Nỗi sợ vô hình

1310

Vũ Tuấn Hoàng giới thiệu và dịch

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lịch sử của cả một thời đại hiện ra qua trích đoạn di cảo của nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko: “Không có gì hèn hạ hơn nỗi sợ trước chính nỗi sợ của mình/ Không có gì trên đời tôi căm thù bằng căm thù nỗi sợ” – nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko.

Evtushenko là cả một kỷ nguyên trong thơ ca.


Nhà thơ Evgeny Evtushenko

Ông sinh năm 1932 tại Yakursk, trong một gia đình mà người cha theo nghề thăm dò địa chất. Bố mẹ kể lại rằng ông bắt đầu làm thơ từ khi còn bé và biết đọc biết viết cũng rất sớm. Các cuốn sách của tuổi thơ thường dành cho các bậc lớn tuổi hơn. Những bài thơ đầu tiên được in của ông trên báo “Thể thao Xô-Viết” khi mới 17 tuổi. Và ba năm sau thì tập thơ đầu tiên “Những kẻ trinh sát điều lớn lao” chào đời. Nhưng chính nhà thơ lại xem cuốn sách thứ ba mới được gọi là cuốn đầu tay của mình, “Đại lộ những kẻ tâm huyết” năm 1956.

Năm 1957, một sự kiện lớn xảy ra trong đời: Vì bài phát biểu đầu tiên của ông “Đi trái chiều đường lối” nhằm lên tiếng bảo vệ cuốn tiểu thuyết “Không chỉ có bánh mỳ” của nhà văn Dudintsev, ông bị đuổi khỏi trường Viết văn.

Danh tiếng thế giới đến với ông sau thi phẩm “Thảm sát Baby Ar” được sáng tác năm 1961 sau chuyến đi thực tế cùng nhà văn Anatoly Kuznetsov. Nó được dịch ra 72 thứ tiếng trên thế giới.

Thi phẩm này cũng mang lại cho ông rất nhiều điều phiền toái. Ông bị kết tội làm “méo mó thảm kịch” của người Do Thái. Bài thơ bị treo “gác bếp” ngay sau khi ra đời và chỉ đến năm 1983 mới được tái xuất trong tuyển tập của nhà thơ danh tiếng.

Ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã “bơi lội” trong giới nghệ thuật thủ đô nhờ có người mẹ của mình là ca sĩ nhà hát mang tên Stanislavski. K.C. Ông được liệt vào danh sách “Những anh tài của những năm 60” và là người có ảnh hưởng to lớn đến việc vẽ nên một cách tiếp cận mới trong sáng tác. Về thời gian, thì giai đoạn này trùng với giai đoạn “Ấm dần lên” dưới sự trị vì của Khorutsov. Ông được coi là một nhà thơ ở tầm quốc gia, song lại luôn luôn có chính kiến trái ngược với chính thống. Evtushenko chống lại việc đưa quân đội Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1956.

Năm 1963, vào tuổi ngoài ba mươi, ông được đề cử tranh giải Nobel. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, không còn tồn tại đất nước mà ông đã sống và làm việc. Năm 1991 ông được mời sang dạy văn học Nga tại một trường đại học tại Hoa Kỳ và cả gia đình đã sang đó sinh sống.

Evtushenko đã không nhận được giải Nobel mặc dù liên tục được đề cử.

Di sản thơ để lại của ông được người đời nhắc đến nhiều nhất là hai bài thơ nổi tiếng: “Người Nga có muốn chiến tranh hay không?” và “Nhà thơ ở nước Nga còn hơn cả nhà thơ”

Trích di cảo

“Tôi không kịp trải nghiệm nỗi sợ dưới thời Stalin. Tuổi còn non trẻ và sự ngu dốt đã may mắn cứu giúp tôi. Nhưng tôi nhìn thấy nỗi sợ này ở những người khác và họ đã phả nỗi sợ đó vào lồng ngực tôi, chẳng khác gì sự mẫn cảm đối với bệnh lao, tất cả thế hệ chúng tôi cũng vậy – sự mẫn cảm đối với Nỗi Sợ. “Thế hệ năm sáu mươi” – đó là lớp người mà trong cấu trúc gen đã có được cài đặt Nỗi Sợ nhưng cũng là thế hệ bắt đầu biết cách chế ngự và chiến thắng nó.

