễn Văn Xuân và công tác khuyến học

 

Nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân:

Người Quảng hay cãi

 

LÊ VĂN NGHỆ

 

NVTPHCM- Ghi nhận đóng góp của ông, từ năm 2013 tại Đà Nẵng có con đường mang tên Nguyễn Văn Xuân, cùng đợt với các nhà văn Phan Khôi, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn và Tế Hanh...

 

Lúc viết lời bình kịch bản Học giả Nguyễn Văn Xuân – từ trang văn đến cuộc đời, tôi chỉ dựa vào từng thước phim đã quay do đạo diễn Hải Anh cung cấp. Khi dựng thành phim phát sóng trên TFS của HTV, nhà biên kịch Nguyễn Hồ đổi lại Thầy Nguyễn Văn Xuân.

 

Thật bất ngờ, phim này đã đoạt giải Cánh diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2001. Nhắc lại chi tiết trên, để nói rằng, nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân không hề xa lạ với bạn đọc cả nước.

 

Giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân (NXB Đà Nẵng – 2002), nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch Việt Nam ghi nhận: “Là người từng gắn bó tham gia nhiều công việc với các đồng nghiệp xứ Quảng của ông, tôi cảm nhận được một điều: một cuộc hội thảo, một tập kỷ yếu viết về lịch sử và văn hoá xứ Quảng mà vắng ông, mọi người đều cảm thấy một cái gì không trọn vẹn, một khoảng trống… Nguyễn Văn Xuân là người học rộng lại chuyên viết về xứ Quảng nên gọi ông là nhà Quảng học hiểu theo nghĩa nào của chữ cũng đều đúng cả” (tr. 1008).

 

Lịch sử đã dành cho Quảng Nam – Đà Nẵng một sứ mệnh cay đắng và vinh quang: 5h sáng ngày 1-9-1858 giặc Pháp đã ngang ngược tấn công thành phố này mở đầu cho công cuộc xâm lược Việt Nam.

 

Nhưng dưới ngọn cờ chính nghĩa của lão tướng dày dạn chiến trận Nguyễn Tri Phương, dân quân Đà Nẵng đã đánh bại đại binh viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Trung tướng hải quân Rigault Genouilly! Chúng không thể hoàn thành chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh mà phải rút chạy khỏi Đà Nẵng để vào tấn công Nam Kỳ.

 

Đà Nẵng vẫn còn lưu giữ nhiều chứng tích hùng hồn tố cáo tội ác xâm lược của giặc Pháp. Rất tiếc thế hệ trẻ không mấy ai biết đến. Phải chăng chính vì thế mà nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân đã dành cả cuộc đời để ghi chép về sự tích thần kỳ của vùng đất mình gắn bó máu thịt? Có thể nói đây là một sứ mệnh cao quý mà ông đã ý thức lúc mới ngoài 30 tuổi.

 

Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921 tại xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, (Quảng Nam). Điện Phương là nơi hình thành nghề truyền thống đúc đồng nổi tiếng – phải chăng điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy nghiên cứu nghiêm túc và phong cách tiếp cận vấn đề rất tài tử của ông?

 

Khi nói ông có phong cách tiếp cận vấn đề đầy tính ngẫu hứng và tài tử, có lẽ nhiều người không đồng ý vì nó khá xa lạ với bản chất của một nhà nghiên cứu. Nhưng thật ra, đó mới là bản lĩnh độc đáo của Nguyễn Văn Xuân, vì trước khi trở thành nhà nghiên cúu thì ông đã là nhà văn.

 

Điều này cũng tương tự như Sơn Nam ở Nam Bộ, Quách Tấn ở Bình Định.

 

Ít ai biết rằng, từ trước năm 1945 ông đã có những truyện ngắn in trên Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội. Trong đó, với giọng văn đặc sệt ngôn ngữ Quảng Nam, ông đã tạo nên bối cảnh và nhân vật như mới từ vùng đất “Rượu hồng đào chưa nhấm đã say” bước thong dong vào trang văn để lôi cuốn người đọc. Vì lẽ đó, các nhà văn học sử đã xếp ông vào thế hệ nhà văn vào nghề từ thập niên 1940.

 

Sống tại miền Nam trong vùng địch tạm chiếm, ông vẫn tiếp tục sáng tác. Nhưng ý hướng của một người từng sống trong vùng kháng chiến, từng hoạt động ở Liên khu V cùng với nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký, nhà thơ Trinh Đường… từng viết kịch phục vụ phong trào cứu quốc… thì các tác phẩm của ông như Bão rừng, Hương máu và một loạt truyện ngắn khác in trên báo công khai vẫn không nhập vào trào lưu văn học “thời thượng” lúc bấy giờ.

