Mã Lam – Trường thi ngàn mây trải

498

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cầm thi phẩm “Trường ca tình thơ trải ngàn mây” của nhà thơ họ Mã, tôi chắc mẵm kỳ này có cơ hội luyện giọng luyện thanh như hồi là sinh viên tôi hay gia nhập những ca đoàn, tôi từng hát… trôi bè cho nhân vật chính! Tôi nghĩ tới “Trường ca Sông Lô” của Văn Cao, “Trường ca Con đường Cái Quan” của Phạm Duy. Nhưng trật lất rồi, quyển sách không phải tác phẩm trường ca mà là trường thi. Ngạc nhiên vì cái tựa hơi kỳ kỳ, tôi đã nín thở, ém hơi… phình luôn bụng ếch vừa đọc vừa ngâm nga những câu đắc ý từ cái “trường” thiệt là dài của tập thơ dày cỡ trăm trang, mất một ngày công lao động tôi mới xâm nhập vào thế giới trường thi của Mã Lam, tập thơ thứ 2 trong 3 tập cùng tên, xuyên suốt duy nhất một khổ thơ 4 câu, 8 chữ.

Trong khu rừng trường thi của Mã, Mã cũng đặt chân mình cạnh những dấu chân khai phá cùng thể loại, đề tài, nhưng Mã không bước qua những lối mòn đã có quyền lãnh địa trước đây. Rừng thơ của Mã lạ lùng, trật tự trong cái thế ngổn ngang nên càng đi xa tôi càng đi lạc. Tôi lạc trôi giữa cái ý cái tình giông giống của từng chương, cái ý đó, cái tình đó nó cứ hòa quyện hết chương này qua chương khác không thôi, có khác chăng là về cường độ cảm xúc, mà ở mảng này chính tác giả mới hiểu tâm cảnh đặc biệt của mình khi thơ cứ trào ra qua từng hơi thở. Thế nên khi tôi cố tình “soi mói” cũng không phải dễ dàng. Mà có nói ra thành lời thì cũng chỉ là hí luận từ bên ngoài chủ thể Mã Lam!

“Bỏ mặc tôi thất tình về bên núi
Xếp lại ngày vội vàng mấy mua vui
Là thu phai cánh cuồng phong bay mỏi
Điệu kèn buồn nghe buốt giữa đêm vui”

(trang 17 chương V tập 2)

“Nơi đây cũ mùa thu đi quá vội
Biết bao nhiêu kỹ niệm xót xa rồi
Cơn thương đau gào đêm đông mưa tưới
Con tim không tôi bước lạnh phong ba”

(trang 44 chương VII tập 2)

Tôi biết Mã Lam qua 2 lần họp mặt bạn văn thơ. Khách tham gia toàn tên tuổi chốn văn đàn, tôi thì không  Họ có tác phẩm để ra mắt, tôi thì không. Họ biết làm thơ, tôi thì không. Tôi chỉ thích đọc thơ, tác giả nào tôi cũng đọc vì ai cũng có cái hay, cái hay mà tôi không có nên tôi vẫn hoài ham đọc!

“Nếu tôi chết hãy nhớ tôi qua cỏ
Nhớ mong manh qua những giọt sương mai
Nhớ qua cây và nhớ tôi qua lá
Nhớ thời gian tia nắng ấm hằng ngày.”

Ấn tượng ban đầu với Mã Lam là khuôn mặt hiền lành, cái đầu hoi hói, tóc dài lưa thưa và búi… củ tỏi lệch bên. Nhìn Mã Lam tui chợt nhớ ông Bùi Giáng, cũng bộ dạng lạ thường như thế giới của thơ ông. Người ta nói Bùi Giáng điên thiệt giữa đời thường còn Mã Lam giữa đời thường muốn hóa hơi điên qua cái bề ngoài lạ lạ độc độc, phải không ta?

Ấn tượng kế tiếp khi đọc thơ Mã Lam là cách dùng phương ngữ. Cụm tỉnh từ “xa ngái” tận miền trung, ấy mà Mã đem về kết với thơ mình vừa ngộ ngộ, lại hay hay .

“Muối cứ đậm tim tôi khắc khoải
Triều cứ dâng nghèn nghẹn chất sắc hương
Gió cứ thổi tràn tình về XA NGÁI
Sóng cứ xô biển yêu trải… đơn phương.”