Chỉ đến năm 1956, tôi mới trực tiếp cảm nhận được Nỗi Sợ này trên da thịt mình. Vào một buổi sáng sớm, sau hôm sinh nhật của tôi, đột nhiên vang lên tiếng chuông cửa ngắn ngủi và khá thận trọng. Sau đó, tiếng chuông thứ hai lâu hơn một chút, có vẻ như nhắc nhở và tiếng chuông thứ ba thì đã mang vẻ trịch thượng đòi mở ngay cửa ra.

Mở chiếc móc sắt gỉ từ thời trước cách mạng ở lối vào, tôi nhìn thấy trên thang gác của ngôi nhà gỗ trên phố Meshanska của mình một khuôn mặt nhỏ, bầu bầu, sáng bóng như chiếc bánh rán phết bơ, đang mỉm cười ý nhị. Hai hàng lông mày trắng nhạt, một mảng hói màu hồng hồng giữa hai nhúm tóc lơ thơ.Vị khách không mời vẫn đứng phía ngoài, rồi thò bàn tay nắm chặt vào trong, sau đó lại xòe bàn tay ra, kèm theo một nụ cười rạng rỡ như một nhà ảo thuật tâm đắc với chính các trò chơi của mình.

Trong lòng bàn tay hồng hồng đó là chính tấm thẻ màu đỏ mà mới chỉ thoạt trông thấy nó thôi, nhiều người cũng phải vãi linh hồn, như con thỏ nhìn thấy rắn hổ mang bành vậy. Máu trong người như đóng băng lại, mất luôn khả năng ứng phó. Tấm thẻ màu đỏ mở hé ra rồi lại được đóng ngay lại nhanh như chớp, cái chính là để không thể nhớ được họ tên của chủ nhân.

– Xin chúc mừng ngày sinh nhật đã qua – Giọng nói ngọt ngào – Hôm qua chúng tôi không muốn quấy rầy anh, nhưng quả là có câu chuyện muốn nói với anh. Anh có thể ghé qua chỗ chúng tôi được không?

– Khi nào, hôm nay á? Tôi mãi mới ớ lên được một câu, cảm giác như hai chân mềm oặt ra bên miệng của một bờ vực khủng khiếp mà dưới đáy xương đã chất thành đống.

– Ngay bây giờ… Người đàn ông phấn chấn trả lời – Xe đã chờ sẵn, sau mười phút chúng ta sẽ đến đó.

– Đến đó là đến đâu? Tôi lắp bắp

– Lubyanka. Nhưng lối vào từ phía đường Serov. Từ đây đi cũng không bao xa, mười phút là chúng ta đã có mặt ở đó.

Đầu óc tôi mụ mị sau trận rượu vừa qua. Ai đó đã gõ cửa rất lâu… vì cái gì? Cũng mới đây thôi, tôi ở trong tình trạng say sỉn sau khi người ta lại một lần nữa “loại” tôi ra khỏi chuyến công tác ra nước ngoài. Tôi nổi khùng lên trong quán thịt nướng bên cạnh trường viết văn Gorky, kêu lên rõ to cho tất cả đều nghe thấy rằng: “Bây giờ người ta giải thoát con người ra ra khỏi những trại giam nhỏ, nhưng cả nước vẫn tiếp tục là một trại giam lớn mà không ai được tự do bước ra”. Nhưng đây là chuyện chỉ trong phạm vi vài người mà lại toàn là sinh viên, người nhà cả. Lẽ nào, có ai trong số đó lại đang tâm… Nhưng cũng có thể, số là một tuần trước, vào ban đêm, sau khi “hạ gục” nhiều chai “Khvanchkar” ở quán Aragvi, tôi cùng Volodia Gneushev đã ngà ngà say và loạng choạng trên phố Stanislavski. Bỗng, tôi nhìn thấy đằng sau dãy hàng rào nặng nề bằng gang một bóng phụ nữ trong khung cửa sổ đang chải tóc. Thật sang trọng, thật chậm rãi và có gì đấy khêu gợi. Khi hai chúng tôi leo qua hàng rào với một ý định khó kiểm soát, bỗng khiếp hãi khi nhìn thấy trên tường của tòa nhà tấm biển men sứ trắng có dòng chữ bằng tiếng Đức. Một lá cờ nước ngoài. Ngoảnh lại phía sau, là một bót công an ở cổng ra vào. Rõ ràng, đây là đại sứ quán hay tổng lãnh sự nào đó.Cũng may là lúc đó không ai bắt gặp và hai chúng tôi lọt trở ra một cách êm thấm. Nhưng ngộ nhỡ, người ta đã ghi hình được chúng tôi bằng camera bí mật giấu kín trong lùm cây và giờ đây đã tìm ra thì sao? Mà cũng có thể là vì chuyện thơ thẩn? nhưng vì bài thơ nào cơ chứ ? Có ối cái được giấu kín, che đậy giữa các dòng chữ. Phải chăng vì những cái đó ? Cái kim giấu kín trong bọc cũng phải thò ra. Người ta sẽ tống vào tù? Lẽ nào tôi sẽ biến mất như ông nội Ermolay của tôi năm 1937. Tôi thậm chí cũng không biết ông tôi chết ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Có vẻ như người ta đã tra tấn và giết hại ông. Đó là những kẻ cũng có khuôn mặt tròn trịa với những mảng hói hồng hồng trên đầu. Và bây giờ, họ lại cười rất nhã nhặn. Sẽ ra sao, khi mọi chuyện lại bắt đầu tương tự như vậy? Cần phải cự tuyệt ngay bây giờ. Trong trường hợp hãn hữu, tất cả sẽ được làm sáng rõ. Nếu họ muốn kiên quyết bắt tôi thì họ sẽ bắt và lôi tôi đến nơi tra hỏi một cách cưỡng bức…

