Văn Thành Chương
Sau những ồn ào xung quanh việc bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” được trao giải cao nhất trong cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ vào cuối tháng 4 vừa qua, tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) đã nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Từ tháng 4 đến nay, cùng với công việc nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái, anh Tòng Văn Hân vẫn miệt mài làm thơ, viết sách, báo và dạy chữ Thái cổ cho đồng bào của mình.
Tác giả bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” vẫn miệt mài gieo hạt trên cánh đồng chữ.
Anh Hân cho biết, anh đang tập trung để hoàn thành cuốn sách về “Tập quán hái lượm, khai thác sản vật và ứng xử với rừng”.
Nói về công việc sáng tác, tác giả bài thơ gây ồn ào chia sẻ, từ tháng 4 đến nay, anh đã xuất bản được 3 tập truyện thơ “Phiêu du ca” của dân tộc Thái và viết nhiều bài về Hương sắc bản Mường theo đặt hàng của các báo và tạp chí. Bên cạnh đó, anh cũng sáng tác được một số bài thơ và sẽ công bố vào dịp phù hợp.
Được biết, công việc chiếm nhiều thời gian nhất của anh Tòng Văn Hân trong giai đoạn này là tham gia các hoạt động của nhóm Tiên Phong Điện Biên. Công việc chính là dạy chữ Thái cổ cho đồng bào chưa biết chữ nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc.
Anh Tòng Văn Hân trong một buổi dạy chữ Thái cổ.
Được biết, nhóm Tiên Phong Điện Biên là thành viên của mạng lưới Tiên Phong (Tiên Phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số) được Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thành lập với sứ mệnh: Cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa. Từ năm 2015 đến nay, đã có 25 thành viên đại diện cho nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số từ 20 tỉnh, thành.
Nằm trong các hoạt động của nhóm, anh Tòng Văn Hân đang đảm nhiệm vai trò chính trong dự án “Truyền dạy chữ Thái cổ”. Đây là dự án hỗ trợ những đồng bào dân tộc Thái tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên – quê hương của anh. Lớp học đã được triển khai từ ngày 20/8 với gần 30 thành viên là đồng bào dân tộc Thái tự nguyện tham gia, theo học.
Hằng ngày, anh mệt mài giúp học viên tìm hiểu về chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc mình. Với mục tiêu truyền dạy cho những người chưa biết chữ Thái nhớ được mặt chữ, các ký tự cổ, rồi tiến tới viết, đọc được chữ Thái cổ. Từ đó, người học tiếp cận được các văn bản chữ Thái, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Anh Tòng Văn Hân (ngoài cùng, bên phải) cùng các thành viên nhóm Tiên Phong trao quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do COVID-19.
Ngoài ra, anh Tòng Văn Hân cùng nhóm Tiên Phong cũng đã triển khai nhiều hoạt động xã hội góp phân cùng nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19.
Tháng 7 vừa qua, nhóm đã hỗ trợ cho 200 hộ nghèo và những người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thuộc Bản Liếng, xã Noong Luống và bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn (Huyện Điện Biên). Mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như nước mắm, dầu ăn, mì chính, xà phòng giặt với tổng giá trị 1 tỉ đồng được hỗ trợ từ Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, sau khi bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ đã gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn. Nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là thơ, thậm chí còn có người nói “Đây là trao giải cho bài thơ dở nhất Việt Nam”.
Trước những ồn ào đó, anh Tòng Văn Hân khẳng định, mình không phải người làm thơ giỏi và không có ý muốn so tài cao thấp với các nhà thơ chuyên nghiệp.
“Khi viết bài thơ này, tôi cũng chỉ muốn kể lại một nét văn hóa trong cộng đồng của dân tộc mình” – anh Hân nói.
Theo LĐO