Đưa XA NGÁI vào thơ, nghe cũng lạ tai, nhưng “tình về xa ngái” thì tui cũng chịu trận, đã về mà “xa ngái” là sao? Là sự thử nghiệm dùng từ mới, nhưng không gian và thời gian dường như lạc phách? “Xa ngái” phải như vầy nè Mã ơi:

“Giang sơn một gáng nặng nề
Quản chi XA NGÁI đi về mấy phen”
(Ca dao)

Kỹ thuật dùng ẩn dụ, nhân cách hóa, thổi hồn vào những “ngoại pháp” nói lên tâm trạng, nỗi lòng của chính cái “tự pháp” được nâng lên thành nghệ thuật như Mã đã làm, thật đáng được cao nhân khuyên tròn những vành cứ đỏ au au!

Cách Mã dấu đi cái bản ngã của mình thiệt là khéo léo, dù nói về chính mình nhưng không là sự khoe mẽ phô trương. Tui nhận ra bản chất ôn hòa dễ thương của Mã, như tôi cũng… dễ thương đã vượt qua sự “khó chịu” ban đầu khi bước vào trường thi mà chịu khó đọc thơ của Mã từ đầu cho tới cuối.

“Tôi yêu biển không rời xa được biển
Ướp mặn tình, phơi khô nắng tháng năm
Bước chân vùi sóng xô mềm cát trắng
Nụ hôn tôi lạo xạo muối viếng thăm”
Thì hãy nhớ trên lưng tôi mòn mỏi
Mắt đêm vàng vì sao thức năm canh
Nửa bóng trăng soi hoài vào biển nhớ
Nửa biển tràn vồ vập ánh trăng xanh”

Chữ “như” là con chủ bài Mã dùng xuyên suốt trong việc lấy lời thơ so sánh nọ kia cho thêm phần sinh động. Dĩ nhiên “như” chỉ là “như”, không thể là “là”. Từ cái “như” đó Mã liên tâm người đọc qua một thế giới tương đương có đủ tình cảnh đang là. Và chỉ có Mã mới thưởng thức được độ nồng ấm thơm tho của tách trà đang uống, tôi chỉ đứng ngoài, ngóng cổ vô, thèm thuồng biết đâu cũng sinh lòng đố kỵ với một tài năng?

“Đêm phá tan tiếng gọi ai ngoài cổng
Kiếm tình nhân NHƯ kiếm đá thử vàng
Lời trò chuyện xả những kho hàng sống
Mãi huyên thuyên hiểu ý nghĩa mơ màng”

Trên đời ai nào hiểu được ai, độc hành độc lộ là điều hiển nhiên Mã hén?

“Mình chơi theo kiểu của mình đi
Tìm bạn tri âm có ích gì?”
(Như Huyễn Thiền Sư).

“Suối ái ân rì rào NHƯ nức nở
Chở thở than trôi đến tận chân trời
Lời ai oán tâm hồn đầy khắc khoải
Nước đục ngầu hai bờ đá buồn đầy”

“Gỗ lềnh bềnh trôi NHƯ người chạy trốn
Về phong sương họp mặt với lá vàng
Chúng cự cãi say sưa NHƯ tiệc rượu
Ngổn ngang càng nghiêng ngả gốc hoang tàn”

“Ngày khép kín mây trắng lười trôi chậm
Em gái gầy gào khóc tuổi thơ đi
Trưa trải dài NHƯ đời không mục đích
NHƯ thân tôi mùa nắng gắt khó bì”

Cũng là một chữ NHƯ, nhưng không có chữ NHƯ nào như chữ như nào! “NHƯ” không là cách so sánh khập khiễng để thay thế khi chưa đủ lời diễn ý. Chữ “NHƯ” thần kỳ đã hiện hữu trong cuộc sống thường ngày, cứ nói “NHƯ” là hiểu tất. Nào là “Nhanh NHƯ chớp”, “làm NHƯ ai ăn hết của”, “tiền vô nhà khó NHƯ gió vô nhà trống”, thậm chí “ngu NHƯ bò”, “lì NHƯ trâu”. Ôi chữ NHƯ lợi hại dường bao tùy mỗi ai hữu ý dụng tâm.
Tui vẫn thấy sự gò bó về thể thơ đơn điệu, nó làm Mã muốn thơ của mình độc lạ nhưng thể loại cứ đều đều 8 con chữ, 4 câu dài làm trường thi của Mã bị một sức chán nhàm lôi tuột khá là đáng tiếc! Sao không thử phá cách luôn một chuyến? sao không làm cho nó mới toanh? Như các cháu trẻ trâu chơi… RAP thì phải đúng chất của một RAPPER mới phải ?