– Đầu tôi váng vất quá… – Tôi lắp bắp

– Không nâng cốc, nước Nga không tồn tại… đời là vậy! Sau ngày sinh nhật mà đầu không đau thì đấy không phải là ý của Chúa – Người đàn ông nói với vẻ hiểu đời, cứ như thể gắn kết hai chúng tôi lại bằng cách ngụ ý lấp lửng như chính mình cũng đã không ít lần trải qua những buổi sáng như tôi bây giờ và cũng lý do tương tự.

– Vậy thì mười hai giờ, được không? Chính tôi sẽ qua đón.

– Ồ không, không đời nào – Tôi hấp tấp nói – Tôi tự đến. Thế cần gặp ai ạ?

– Đừng lo lắng, có người sẽ đón anh ở cổng… Anh ta nói, mặt rạng rỡ vì có cơ hội bày tỏ lòng hiếu khách. Nói xong, anh ta tan biến vào không khí của thời đại mà trong đó anh ta được nhào nặn như một thứ bột làm bánh vậy.

Nhưng, cái con người nhỏ bé này không biết được là tôi đâu chỉ có một mình. Ở ngay phòng bên cạnh, trên giường, một trong những vị khách của tôi đêm qua đang ngáy ầm ầm. Một nhà thơ quân đội, đã có thời gian đá bóng cho đội “Máy kéo” của thành phố Stalingrad. Ông ngủ lại qua đêm ở chỗ tôi vì không đủ tỉnh táo để lái xe về nhà. Tôi thích đánh bạn với những người hơn tuổi. Ông thuộc loại một số ít người mà nhậu nhẹt lâu không thấy chán. Nếu có ai đó quá lúng túng hoặc quá say sỉn, hoặc ngược lại quá lo sợ, ông thường cười khẩy và nói một cách mỉa mai nhưng không hề ác ý “ông ngơi đi cho tôi nhờ…”

Tôi lắc ông dậy và lập bập kể lại cho ông nghe về vị khách đầu hôm với cái thẻ đỏ và mười hai giờ tôi phải đến cái nơi mà nhiều người chỉ có vào mà không có ra.

– Người ta bỏ tù tôi chứ? Tôi hỏi hoàn toàn nghiêm túc mà cố không để cho răng đánh vào nhau lập cập . Chúng ta sống ở trong một đất nước mà bàn tay của cái cơ quan đã cấp những chiếc thẻ màu đỏ đó, có thể túm bất cứ người nào, bất cứ lúc nào như lấy một quân bài trong một cỗ bài tây.

Ông bạn vẫn ngà ngà, khịt mũi

– Chà, người ta làm ông bạn trẻ sợ hết hồn, mặt cắt không còn giọt máu. Ông ngơi đi cho tôi nhờ! Đừng sợ, không ai động đến đâu. May cho ông đấy nhé, thời thế đã thay đổi rồi. Họ sẽ tỏ tình với ông đấy! Một vụ tuyển dụng hết sức bình thường…

Tôi trố mắt ra.

– Tôi á? Tuyển dụng tôi?

