Mái tóc huyền thoại

1557

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, bạn đọc và học sinh phổ thông các tỉnh phía nam bắt đầu làm quen với truyện, thơ phản ánh hiện thực xã hội trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm đó đã nói lên tinh thần quật khởi, cuộc đấu tranh mãnh liệt  của nhân dân, đã không ngại gian khổ hi sinh để chống lại kẻ thù cướp nước. Trong dòng văn xuôi giai đoạn này, bên cạnh những tác phẩm: “Cánh đồng hoang” của Nguyễn Quang Sáng (1932-2014);  “Đường xuyên rừng” của Lê Văn Thảo (1939-2016), là “Một chuyện chép ở bệnh viện”, “Hòn đất” cùng của Anh Đức. Đặc biệt, tôi thực sự không thể nào quên hình ảnh mái tóc huyền thoại của nhân vật chính chị Sứ trong tiểu thuyết “Hòn đất” của nhà văn Anh Đức.

Nhà văn Anh Đức

Nhà văn Anh Đức tên thật Bùi Đức Ái (1935-2014), là nhà văn kháng chiến tiểu biểu của đất Nam bộ. Ông là một trong ba nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cùng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) và Lê Văn Thảo (1939-2016). Anh Đức vào chiến khu từ thời còn trẻ, từng làm báo và viết văn (lúc 20 tuổi). Tập kết ra Bắc (1954), được nhà văn Đoàn Giỏi phát hiện năng khiếu, động viên và Xuân Diệu (1916-1985), Tố Hữu (1920-2002), Chế Lan Viên (1920-1989), Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960), Nguyễn Tuân (1910-1987) khuyến khích, giúp đỡ. Lúc còn ở Bắc, khi đang chuẩn bị trở lại miền Nam (1962) Anh Đức được Lê Đức Thọ (1911-1990) dặn dò: “Vào trong đó, cậu nên tập trung thời gian mà sáng tác, đừng làm việc hành chính…” Về quê hương Nam bộ, ông làm việc tại Cà Mau, Kiên Giang. Sau 1975, Anh Đức sống ở Thành phố Hồ Chi Minh cho đến khi mất (2014).

Nhà văn Anh Đức đã nhận được: Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học (2000). Trong số hơn 10 tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam, thời chống Mỹ của Anh Đức như: Biển động (1952), Bức thư Cà Mau (1965), Giấc mơ ông lão vườn chim (1970)… được chú ý đến nhiều nhất là truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), ký Bùi Đức Ái và tiểu thuyết Hòn đất (1966) cả hai tác phẩm này đều được dựng thành phim.

Trong tiểu thuyết Hòn đất của Anh Đức, Chị Sứ, người con của đất Ba Hòn, là nhân vật trung tâm xuất hiện nổi bật ở vai trò một nữ du kích xã trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Hình tượng chị Sứ coi như được lấy từ nguyên mẫu chị Phan Thị Ràng (1937-1962), bí danh Tư Phùng, một anh hùng liệt sĩ của đất Tri Tôn, An Giang. Bên cạnh các  nhân vật trong đội du kích xã gồm 17 người được xây dựng làm phông cho quyển truyện Hòn đất như: chị Hai Thép, (người chỉ huy, sáng suốt, giàu nghị lực), Ba Rèn (người nông dân chất phác, trung kiên), Quyên (em gái chị Sứ, cô nữ du kích trẻ đẹp người đẹp nết), Má Sáu (mẹ chị Sứ) bà Cà Sợi (mẹ thằng trung úy Xăm, ngoài đời là trung úy Khen, trưởng đồn), bà Cà Mỵ (con bà Cà Sợi, và là em gái Xăm)…(1), chị Sứ sáng rực lên với những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ tiêu biểu của miền Nam trong đấu tranh, là niềm hãnh diện của bà con làng xóm.

Ở chị Sứ, tình yêu quê hương là mẫu số chung của tình yêu thương người thân ruột thịt, hàng xóm láng giềng, tình đồng chí, đồng bào. Chị sống bằng tấm lòng vị tha cho tất cả những người mình yêu thương.

Trong một lần các đồng chí của chị bị địch vây phải rút hết vô hang Hòn cố thủ, chờ thời cơ thuận lợi để tiến tục chiến đấu. Hoàn cảnh rất ngặt nghèo, anh em đồng chí bị thương lại thiếu thốn lương thực và nước uống. Dù rất mực yêu thương con, chị Sứ vẫn bấm bụng trút hết nửa ca nước cuối cùng dành riêng cho con để nấu cháo vì nước uống trong suối đã bị giặc bỏ thuốc độc. Khi chị bị giặc bắt, địch thâm độc, đánh vào tình cảm của chị, dùng sách lược “tâm lý chiến”, đưa micro bảo chị gọi anh em đang bị vây khổn trong hang ra hàng. Nhanh trí, chị dùng micro dặn anh em đồng chí trong hang đừng uống nước suối có thuốc độc và cũng đừng bao giờ đầu hàng giặc, yên tâm chờ thời cơ để tiếp tục chiến đấu.Trong tiểu thuyết Hòn đất, bắt được chị Sứ, trước khi hành hình chị, thằng Xăm, với ý đồ khai thác đã tra tấn chị rất dã man: đổ nước xà phòng vào miệng, mũi và đánh chị bằng báng súng… nhưng nó vẫn thất bại vì chị Sứ kiên quyết không khai. Nổi máu côn đồ, nó xềnh xệch kéo chị ra một gốc cây xoài sau núi, xoắn mái tóc dài của chị làm dây cột tòn ten trên cành cây. Trong cơn giận, thằng Xăm tức tối, nhổ cây cọc hàng rào tre đập, đâm tới tấp vào mọi chỗ trên thân người chị, sau đó nó rút dao găm cắt thịt chị…

