Luồng gió mới cho thi đàn đất Việt

2107

Trọng Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phan Hoàng đã thổi vào nền văn học nước nhà một làn gió mới. Không xa nữa, tôi tin làn gió ấy sẽ sớm đưa thi ca nước nhà dịch chuyển. Phải chăng đó là những tinh túy của con người xứ Nẫu, một Phan Hoàng đón ánh mặt trời từ Gềnh Đá Đĩa, bồi lắng xuống dòng Sông Ba, tỏa sáng giữa “Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra”?

Nhà Thơ Phan Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Văn học TP.HCM (mặc áo sơ mi trắng) trong buổi trao thưởng thể thơ 1-2-3 tháng 6 và 7 năm 2020

Anh bạn chỉ tay và nói “Đây là cánh đồng lớn nhất miền Trung!”. Nếu đứng trên núi Chóp Chài hay núi Đá Bia nhìn xuống sẽ thấy một dòng sông, nó vẽ nên một nét ngoằn ngoèo như chiếc khăn voan, mỏng mảnh vờn lên lúa thơm nõn nà, chia cánh đồng thành hai mảnh như tấm thảm lụa trải dài, chuyển mình êm ái… đầu mùa thì xanh mơn mởn, cuối mùa vàng óng ánh.

Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi bước chân đến mảnh đất Phú trời Yên để thăm quê hương của Phan Hoàng, đoạn đường từ đây về Tây Hòa quê ông cũng chẳng đáng là bao.

Lối vào nhà cha mẹ Phan Hoàng phải đi qua một cái chợ nhóm nho nhỏ của thôn, có khoảng dăm bảy túp lều liêu xiêu nhìn cổ kính, chất chứa nặng hồn quê. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu văn hóa Trung bộ xưa, đơn sơ ấm áp tình người, trong nhà có cụ bà thân sinh Phan Hoàng năm nay gần 90 tuổi, cụ sinh sống một mình. Từ ngôi nhà này, cổng làng đây, con sông Ba kia…  đã sản sinh ra một Phan Hoàng tràn trề năng lượng sáng tạo, đang có những đóng góp rất đặc biệt đầy hứa hẹncho nền thi ca Việt Nam đương đại.

Anh bạn cùng đi dẫn tôi vào thăm một người dượng Sáu cạnh nhà Phan Hoàng. Dượng say sưa kể cho chúng tôi về gia đình nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng, “Ông ấy sống tốt lắm, lần nào về cũng qua đây uống trà, tặng sách cho dượng, ổng còn có nhiều đóng góp cho Phú Yên. Vừa rồi ổng mới đạt giải thưởng với Tập thơ và Trường ca Bước gió truyền kỳ do Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM trao tặng giai đoạn 2012-2017, Ổng cũng tặng dượng một cuốn”.

– Vậy dượng ấn tượng nhất là cuốn sách nào của Phan Hoàng? Anh bạn tôi hỏi.

Dượng Sáu trả lời ngay: “Sài Gòn đất thiêng khí tụ, đó là một cuốn sách hết sức có giá trị, thể hiện tấm chân tình, sự đầu tư công sức và thời gian để Phan Hoàng thực hiện những trang viết, những cuộc trò truyện phỏng vấn trực tiếp các vị tướng lĩnh của Việt Nam, những con người đã đi qua hai cuộc chiến của dân tộc. Không phải ai cũng làm được như Phan Hoàng đâu nha các chú!”.

*

Tối hôm ấy, chúng tôi cùng Phan Hoàng đến chân núi Nhạn, địa điểm do ông gợi ý sáng lập để làm nơi cho các văn nghệ sĩ Phú Yên sinh hoạt văn chương. Các văn nghệ sĩ ngồi bàn bạc với nhau mở một con đường sách tại Tuy Hòa để phục vụ nhu cầu của độc giả tại quê nhà.

*

Về lại Sài Gòn, tôi được mời tham gia sinh hoạt văn nghệ với anh em nhóm Văn học Sài Gòn, đây là lần đầu tiên tôi tham gia sinh hoạt và trao giải thơ 1-2-3… gì đó nghe rất lạ. Những người đồng sáng lập Văn học Sài Gòn như nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phạm Phương Lan, nhà văn Chu Quang Mạnh Thắng, nhà thơ Doãn Minh Trịnh, Tiến sĩ Nguyên Trân… đều đã có mặt, và hiển nhiển là không thể thiếu Phan Hoàng.

Mở đầu Phan Hoàng tuyên bố lý do buổi họp mặt rất trang trọng, gương mặt anh nghiêm túc, nhưng khi giới thiệu đến từng vị khách thì thần thái anh luôn có sự thay đổi linh hoạt, tạo ra khí thế vui nhộn, tôi chắc tâm hồn lãng mạn của anh đã ngấm vào từng lời giới thiệu nên từ nhà thơ Hoài Vũ – một bậc lão thành cách mạng đáng kính – cho đến các tác giả trẻ, bước đầu rụt rè đặt bàn chân bỡ ngỡ vào căn phòng sinh hoạt văn nghệ của Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cũng đều phải bật cười.

Sự vui nhộn hài hước, hóm hỉnh của Phan Hoàng đã đem lại tiếng cười giòn giã ấm cúng cho căn phòng. Những tác giả lần đầu gặp gỡ cũng trở nên thân quen với anh, như đã quen biết từ lâu. Tác giả thơ 1-2-3 Trần Nguyệt Ánh từ Buôn Hồ – Đak Lak chia sẻ “Lần đầu tiên đến đây lưu luyến không muốn về luôn á, Văn học Sài Gòn như một gia đình, không có khoảng cách”.

Tại buổi tọa đàm, tất cả đều gửi một lời cảm ơn giành cho Phan Hoàng, nhờ có ông mà anh em giới văn nghệ mới có sân chơi ý nghĩa. Trong tương lai không xa, thể thơ 1-2-3 do Phan Hoàng khai sáng sẽ thu hút rất nhiều các cây bút và độc giả, sức lan tỏa sẽ mạnh mẽ; cả những tác giả hiện đang sinh sống ở nước cũng ngoài tham gia rất hào hứng.

Nhà thơ Khang Quốc Ngọc rỉ vào tai tôi “Sau này, có lẽ cái còn lại của Phan Hoàng là 1-2-3! Rồi người ta sẽ nhắc mãi đến tên ông cho mà xem!”. Phan Hoàng là cha đẻ của thể thơ 1-2-3, một thể thơ mới xuất hiện ở Việt Nam từ những tháng đầu của năm 2020. Hiện nay thơ này đang thu hút rất nhều tác giả tham gia nghiên cứu và sáng tác.

Phan Hoàng đã thổi vào nền văn học nước nhà một làn gió mới. Không xa nữa, tôi tin làn gió ấy sẽ sớm đưa thi ca nước nhà dịch chuyển. Phải chăng đó là những tinh túy của con người xứ Nẫu, một Phan Hoàng đón ánh mặt trời từ Gềnh Đá Đĩa, bồi lắng xuống dòng Sông Ba, tỏa sáng giữa “Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra”?

T.B