Trong lòng, một cơn sóng hân hoan lan tỏa – không bị bắt! Nhưng một ý nghĩ khác chèn lấp lên niềm sung sướng này: Tuyển dụng còn tệ hơn là “nhập kho”. Bí danh “chỉ điểm” trong con mắt của mẹ tôi, cha tôi và những người hàng xóm của tôi trên phố Moshenska số 4 là một nỗi nhục, một vết nhơ tởm nhất trên người.

Bây giờ họ tuyển dụng tất cả, đang đổi mới cán bộ… Người bạn lớn tuổi chuyên viết về chiến tranh an ủi tôi: “tốt nhất cứ đến với tay không còn hơn với tâm hồn trống rỗng”. Người ta cũng đã định tuyển dụng tôi. Cũng phương pháp đó, như của ông. Sau Tết, vào buổi sáng sớm tinh mơ, họ biết rằng khi người ta say sỉn thì có thể xoắn lại làm dây thừng cũng được. Ông cứ tới nhưng đừng quá tích cực. Mặc họ nói, ông chỉ im lặng là được. Đầu cứ gật gù như ông quan người Tàu ấy. Họ muốn thử “nắn gân”, còn ông hãy “nắn gân” lại họ! Khi họ đề nghị việc cụ thể thì đừng thò ngón tay ra, người ta sẽ nuốt chửng ngay. Cứ làm cái vẻ con cừu non và be lên với họ “cảm ơn các quý ngài vì lòng tin cậy, nhưng tôi không xứng với nó đâu. Tất nhiên, nếu tôi nhìn thấy thằng gián điệp nào đó bò lồm cồm qua đường biên giới để luồn vào Liên Xô thì chính tôi, thưa các đồng chí quý mến, chạy ngay lập tức tới bẩm báo các đồng chí. Còn cái việc vừa sáng tác thơ, lại vừa dò la viết báo cáo cho các đồng chí thì, xin lỗi, tôi lẫn lộn mất… vậy, hãy vì chúa mà sa thải tôi ngay bây giờ đi!….

… Tại lối vào ở góc phố Lubyanka (trụ sở KGB), một khuôn mặt tươi cười mến khách chào đón tôi, nhưng lần này không phải khuôn mặt đàn ông mà là phụ nữ. Một kiểu người phụ nữ Xô-Viết rất đỗi bình thường, chiếc áo váy khá sặc sỡ, đi đôi dép xăng đan màu trắng, một đôi hoa tai màu đỏ quá to để nghĩ rằng đây là viên hồng ngọc. Còn đôi gò má thì, cha mẹ ơi, vừa cao vừa nặng nề như của một võ sĩ quyền anh vậy. Biểu hiện của đôi mắt thì hoàn toàn khó xác định. Chị ta huýt sáo nhẹ và lập tức âm thanh này mê hoặc ngay được tôi. Nó không ăn khớp chút nào với cái giọng mệnh lệnh và khá là giả tạo. Người phụ nữ hành xử với cung cách cứ như thể, vào những bước đi đầu tiên trên con đường công danh, đã từng làm trưởng phòng cải tạo thanh thiếu niên, nơi mà người ta áp dụng cả sự mơn trớn lẫn bàn tay sắt của chính quyền. Chị ta dẫn tôi đi dọc các hành lang dài hun hút, rồi mở toang cánh cửa căn phòng làm việc nhỏ bé của mình. Phía trên bàn đặt hai bình thủy tinh nhỏ, một cắm hoa tử đinh hương màu trắng và hồng, một đựng đủ các loại kẹo, nào là kẹo Misha hoặc Misha phương Bắc, nào là kẹo nhân anh đào, phúc bồn tử… Chị ta huyên thuyên không ngừng:

– Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp anh ở đây, Zenhia thân mến… cứ nghĩ mà xem, ở đây anh có nhiều bạn bè và người hâm mộ hơn bên hội nhà văn ấy chứ. Ở đấy, người ta ghen ăn tức ở với anh. Làm sao mà không ghen tỵ được cơ chứ? Trẻ tuổi như vậy mà đã nổi danh như sóng cồn. Ăn kẹo đi, đừng ngại ngùng gì! Thú thật với anh, tôi rất ưa thích ngọt ngào. Cách đây ít lâu chứ đâu, mọi người ở đây bái phục và hâm mộ thơ của anh “… Ta vào trận vì chính quyền Xô-Viết…”. Ôi, những dòng thơ mới đáng nhớ làm sao! “… Bạn vội vã chết vì Grenada? Còn bạn, vì Grenada hãy sống!”