“Người trăm năm đọc thơ tôi không thích
Người ngàn năm chẳng lẽ vẫn thờ ơ
Ngọc trăm năm ngủ li bì chưa tỏ
Thơ ngàn năm ngẫm lại sáng đâu ngờ”

Mã Lam không dùng sáo ngữ trong thơ, cái sự thiệt tình làm người đọc dễ cảm dễ thông; con chữ đơn giản mà không đơn điệu, có lúc Mã cố tình phối vào âm hơi chát, như xe đang chạy êm bỗng đổ đèo nguy hiểm , gây cảm giác mạnh bất ngờ nhưng sự an toàn vẫn trong tầm kiểm soát, nghĩa là không lệch khổ thơ.

“Gió thầm thì trăng ngủ dài trên sóng
Tôi thầm thì tiếc tình chẳng lên ngôi
Tôi lầm lì réo mùa về đau xót
Tôi thầm thì trách tình bạc… đãi bôi”

Tui thích cụm từ “đãi bôi” rất bình dân chân chất Mã dám đưa vào thi phẩm. Chỉ vậy thôi đã nói lên cú lừa ngoạn mục cũng rất đời thường Mã là nạn nhân, cay đắng!

“Ánh nắng trưa vàng hoe chen nhảy nhót
Khói đen tuôn mịt mùng khét lẹt mùi
Mồ hôi nồng bóp trán tôi mệt mỏi
Trưa cô liêu tiếng gà gáy xả xui”

Tôi bất chợt phì cười khi phát hiện những tu từ “khét lẹt”; “xả xui”… chui vào thơ của Mã. Những câu thơ mà không giống như thơ vì nó không hề trau chuốt, nó như lời nói hàng ngày phát ra và rất… ngoài đường, rất tự nhiên từ một tâm hồn đôn hậu.

Vậy đó mà những câu bình dị ấy lại là điểm nhấn giữa lãng đãng ý tình trong suốt trường thi.

“Trái tim em như một bông hoa nhỏ
Hát lên bài yêu thích tặng quê hương
Mưa vuốt ve mỏng manh mát vầng trán
Khói bếp lam, mùi mắm quẹt thân thương”.

Tôi quý cái suối thơ chảy ra dào dạt từ tâm hồn Mã Lam không kiểu cách, rất đời thường, gần gũi với tâm tình của đại đa số những con người cũng rất bình thường ở quanh tôi. Tôi là một trong những con người bình thường như vậy, nhưng khi đọc thơ Mã, tôi cũng thấy mình bàng bạc trong thơ mà quên đi định kiến thơ văn chỉ dành riêng cho những kẻ siêu phàm, có tâm hồn siêu đẳng ở tận chín tầng mây.

Chỉ đọc tập 2 trong bộ trường thi của Mã thì tôi chưa thể nói nhiều về con người và sự nghiệp nhà thơ đã được “licence” xác nhận. Nhưng khi tâm hồn của Mã vẫn láng linh thơ phú thì cuộc đời của Mã chỉ dành cho thế giới thơ ca triền miên không mỏi mệt. Tôi ngưỡng mộ những con người nói ra thơ , thở cũng ra thơ, cứ để thơ đi vào cuộc sống tự nhiên mà không chỉnh chu qua cầu kỳ sắp xếp. Đó là cái độc lạ của Mã Lam, Mã chẳng giống ai đi trước, không cần dọn bước cho người sau. Thơ của Mã Lam không hòa tan vào thơ của ai hết từ thể loại từng khổ thơ đến hình thức của một trường thi. Đó là sự độc đáo đáng trân trọng của Mã trong thế giới thi ca mà mỗi tác giả của mỗi bài thơ là một bông hoa hương sắc chỉ dành tặng cho đời với một tấm lòng trong trẻo thủy tinh. Tấm lòng đối với đời như gởi hương theo gió cho dù một lần chỉ… để gió cuốn đi, Mã cũng lòng vui, có phải?

Th.S Ngoc Hanh Nguyen