 

Nhân vật của ông không phải là gái bán bar, thanh niên thác loạn… – mà ở đó là những nhân vật anh hùng lừng danh ở quê hương ông như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân…

 

Ông đã viết về các nhân vật này bằng tất cả sự ngưỡng mộ và cũng là một cách bộc lộ quan điểm chính trị. Tuy viết theo kiểu “xanh vỏ đỏ long”` nhưng nó đã có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước. Ở đó, cái chết của những nhân vật anh hùng đã gây cảm xúc mạnh mẽ ở người đọc bởi câu văn sắc lạnh, ẩn đằng sau là nỗi đau, là những giọt nước mắt mà tác giả nén lại.

 

Lúc về Đà Nẵng, thỉnh thoảng tôi nhận ra ông qua mái tóc bạc phơ. Cũng giống như bao ông lão bình dị khác, nhưng có mấy ai biết được rằng thời trai trẻ, Nguyễn Văn Xuân là người đi nhiều, rất nhiều? Đi và ghi chép. Ghi chép và viết.

 

Ông quan niệm rằng, nghiên cứu một vấn đề sử học không chỉ căn cứ trên văn bản, còn phải khảo sát từ thực địa. Chính nhờ những chuyến đi điền dã không mệt mỏi, ông đã có được tác phẩm nổi tiếng Phong trào Duy Tân, in năm 1969 tại miền Nam.

 

Đây là công trình đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch sử về phong trào Duy Tân. Ông đã tận dụng tối đa nhiều nguồn tư liệu phong phú, từ tư liệu viết đến tư liệu điền dã. Do đó, bức tranh của phong trào được ông dựng lại sống động, nghĩa khí, trí tuệ, nhưng cũng vô cùng bi thương.

 

Mấy chục năm qua, cuốn sách nghiên cứu này vẫn để lại ấn tượng sâu sắc, có giá trị lâu bền, có lẽ bởi ngoài tâm huyết còn phải nói đến tài năng. Tài năng đó hoà với trái tim nồng nhiệt của nhà văn qua một bút pháp rất riêng. Bút pháp đem tấm lòng, tâm tình để viết lịch sử – đó chính là sức lôi cuốn và hấp dẫn của phong trào Duy Tân.

 

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc: “Những quan điểm được trình bày trong sách nói chung là nghiêm túc, ít sai sót về mặt sử liệu và không có những quan điểm không phù hợp với yêu cầu chính trị hiện đai”..

 

Có lần, với tư cách nhà báo, tôi phỏng vấn ông: “Có thể nói, bất cứ trong thời điểm nào việc giáo dục lịch sử nước nhà cho thế hệ trẻ cũng là nhiệm vụ cấp bách và rất cần thiết. Nhất là ở thời điểm hiện nay, khi đất nước đã mở cửa và hội nhập với các nước trên thế giới với nhiều luồng văn hoá khác nhau. Để gìn giữ bản sắc của một dân tộc thì có “vũ khí” nào sắc bén hơn là giáo dục cho mọi người ý thức về tự hào dân tộc”.

 

Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân trả lời: “Chúng ta muốn đổi mới mà ít học lịch sử của ta và của thế giới (nhất là quanh ta) thì thật là quá thiếu sót. Ngày nay, sự duy tân của Phan Châu Trinh với ba nguyên tắc căn bản thì thiết tưởng thời nào cũng phải tâm niệm: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

 

Về nguyên tắc một và ba, ta đang thực hiện, nhưng “Chấn dân khí” còn quá thiếu sót. Ta có thể rất tự hào về dân khí trong chiến đấu, nhưng còn dân khí để làm người đối với đất nước nhất là với thế giới mới thì ta đã đặt ra chưa?

 

Hay sinh viên ngày nay chỉ có mơ ước cao xa là có bằng cấp để đi làm thầy thông, thầy ký, lãnh lương từ các doanh nghiệp Việt Nam và kỳ vọng lớn hơn là doanh nghiệp nước ngoài – bất kỳ nước nào – vì ở đó lương hưởng gấp mấy lần ở ta?

 

Chấn dân khí ở đây chỉ là ví dụ nhỏ. Nó còn lớn lao và sâu sắc trong mọi hoạt động mà xuất phát không phải tự thân, còn đòi hỏi ở một hiến pháp và một nền giáo dục nặng về khai phong”’.

 

Vấn đề ông đặt ra quả đáng để chúng ta lưu ý và cũng đang là mối quan tâm của nhiều người. Nhiều người cho rằng, trong nghiên cứu học thuật, chính vì hay “cãi” nên ông luôn đưa ra những ý kiến khác người. Đúng thế, tạo nên sự độc đáo và bản lĩnh Nguyễn Văn Xuân chính là thời điểm ông công bố biên khảo giá trị Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc.