Chị Sứ chết, bọn giặc tiếp tục treo xá chị trên cây xoài rồi phục kích ba bốn ngày liền, dụng ý chờ quân ta tới lấy xác. Nhưng anh em du kích biết rõ âm mưu của chúng, không đến. Ngày cuối cùng, thằng trung úy Xăm thất vọng, dùng dao hùng hổ chặt tóc, để chị rớt xuống đất. Dù chị Sứ đã chết, nhưng mái tóc dày cuồn cuộn như những sợi cước khiến bọn đồ tể phải khó khăn chặt nhiều nhác mới đứt. Khi chị rơi xuống đất rồi, giặc mới chịu bỏ đi. Lúc bộ đội ta ra lấy xác thì thân thể chị Sứ chỉ thấy còn xương và một ít phần da thịt bầy nhầy… Vì quá thương chị Sứ, bà Cà Sợi toan giết chết thằng con trai tàn ác tên Xăm. Nhưng tình mẫu tử đã khiến bà đau đớn không nở ra tay giết con, nhưng cuối cùng thằng Xăm cũng bị trừng trị bởi các đồng đội chị Sứ (2).

Nhân vật chị Sứ trong tác phẩm được tạo nên từ nguyên mẫu là chị Tư Ràng

Trong tiểu thuyết Hòn Đất, nhà văn Anh Đức đã thể hiện nghệ thuật tả thực nhân vật chính chị Sứ trong tác phẩm bằng những nét rất tinh tế, đầy hình tượng đặc trưng: “ Suối tóc của hai mươi bảy tuổi đời con gái, vừa mượt vừa dày, gồm muôn sợi bền chặt, rủ từ đỉnh đầu bất khuất đó, rủ chấm suốt sát đôi gót chân”. Tôi nghĩ, đây không phải tác giả tả riêng chị Sứ, người phụ nữ tiêu biểu của đất Nam bộ thành đồng, mà trong thẳm sâu trái tim của nhà văn yêu nước, Anh Đức muốn tạc lên hình tượng của tất cả người phụ nữ Việt Nam, sáng ngời phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” thật xứng đáng với lời Bác Hồ khen tặng.

Tóm lại, bên những trang văn ấm áp tự tình dân tộc và hừng hực hào khí đấu tranh của Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… trong dòng văn học chống Mỹ, tôi thực sự xúc động trước học trò khi đứng lớp dạy các em đoạn văn nói về sự hi sinh của chị Sứ. Tôi không thể nào quên được câu nói của chị:“ Nếu phải chết, em sẽ chết như anh Lý Tự Trọng” với một đồng chí chiến đấu trong đội du kích. Tư tưởng dẫn đến hành động, chị Sứ đã chết đẹp và anh hùng như các anh hùng: Lý Tự Trọng (1914-1931), Võ Thị Sáu (1933-1952), Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964)… “Cái răng cái tóc là gốc con người”, mái tóc huyền thoại ấn tượng của chị Sứ khiến tôi liên tưởng đến một biểu trưng phẩm chất “anh hùng, bất khuất trung hậu, đảm đang” – lời khen tặng của Bác Hồ – về đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi (1960). Hay là mái tóc dài mượt, dịu dàng, thoảng hương dầu dừa của những người mẹ hiền lao động bền bỉ như một cuộc chiến đấu thầm lặng để nuôi con và nuôi bộ đội trong một thời đấu tranh đuổi giặc hào hùng của quân dân ta.

Nguyễn Thanh

Chú thích: (1) Theo lời bà Cà Mỵ, trong thực tế tại xứ Ba Hòn, bà Cà Sợi chỉ là hàng xóm, nhà ở đối diện với bà Cà Mỵ, chứ không phải là mẹ ruột của bà Cà Mỵ và cũng không phải là mẹ của thằng Xăm. Do vậy, bà Cà Mỵ không phải là em gái của thằng Xăm. Nhà văn Anh Đức, khi viết tác phẩm Hòn đất bằng bút pháp văn học đã không hoàn toàn rập khuôn y hệt theo nguyên mẫu ngoài đời.

(2) Khác hẳn với chi tiết trong tiểu thuyết đã hư cấu, thằng Xăm là tên trung úy đồn trưởng Khen ác ôn ngoài đời vẫn còn sống. Sau ngày giải phóng, hắn bị lương tâm giày vò vì đã làm chuyện ác đức. Khi trở về quê, hắn đi thất tha thất thiểu, uống rượu say sưa be bét suốt ngày, rồi bị bệnh chết vì rượu. Hai đứa con của Khen sau này nghèo khó, thất học, phải làm nghề đập đá ở vùng Thổ Sơn để kiếm sống. Biết chuyện cha mình đã từng gây ra cái chết cho nữ anh hùng Phan Thị Ràng, thỉnh thoảng chúng cũng đến khu di tích Hòn Đất đốt nhang cho “chị Sứ”.