Những lời nói huyên thuyên của chị ta như đung đưa, ru ngủ và làm mềm lòng. Chị ta nhanh chóng trở nên thân quen, như một người họ hàng ruột thịt. Chủ đích là rất chính xác: đùa giỡn trên nỗi sợ hãi khi nghe đến từ “Lubyansk” – nhưng hóa ra lại là một không khí ấm áp gia đình. Hình như, mọi người ở đây không phải đao phủ mà toàn là ông thiện và người hâm mộ của bạn cả. Tôi tin chắc rằng, nhiều người được gọi tới đây, thoạt tiên cũng bị nỗi sợ hãi bản năng túm chặt, nhưng sau đó lại được mua chuộc bởi sự vuốt ve bất ngờ. Thật may mắn, tôi đã được chuẩn bị sẵn để đối phó với xảo thuật của sự mơn trớn và có thể bình thản giả ngây giả ngô, trong khi vẫn thủ cho mình một lợi thế kín đáo trước các nước đi của đối phương.

Trong chiếc bình đựng kẹo, phía trên cùng có một chiếc kẹo đặc biệt, có lẽ là chiếc cuối cùng lấy ra từ một hộp kẹo khác. Nó là loại socola hình tròn có bọc một lớp giấy, tất nhiên được lấy từ hộp kẹo mà vỏ hộp có in hình mấy chú chim đang mổ quả anh đào mọng nước trên cành cây. Nhân của loại kẹo này có rượu vang. Chính một hộp kẹo như vậy được ông nội tôi cầm về nhà lần cuối cùng trước khi bị bắt. Có thể, người ta đã tra khảo ông tôi trong chính căn phòng này, nơi mà người ta đang chiêu đãi tôi kẹo?

Rõ ràng, quý bà này đinh ninh rằng đã thành công trong việc thuyết phục tôi đồng ý với đủ mọi điều kiện, miễn là không bị ngồi tù. Chị ta đưa tôi sang một phòng khác, rộng rãi hơn và đằng sau chiếc bàn làm việc là một người đàn ông có chức vụ cao hơn. Trước mặt ông này, chị đứng nghiêm, ưỡn thẳng người, để lộ ra rằng đằng sau bộ váy áo diêm dúa là một sĩ quan chỉn chu. Sau đó, chị lui ra ngoài.

Người đàn ông này không cần phải vòng vo bằng những lời khen ngợi xã giao. Ông ta xuyên thẳng vào người tôi bằng hai mũi khoan, hay có thể gọi là hai con mắt màu xanh có ánh thép khiến tôi cảm thấy mất tự chủ.

– Hiện nay, tại Lubyanka và trên cả đất nước chúng ta đang có những biến động lớn… – Ông ta nói và ngừng lại từng đoạn, nhưng không hề giảm uy lực của ánh mắt. – Những người mới đến thay chân. Chúng ta cần phải giúp đảng đấu tranh với những tàn dư của tệ sùng bái cá nhân, phục hồi công lý cho những người bị kết án oan sai. Theo tôi, điều này gần gũi với anh hơn, có đúng vậy không? Nhưng, trong số những người cung cấp thông tin cho chúng tôi, có quá nhiều cán bộ già. Họ quen thông báo những thông tin mà người ta mong muốn được nghe. Giờ đây, họ mất phương hướng, bối rối. Họ không hiểu điều người ta mong muốn. Điều duy nhất mà chúng tôi cần bây giờ – Chính là sự thật. Bởi vì, chính trên cơ sở những thông tin của chúng tôi đưa lên, những quyết định trọng đại “quốc gia đại sự” được thông qua. Chúng tôi không cần những kẻ mách lẻo. Chính chúng tôi cũng chả coi họ ra gì. Cái chúng tôi cần, theo như Pushkin đã diễn tả “Trí tuệ của những quan sát lạnh lùng và trái tim của những nhận định cháy bỏng”. Chúng tôi cần những con người trẻ trung, dũng cảm và chân thành, những người có thể chia sẻ với chúng tôi những nhận định nóng hổi như: Nhân dân đang nghĩ gì? Đó cũng là cách giúp đỡ nhân dân. Chẳng lẽ, ở đây có cái gì đó đáng xấu hổ sao? Anh thấy thế nào?

– Tôi không nghĩ… – Tôi ậm à ậm ừ, nhớ tới lời khuyên của ông anh, đầu gật gù như viên quan Tàu khựa.

