Men trong hồn chữ

952

Ngàn Thương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ “Mưa mùa lên men” – Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, ra mắt bạn đọc tháng 9/2021, là một sự cố gắng đáng trân trọng trong tình hình đại dịch đang diễn biến phức tạp.


Tập thơ “Mưa mùa lên men” của Nguyễn Thiền Nghi.

Đây là tác phẩm thứ 9 của Nguyễn Thiền Nghi, bìa do Hải Trung thiết kế, hình ảnh minh họa đẹp và sang trọng, phác họa từng giọt mưa như thủy tinh, lấp lánh trong không gian những khoảng trắng nửa vời.

Men Huế đọng lại nỗi niềm, dẫu chỉ cơn mưa thoáng qua cũng hằn lên da thịt người một chút tình nhỏ xuống cũng thành men / nên mỗi lần dắt bóng qua sông / thấy ước mơ tựa chiếc đèn hoa trôi về cuối bãi / giữa cuộc tình như có như không / gió về góp nhặt lời nến tắt / bềnh bồng câu hò vây bủa niềm riêng…

Từ không gian sâu lắng, từng quãng vắng mơ hồ nhưng thâm trầm, êm ả, không huyên náo, mở ra một khung trời bãng lãng, khi kỷ niệm ẩn vào ánh mắt trong “Vườn tình tôi”: “Vườn mở mắt trên ngọn lá hứng nắng về không trọn / rơi vãi tiếng cười vàng cỏ xanh / khi hạt nhớ như những viên bi thủy tinh mắt mèo / lăn tình trên lối đi bỏ quên…”.

Có thể nói, mỗi bài thơ khắc họa những nét chấm phá bằng sự liên tưởng, đưa cung bậc thời gian, không gian, tạo cho bức tranh càng thêm phong phú, Nguyễn Thiền Nghi đã thâm canh trên cánh đồng thơ không mệt mỏi, trái lại phù sa màu mỡ.

Vào năm 1966, thi phẩm in chung mang tên “Ngựa ca”, gồm: Trần Tịnh Yên, Nguyễn Thiền Nghi, Trần Dzạ Lữ, Hoa Đêm, quy tụ những người viết cũ thành danh. Hiện nay các nhà thơ trên vẫn còn sống, làm thơ, như nghiệp dĩ đeo đẳng suốt đời.

Nguyễn Thiền Nghi vốn thích rong chơi. Những địa danh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lăng Cô, Vinh Mỹ… đi đến đâu, anh vẫn say mê sáng tác trước những đổi thay cảnh quan quê hương, đất nước, con người.

Bằng tâm thế trầm tĩnh, tự tin của người từng trải, anh đã chuyển tải qua lăng kính thơ những cảm xúc nhạy bén bằng sự liên tưởng thú vị. Thi thoảng, ta bắt gặp những từ ngữ rất riêng, bàng bạc trong thơ anh. Nguyễn Thiền Nghi gây được ấn tượng, đem cái “tạng” của mình trong hồn chữ, vẫn thu hút người đọc, không mất đi ý niệm nghiêng về trực cảm: “Ngày trở mùa / ủ phố màu sương / biết giấu vào đâu ngón tay buốt nhớ giọt tình / khi hạnh phúc câu cặm đời mình / chưa một lần rung đập / Tháng mấy rồi / ngồi ướp người lịm giữa mùa sen / để tỉnh say vành nón nói cười / để nỗi xa hóa men sành sứ / bọc Huế vào mơ”.

Thơ Nguyễn Thiền Nghi đa phần không vần, nhưng vẫn có nhịp điệu, lẫn trong ngôn từ cũ – mới để rồi thăng hoa, lan tỏa, đồng vọng đến với người đọc. Nhiều bài, mới đọc qua, cảm thấy ngỡ ngàng, bởi cách dùng chữ, hiển lộ phần nào tính cách trầm lặng, bình dị, không phô trương, ồn ào.

Sự khiêm tốn, chân tình, thân ái, hòa đồng với bạn bè, có lẽ là sợi dây nối kết, cho thơ thêm nguồn vui sống.

Những chiều vào Thành nội, bạn bè ngồi nhâm nhi cà phê trong quán cóc, nhìn mưa thu chợt về, ngỡ như men mùa trời đất, cất thành hồn chữ trong bình rượu quý, chạnh nhớ câu thơ của người bạn thơ vong niên Kiều Trung Phương:…“Thơ hay khác nào rượu quý/ chỉ giọt thôi cũng đủ say rồi”.

N.T