 

Qua công trình này ông quyết “cãi”: dịch giả Chinh phụ ngâm không phải Đoàn Thị Điểm mà chính là Phan Huy Ích. Luận cứ của ông đưa ra là bản dịch mà ông tìm được trong thư viện gia đình của một bà chúa ở xóm Âm Hồn ngoài Huế.

 

Từ chứng cứ này, vấn đề ai là dịch giả Chinh phụ ngâm một lần nữa đã tạo nên cuộc tranh luận dữ dội. Và đến nay đã ngã ngũ chưa? Câu hỏi này, khó có thể trả lời một cách dứt khoát, kể cả học giả Hoàng Xuân Hãn khi công bố Chinh phụ ngâm bị khảo.

 

Chưa hết. Chính từ những chuyến đi điền dã, ông thu thập được nhiều vốn quý để viết Khi những lưu dân trở lại, trong đó, ông đã đưa ra một nhận định hoàn toàn mới ở thời điểm đó và qua kiểm nghiệm của thực tế đến nay càng thấy đúng: ở miền Nam, văn học trình diễn rất quan trọng.

 

Ngoài Bắc, văn là để xem; trong Nam, văn là để nói. Thơ lục bát của Nguyễn Đình Chiểu là để nói. Người ta nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Thông Tàm, thơ Mụ Đội, vè Chàng Lía…

 

Nói là phong cách lớn của văn học miền Nam góp vào văn học Việt Nam nói chung. Kết tinh của phong cách này là văn học trình diễn. Thật vậy, ở Trung Nam Bộ còn có câu ca dao:

 

Ai về Bình Định mà nghe

Nghe thơ chàng Lía, nghe vè Quảng Nam.

 

Do phong cách tiếp cận vấn đề đầy tài tử như tôi đã nêu trên, ở nhận định quan trọng này, ông đã đưa ra nhận xét thú vị và dân dã đời thường: Bánh chưng ngoài Bắc thích hợp với sự cố định, để nguyên một chỗ; bánh tét trong Nam là thứ thích hợp cho di chuyển, xách mang. Miền Bắc nền nã, cố định; miền Nam năng động và trẻ…

 

Cho đến lúc dù ở độ tuổi “cổ lai hy” nhưng thói quen đọc báo buổi sáng của Nguyễn Văn Xuân cũng không bỏ. Theo ông, đó là thói quen của thị dân luôn khao khát tiếp cận với thông tin mới. Lúc nhìn ông thong thả nhả khói thuốc lên nền trời xanh, ta có cảm tưởng đời sống gia đình của ông may mắn hơn người khác chăng?

 

Không phải đâu. Nếu trong sự nghiệp rạng rỡ, thành công bao nhiêu thì trong góc khuất cuộc sống gia đình của ông lại đầy đau thương, oan nghiệt bấy nhiêu. Những mảng sáng tối trong đời ông luôn đan xen lẫn lộn. Cái giá phải trả cho niềm say mê văn học và nghiên cứu văn hoá của ông không thể kể xiết: người bạn đời, ba đứa con của ông đều bị tâm thần và ông sống chung cho đến hết đời trong một căn nhà nghèo khó…

 

Với một hoàn cảnh không bình thường như thế nhưng ông vẫn yêu đời, vẫn sống và viết. Tôi nghĩ rằng, ông viết không chỉ để mưu sinh nuôi vợ con mà còn là một thú vui an nhiên tự tại giữa cuộc đời này. Và cứ thế, mỗi ngày ông lại viết, lại đưa ra những vấn đề hữu ích cho người đọc mà ông đã dày công nghiên cứu.

 

Suốt một đời người chỉ sống và viết về lịch sử địa phương của mình dưới nhiều dạng từ sáng tác đến biên khảo… bằng tất cả tâm huyết và lòng nhiệt thành yêu nước thì những đóng góp của ông không còn thu gọn trong một địa phương cụ thể nữa.

 

Nó còn hữu ích, còn đóng góp cho lịch sử nơi khác khi ta đặt những trang viết ấy trong một tổng thể chung. Không ai có thể bác bỏ quan niệm: lịch sử địa phương quan hệ mật thiết với lịch sử đất nước. Có lẽ, không lời tôn vinh nào xứng đáng hơn khi gọi ông là “nhà địa phương học”với đúng nghĩa cao quý của cụm từ này.

 

Ghi nhận đóng góp của ông, từ năm 2013 tại Đà Nẵng có con đường mang tên Nguyễn Văn Xuân, cùng đợt với các nhà văn Phan Khôi, Hoàng Châu Ký, Thu Bồn và Tế Hanh.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…