– Cụ thể anh không nghĩ cái gì? Ông ta thận trọng hỏi

– Đại loại… việc này… nhục nhã… – Tôi làm bộ như một đứa trẻ mồ côi bất hạnh và sử dụng kế hoãn binh.

– Sao lại có chuyện nhục nhã ở đây khi mà cậu thực thi nghĩa vụ công dân nhỉ? Ông ta chuyển cách xưng hô có vẻ thân mật hơn. Người đối thoại, cố gắng che giấu vẻ thất vọng bởi sự việc lại diễn biến ra vậy. Theo tôi, ông ta còn rất lấy làm buồn vì áp dụng một chiến thuật tế nhị, tinh vi với chàng thanh niên mặt còn búng ra sữa, bỗng trở nên vô ích. Ông tự lẩm bẩm:

– Thật thú vị khi làm việc với những người am hiểu.

Sau đó, ông im lặng một lát rồi, nói toẹt ra

– Chúng tôi có thể giúp cậu.

– Giúp gì ạ? Tôi hỏi lại, vẻ hào hứng hẳn lên.

– À, thí dụ như… các chuyến đi nước ngoài chẳng hạn. Cậu, hình như chưa đi đâu cả phải không? Nhân tiện tôi cũng nói luôn, không cho cậu đi nước ngoài, chẳng phải ai khác chính là các ông bạn văn chương của cậu. Rồi, chính họ lại đổ tội lên đầu chúng tôi. Chính thơ của cậu, có thể nói, cũng gào lên về tình cảnh gò bó này: “Đường biên giới ngăn cản tôi/thật ngượng ngùng khi chưa tới Istanbul, Tokyo, New York. Tôi trích dẫn có đúng không?

– Chưa biết Buenos Airet, New York… – Tôi chỉnh sửa lại.

– Chúng ta sẽ tính đến cả Buenos Airet – Ông ta thoáng chút cười khẩy. Nụ cười bình thường đối với ông khó khăn hơn nhiều cái cười ruồi đầy ngụ ý.

– Nhưng cậu, tôi hy vọng, cũng chả phản đối nếu như được đặt chân tới Tokyo và Istanbul chứ?

– Thế là sao ạ? Tôi hỏi với vẻ tò mò thực sự và cũng làm như vẻ của người sẵn sàng chấp nhận tất cả cốt chỉ được một lần bứt ra khỏi biên giới.

– Đầu tiên, chúng tôi có thể giúp cậu làm một chân phục vụ bàn trên tàu viễn dương nào đó – Với vẻ rầu rầu, ông ta đề nghị. Rõ ràng, ông ta thích cắn những hạt dẻ cứng cáp hơn. Răng của ông ta không bóng loáng, nhưng rất to và chắc.

Tôi thoáng nghĩ, tại sao một số sinh viên trường viết văn năm ngoái cũng đã làm việc trên các con tàu viễn dương sang Ấn Độ? Ngay lập tức, họ được đưa vào danh sách những người làm chỉ điểm.

– Nhưng tất nhiên, việc cung cấp thông tin cần được bắt đầu ngay khi còn trên cạn – Ông ta tiếp lời với một nụ cười ngụ ý – Cũng như trong nhà xuất bản thôi. Các bạn có trình ra bản thảo, thì chúng tôi mới đưa tạm ứng trước.

Trong ánh mắt hơi có vẻ u sầu của người tiếp chuyện, dẫu sao cũng có ánh gì đó tò mò pha chút uể oải. Tôi phản ứng như thế nào trong cái vụ thương thuyết mặc cả này? Tôi che dấu sự thất vọng kín đáo của mình bằng những lời hết sức khiêm nhường, sau khi mô phỏng lại vẻ thiểu não trên khuôn mặt người đối thoại. Tôi dường như bắt đầu cò kè một cách tinh vi, bóng gió xa gần, bằng sự biểu cảm của các cơ trên mặt, như chờ đợi thêm những thìa ân huệ vì tinh thần sẵn sàng thông báo cho tổ quốc những nguy hiểm đang rình rập. Người đối thoại phát hiện ra với vẻ thỏa mãn mang tính nghiệp vụ rằng hóa ra tôi không dễ bị “mua đứt” như ông ấy vẫn lầm tưởng lúc đầu. Hình như, ông ta lại quan tâm nhiều tới tôi, căn cứ trên mọi phương diện, như một chú mèo thích đùa giỡn với con chuột đang muốn vùng vẫy ra khỏi nanh vuốt của mình. Bị rơi vào bẫy của những tiểu xảo diễn xuất của tôi, ông ta ngờ rằng tôi có thể chuồn khỏi tay nên đặt giá luôn:

– Cậu có một vần thơ rất khoáng đạt “Anh mang em đến chốn nào đây?” Đúng vậy, các bạn trẻ giờ đây chẳng có chỗ mà yêu nhau. Nhiều người trong chúng ta chỉ đến khi già mới nhận được căn hộ riêng biệt, mà cũng không phải lúc nào cũng được như vậy… Cậu là một nhà thơ, mà cứ xét theo những vần thơ thì cậu cũng vào loại đa tình… Thỉnh thoảng, chúng tôi có thể bố trí cho cậu một phòng tại khách sạn “Trung tâm”, ngay cạnh quán ăn “Diễn viên”. Ở đây, cậu hoàn toàn tự do thoải mái: nào thì sáng tác, nào thì giải trí. Tuổi trẻ chẳng là gì nếu như không có gì để mà nhớ. Chúng ta đấu tranh chống lại sự suy đồi, nhưng chính suy đồi và đạo đức giả – Đó là hai mặt…

– Của một tấm huy chương – Tôi tiếp lời ngay với vẻ tin cậy như một người bạn cùng chung chí hướng.

Tôi diễn tả những tia hân hoan trong mắt của mình cứ như thể đã đánh hơi được mùi vị của những cuộc thác loạn trong khách sạn này nơi chính ủy ban An Ninh quốc gia (KGB) trao tận nay cho tôi chiếc chìa khóa phòng và giải quyết một cách vĩnh viễn vấn đề cam go của tôi là “tôi sẽ đưa các nàng ấy đến chốn nào đây?”

– Vậy thế cần phải làm gì ạ? Tôi hỏi thẳng huỵch toẹt chẳng cần phải che giấu như một kẻ chỉ điểm đã hoàn toàn bị mua đứt bán đoạn.

Người đối thoại vừa mới giờ đã vô tình làm lộ mặt những kẻ chỉ điểm trong trường Viết văn Gorky, lại tiếp tục thiếu thận trọng xòe ra những con bài với vẻ đầy tự tin rằng vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa.

– Trước tiên, thông tin thường xuyên về tâm trạng của các nhà văn, cả các nhà bác học và sinh viên mà cậu có mối quan hệ thân thiết. Có một việc rất cụ thể đây. Năm tới, tại Moscow sẽ có Liên hoan sinh viên thế giới. Đã đến lúc, tất nhiên, phải tháo bỏ “bức màn sắt”… song, kể ra cũng còn khí sớm để ném nó vào đống sắt vụn. Rất nhiều người nước ngoài sẽ tới Liên Xô, những người mà ba chục năm nay chưa hề đặt chân tới đây. Người thì đem đến tấm lòng tiến bộ – Ông ta lại cười khẩy – kẻ thì mang đến bệnh giang mai và những ấn phẩm văn chương độc hại. Chúng ta không phản đối bầu không khí ấm dần lên nhưng cũng không chấp nhận được sự nhầy nhụa của thời tiết khi tuyết tan. Càng tự do bao nhiêu lại càng cần kiểm soát tự do bấy nhiêu. Không thể để lịch sử tự vận hành được. Ai sẽ là người quản lý cái đám khách da đen, da vàng, da nâu, da đỏ này? Trong số họ sẽ có các nhà văn trẻ đến từ các nước tư bản. Hãy để mắt tới họ, hãy đi cùng họ đến các quán restaurant, tán phét cùng họ. Chúng tôi quan tâm tới việc, họ nghĩ gì? Như nhà thơ Mayakovsky nói “Chủ nghĩa cộng sản – là mùa xuân của nhân loại và những người trẻ phải xây dựng nó”. Tiện đây, chúng tôi sẽ cấp thẻ đại diện cho cậu, cả rượu sâm banh nữa. Hình như, cậu cũng rất ưa chuộng loại đồ uống này thì phải?

– Làm sao anh biết được? – Tôi làm ra cái vẻ e thẹn, ngờ nghệch.

– Chúng tôi cũng phải biết đôi chút chứ – Ông ta gượng đùa và cho rằng mọi chuyện đã đâu vào đấy cả rồi nên cũng chả cần tôn trọng người đối thoại nữa. Ông hấp tấp khẩn trương kết thúc công việc và nhìn chiếc đồng hồ đeo tay đầy ngụ ý

– Thôi, vậy nhé… để tiện cho cả đôi bên, cậu nên có một cái tên mới để liên lạc, người ta sẽ đến tìm gặp cậu.

Ông ta đứng dậy ra chiều bảo buổi nói chuyện đã kết thúc. Hai chiếc khoan màu xanh xám được gọi là mắt của ông chùng xuống. Ông đinh ninh rằng đã khoan thấu người tôi.

Chìa tay ra bắt, ông cũng không thèm.

Tôi đứng dậy và cũng không đưa tay ra.

Song tôi hiểu rằng trò chơi mèo vờn chuột cần phải chấm dứt, đã đến lúc hất đổ bàn cờ vua.

– Xin lỗi, tôi chỉ có một câu hỏi thôi – Tôi thốt ra theo quán tính vẫn còn luống cuống

– Sao nào? Cảm thấy có điều gì đó không ổn – Cánh mũi gồ sụn của ông ta giật nảy lên

– Tên mới mà anh muốn cho tôi, đấy là cái gì? Tên lóng?

– Sao lại thô thiển vậy? ông nhún vai, cố gắng xua đi những ái ngại bằng một nụ cười ấm áp, thân thiện, song không thành công. Nó không chọc thủng được cái vẻ mặt lạnh băng bất ngờ – Nếu cậu thích, có thể gọi là mật mã cho chuyên nghiệp, hay bí danh gì gì đó.

– Không đúng, tên lóng mới chính xác – Tôi nói – Không thể gọi khác đi được! Tôi là con người rất dễ xúc động, có thể quên phéng đi mất, chẳng nhớ đâu là tên lóng để gọi điện cho các ông, đâu là tên thật để ký dưới bài thơ. Nhưng hơn hết, tôi không phải là loại người biết giữ bí mật. Tôi là loại người mà vẫn thấy trên các khẩu hiệu: “Kẻ ba hoa – Là mồi ngon cho gián điệp”

– Chúng ta là các chiến sĩ trinh sát chứ không phải gián điệp – Người đối thoại của tôi cố gắng chặn đứng sự phát triển đột ngột của sự việc. Hai mũi khoan xanh xám không hướng vào tôi mà hướng xuống nền nhà.

– Xin lỗi anh – Tôi sửa chữa lại – Tôi rất lấy làm tự hào về độ tin cậy của anh rằng tôi sẽ không thông báo cho toàn thế giới biết về sứ mệnh bí mật của mình. Song, tôi tự biết thân tôi, tính khiêm tốn không phải là một trong những điểm yếu không thể sửa được của mình.

– Chúng tôi không hề nghi ngờ gì về đức tính khiêm tốn của cậu… – Ông ta cáu bẳn lên nhưng vẫn cố gắng đùa cợt

– Tất nhiên, tôi cảm ơn lòng tin cậy của các anh, nhưng tôi buộc phải từ chối vì sợ không đáp ứng được… – Tôi ấp úng chọn từ – Những yêu cầu quá cao của các anh. Tôi còn chua thêm vào các anh đã lăng nhục tôi, ôi sao mà nhục nhã thế…

– Đâu, làm gì có chuyện đó cơ chứ?

– Chẳng lẽ, cứu tổ quốc khỏi tai họa lại cần phải trả công bằng các chuyến đi viễn dương, bằng buồng trong khách sạn, bằng tiền mua sâm banh sao? Chẳng lẽ, không còn ai có thể sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc một cách vô tư? – Tôi hỏi lại một cách nghiêm túc.

Ông ta hiểu rằng tôi, mặc dù mới vào cuộc chơi, nhưng dẫu sao cũng đã thắng. Khi ông ta ngước “đôi mũi khoan màu xanh xám” lên khỏi nền nhà thì trong đó chẳng còn gì ngoài một nỗi thất vọng âm thầm pha chút gì đó kính nể. Ông ta hiểu rằng mọi cố gắng thuyết phục nữa cũng vô ích.

– Thôi, cậu ký vào tờ cam đoan không được để lộ cuộc nói chuyện của chúng ta – Ông ta nói cộc lốc

Tôi đã ký nhưng cũng không biết rằng có thể không cần ký. Khi tôi ra về, ông ta bất ngờ chìa tay ra cho tôi bắt. Có lẽ, ông giận mình hơn là giận tôi. Một nụ cười gượng gạo định hình trên môi ông.

V.T.H